TIN TỨC - SỰ KIỆN

Giá thành hạt lúa vẫn là ẩn số

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng kế hoạch hướng dẫn giá thành sản xuất lúa để các tỉnh ĐBSCL tính toán công bố ngay từ đầu vụ nhằm đảm bảo đến khi bán, nông dân lời tối thiểu 30%. Vụ lúa đông xuân 2009 - 2010 diện tích hơn 1,5 triệu hécta chỉ còn ít ngày nữa là dứt điểm thu hoạch. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chuẩn bị  mua tạm trữ thêm 500.000 tấn cho dân. Tuy nhiên đến giờ, “gạo sắp vào nồi” nhưng giá thành lúa vẫn... chưa có. Ngày 9/4, tại TPHCM, VFA họp báo công bố: Bắt đầu từ ngày này, hơn 30 DN thành viên VFA sẽ thu mua tạm trữ đợt 2 khoảng 500.000 tấn gạo dự trữ đợt 2 sau khi đã hoàn thành mua 1 triệu tấn gạo đợt 1. Giá mua lúa khô  tối thiểu 4.000 đồng/kg. Ở đợt mua 1 triệu tấn gạo đầu tiên, VFA tự tính mức giá thành sản xuất lúa là 2.200 đồng/kg, nên cũng... tự đặt ra giá mua tối thiểu 4.000 đồng/kg để nông dân... có lời tối thiểu 30% trở lên. Trong khi đó, có địa phương thì cho rằng, giá thành lúa ở địa phương mình lên tới 3.500 - 3.900 đồng/kg, nếu mua 4.000 đồng/kg thì dân lỗ. VFA chỉ đại diện và bảo vệ quyền lợi cho DN, trong khi chức năng này thuộc Bộ Tài chính và chính quyền các tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng. Nên việc VFA vừa là người thu mua, vừa là người công bố giá thu mua, khiến nhiều địa phương bức xúc. Đến đợt mua 500.000 tấn lần này, VFA cũng chỉ công bố giá... 4.000 đồng/kg như đợt 1. Trả lời chất vấn của Lao Động, ông Phạm Văn Bảy (Phó Chủ tịch VFA) - cũng thừa nhận giá trên do VFA tự tính. Bởi đến giờ này, UBND các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa công bố chính thức giá thành lúa. Trong khi đó, “lệnh” của Chính phủ là phải đảm bảo mua lúa tạm trữ để tránh cảnh lúa tồn, gạo ế. Còn “gạo thì sắp thành cơm” khi hơn 1,5 triệu hécta lúa đông xuân cơ bản đã thu hoạch xong, vụ hè thu đã xuống giống hàng loạt. Áp lực buộc VFA lại phải “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tiếp tục... tự tính giá thành để ra giá mua, làm thay luôn cả nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Ông Bảy nói: Nhiều DN hiệp hội khác không làm được như các thành viên VFA khi “dũng cảm” bỏ tiền túi ra mua nông sản tạm trữ giúp dân, giữ giá nên không phải bỗng nhiên VFA được khen. Ở đợt mua gạo lần này, 30 thành viên VFA cũng sẽ tự bỏ tiền túi hoặc vay và chịu lãi suất ngân hàng chứ không ưu ái đặc quyền gì. Nhưng cũng theo ông Bảy, năm 2009 các thành viên VFA mua lúa tạm trữ giúp dân được ưu đãi còn 0% lãi suất. Đồng nghĩa với xác suất “thua” của các DN cực kỳ hạn chế. “Đảm bảo nông dân lời 30%” là hạn mức tối thiểu Chính phủ buộc các cơ quan, DN phải thực thi nên xác suất “thua thiệt” của người trồng lúa sẽ không lớn, nhưng với điều kiện cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không “lề mề” để gây cảnh “tranh tối, tranh sáng” trong việc công bố giá thành lúa. Còn nếu cứ để VFA “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và “tuỳ thuộc lương tâm DN” trong bối cảnh nông dân vì áp lực không kho chứa, ngập đầu nợ phân bón thuốc trừ sâu... thì không ai chắc tất cả người trồng lúa sẽ lời tối thiểu 30%. (Lao Động 10/4)

Lương thực, thực phẩm có dấu hiệu bị “làm giá”         

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), mặt bằng giá lương thực, thực phẩm trong những tháng đầu năm 2010 không có hiện tượng tăng cao đột biến trên diện rộng như cùng kỳ năm 2009 nhưng hiện tượng tăng giá lại khá mạnh, diễn ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Với tình hình sản xuất, cung ứng đảm bảo liên tục từ quý 4/2009, hiện tượng tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán chủ yếu do yếu tố đầu cơ, lợi dụng tình trạng thiếu hụt cục bộ (như mặt hàng bia, nước giải khát tại các tỉnh phía bắc) để đẩy giá tăng đồng loạt. Tuy nhiên, cùng với khả năng cung ứng dồi dào, năng lực điều tiết phân phối lưu thông tốt đã giúp giá lương thực, thực phẩm (đặc biệt là các sản phẩm tươi sống) sau Tết giảm nhanh hơn so với thường lệ. Đến thời điểm này, vụ Đông Xuân bước vào thu hoạch và tại ĐBSCL đang là cao điểm, sản lượng cả vụ dự báo đạt khoảng 9,5 - 10 triệu tấn. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang tăng cường thu mua tạm trữ, giá lúa đã tăng nhẹ từ đầu tháng 3 (đến giữa tháng đạt 4.000 - 4.200đ/kg) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước Tết. Đối với các mặt hàng thực phẩm, mức tăng giá chủ yếu là ở nhóm lương thực thiết yếu là thịt lợn và một số sản phẩm có nhu cầu cao trong dịp Tết như thịt gà, tôm khô... Hiện tượng tăng giá diễn ra rộng khắp tại các tỉnh phía Bắc, là nơi nắng nóng bất thường kéo dài. Giá bia, nước giải khát lên cao hơn thường lệ, mức tăng giá dao động từ 20.000 - 50.000 đồng, tương đương 15 - 20% so với thời điểm đầu năm. Mặc dù các nhà sản xuất đều cam kết đủ hàng nhưng tình trạng các đại lý “găm hàng” để đẩy giá lên rất phổ biến. Tại các tỉnh ĐBSCL, TPHCM dù nguồn cung rất dồi dào song vẫn còn tình trạng giá cả giảm chậm tại một số chợ do hạn chế trong khâu lưu thông. Giá các mặt hàng rau không có nhiều khác biệt giữa các địa phương nhưng tại TPHCM, giá hoa quả tươi lại cao hơn khoảng 6% so với giá tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh. Có thể nói, bất lợi lớn trong diễn biến giá lương thực, thực phẩm trong quý 1/2010 là hiện tượng “làm giá” diễn ra rộng khắp tại các địa phương theo lộ trình rất bài bản. Từ tháng 9 đến tháng 12-2009, mượn đà tăng giá các mặt hàng nhiên liệu và tin đồn thất thiệt, giá lương thực đã tăng, ngay cả đối với các mặt hàng mà nguồn cung dư thừa như gạo, thịt lợn, thủy hải sản, rau xanh. Tại hai địa bàn chính là Hà Nội và TPHCM, mỗi đợt tăng giá trong thời gian này đều xuất hiện mức tăng từ 10 - 15%, cả trong hệ thống siêu thị lẫn các chợ, tiểu thương. Các mặt hàng mà nhu cầu chỉ thực sự cao trong dịp Tết như rượu, bia giá cũng đã tăng từ thời điểm này, mức tăng tuy thấp (từ 3 - 5%) nhưng có xu hướng ngày càng tăng. Theo chu kỳ, giá cả mặt hàng này đạt đỉnh trong những ngày sát Tết, bởi vậy mức tăng từ cuối tháng 12-2009 đến giữa tháng 2-2010 của rượu bia lên tới 25 - 30%. Đặc biệt, tại các tỉnh phía bắc, do nắng nóng bất thường nên khả năng cung ứng bia, nước giải khát gặp rất nhiều khó khăn (do các đại lý “găm hàng”) khiến giá cả các mặt hàng vẫn còn cao dù nhu cầu giảm mạnh sau Tết. Theo dự báo, năm 2010 thị trường thực phẩm sẽ đối mặt với nhiều áp lực do thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng lên. Cạnh tranh giữa thực phẩm trong nước với thực phẩm nhập ngoại cũng tăng do thuế nhập khẩu giảm theo các cam kết mở cửa thị trường. Trong khi đó, nắng nóng bất thường kéo dài tại các tỉnh phía bắc đã ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tiêu thụ bia, nước giải khát. (Công An TPHCM 10/4)

Phần tin công nghiệp ĐIỆN LỰC

Sản lượng điện có thể thiếu 2-5%

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mức thiếu hụt điện năng của hệ thống điện quốc gia trong quý 2 năm nay có thể lên đến 10-15 triệu kWh/ngày. EVN đã yêu cầu các doanh nghiệp tiết kiệm 5-10% tiêu thụ điện. Theo thông báo mới của EVN, lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc tiếp tục thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm (đạt 48-56%). Tính đến ngày 31/3, mức nước ở hầu hết hồ thủy điện đều thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2009: Hòa Bình thấp hơn 1,28m, Thác Bà thấp hơn 3,93m, Tuyên Quang thấp hơn 12,98m, Đại Ninh thấp hơn 7,86m… Tổng lượng nước thiếu hụt so với năm 2009 tương đương 500 triệu kWh điện.Riêng trong quý 1 năm nay, điện do EVN sản xuất và mua từ các nhà máy ngoài EVN là 21,804 tỉ kWh, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó điện sản xuất của EVN là 12,977 tỉ kWh (tăng 9,97%), điện mua ngoài là 8,827 tỉ kWh (tăng 41,69%) so với cùng kỳ.Về điện thương phẩm, EVN cho biết lũy kế 3 tháng đầu năm 2010, điện thương phẩm ước thực hiện được 18,512 tỉ kWh (18,744 kWh, bao gồm cả lượng điện bán cho Campuchia), tăng 19,68% so với cùng kỳ. Trong đó điện cấp cho công nghiệp và xây dựng tăng 25,5%, chiếm tỉ trọng 50,9% (cùng kỳ 2009 là 47,7%). Điện cấp cho quản lý và tiêu dùng tăng 10,3%, chiếm tỉ trọng 39,4% (cùng kỳ 2009 là 42,36%). Cũng theo đó, trong quý 1 các công ty điện lực đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp… chủ động thực hiện tiết kiệm điện và đạt 170 triệu kWh, xấp xỉ 0,9% điện thương phẩm. (Tuổi Trẻ 10/4)

Miền Trung, Tây Nguyên tiết kiệm được trên 14,1 triệu kWh điện 

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC), nhờ thực hiện tốt công tác tiết kiệm điện (TKĐ), trong quý I, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã tiết kiệm được trên 14,1 triệu kWh điện, tăng 5,06% kế hoạch giao. Trong đó, chiếu sáng công cộng gần 1,7 triệu kWh, sinh hoạt 5,2 triệu kWh và hành chính sự nghiệp 2,1 triệu kWh.Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ năm 2009, EVN CPC triển khai thí điểm khuyến khích người dân sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Năm 2010 sẽ lắp đặt 2.000 bình; trong đó 1.000 bình nằm trong chương trình, sẽ tiết kiệm được 3.240.000 kWh/năm. EVN CPC sẽ bán 500.000 bóng đèn compact TKĐ. Nếu số bóng đèn này được đưa vào sử dụng trong 3 tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 6) sẽ tiết kiệm được 12 triệu kWh. Chỉ tiêu TKĐ của EVN CPC trong năm nay là 60 triệu kWh. (Hà Nội Mới 10/4)

3 tháng đầu năm điện thương phẩm đạt trên 18,7 tỷ EkWh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 3 tháng đầu năm nay, điện thương phẩm cả nước đạt trên 18,7 tỷ EkWh, tăng 19,68% so với cùng kỳ. Trong thời gian này, điện cấp cho công nghiệp và xây dựng tăng 25,5%, chiếm tỷ trọng 50,9% trong khi cùng kỳ năm trước là 47,71%. Đây là yếu tố chính chi phối mức tăng trưởng phụ tải, trong đó mức tăng sử dụng điện cao tập trung ở nhóm ngành sản xuất ximăng, thép, vật liệu xây dựng, gia công cơ khí. Ngoài năng lực sản xuất công nghiệp được phục hồi và tăng trưởng trước đó, trong quý I.2010 đã có thêm 77 khách hàng công nghiệp lớn bước vào sản xuất. (Đại Biểu Nhân Dân 11/4)

DẦU KHÍ

80 doanh nghiệp gas có nguy cơ đóng cửa

Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị thông qua Nghị định 107/2009 về kinh doanh gas tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Khoảng 80 doanh nghiệp gas trên cả nước đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không đáp ứng đủ điều kiện mà nghị định này quy định. Một trong những quy định làm doanh nghiệp lo lắng tại Nghị định 107 là để được xuất nhập khẩu LPG (gas), thương nhân phải đáp ứng điều kiện có tối thiểu 300.000 chai gas các loại... Ngoài ra, điều kiện đối với thương nhân phân phối gas cấp 1 là phải có kho với tổng sức chứa các bồn tối thiểu 800 m3 đến 3.000 m3… Cũng theo nghị định này, các cơ sở kinh doanh gas đang hoạt động không đáp ứng đủ các điều kiện chỉ được hoạt động đến hết ngày 30/9/2010. Lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh gas vừa và nhỏ đều cho rằng rất choáng váng khi đọc những quy định này. Theo các doanh nghiệp, quy định này trái với Luật Doanh nghiệp, ảnh hưởng mạnh đến sự sống còn của các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy hiện nay tại các doanh nghiệp, đại lý, người sử dụng đã có chai gas và kho tồn trữ đáp ứng đủ nhu cầu của từng địa phương thì việc đầu tư chai gas và kho thêm nữa để làm gì? Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Miền Đông (TP Đà Lạt) cho rằng: “Không có lý do gì để được kinh doanh gas phải làm một trạm chiết có sức chứa tối thiểu 800 m3. Nếu phải dự trữ thì có thể dự trữ sẵn trong bình gas chứ không nhất thiết phải đi xây kho chứa với khối lượng lớn như vậy. Các đơn vị có thương hiệu, có thế mạnh về tổ chức, phân phối gas chai không nhất thiết phải đi xây kho mà phải để họ mua lại hàng của đơn vị có thế mạnh về kinh doanh kho và xuất nhập khẩu. Có như vậy thị trường mới tối ưu, giúp hạ giá thành, góp phần tăng năng lực cạnh tranh. Các đơn vị xuất nhập khẩu giỏi nhưng yếu về phân phối gas chai thì không lý gì bắt họ phải đầu tư 120 tỉ đồng để có 300.000 chai gas (giá 400.000 đồng/vỏ chai gas) thì mới cho họ quyền nhập khẩu gas. Nếu quy định như thế thì ngành kinh doanh gas sẽ phải lãng phí không biết bao nhiêu tiền một cách kém hiệu quả vào việc mua sắm chai gas và xây kho chứa”. Hiện cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp kinh doanh, chiết xuất gas. Nếu quy định 300.000 vỏ chai gas/doanh nghiệp sẽ làm cho mức tổng đầu tư cũ và mới của cả nước vượt trên 24 triệu vỏ chai gas, tương đương gần 10.000 tỉ đồng. Trong khi thực tế tổng nhu cầu gas dân dụng hiện nay chỉ khoảng 700.000 tấn/năm, cần tổng nhu cầu khoảng 8 triệu vỏ chai gas với quy mô vốn chỉ 3.200 tỉ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng thị trường vỏ chai gas đã lãng phí hơn gấp ba lần vốn cần thiết. Đáng lưu ý hơn, nhà máy sản xuất vỏ chai gas lớn nhất hiện nay của PetroVietnam sản xuất hết công suất liên tục trong một năm cũng chỉ được 300.000 vỏ. Thế nhưng theo quy định thì từ ngày nghị định được ban hành đến ngày 30/9/2010 chỉ có chín tháng, làm sao 80 doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu gas, thương nhân phân phối cấp 1 có thể mua cho đủ mỗi doanh nghiệp 300.000 vỏ chai gas? Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Dăk Nông nhận định: Những quy định trên không những tạo ra sự bất bình đẳng mà còn bóp chết các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, chiết nạp gas vừa và nhỏ. Bởi lẽ muốn tồn tại, các doanh nghiệp cần phải có vốn đầu tư khổng lồ khoảng 130 tỉ đồng để mua 300.000 vỏ chai gas và làm kho chứa 800 m3 trong khi điều kiện vốn liếng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn. Vừa qua, Chính phủ đã phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ưu đãi thông qua gói kích cầu. Quy định như vậy sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp lớn và nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng bóp chết các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm độc quyền thao túng thị trường, triệt tiêu cạnh tranh trong ngành kinh doanh gas. Cuối cùng thì người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu thiệt thòi.Ngoài ra, việc quy định mỗi đại lý chỉ được ký hợp đồng phân phối cho tối đa ba thương hiệu gas là không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho đại lý và cho người tiêu dùng. Khi các đại lý chỉ được bán có ba thương hiệu gas sẽ làm giảm cơ hội lựa chọn của người tiêu dùng trong khi trên thị trường hiện nay có nhiều thương hiệu. Mặt khác, quy định này sẽ dẫn tới việc phân phối gas phải qua nhiều cấp trung gian, chi phí gia tăng trong vận chuyển, đẩy giá thành gas đến người tiêu dùng tăng cao. Lãnh đạo trên 30 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh gas tại các tỉnh phía Nam cùng bày tỏ lo lắng rằng khi nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp là những đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất, sau ngày 30/9/2010 có thể sẽ bị phá sản hàng loạt, kéo theo hàng chục ngàn lao động thất nghiệp, tất cả công sức và tài sản đầu tư của họ sẽ trở về con số không, cộng thêm các khoản nợ ngân hàng mất khả năng chi trả… (Pháp Luật TP.HCM 10/4) 

Quảng Ninh: Các kho xăng dầu chỉ đáp ứng 70% nhu cầu phục vụ

Theo báo cáo của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 142 cửa hàng; 5 kho xăng dầu với trữ lượng 275.285m3. Các cửa hàng, kho xăng hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu phục vụ. Trong khi đó, nhiều nơi còn trống không có cửa hàng phục vụ; tình trạng cá nhân, tổ chức kinh doanh không có đăng ký vẫn hoạt động nhiều gây ảnh hưởng lớn đến mạng lưới kinh doanh xăng dầu và nguy cơ cháy nổ cao. UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục hoàn thiện và bổ sung thẩm định số liệu từng huyện, thị, đồng thời rà soát lại hệ thống cửa hàng và kho xăng dầu trên địa bàn, phân tích làm rõ lý do duy trì, di chuyển vị trí, xây dựng mới đối với từng cửa hàng cũng như kho xăng dầu. (Đại Biểu Nhân Dân 12/4)

CƠ KHÍ - HÓA CHẤT

Tiêu thụ phân bón giảm do tác động bất lợi về thời tiết 

Bộ Công Thương cho biết, quý I, sản lượng phân bón giảm so với cùng kỳ, thị trường trầm lắng do thời tiết khô hạn làm ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng. Sản lượng các loại phân bón đạt khoảng 960,6 triệu tấn, trong đó, phân urê đạt 219,1 triệu tấn, giảm 13,1%; phân NPK đạt 308,3 triệu tấn, giảm 5,6%; DAP đạt 49 nghìn tấn là mức thấp nhất so với công suất hiện có là 330 nghìn tấn/năm. Từ đầu năm đến nay, giá phân bón và nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới liên tục tăng: DAP tăng bình quân 90-120 USD/tấn, urê tăng 20-25 USD/tấn, ammoniac tăng 95-125 USD/tấn, lưu huỳnh tăng 120-130 USD/tấn… Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước không cao nên không gây biến động mạnh. Bước vào vụ hè thu, do tác động bất lợi về thời tiết, diện tích lúa một số tỉnh ĐBSCL bị ngập mặn phải xạ lại, nên mức tiêu thụ phân bón có thể chưa cải thiện nhiều. (Hà Nội Mới 12/4)

DỆT MAY – DA GIÀY

Hưng Yên: Khởi công Nhà máy may sản phẩm chất lượng cao

Sáng 9/4, tại Hưng Yên, Cty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân (Doximex) tổ chức lễ khởi công xây Nhà máy May sản phẩm dệt kim chất lượng cao.  Nhà máy May sản phẩm dệt kim chất lượng cao có tổng diện tích 6.300 m2, công suất 10 triệu sản phẩm dệt kim/năm, Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ thu hút 800 lao động, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hưng Yên trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.  Được biết, tiếp theo công trình này, Doximex sẽ tiến hành xây dựng Nhà máy may thứ hai, có công suất 10 triệu sản phẩm dệt kim/năm. Như vậy, Nhà máy Kéo sợi công suất từ 4.000 đến 6.000 tấn sợi/năm và Nhà máy Dệt kim với công suất 3.000 tấn vải/năm cùng với hệ thống kho tàng và nhà điều hành trong khuôn viên dự án, đảm bảo sau khi hoàn thành, sẽ tạo thành một chu trình sản xuất khép kín liên tục từ công đoạn kéo sợi đến dệt, xử lý hoàn tất, cắt may, hoàn thiện, nhập kho thành phẩm, xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường trong nước. (Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 10/4)

Hải Phòng: Khánh thành Nhà máy Veston cao cấp

10/4, Nhà máy Veston cao cấp Hải Phòng - Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam chính thức được khánh thành tại Hải Phòng với tổng kinh phí đầu tư 101,258 tỷ đồng. Nhà máy được xây dựng với nhà xưởng rộng 7.020m2, bao gồm 1 dây chuyền sản xuất vesston nam công nghệ Nhật Bản, 1 dây chuyền sản xuất veston nam công nghệ Âu - Mỹ, với hệ thống chuyền treo và giàn thiết bị hiện đại của CHLB Đức. Ngoài ra, Nhà máy còn có nhiều hạng mục công trình phụ trợ khác như công trình nhà nồi hơi khí nén, khuôn viên cây xanh, hồ nước… (Đại Biểu Nhân Dân 12/4)

VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Có dấu hiệu đầu cơ thép xây dựng

9/4, Tổng công ty thép VN (Vnsteel) khẳng định, sẽ không có chuyện thiếu thép trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Thanh Chủy - Phó tổng giám đốc Vnsteel - hiện công suất cán thép xây dựng trong nước đã lên tới hơn 7 triệu tấn/năm, trong khi tổng lượng tiêu thụ thép xây dựng của cả nước hiện chỉ khoảng 5 triệu tấn. Bên cạnh đó, theo số liệu của Hiệp hội Thép VN, lượng tồn kho thép xây dựng của các nhà sản xuất vẫn ở mức an toàn với khoảng 200.000 tấn, đồng thời dự trữ phôi thép cũng khoảng 530.000 tấn, cộng với lượng hàng về sẽ đủ đáp ứng cho nhu cầu các tháng tới. Vnsteel cũng hy vọng giá nguyên liệu đầu vào (quặng sắt, than mỡ, thép phế, phôi thép) sau thời gian tăng 50-100% so với năm 2009, mức tăng sẽ chậm lại trong thời gian tới. Hơn nữa, việc nhu cầu tăng mạnh trong tháng 3 có khả năng tiềm ẩn yếu tố tích trữ, đầu cơ và phần nhiều lượng thép các nhà máy bán ra vẫn chưa đưa vào sử dụng. Do đó áp lực về cầu trong thời gian tới sẽ giảm, góp phần hạ nhiệt giá thép trong nước. (Thanh Niên 10/4)   

Ô TÔ – XE MÁY

Tìm cách lách thuế: Xe du lịch hay xe tăng?

Có ít nhất 10 chiếc Hummer H2 – một thương hiệu xe danh tiếng, niềm ao ước của rất nhiều tay chơi xế hộp – được nhập khẩu vào Việt Nam một cách khá lắt léo, với mục đích rất rõ ràng là lách thuế. Khi kiểm tra rà soát số liệu xuất nhập khẩu, Cục Hải quan Hải Phòng bất ngờ phát hiện việc phân loại, áp mã tính thuế cho chiếc xe Hummer H2 do Mỹ sản xuất giữa các chi cục trong đơn vị có sự không thống nhất. Thực tế chiếc xe này được xem là xe ô tô chở người loại 7 chỗ ngồi - nói cách khác là xe du lịch. Theo đó, loại xe này được áp mã tính thuế 8703 “xe ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người, kể cả xe chở người có khoang hành lý riêng và ô tô đua”. Tuy nhiên lại có doanh nghiệp khai báo (và được cơ quan hải quan áp mã tính thuế) vào mã số 8710 “Xe tăng và các loại xe chiến đấu bọc thép, xe cơ giới có hoặc không lắp kèm vũ khí và bộ phận của các loại xe này”. Điểm quan trọng nhất của việc áp hai mã số khác nhau cho loại xe này là sự chênh lệch về mức thuế suất. Nếu áp vào mã 8703, loại xe này phải chịu thuế nhập khẩu ở mức 100% hoặc 83% (tùy thời điểm); phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, nếu áp ở mã 8710, loại xe này có mức thuế nhập khẩu là 0% và không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đơn cử trường hợp Công ty cổ phần đại lý Ford Thủ đô (Cty Ford Thủ đô). Từ năm 2006 đến năm 2008, công ty này đã nhập khẩu 10 chiếc xe ô tô hiệu Hummer 2 Luxury 7 chỗ dung tích 6000cc (ủy thác cho Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an). Doanh nghiệp này đã “khôn khéo” khai báo, áp mã tính thuế mặt hàng này vào nhóm 8710 để được hưởng mức thuế nhập khẩu là 0%. Ước tính với 10 chiếc xe này, nhờ khai báo là “xe tăng” và được hải quan chấp nhận, Ford Thủ đô đã tránh được việc phải trả khoảng 37,8 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu và 23,7 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc có thể biến xe du lịch thành “xe tăng, xe chiến đấu” của công ty này dựa trên hai “bảo bối”. Ngày 17/5/2006, Bộ Công an có công văn số 800/BCA (V22) gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn phân loại áp mã tính thuế cho cho mặt hàng xe bọc thép chống đạn, chống bạo loạn loại RAM 2000 MKIII do Israel sản xuất và Hummer H2 Lu-2006 do Mỹ sản xuất. Và thế là ngày 14/6/2006 Bộ Tài chính đã có công văn số 7310/BTC-CST trả lời: các mặt hàng nói trên thuộc mã 8710 có thuế nhập khẩu là 0% và “không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Nhờ đó mà 10 chiếc Hummer H2 do Cty Ford Thủ đô nhập về đã không phải trả bất cứ loại thuế nào. Căn cứ vào hợp đồng thương mại mà Cty Ford Thủ đô trình cơ quan hải quan, 10 chiếc xe nói trên do Hãng Hummer thuộc Tập đoàn General Motor (Mỹ) sản xuất và Tập đoàn International Armoring Corporation (Mỹ) thực hiện việc bọc vật liệu chống đạn cho xe. Tham khảo chú giải HS đối với nhóm 8710 thì “nhóm này không bao gồm các xe hơi, xe tải loại thông thường được bọc thép mỏng hoặc trang bị bọc thép phụ có thể tháo rời ra được”. Như vậy, theo Cục Hải quan Hải Phòng, việc áp mã 8710 cho loại xe Hummer H2 nói trên là không đúng. Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 7310/BTC-CST không thống nhất với chú giải HS. Thực tế mặt hàng do Ford Thủ đô nhập khẩu là xe chở người thông thường, vẫn phải nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác các loại xe tương tự (như xe thu tín hiệu dùng cho an ninh, quốc phòng, có cơ sở là xe ô tô thông thường) cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều thực hiện đúng phân loại áp mã tính thuế theo xe chở người rồi làm thủ tục xin miễn thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng và thực hiện nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc áp mã tính thuế không thống nhất với mặt hàng ô tô nhập khẩu nói trên được xem là tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp lợi dụng lách thuế! (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 11/4)

Thị trường xe tay ga hấp dẫn

Theo số liệu thống kê của cơ quan đăng kiểm, năm 2009, tổng dung lượng thị trường xe máy đạt 2,75 triệu xe, tăng 8% so với năm 2008. Riêng tăng trưởng của dòng xe tay ga theo ước tính của một nhà sản xuất hàng đầu tại Việt Nam, khoảng 40%. Lượng xe tay ga nhập khẩu cũng tăng nhanh trong năm 2009. Theo số liệu ước tính, đã có tới gần 500.000 xe máy được nhập khẩu vào năm ngoái, trong đó phần lớn là xe tay ga. Được ưa chuộng nhất là những mẫu xe SCR, Dylan, SH… Dự báo của các chuyên gia, dòng xe tay ga sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2010. Thân thiện với môi trường, tiện dụng, tiết kiệm nhiên liệu sẽ là tiêu chí của những mẫu xe tay ga xuất hiện vào năm nay. (Sài Gòn Tiếp Thị 12/4)

CÔNG NGHIỆP TIÊU DÙNG VÀ CHẾ BIẾN

Ngành mía đường: Liêu xiêu vì giá

Bà Trần Phương Lan - Trưởng ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho rằng, ngành đường Việt Nam đang bị các đại lý tiêu thụ đường thao túng giá cả, từ đó khống chế cả hoạt động sản xuất của mỗi nhà máy. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thị trường thế giới là rất khó. Ngay cả DN có “máu mặt” ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vẫn phải chịu cảnh thấp thỏm chờ giá. Điển hình là sự biến động giá năm nay, quá mạnh và đột ngột, ngay các nhà nghiên cứu thị trường lâu năm cũng không nhận định nổi. Những dự báo về ngành mía đường từ trước đến nay chủ yếu là thông tin chung chung trên các trang web quốc tế. Hiện chưa thể nói giá đường thế giới còn giảm đến đâu, nhưng nhiều khả năng là khó giảm thêm được nữa. Nếu giá đường trong nước xuống dưới 14.000đ/kg thì mới phải tính tới khả năng lỗ, còn với mức giá như hiện tại thì DN vẫn có thể coi là trụ được. Trong khi đó, các DN lại “kêu” rằng, ngành sản xuất, chế biến mía đường liên tục “loạn” giá bởi chính sách chưa hợp lý. Giá đường trong nước được “buông” nên bị chi phối bởi thị trường thế giới, nhưng “khung” giá mua nguyên liệu, giá bán ra lại chịu sự điều tiết của Nhà nước. Không chỉ khổ về giá, niên vụ năm nay các DN còn rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Điển hình, như tại Bình Định, tình trạng tranh mua nguyên liệu diễn ra khốc liệt. Ông R. Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam chua chát:  Để chuẩn bị cho niên vụ 2009- 2010, KCP đã bỏ ra 79 tỷ đồng đầu tư cho vùng mía nguyên liệu rộng 130.000ha, chiếm tới 90% diện tích nguyên liệu mà nhà máy ép cần, nhưng đến khi vào vụ, nhiều nhà máy khác trong khu vực đã tới tranh nhau mua mía với giá cao hơn. Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Hà Hữu Phái cho biết, nhu cầu đường thế giới vẫn thiếu hụt lớn, dự báo mới nhất là sẽ thiếu đến 9,7 triệu tấn chứ không phải hơn 7 triệu tấn như dự báo đưa ra cuối năm 2009. Hiện tại, thị trường đường đang bị các nhà đầu cơ thế giới khuynh đảo để làm giá. Do đó, các nhà máy đường không nên vội vã bán ra với giá thấp. Và để giúp DN có vốn để trả nợ nông dân, trang trải cho đồng mía và đại tu máy móc, Hiệp hội đã kiến nghị ngân hàng tạo điều kiện về vốn, cho các DN đầu tư ở các vùng sâu vùng xa được vay vốn ưu đãi; xác định nhu cầu tiêu dùng và kiến nghị Nhà nước có chính sách tạm trữ đường. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, Hiệp hội Mía đường cũng nên thuê công ty luật để giám sát các DN thành viên không tuân thủ điều lệ, cố tình tranh mua tranh bán gây lộn xộn ở các vùng nguyên liệu; tổ chức tổ tư vấn quốc tế giúp DN chủ động đối phó với những biến động cũng như nắm bắt cơ hội từ thị trường thế giới. Đã có ý kiến lo ngại nếu vấn đề giá đường không giải quyết hợp lý thì nhiều khả năng niên vụ 2010-2011, nông dân sẽ bỏ cây mía chuyển sang các loại cây trồng khác. (Đại Biểu Nhân Dân 11/4)

Vĩnh Long: Khởi công Nhà máy chiếu xạ An Phú Bình Minh

Sáng 9/4, tại KCN Bình Minh, Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy chiếu xạ An Phú - Bình Minh. Nhà máy chiếu xạ An Phú - Bình Minh được xây trên tổng diện tích 2,7 ha với tổng nguồn vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Nhà máy sử dụng công nghệ tia Ga-mar để chiếu xạ trái cây, thủy, hải sản, đông nam dược, dụng cụ y tế các loại không gây ảnh hưởng môi trường. Đây là dự án đầu tiên được khởi công xây dựng tại KCN Bình Minh. Giai đoạn 1 của dự án được xây dựng trên diện tích 2 ha, với nhiều hạng mục như: khu vực chiếu xạ, kho tàng, sân bãi, khu văn phòng, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đảm bảo cho việc chiếu xạ các loại trái cây, thủy, hải sản, đông nam dược, dụng cụ y tế… phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Dự kiến, sau 12 tháng xây dựng và lắp đặt thiết bị, giai đoạn 1 của nhà máy có công suất chiếu xạ 150 tấn trái cây/ngày sẽ được đưa vào khai thác. (Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới 10/4)

Khát nguyên liệu thủy sản

Tình trạng thiếu nguồn tôm nguyên liệu đang diễn ra khá phổ biến tại các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến cá tra ở Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp cũng đang đối mặt với bài toán thiếu nguyên liệu. Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến cá tra đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tìm ra nguồn nguyên liệu đáp ứng sản xuất mặc dù đã tung lực lượng thu mua tỏa ra nhiều nơi. Giám đốc một công ty xuất khẩu cá tra ở khu tiểu thủ công nghiệp Mỹ Quý, TP Long Xuyên than thở: “Khách đặt hàng liên tục nhưng chúng tôi chưa dám ký hợp đồng vì nhà máy đang “đói” nguyên liệu. Ký thì mạo hiểm quá vì nếu không có hàng để giao sẽ phải bồi thường, còn không ký sẽ bị mất khách, ảnh hưởng uy tín công ty”. Vị giám đốc này cũng thừa nhận nhiều hôm nhà máy chỉ bố trí cho công nhân sản xuất cầm chừng vào buổi sáng, nếu không mua được cá chắc sẽ phải tạm đóng cửa trong vài tháng tới. (Người Lao Động 12/4)

Sản xuất càphê đối mặt nhiều thách thức

Không chỉ khốn đốn vì càphê rớt giá, người trồng càphê ở Tây Nguyên đang phải đối mặt với những khó khăn do giá vật tư leo thang, biến đổi khí hậu làm tăng thêm chi phí, giảm năng suất. Đã vậy, không ít nông dân trồng càphê còn tự làm nghèo mình bằng những khoản đầu tư lãng phí, những bất hợp lý trong sản xuất.Hiệp hội Càphê – Cacao Việt Nam và các DN tính toán, với giá sàn thu mua tạm trữ 23 triệu đồng/tấn (đưa ra cách đây 1 tháng) thì người trồng càphê có lãi 30%. Nếu lấy năng suất bình quân 2,3 tấn/ha, thì nông dân lãi được 15,9 triệu đồng/ha. Nhưng trên thực tế, hàng trăm nghìn hộ trồng càphê ở Ea Kar và nhiều vùng tương tự, mức lãi chỉ ... 3,3 triệu đồng/ha. Chưa kể, một bộ phận lớn nông dân do thiếu vốn, thâm canh kém nên năng suất còn thấp hơn. Giải pháp vốn, phương thức mua bán, điều hành xuất khẩu là việc của Nhà nước, ngân hàng, hiệp hội và DN... Với người trồng càphê, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắc Lắc Nguyễn Văn Sinh và Viện trưởng Viện KH – KT nông - lâm nghiệp Tây Nguyên Lê Ngọc Báu, thì nếu thực hiện triệt để một số giải pháp thì có thể tăng lãi chút ít. Trước hết, phải áp dụng mô hình tưới tiết kiệm (450 lít nước/gốc thay vì 650 lít/gốc như hiện nay) và trồng cây che bóng (20% diện tích càphê của Đắc Lắc được che bóng chỉ cần tưới 3 đợt/năm). Với 180.000ha càphê, các giải pháp này sẽ giúp Đắc Lắc tiết kiệm khoảng 300 triệu mét khối nước mỗi năm - tương đương 15 hồ chứa dung tích lớn. Bên cạnh đó, cây che bóng còn cho thêm thu nhập khoảng 25% từ quả (sầu riêng, bơ), chưa kể khai thác gỗ (mít, muồng) và tiết kiệm nhân công tưới nước. Các nhà khoa học cũng cho rằng người trồng càphê Việt Nam phải cắt giảm 10 – 23% lượng phân bón (tuỳ nơi), bởi đây là tỉ lệ thừa làm tăng chi phí sản xuất. Với những diện tích càphê già cỗi hoặc kém hiệu quả do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp thì kiên quyết chuyển đổi cây trồng. Đây cũng là những nội dung cơ bản của chương trình sản xuất càphê bền vững, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần tăng thu nhập cho nông dân. (Lao Động 12/4)

ĐIỆN TỬ

Đua nhau nhập máy phát điện

Thiếu điện vào mùa hè tới đang là nguy cơ đe dọa đời sống người dân nên máy phát điện theo đó “nóng” hơn mọi năm. Dù chưa bước vào mùa nắng nóng, song tại Hà Nội, không ít DN đã lên kế hoạch nhập và tung ra các dòng sản phẩm mới. Tại cửa hàng các sản phẩm máy phát điện thuộc Cty CP Tầm Nhìn (phố Kim Mã), khá nhiều sản phẩm máy phát điện được trưng bày. Hầu hết các sản phẩm tại đây đều được giới thiệu là nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc một số được nhập khẩu từ Mỹ. Nhiều loại máy phát công suất từ 3.000 - 5.500KVA, được chào bán khá cao, với từ 11 – 20 triệu tùy loại. Khác với các năm trước, sản phẩm máy phát điện năm nay có thêm sản phẩm có tính năng đề nổ, thay vì giật nổ như sản phẩm thông thường. Do tính năng tiện lợi nên những loại máy này có giá nhỉnh hơn loại máy giật nổ khoảng 1 triệu đồng. Bà Nguyễn Mai Quỳnh – nhân viên bán hàng Cty cho biết: Vì nhập nguyên chiếc nên giá cả nhỉnh hơn các dòng sản phẩm khác được lắp ráp nội địa. Tuy vậy, cửa hàng vẫn có đối tượng khách hàng nhất định nên hàng vẫn bán rất chạy từ trước Tết Nguyên đán. Đến thời điểm này đã có khoảng hơn 30 sản phẩm được bán ra thị trường.Do nắm bắt nhu cầu thị trường nên đây là năm đầu tiên Cty này nhập thêm sản phẩm máy phát điện để bán. Tuy nhiên theo bà Quỳnh, đây là tín hiệu khả quan khi thâm nhập vào thị trường máy phát điện đúng thời điểm khô hạn, thiếu điện năm nay. Hiện DN này đang chuẩn bị nhập số lượng hơn 100 chiếc để tung ra thị trường trong mùa hè này. Trong khi đó, không ít DN lại lựa chọn dòng sản phẩm bình dân để phù hợp với túi tiền khách hàng. Nhiều cửa hàng dọc các phố Thái Hà, Trường Chinh, phố Huế... đã trưng bày các sản phẩm mới để hút khách. Cty CP Hữu Toàn chi nhánh Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ hơn 200 chiếc máy phát điện, chủ yếu là sản phẩm dân dụng. Theo anh Khúc Văn Thắng – GĐ chi nhánh, số lượng trên vượt gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ máy phát dân dụng, các loại máy phục vụ công nghiệp công suất lớn cũng bán chạy không kém với tỉ lệ vượt 150% so với cùng kỳ. Các sản phẩm máy phát tại đây chỉ nhập riêng động cơ từ Italia, Đức, Mỹ, Thái Lan… các bộ phận còn lại đều được lắp ráp trong nước. Với lợi thế này, giá sản phẩm rẻ hơn các loại nhập nguyên chiếc khoảng 30%. Khung giá cho các loại máy phát công suất nhỏ, phù hợp với hộ gia đình dao động từ 8 – 11 triệu đồng tùy loại. Ông Thắng nhận định, nhu cầu sử dụng máy phát trong mùa hè sẽ tăng khoảng 300 – 400% nên Cty sẽ tiếp tục nhập khẩu hàng nghìn chiếc máy phát điện để tung ra thị trường. (Lao Động 10/4)

TP.HCM: Đầu tư 58 tỉ đồng xây trung tâm bán lẻ hàng điện máy

Ông Nguyễn Quang Hòa - Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thiên Nam Hòa cho biết, vừa đưa vào hoạt động trung tâm bán lẻ điện máy của Thiên Hòa (quận Gò Vấp) với vốn đầu tư 58 tỉ đồng. Đây là trung tâm bán lẻ điện máy thứ năm của Thiên Hòa, kinh doanh hơn 70.000 chủng loại hàng hóa điện máy và nội thất, trong đó hơn 80% là hàng sản xuất trong nước do các công ty liên doanh thực hiện.  (Tuổi Trẻ 10/4)

QUẢN LÝ KHU CÔNG NGHIỆP - ĐIỂM CÔNG NGHIỆP

Các KCN và KCX Hà Nội: Quý I thu hút đầu tư đạt 30 triệu USD 

9/4, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đã chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội về tình hình quản lý, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN KCN trong quý I/2010; phương hướng hoạt động 9 tháng còn lại. Đến hết tháng 3, ban quản lý đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 8 dự án. Trong đó, 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, với số vốn 4,3 triệu USD; 5 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 105,3 tỷ đồng. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho 4 dự án, tổng vốn điều chỉnh tăng là 10,1 triệu USD. Tính cả quý I, thu hút đầu tư tại các KCN Hà Nội đạt khoảng 30 triệu USD (tăng 250% so với cùng kỳ năm 2009). Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và nộp ngân sách nhà nước của các DN KCN trên địa bàn thành phố trong quý I cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái (doanh thu tăng 11,63%; nộp ngân sách nhà nước tăng 13,62%). (Hà Nội Mới 10/4)

Các khu công nghiệp đang kém hấp dẫn đầu tư

Tình trạng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đã giảm sút đến mức trầm trọng.  Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, từ cuối năm 2009 đến nay vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu đổ vào các dự án phát triển đô thị, bất động sản, khu vực ngoài KCN, KCX. Tình trạng các khu công nghiệp không thu hút được dự án nào trong hai năm qua đang trở nên phổ biến.  Điển hình như TP.HCM, với ba KCX và 12 KCN nhưng cả năm 2009 chỉ thu hút được 15 dự án, chưa tới 27 triệu USD vốn đầu tư. Dự kiến trong hai ngày 7 và 8-5 tại TP.HCM sẽ có hội nghị bàn các giải pháp thu hút đầu tư vào KCN, KCX với sự tham gia của 28 tỉnh thành trên cả nước.  (Tuổi Trẻ 12/4)  

Phần 2: Tin Thương mại XUẤT NHẬP KHẨU

Container mủ cao su xuất khẩu bị “rút ruột”?

9/4, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho biết, thời gian gần đây liên tục các đối tác từ Mỹ, Pháp, Đức, Indonesia, Malaysia… đã phản ánh với các đơn vị, công ty xuất khẩu cao su về tình trạng nhiều container mủ cao su bị “rút ruột” từ vài trăm ký đến vài tấn/container, dẫn đến không đủ trọng lượng như hợp đồng đã ký. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, trong tháng 1 và 2/2010 có 3 hợp đồng xuất khẩu trên 792 tấn cao su bị thiếu hơn 16 tấn. Từ tháng 11/2009 đến 2/2010, Công ty Cao su Đồng Nai có 5 lô hàng cao su xuất khẩu cũng bị thiếu trên 6,8 tấn, trong đó lô 20 tấn thì thiếu 800kg, lô 40 tấn thiếu từ 1,2 - 2 tấn... Công ty Cao su Tây Ninh có 3 lô hàng xuất khẩu trong tháng 1-2010 tổng cộng 249 tấn bị thiếu trên 4,4 tấn.Trước tình hình này, VRG yêu cầu các đơn vị xuất khẩu cao su, trước khi bơm mủ cao su vào container phải cho cân trọng lượng xe và container rỗng. Sau khi bơm xong phải cân toàn bộ trọng lượng xe và container đã có hàng. Khi hàng đến cảng, sẽ tiếp tục cân trọng lượng toàn bộ xe và container rồi mới đưa lên tàu xuất khẩu đi nước ngoài.Quy trình này nhằm hạn chế hàng có thể bị “rút ruột” trên đường vận chuyển ra cảng. Số tiền quy ra từ cao su bị “rút ruột” là không lớn, tuy nhiên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành công nghiệp cao su Việt Nam.  (Sài Gòn Giải Phóng 10/4)

XK thủy sản sang EU gặp khó khăn trước quy định mới IUU

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (vasep) hiện nay, hầu hết các DN xuất khẩu sang EU đều gặp những khó khăn trước những quy định của Hội đồng Liên minh Châu Âu (EC) về khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Để có thể ổn định được thị trường xuất khẩu, các chuyên gia ngành thủy sản khuyến cáo, trước mắt các DN cần chuyển hướng thị trường tiêu thụ vào các nước chưa có yêu cầu về chứng nhận thuỷ sản như: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… Mặt khác, DN cần tích cực  hỗ trợ hướng dãn ngư dân trong việc ghi nhật ký khai thác thuỷ sản. Bên cạnh đó, ngư dân cần chuyển phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phương thức sản xuất tập thể theo hướng thành lập các tổ đội khai thác thủy sản. (Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới 10/4)

Quý II, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự kiến trong quý II, các doanh nghiệp lương thực sẽ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo. Cụ thể, số lượng hợp đồng còn lại giao từ tháng 4 trở đi là 2,109 triệu tấn. Theo phân tích của ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch VFA, lúc này gạo của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với một số quốc gia, giá chào bán của Việt Nam đang ở mức: gạo 5% tấm 390 USD/tấn; 10% tấm là 385 USD/tấn; 15% tấm là 380 USD/tấn; 25% tấm là 370 USD/tấn, như vậy là cao hơn so với giá chào bán của một số nước. Ông Bảy cho biết thêm, về mua gạo tạm trữ, trước mắt cơ chế thu mua gạo đợt 2 là 500.000 tấn sẽ vẫn giữ như đợt 1, giá lúa tại kho là 4.000 đồng/kg. Với tình hình thị trường trầm lắng như hiện nay, việc thu mua có thể sẽ rủi ro cho doanh nghiệp nhưng VFA quyết định vẫn giữ nguyên giá. (Hà Nội Mới 10/4)

Thay đổi cơ cấu trong xuất khẩu hoa quả

Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù các nhà xuất khẩu rau quả Việt Nam mở rộng tìm kiếm nghiên cứu thị trường xuất khẩu và đã có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh tại thị trường quốc tế. Để gia tăng giá trị xuất khẩu, các chuyên gia thương mại cho rằng, cần ưu tiên cơ cấu rau quả xuất khẩu theo thứ tự tươi - chế biến đông lạnh - chế biến đóng hộp - chế biến nước ép và sấy khô. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 6 năm, từ 2004-2009 đạt 1,82 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm; riêng năm 2009 vừa qua là 439 triệu USD và 3 tháng đầu năm 2010 tăng nhẹ so với cùng kỳ. (Đại Biểu Nhân Dân 12/4)

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I đạt 14 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 37,7% so với tháng trước, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong quý I, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 14 tỷ USD; trong đó, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản tăng 32,5%; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp tăng 42,8%; nhóm hàng nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 24,7%. Trong quý I, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như dệt may đạt 2,2 tỷ USD, tăng 12,3%; giày dép đạt 1 tỷ USD, tăng 10,1%; thủy sản đạt 861 triệu USD, tăng 14,5%; điện tử máy tính đạt 703 triệu USD, tăng 40,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 716 triệu USD, tăng 26,3%... (Đại Biểu Nhân Dân 12/4)

Xuất khẩu chè: Cần thay đổi cách làm

Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về XK chè, nhưng giá chỉ bằng 1/2 giá chè bình quân thế giới. Nguyên nhân là 98% lượng chè XK ở dạng nguyên liệu và tập trung chủ yếu ở thị trường nghèo dễ tính, chưa mở rộng được sang thị trường có yêu cầu phẩm cấp, chất lượng cao… Nếu không thay đổi cách làm này, chè Việt Nam sẽ không có chỗ đứng trên thị trường, DN và người dân sẽ lao đao. Theo dự báo, với đà tăng trưởng XK trong năm 2009 và 3 tháng đầu năm nay, nhất là nhu cầu tiêu thụ chè thế giới đang tăng, mục tiêu trước kia đề ra đến năm 2010 đạt kim ngạch XK chè 200 triệu USD là khả thi. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, để tăng giá trị kim ngạch XK chè các DN cần thay đổi cung cách làm XK, không chỉ chạy theo số lượng mà phải tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Phan Huy Bính - Giám đốc Cty Xuất nhập khẩu Trung Nguyên, với hơn 20 năm kinh nghiệm làm chè XK khẳng định: “Đừng nói chè Việt Nam bị ép giá”, khi phân tích về việc chè XK của nước ta chỉ bằng 50% mặt bằng giá thế giới. Theo ông Bính, thực chất, chính các DN và người trồng chè Việt Nam đang tự làm mất giá sản phẩm của mình. Chẳng hạn, Pakistan là thị trường XK truyền thống, quen thuộc của nhiều DN chè Việt Nam. Năm 2009 Pakistan nhập khẩu đến 31.000 tấn chè của Việt Nam, với kim ngạch 46 triệu USD, chiếm 23% về lượng và 25,6% về trị giá XK chè của Việt Nam. Đơn giá XK vào thị trường này bình quân 1,3 USD/kg, ở ngưỡng 50% giá thế giới. Tuy chè Việt Nam đang chiếm thị phần áp đảo tại Pakistan, nhưng khó có thể đặt mục tiêu tăng giá ở thị trường này. Các nhà nhập khẩu Pakistan chủ yếu là đơn vị đóng gói, đưa thẳng chè Việt Nam ra thị trường bán lẻ bằng thương hiệu của họ. Vì vậy, dù nhập khẩu chè Việt Nam ở mức giá thấp, nhưng các nhà nhập khẩu Pakistan không được hưởng chênh lệch cao như các nhà nhập khẩu chè Việt Nam làm nguyên liệu như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ… Bi kịch của chè Việt Nam ở chỗ, chúng ta đang làm ăn chủ yếu tại các thị trường nghèo, dễ tính, trong khi không thể thâm nhập các thị trường khó tính hơn. Theo số liệu thống kê, cho đến thời điểm này, chè Việt Nam có mặt tại 118 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mặc dù, sản lượng chè XK của Việt Nam liên tục tăng trưởng 7 - 9%, thế nhưng đơn giá lại giảm dần khoảng 1,8 USD/kg còn 1,2 - 1,3 USD/kg. Vấn đề của ngành Chè đã được nhìn nhận từ nhiều năm, nhưng việc khắc phục vẫn thiếu căn cơ. Việc tổ chức trồng chè giống mới, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm diễn ra rất chậm chạp. Trong khi đó, sự đầu tư thiếu tính toán và thiếu chuyên ngành của nhiều DN vào ngành chè trong các năm trước càng làm xấu thêm thị trường. Tình trạng cạnh tranh mua nguyên liệu xảy ra tại nhiều vùng chè, nhưng giá cả vẫn không được đẩy lên mà chỉ tạo ra sự bát nháo trên thị trường. Với giá thu mua nguyên liệu dao động quanh mức 3.000 đồng/kg búp tươi (5 kg búp tươi tương đương 1 kg chè khô) thấp hơn 3 - 4 lần giá chè tiêu thụ trong nước, càng khiến nông dân thiếu mặn mà với DN. Thêm vào đó, nhiều DN ở phía Bắc vẫn chủ yếu XK theo con đường tiêu ngạch sang Trung Quốc, mang từng ô tô hàng bày bán ở chợ, đợi các nhà nhập khẩu định giá. Như vậy, nếu ép giá thì chính DN Việt Nam chủ động để bị ép. Theo ông Bính và nhiều chuyên gia, trong khi chờ đợi việc chuyển đổi tổ chức sản xuất, các DN XK chè phải từ bỏ thói quen buôn bán tiểu ngạch, tìm kiếm các đối tác lâu dài. Tại các thị trường sản phẩm chè Việt Nam đã thâm nhập, DN Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm giữ thế chủ động. Khi đã tạo được những ảnh hưởng nhất định về chất lượng và thị trường, chúng ta có quyền chủ động đàm phán về giá. Thí dụ, trong khi dự báo năm 2010 giá chè tại Pakistan sẽ giảm 10%, Cty Xuất nhập khẩu Trung Nguyên vẫn đàm phán với đối tác tăng giá 20% ngay trong năm nay vì người tiêu dùng đã quen với sản phẩm của Cty này, đây cũng là một kinh nghiệm mà các DN sản xuất chè nên tham khảo. (Thanh Tra 10/4)

Thịt đông lạnh nhập khẩu về nhiều

Các đầu mối nhập khẩu thịt đông lạnh tại TP.HCM cho biết, vài tuần trở lại đây, lượng thịt nhập khẩu về TP.HCM đã tăng nhanh. So với cuối năm 2009, hiện lượng thịt về mỗi ngày tăng 30-40%. Một số đầu mối nhập khẩu lớn cho hay trung bình mỗi tháng nhập 50-60 container (tương đương 1.200 tấn). Tuy nhiên, hầu hết thịt được nhập về là thịt gà. Hiện giá đùi gà đã tăng lên 850-890 USD/tấn, tăng 50-90 USD/tấn so với cách nay 3-4 tháng. (Tuổi Trẻ 12/4)

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Doanh nghiệp Singapore tìm cơ hội vào Việt Nam

9/4 tại TP.HCM, Công ty tổ chức triển lãm VCCI (Vietcham Expo) phối hợp với công ty Astreem (Singapore) đã tổ chức Hội thảo Kinh doanh nhượng quyền nhằm đưa thương hiệu Singapore vào thị trường Việt Nam. Tại hội thảo, các nhà nhượng quyền thương mại của Singapore như Pasta Mania, Polar Puffs, 3-Monkeys Cafe, Worldwide Wings, Kooshi, Animaland và TTQMassage đã giới thiệu về thương hiệu, quảng cáo các mặt hàng dịch vụ, cùng trao đổi những kiến thức và kinh nghiệm trong loại hình kinh doanh rất đặc biệt này. Các doanh nghiệp Singapore cũng gặp gỡ, đàm phán với từng đại diện doanh nghiệp Việt Nam có triển vọng về nhận quyền thương mại, tìm kiếm những cơ hội hợp tác kinh doanh. Các nhà tổ chức hội thảo đánh giá, kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu đối với những mặt hàng dịch vụ có chất lượng cao hơn mà chính những công ty nhượng quyền thương mại nước ngoài có thể đáp ứng. Dự đoán cho thấy thị trường thương mại Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng từ 20%-30% hàng năm. Bà Hsien Naidu, người sáng lập Astreem mong muốn hội thảo lần này sẽ cho phép họ giới thiệu các thương hiệu mới và cơ hội kinh doanh đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, làm củng cố thêm môi trường phát triển kinh tế và trao đổi thương hiệu. Trong thời gian tới, Astreem sẽ tập trung giới thiệu các thương hiệu của ngành giáo dục và dịch vụ đời sống của Singapore vào thị trường Việt Nam. (Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới 10/4)

Ra mắt Cổng thông tin thương mại điện tử Việt Mỹ

8/4, Trung tâm dịch vụ thương mại điện tử, Công ty CP đầu tư và công nghệ OSB đã giới thiệu Cổng thông tin thương mại điện tử Việt Mỹ tại địa chỉ www.vnusa.com.vn. Mục tiêu của Cổng thông tin là nhằm phản ánh hoạt đoạt của Diễn đàn Việt - Mỹ; tình hình quan hệ và thị trường hai nước; giới thiệu cơ hội đầu tư, dịch vụ thương mai nước; quảng bá thông tin doanh nghiệp; đăng chào hàng mua/bán/hợp tác; tìm kiếm đối tác theo từng ngành hàng, thị trường, nhu cầu kinh doanh…Tham gia cổng thông tin thương mại điện tử Việt Mỹ, nhà xuất khẩu sẽ tìm đúng nhà cung cấp, mua hàng tại Mỹ; theo dõi hoạt động xuất khẩu hàng hoá trên toàn cầu cho từng sản phẩm để phát triển chiệc lược bán hàng; nghiên cứu thực trạng nhập khẩu của Mỹ theo từng mặt hàng, từng bang, cảng; tìm hiểu những nhà cung cấp mới dựa trên dữ liệu các công ty xuất khẩu vào Mỹ… (Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 10/4)

Tổ chức Diễn đàn kinh doanh - đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc 2010

9/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn kinh doanh - đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc 2010 với sự tham gia của đại diện một số DN hai nước, nhằm cung cấp thông tin, cơ hội hợp tác, đầu tư và xúc tiến những công tác liên quan đến nghiên cứu dự án, kinh doanh cho các DN. Các đại biểu đã trao đổi về xu hướng kinh doanh, tình hình kinh tế khu vực và thế giới… Hiện Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 11 của Hàn Quốc và đứng thứ 31 trong số các quốc gia xuất khẩu vào nước này. Hiện các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đăng ký đầu tư 22,4 tỷ USD ở Việt Nam. Hai nước đặt mục tiêu nâng tổng kim ngạch buôn bán hai chiều lên 20 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời kết hợp từng bước cải thiện, lành mạnh hóa cán cân thương mại song phương. (Hà Nội Mới 10/4)

QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Hà Nội: Phá đường dây sản xuất, tiêu thụ giày giả số lượng lớn

9/4, tại KCN Bắc Thăng Long, tổ công tác Đội Chống hàng giả PC15 Công an Hà Nội đã kiểm tra ô tô tải BKS 30K-9701, phát hiện trên xe có 300 đôi giày nhãn hiệu Công ty CP 32 (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) có dấu hiệu hàng giả. Ngay  sau đó, đại diện Công ty CP32 tại Hà Nội xác nhận số hàng trên không phải của công ty sản xuất. Lái xe Đặng Văn Giao (ở phố Lê Duẩn) cho biết, đã nhận chở thuê số hàng trên cho Đỗ Đăng Thuỵ (SN 1957; ở Đống Đa). Thụy đồng thời cũng là chủ kios chuyên kinh doanh giày dép tại 122 Lê Duẩn. Mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ xưởng sản xuất giày giả này này đăt tại 43 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Khám xét tại chỗ, cơ quan CA thu giữ hàng nghìn đôi giày giả mang nhãn mác của các Công ty 32, 20 và 26 thuộc Tổng cụ Hậu cần, Bộ Quốc phòng, cùng nhiều dụng cụ, nhãn mác để sản xuất hàng giả. Được biết, cơ sở này hoạt động được khoảng 2 năm nay, mỗi ngày sản xuất và bán ra thị trường hàng trăm đôi. (Hà Nội Mới 10/4)

Hà Nội: Hạt dưa không xuất xứ vẫn tràn lan

Nhiều loại hạt dưa đỏ không  nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, không ngày sản xuất, hạn sử dụng... vẫn đang được bán ở các chợ Hà Nội. Theo một lái xe chuyên chở hàng “tiểu ngạch” từ biên giới về, “họ cứ bảo lấy ở Sài Gòn hay Hải Phòng cho yên tâm chứ thực ra toàn là hàng Trung Quốc đánh từ Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh về Hà Nội thôi. Hàng xịn bao giờ chẳng có bao bì, tem mác rõ ràng và đắt hơn đến 20 - 30% cơ. (Thanh Niên 10/4)

DOANH NGHIỆP - THƯƠNG HIỆU

Doanh nghiệp “kêu” khó tiếp cận vốn

Thiếu vốn để đầu tư sản xuất, lãi suất quá cao – đó là một trong những vấn đề khó khăn nhất được hầu hết các doanh nghiệp (DN) nêu lên trong cuộc gặp gỡ giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính với UBND TPHCM, các hiệp hội và DN trên địa bàn TPHCM ngày 10/4 nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho rằng, sở dĩ kinh tế quý I vẫn tăng trưởng khá là do các “liều thuốc” kích cầu vẫn còn tác dụng. Thế nhưng, bước sang quý II, DN phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: Chi phí đầu vào tăng cao, tỉ giá tăng, lãi suất thỏa thuận ở mức bình quân 17 - 18%... gây khó cho hoạt động DN. Theo bà Lý Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, hiện có tới hơn 80% DN thành viên khó tiếp cận với các nguồn vốn vì thủ tục rất khắt khe. Một số DN đề nghị, việc áp dụng lãi suất thỏa thuận là phù hợp trong tình hình hiện nay, nhưng không nên áp dụng một cách cào bằng cho mọi đối tượng DN, nhất là các DN vừa và nhỏ. (Lao Động 12/4)./.