Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh.

Giai đoạn từ 2015 đến 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5-10,9%.

Trong khi đó, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 05 năm trở lại đây.

“Mảnh đất” bán lẻ Việt Nam màu mỡ

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam sáng 20/3/2019, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường bán lẻ ở các thành phố, các đô thị phát triển với các hình thức tổ chức văn minh hiện đại; thị trường bán lẻ ở vùng nông thôn cũng được quan tâm phát triển, mở rộng với đa dạng các loại hình, thương mại điện tử bán lẻ đã bước đầu phát triển mạnh mẽ.

Môi trường kinh doanh trên thị trường bán lẻ ngày càng thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trao đổi, mua bán có nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philipin là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...).

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực

 

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, thời gian gần đây, có thể thấy thị trường bán lẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ do nền kinh tế được phục hồi và đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng cao.

Trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ chủ yếu bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt.

Đồng thời, việc kết thúc đàm phán và ký các hiệp định như Đối tác tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định thương mại với EU (EVFTA), hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nước ngoài lớn đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Sài Gòn Co.op, Vingroup… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, thông qua việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ năm 2009, hàng Việt Nam vẫn giữ được chỗ đứng tại các kênh phân phối bán lẻ truyền thống và hiện đại. Theo báo cáo của các Sở Công Thương các địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị vẫn được duy trì ở mức cao trên 80%, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 65% đến 95%, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Tỷ lệ hàng Việt tại một số nhà bán lẻ: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vinmart (96%), Vissan (95%), Hapro (95%)…), Lotte, Big C (90%), AEON - Citimart (82-85%), Auchan (65%), TTTM Emart (96%), TTTM Saigon Centre (68%)…;

Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam
Toàn cảnh Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam sáng 20/3/2019

 

Nắm bắt xu thế bán lẻ để chiếm lĩnh thị trường

Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước cho thấy, các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại tại Việt Nam như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng.

Nếu năm 2010, cả nước có khoảng 8.500 chợ, hơn 500 siêu thị và gần 100 trung tâm thương mại thì đến năm 2017 có 8.539 chợ, 957 siêu thị và 189 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở các thành phố lớn.

Thực tế, tại Việt Nam hiện nay, kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đóng góp rất lớn, khoảng 83%, ở lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng nhanh, trong khi kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 17%

Tuy nhiên, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Khu vực Miền Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, kênh bán lẻ hiện đại đã đạt mức tăng trưởng lên tới 13% với 7.012 cửa hàng, trong đó có 4.541 minimart và cửa hàng đồ ăn, cho thấy sự chuyển dịch về xu hướng cửa hàng nhỏ trong thời gian vừa qua cũng như những năm tới, kết hợp với cầu nối giữa nhu cầu người tiêu dùng với môi trường bán lẻ hiện tại thông qua thương mại điện tử và các lựa chọn giao hàng nhanh chóng.

Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Khu vực Miền Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam

Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Khu vực Miền Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết kênh bán lẻ hiện đại đã đạt mức tăng trưởng lên tới 13% với 7.012 cửa hàng toàn quốc

 

Nghiên cứu của Nielsen Việt Nam đưa ra người tiêu dùng Việt đang có xu hướng đặc biệt yêu thích sự tiện lợi, quan tâm đến sức khỏe cũng như ưa chuộng và sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm cao cấp.

Cũng theo đại diện Nielsen Việt Nam, năm 2019, bán lẻ đa kênh sẽ là xu thế nổi bật của thị trường bán lẻ Việt Nam.

“Hành trình mua hàng của người tiêu dùng không còn là đường thẳng, mà thông qua nhiều kênh với rất nhiều điểm chạm, kết hợp giữa online và offline (trực tuyến và trực tiếp)”, bà Đặng Thúy Hà khẳng định.

Bà Đặng Thúy Hà nhấn mạnh, nhu cầu của người tiêu dùng cho sự tiện lợi có thể xem là kim chỉ nam cho sự đổi mới của các doanh nghiệp và các kênh bán lẻ hiện nay, trong đó cần cung cấp cho người dùng một nơi có tất cả các sản phẩm và dịch vụ, với giờ mở của lâu hơn, đặc biệt bán các thực phẩm tươi hoặc thức ăn, nguyên liệu nấu sẵn. Doanh nghiệp bán lẻ cũng cần chú ý đến trải nghiệm của người tiêu dùng, khi họ mong muốn dễ dàng lựa chọn, dễ dàng thanh toán trong không gian tự do, nhanh chóng, không bị làm phiền.