Điện mặt trời áp mái tại Sở Khoa học và Công nghệ Long An
Điện mặt trời áp mái tại Sở Khoa học và Công nghệ Long An

Xúc tiến đầu tư tại chỗ

Với vị trí địa lý, giao thông thủy, bộ thuận lợi lại được quy hoạch sẵn tạo hiệu quả tích cực làm cơ sở giúp Long An thực hiện tốt xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, năng lượng tái tạo

Hiện Long An có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký với 192 dự án, vốn đầu tư 1.001 triệu USD; kế đến là, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore…

Vốn đầu tư nước ngoài phần lớn tập trung vào các lĩnh vực may mặc, da giày, chế biến thức ăn, chế biến thực phẩm đồ uống và các dự án tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An.

Long An cũng được xem là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) và thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Sở dĩ Long An thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo là do tỉnh đã chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư. Cụ thể, Long An tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư ở cả 3 hình thức: Xúc tiến đầu tư trong, xúc tiến đầu tư ngoài nước, và xúc tiến đầu tư tại chỗ để thu hút nguồn vốn lớn.

Trong đó, xúc tiến đầu tư tại chỗ được cho là hết sức quan trọng, thông qua việc chuẩn bị sẵn quỹ đất công nghiệp đã đầu tư hạ tầng, đủ điều kiện tiếp nhận dự án đầu tư trực tiếp; thực hiện tốt việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, thuế, hải quan, lao động, xuất nhập cảnh…

Chuyển hướng vào công nghiệp và năng lượng

Lũy kế đến nay, Long An đã thu hút được trên 8 tỷ USD đầu tư trong và ngoài nước, được coi là thắng lợi lớn đối với một tỉnh đứng thứ 15 về số dân, nhưng xếp thứ 10 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 13 về GRDP bình quân đầu người, và đứng thứ 14 về tốc độ tăng trưởng GRDP.

Công nghiệp chế biến cùng với năng lượng tái tạo đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh
Công nghiệp chế biến cùng với năng lượng tái tạo đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh vẫn thẳng thắn nhìn nhận, Long An vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, những dự án có giá trị gia tăng, công nghệ cao. Vì thế, Long An đã chủ động lập “Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và mới đây đã Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt.

Việc lập “Quy hoạch tỉnh Long An nhằm phát triển bền vững theo hướng chú trọng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, năng suất lớn, chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử.

Trên thực tế Long An hiện có 30 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 10.940,7ha, trong đó có 17 khu đã đi vào hoạt động và 40 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CCN-TTCN) với diện tích 4.428,24ha, trong đó có 9 cụm đã đi vào hoạt động.

Đến thời điểm này, tỉnh có 16 dự án ĐNLMT đăng ký đầu tư trên địa bàn. Ngoài những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, sức hút của dự án ĐNLMT còn lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp cũng như hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, đầu tư ĐNLMT áp mái tuy tốn chi phí ban đầu nhưng họ có thể chủ động trong quá trình sản xuất và tiết kiệm chi phí đầu vào trên từng sản phẩm.

Việc lập quy hoạch cho phép Long An chuyển hướng xúc tiến đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo, hai lĩnh vực đóng góp rất lớn vào GRDP của tỉnh hiện nay và trong tương lai.