Tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng ngày 14/9, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội 8 tháng của 2 vùng đã đạt được những kết quả khả quan.

Cụ thể, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh. Các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của 2 vùng đều cao hơn mức bình quân chung cả nước, trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng nằm ở nhóm cao nhất cả nước. Hòa Bình 16,1%, Vĩnh Phúc 14,21%, Hải Phòng 13,52%, Sơn La 10,67%, Hà Nam 10,41%, Bắc Giang 10,2%, Lai Châu 10,08%,...

Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng của 2 vùng đạt 406,62 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,25% số thu cả nước; Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 108,62 tỷ USD, chiếm trên 50% cả nước;

Tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 36,1% cả nước; Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 30.360 DN, chiếm 37,2% cả nước.

Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang,… đã kiểm soát tốt dịch bệnh góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,… đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Trên tinh thần đó, một số vấn đề mang tính gợi mở đã được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến để các đại biểu tập trung nghiên cứu, tham luận.

Một là, đề nghị các địa phương đánh giá toàn diện, phân tích các mặt được, chưa được và làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp đối với tình hình triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư 8 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2021. Trong đó, đánh giá rõ việc dự kiến kết quả thực hiện chỉ tiêu GRDP của các địa phương trong năm 2021.

Hai là, các địa phương kiến nghị các giải pháp đúng, chia sẻ cách làm hay để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và triển khai kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là công tác giải ngân trong 9 tháng đầu năm và những tháng cuối năm 2021 trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về công tác giải ngân vừa qua. Tập trung vào việc khả năng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm phải đạt tối thiểu 60% kế hoạch đã được giao từ đầu năm.

Ba là, dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022. Trong đó, cần tập trung về công tác dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới”, nêu bật những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giải đáp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

Bên cạnh đó, cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực tại địa phương như về quy hoạch, đầu tư công, khắc phục các tác động của dịch bệnh Covid-19, các vấn đề về doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội…

Bốn là, các địa phương nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng.

Năm là, đối với công tác quy hoạch, Chính phủ đã có hội nghị chuyên đề riêng về nội dung này. Tuy nhiên, trong khuôn khổ cuộc họp hôm nay, đề nghị các địa phương nêu thêm các khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiến nghị đề xuất đối với việc triển khai công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch có liên quan.

Sáu là, quán triệt Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó đặc biệt chú trọng 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược.