Cao su Việt Nam
 Thị trường cao su thế giới được dự báo sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới trong giai đoạn 2022 - 2024 khi nhu cầu sử dụng phục hồi nhưng nguồn cung có xu hướng suy giảm.

Dữ liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 250.000 tấn, trị giá 428,67 triệu USD. Tính chung cả năm vừa qua, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,955 triệu tấn, trị giá 3,278 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng tới 37,5% về kim ngạch so với năm 2020. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 thế giới với sản lượng chiếm 8,1% tổng sản lượng cao su toàn cầu, đứng sau Thái Lan (33,2%) và Indonesia (27,2%).

Sau thời gian dài suy giảm thì trong năm 2021, ngành cao su Việt Nam bắt đầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về cả giá xuất khẩu và khối lượng xuất khẩu. Về cơ cấu thị trường, mặc dù xuất khẩu cao su sang Trung Quốc suy giảm nhưng các thị trường quan trọng khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Canada… đều ghi nhận xu hướng tăng. Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 68,1% tổng lượng cao su xuất khẩu trong năm 2021.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) dự báo, trong giai đoạn 2022-2024, thị trường cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần khi diện tích canh tác lẫn sản lượng cao su tại nhiều nơi trên thế giới suy giảm trước các tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cao su trong các hoạt động công nghiệp đang có xu hướng tăng lên. Vì vậy hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá và tổng kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 có thể vượt mốc 3,5 tỷ USD.

Một trong những yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2022 là, tính đến nay, 55.000ha diện tích rừng cao su đã đạt chứng chỉ VFCS/PEFC (hệ thống Chứng chỉ quản lý rừng bền vững) và dự kiến diện tích rừng cao su được cấp chứng chỉ sẽ đạt 100.000ha trong quý 1/2022.

Với diện tích đạt chứng chỉ hiện có này, 85.000 tấn cao su thiên nhiên và 300.000 tấn gỗ cao su có chứng nhận bền vững sẽ được khai thác và đưa vào sản xuất và thương mại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cao su và các sản phẩm từ gỗ cao su của Việt Nam thâm nhập các thị trường cao cấp như EU với mức giá hấp dẫn.