Xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 19% trong hai tháng đầu năm

Theo Bộ Công Thương, ngay ở thời điểm cuối năm 2018 và đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đủ đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu năm 2019, thậm chí là cả năm.

Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 4,89 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, một số sản phẩm có mức tăng trưởng cao như: vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 89,5 triệu m2, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 164 triệu m2, tăng 13,5% và quần áo mặc thường ước đạt 773,9 triệu cái, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Bộ Công Thương, ngay ở thời điểm cuối năm 2018 và đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu năm 2019, thậm chí là cả năm.

Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư đổ vào ngành dệt may trong những năm gần đây cũng đã và đang dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may trong nước, từ đó tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn.

Năm 2018, xuất khẩu dệt may là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam.

Đánh giá về những đóng góp của ngành, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, với con số 36,164 tỷ USD, xuất khẩu toàn ngành dệt may năm vừa qua đã vượt xa so với dự đoán.

"Con số này càng đặc biệt khi nguồn cầu nhảy vọt trong hai quý giữa năm và suy giảm trong quý cuối cùng của năm 2018 lại đặt các chủ doanh nghiệp và người làm công tác thị trường vào một vấn đề mới khó lường," ông Trường nói.

Dù vậy, trước thách thức của năm 2019, để giữ được thị trường và mức tăng trưởng từ 8%, ông Trường cho rằng, ngành Dệt may Việt Nam cần đầu tư cơ bản, có chiều sâu để cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động và hạ chi phí lao động trên một sản phẩm, giảm nhân sự trong khi vẫn tăng sản lượng.

Bên cạnh đó, ngành cần tập trung chăm sóc người lao động cả về điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, tăng các điều kiện sinh hoạt, giá trị văn hóa và tinh thần để bảo toàn lực lượng lao động lành nghề.

Ông Trường cũng lưu ý đến việc xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp từ Sợi - Dệt Nhuộm hoàn tất - May để tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, trên cơ sở coi lợi nhuận tổng cho toàn chuỗi quan trọng hơn lợi nhuận của riêng một doanh nghiệp…