Theo Hiệp hội Chế biến và Chế biến Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính tới 15/5/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada đạt 100 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sang Canada đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong hai năm trở lại đây. Thị trường Canada được đánh giá còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Canada là thị trường NK lớn thứ 3 của tôm Việt Nam trong khối CPTPP, chiếm 22% tổng XK tôm Việt Nam vào khối thị trường này. Canada là thị trường NK đơn lẻ lớn thứ 6 của tôm Việt Nam, chiếm 6,3% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường.

Tính tới nửa đầu tháng 5 năm nay, XK tôm sang Canada ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các thị trường còn lại trong khối CPTPP. Sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực trong năm 2019, XK tôm Việt sang Canada năm 2020 đạt 187 triệu USD, tăng 23% so với năm 2019. XK tôm sang Canada năm 2021 cũng tăng 18% so với năm 2019, đạt 180 triệu USD. Tính tới nửa đầu tháng 5 năm nay, XK tôm sang thị trường này cũng ghi nhận mức tăng trưởng 87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước năm 2020, XK tôm sang Canada khá ổn định, dao động từ 152 triệu USD-162 triệu USD trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019.

Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm, hiện có khoảng 80 doanh nghiệp XK tôm sang Canada trong đó có các doanh nghiệp XK nhiều nhất như công ty Minh Phu Seafood Corp , Minh Phu-Hau Giang, Stapimex, Vina Cleanfood, Cuu Long Seapro…

Sản phẩm tôm xuất đi Canada khá đa dạng với các sản phẩm nổi bật như tôm chân trắng luộc PDTO đông lạnh; tôm chân trắng bỏ đầu còn đuôi EZP tươi đông lạnh; tôm chân trắng còn vỏ, bỏ đầu, mổ lưng đông lạnh; tôm chân trắng bỏ đầu, còn đuôi EZP tươi đông lạnh, tôm chân trắng bỏ đầu chừa đuôi xẻ bướm tẩm gia vị đông lạnh; tôm chân trắng bỏ đầu bỏ đuôi PD tươi đông lạnh, tôm chân trắng PTO hấp đông lạnh, tôm sú tươi đông lạnh…

Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 3 tháng đầu năm 2022, NK tôm của Canada đạt trên 161 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ là nguồn cung tôm lớn nhất cho Canada, chiếm 27% thị phần. Các nguồn cung lớn tiếp theo lần lượt là Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador. Trong số các nguồn cung tôm cho Canada 3 tháng đầu năm nay, NK tôm vào Canada từ Ecuador tăng mạnh nhất.

Những năm gần đây, Canada tiêu thụ khá nhiều tôm nước ấm của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh nguồn cung tôm nước lạnh sụt giảm. Đây có thể được coi là yếu tố thuận lợi cho XK tôm Việt Nam sang Canada.

Canada có chính sách đón nhận người nhập cư mỗi năm trong đó nhóm người dân nhập cư là người châu Á chiếm tỷ lệ cao. Họ rất ưa thích thủy sản trong đó có tôm. Doanh nghiệp có thể khai thác nhóm khách hàng tiềm năng với nhu cầu đa dạng này.

Thị trường Canada không có hạn ngạch XK, các sản phẩm thủy sản Canada và Việt Nam mang tính tương hỗ lẫn nhau hơn là cạnh tranh trực tiếp và sản phẩm NK vào Canada dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ và ngược lại khi thương mại Canada và Mỹ chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Canada.

Dù tiềm năng lớn nhưng trên thị trường Canada, tôm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đến từ Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Ecuador… Các doanh nghiệp Việt Nam định hướng XK vào thị trường Canada cần nghiên cứu thông tin, hoạch định chiến lược cụ thể để tiếp cận và đẩy mạnh XK sang thị trường này.

Sau hơn 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam (14/01/2019), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường các nước trong CPTPP thu về những kết quả khá ấn tượng, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.

Bên cạnh những thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, các khu vực khác như Mỹ Latin hoặc khu vực châu Đại Dương cũng đều có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng đạt mức hai con số.

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu, đó là sản phẩm thủy sản Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường các nước trong khối Hiệp định CPTPP.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 10 thị trường thành viên trong khối CPTPP hiện đang chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.