TÓM TẮT:

Xuất phát từ yêu cầu lý luận, thực tế hoạt động và mong muốn hoạt động tín dụng ưu đãi đối với học sinh sinh viên nói chung và hoạt động tín dụng ưu đãi đối với học sinh sinh viên tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nói riêng, ngày càng có chất lượng tốt hơn, nhóm tác giả đã đưa ra một số ý kiến thông qua bài viết này.

Từ khóa: Hoạt động tín dụng ưu đãi, học sinh sinh viên, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, huyện Thuận Thành - Bắc Ninh.


1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua với đường lối và chiến lược phát triển nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực, nhân tố quyết định sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế và phát triển xã hội. Chính vì lẽ đó mà nền giáo dục nước nhà đã được Đảng, Nhà nước và toàn bộ xã hội đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển. Để hỗ trợ những học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng tài chính trang trải chi phí học tập, Đảng đã đề ra chính sách hỗ trợ tín dụng đối với học sinh sinh viên được thể hiện rõ thông qua Chỉ thị số 21/2007/CT-TTg về thực hiện “chế độ cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và dạy nghề” được ban hành ngày 4/9/2007 và Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về chế độ tín dụng đối với học sinh sinh viên thay thế Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg. Chính sách này không những vì mục tiêu sự nghiệp giáo dục và có ý nghĩa không chỉ với học sinh sinh viên mà còn có ý nghĩa về an sinh xã hội, thực hiện được mục tiêu vĩ mô của Chính phủ. Chính sách này sau một khoảng thời gian ra đời và vận hành, bên cạnh những ưu điểm, chính sách còn nhiều bất cập.

2. Chính sách “Tín dụng đối với học sinh sinh viên” tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (PGD NHCSXH) được thể hiện qua Chỉ thị số 21/2007/CT-TTg về thực hiện “chế độ cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và dạy nghề” được ban hành ngày 4/9/2007, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh sinh viên và một số quyết định điều chỉnh hạn mức cho vay và lãi suất cho vay đối với học sinh sinh viên như Quyết định số 1344/QĐ-TTg ngày 26/8/2009, Quyết định số 2077/QĐ-TTg ngày 15/11/2010, Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 03/6/2011, Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 19/7/2013, Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 6/6/2014, Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 5/6/2015 và Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 5/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, qua vài lần điều chỉnh mức vốn cho vay HSSV vay đã được nâng dần từ 800.000 đồng/tháng/HSSV (cuối năm 2007, 2008 theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg); 860.000 đồng/tháng/HSSV (nửa cuối năm 2009, đầu năm 2010 theo Quyết định số 1344/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 ); 900.000 đồng/tháng/HSSV (cuối năm 2010 theo Quyết định số 2077/QĐ-TTg ngày 15/11/2010); 1.000.000 đồng/tháng/HSSV (theo Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 03/6/2011) và 1.100.000 đồng/tháng/HSSV (theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 19/7/2013) và hiện nay là 1.250.000 đồng/tháng/HSSV theo quyết định 07/QĐ-TTg ban hành ngày 5/1/2016 cho phù hợp với tình hình hiện nay nâng mức vay vốn cho học sinh, sinh viên là theo mức trần học phí được quy định tại Nghị định 86, giúp học sinh sinh viên có thể trang trải các chi phí trong quá trình học tập. (Theo kết quả khảo sát thực tế trong năm học 2014 - 2015, chi phí học tập của một học sinh, sinh viên từ 2 triệu - 2,5 triệu đồng/tháng). Mức vay này sẽ có điều chỉnh khi có chính sách thu học phí mới và có biến động về giá cả sinh hoạt.

Lãi suất cho vay chương trình tín dụng học sinh sinh viên điều chỉnh theo sự biến động của lãi suất trên thị trường. Lãi suất cho vay theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg là 0,5%/tháng (6%/năm), tăng lên là 0,65%/tháng (7,8%/năm) theo Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 03/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên 3 năm sau, theo Quyết định số 872/QĐ-TTg ban hành ngày 6/6/2014, khi lãi suất thị trường giảm xuống, Ngân hàng Chính sách điều chỉnh giảm lãi suất cho vay học sinh sinh viên xuống còn 0,6%/tháng (7,2%/năm). Và tiếp tục điều chỉnh giảm xuống còn 0,55%/tháng (6,6%/năm) vào ngày 5/6/2015 theo Quyết định 750/QĐ-TTg. Hiện nay, lãi suất cho vay học sinh sinh viên đang áp dụng là 0,55%/tháng (6,6%/năm).

Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay trong hạn.

Trong thời hạn phát tiền vay, đối tượng được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; lãi tiền vay được tính kể từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc.

Đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi học sinh sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày học sinh sinh viên kết thúc khóa học.

Thời hạn trả nợ là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá 1 năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay, đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do NHCSXH quy định.

Đến kỳ trả nợ cuối cùng, người vay có khó khăn chưa trả được nợ, phải có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì được NHCSXH xem xét cho gia hạn nợ cho đối tượng vay vốn; thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.

Trường hợp đối tượng được vay vốn không trả nợ đúng hạn theo kỳ hạn trả nợ cuối cùng và không được phép gia hạn nợ, NHCSXH chuyển thành nợ quá hạn. NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội có biện pháp thu hồi nợ.

3. Thực trạng hoạt động cho vay học sinh sinh viên tại PGD NHCSXH huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

3.1. Khái quát về hoạt động tín dụng của PGD NHCSXH huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Đối với NHCSXH hoạt động tín dụng là hoạt động chủ yếu nhất. Hiệu quả tín dụng càng cao, càng chứng tỏ ngân hàng thực hiện công tác cung cấp vốn đến cho hộ nghèo cùng các đối tượng chính sách ngày càng tốt hơn. Trong hoạt động tín dụng của PGD NHCSXH huyện Thuận Thành, hoạt động cho vay ưu đãi học sinh sinh viên và cho vay nước sạch vệ sinh môi trường chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, kết quả hoạt động tín dụng đạt được trong giai đoạn 2013 - 2015 của PGD NHCSXH huyện Thuận Thành được trình bày qua bảng sau:

Bảng 3.1. Hoạt động tín dụng của PGD giai đoạn 2013 - 2015

(ĐVT: Triệu đồng)

Qua bảng dễ dàng nhận thấy, hoạt động tín dụng học sinh sinh viên giai đoạn 2013-2015 có xu hướng giảm cả ở doanh số cho vay, doanh số thu nợ và dư nợ cho vay. Đặc biệt là năm 2015, doanh số cho vay học sinh sinh viên chưa đặt bằng nửa so với năm 2014. Thêm vào đó khoản nợ quá hạn của chương trình cho vay học sinh sinh viên trong giai đoạn 2013-2015 có xu hướng tăng lên. Chính vì vậy đòi hỏi PGD nói riêng và NHCSXH tỉnh nói chung cần có phương án thúc đẩy hoạt động tín dụng đối với chương trình cho vay học sinh sinh viên trong giai đoạn tới.

3.2. Doanh số cho vay, doanh số thu nợ, dư nợ cho vay, nợ quá hạn học sinh sinh viên

Xét theo các chương trình cho vay của NHCSXH, do đặc điểm của ngân hàng là cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và hơn hết là chương trình cho vay học sinh sinh viên đều tập trung vào cho vay trung và dài hạn. Doanh số cho vay, doanh số thu nợ và dư nợ cho vay trong giai đoạn 2013-2015 có xu hướng giảm. Nguyên nhân chính làm cho doanh số cho vay học sinh sinh viên giai đoạn 2013-2015 giảm (năm 2015 doanh số cho vay không bằng nửa so với năm trước) là do thủ tục vay vốn khá rườm rà. Học sinh sinh viên để được vay vốn phải xin xác nhận của trường sau đó phải gửi về để vay thông qua hộ gia đình. Từ đó dẫn tới nhu cầu cấp bách về vốn cũng giảm đi, người dân có tâm lý ngại tìm đến nguồn vốn chính sách mà đi tìm các nguồn vốn khác thay thế như vay của anh chị em, bạn bè. Đặc biệt, huyện Thuận Thành, một huyện hiếu học của tỉnh Bắc Ninh, từ cách đây khoảng 10 năm, số lượng học sinh sinh viên thi đậu đại học là rất cao. Những sinh viên năm đó đã ra trường và đi làm, họ có khả năng về tài chính nên là một nguồn chu cấp học hành cho con em trong huyện, do vậy mà đây cũng là một lý do dẫn tới doanh số cho vay giai đoạn này bị giảm.

Bảng 3.2. Doanh số cho vay học sinh sinh viên theo thời gian giai đoạn 2013-2015

(ĐVT: Triệu đồng)

Bên cạnh đó, dư nợ cho vay có xu hướng giảm vì có sự tham gia tích cực của các tổ chức, các đoàn thể trong việc giám sát chú trọng và thực hiện tốt công tác kiểm tra để hạn chế những tiêu cực phát sinh, đảm bảo đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng. Từ đó tuyên truyền vận động giúp mọi người có ý thức cao hơn trong việc sử dụng vốn được vay và ý thức hoàn trả vốn khi hết thời hạn vay.

Tuy vậy, nợ quá hạn đối với học sinh sinh viên không thu hồi được là do tỷ lệ thất nghiệp cao vì sinh viên mới ra trường kinh nghiệm chưa nhiều, một số công việc đòi hỏi sinh viên cần phải có kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tế. Một số sinh viên tìm được việc làm nhưng thu nhập không cao, dẫn đến việc trả nợ ngân hàng bị trì trệ. Một số khác có đủ khả năng trả nợ nhưng lợi dụng lãi suất ưu đãi của ngân hàng nên muốn kéo dài thời hạn trả nợ của mình.

Để giải quyết được các vấn đề trên đòi hỏi NHCSXH nói chung và PGD NHCSXH huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cần có các biện pháp thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng học sinh sinh viên tại ngân hàng mình.

3.3. Đánh giá chất lượng tín dụng HSSV tại PGD Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Chất lượng tín dụng học sinh sinh viên tại PGD NHCSXH huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được thể hiện qua các chỉ tiêu như vòng quay vốn tín dụng, hệ số thu nợ, tỷ lệ nợ quá hạn của hoạt động tín dụng học sinh sinh viên. Chất lượng tín dụng học sinh sinh viên tại PGD được thể hiện qua bảng sau:

Bảng 3.3. Bảng đánh giá chất lượng tín dụng HSSV giai đọan 2013 - 2015 của PGD

(ĐVT: Triệu đồng)

Giai đoạn 2013-2015, mặc dù vòng quay vốn tín dụng học sinh sinh viên rất thấp tuy nhiên nó không thể hiện chất lượng thấp của hoạt động tín dụng học sinh sinh viên, và thể hiện khả năng mở rộng phát triển dịch vụ cho vay học sinh sinh viên trong thời gian tới là thấp. Chất lượng hoạt động tín dụng học sinh sinh viên tại PGD huyện giai đoạn 2013-2015 được đánh giá khá tốt. Nó thể hiện ở hệ số thu nợ cao và tỷ lệ nợ quá hạn thấp. Trong giai đoạn này, mặc dù tỷ lệ nợ quá hạn có tăng lên nhưng nó là tỷ lệ rất thấp, không cần lo lắng. Đặc biệt PGD không có khoản nợ quá hạn nào bị chuyển thành khoản nợ mất vốn. Đây là lý do cần phát triển hơn hoạt động tín dụng học sinh sinh viên để phát triển hoạt động tín dụng của PGD.

4. Giải pháp phát triển dịch vụ cho vay ưu đãi học sinh sinh viên

4.1. Thực hiện quy trình cho vay một cách hợp lý

Quy trình cho vay ưu đãi học sinh sinh viên của NHCSXH nói chung và PGD NHCSXH huyện Thuận Thành nói riêng còn nhiều điểm rườm rà (để hạn chế rủi ro trong cho vay). Chính vì vậy mà việc tiếp cận đồng vốn vay gặp nhiều khó khăn hơn. Theo tác giả, cần đưa ra quy trình cho vay hợp lý hơn, loại bỏ một số khâu không cần thiết như xin xác nhận là sinh viên của trường. Nguyên nhân ở đây là do mỗi sinh viên đều có một mã số sinh viên, ngân hàng có thể theo dõi sinh viên trực tiếp qua mạng thông qua mã sinh viên đó. Ngân hàng có thể biết được điểm phẩy của sinh viên và một số thông báo về việc đình chỉ học tập của sinh viên trên mạng để xác định sinh viên còn theo học tại trường hay không để đưa ra quyết định có cho vay hay không. Vì vậy, sinh viên chỉ cần xin xác nhận là sinh viên học kỳ vay vốn đầu tiên, không nhất thiết mỗi một kỳ học lại xin giấy xác nhận là sinh viên một lần.

4.2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vốn vay các hộ. Phối hợp với các NHTM trong việc phát hành thẻ và chuyển tiền qua ATM liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp

Chương trình tín dụng học sinh sinh viên nhằm hỗ trợ vốn ưu đãi cho những sinh viên nghèo để có thể tiếp tục học tập nhưng để nguồn vốn vay đảm bảo đúng mục đích sử dụng và hiệu quả thì ngân hàng phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát vốn vay. Hiện nay, vốn vay được phát bằng tiền mặt cho gia đình học sinh sinh viên, điều này dẫn tới khả năng rất lớn việc sử dụng vốn vay sai mục đích. Do đó để hạn chế những tiêu cực phát sinh, ngân hàng nên thành lập các tổ kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay. Đặc biệt nên kết hợp với các ngân hàng thương mại và các trường đại học để phát tiền vay cho học sinh sinh viên trực tiếp thông qua trả tiền học phí cho học sinh sinh viên vào tài khoản ngân hàng của trường ở các kỳ học, số vốn vay còn lại được chuyển tới tài khoản ngân hàng của học sinh sinh viên trong từng tháng. Ngân hàng cần tạo sự gắn kết và phân phối giữa Ngân hàng - Nhà trường - Gia đình - Sinh viên. Ngân hàng cần phải chủ động hơn trong việc định kỳ kiểm tra, giám sát vốn vay, còn phía nhà trường cần kiểm tra về quá trình học tập tại trường của sinh viên nhằm phục vụ lợi ích cho đôi bên.

4.3. Liên kết với nhà trường, với các công ty, với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tạo việc làm cho các học sinh sinh viên đã tốt nghiệp, đang xin việc làm, tạo thu nhập để trả nợ giúp ngân hàng quay vòng vốn

Hiện nay đa số học sinh sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp gặp trở ngại trong việc tìm kiếm việc làm. Việc liên kết giữa Ngân hàng - Nhà trường - Sở Lao động - Thương binh và xã hội trong tìm kiếm và hỗ trợ việc làm đối với sinh viên là động lực thúc đẩy họ tự tin với bản thân và phấn đấu trong học tập.

Ngoài ra ngân hàng và nhà trường, đặc biệt là nhà trường có thể liên kết với các công ty để giúp đỡ sinh viên đã vay vốn sau khi ra trường có cơ hội được đi làm ở chính công ty đó. Trước đó, ngân hàng có thể thỏa thuận với công ty trích ra một phần lương để chi trả nguồn vốn sinh viên đã vay. Đặc biệt theo quy định hiện nay, sinh viên được chủ động quyết định thời điểm trả các khoản nợ nên việc kết hợp giữa công ty, sinh viên làm việc với NHCS sẽ giúp ngân hàng có thể chủ động trong việc thu hồi nợ. Giảm thiểu được khoản nợ quá hạn của học sinh sinh viên.

4.4. Kết hợp linh hoạt nhiều giải pháp để đôn đốc, thu hồi nợ

Xác định danh sách hộ vay có nợ đến hạn hàng tháng để niêm yết tại điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Tuyên truyền động viên hộ vay trả lãi, gốc theo các kỳ hạn đã thỏa thuận, động viên khuyến khích hộ vay tiết kiệm, dùng thu nhập tổng hợp của gia đình trả nợ trước hạn để được hưởng chính sách giảm lãi tiền vay.

5. Kết luận

Hiện nay ở nước ta, chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên luôn là vấn đề được Chính phủ và các bộ phận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy còn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng chính sách đã thực sự đi sâu vào cuộc sống, thể hiện tính nhân văn nhân đạo sâu sắc. NHCSXH là một ngân hàng hoạt động chủ yếu không vì mục đích lợi nhuận mà chú trọng đến an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương. Phòng GD NHCXH huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế trên địa bàn huyện. Với mong muốn góp phần vào công tác nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng học sinh sinh viên đối với sự phát triển của PGD NHCSXH huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, hi vọng các giải pháp khi đưa ra sẽ được ứng dụng vào thực tiễn góp phần phát triển dịch vụ tín dụng đối với học sinh sinh viên, và chính sách sẽ gặt hái được nhiều thành công trong quá trình thực hiện tiếp theo.

DISCUSSION ON DEVELOPING BANKING SERVICES

FOR STUDENTS IN THE BANK AGENCY OF VIETNAM

BANK FOR SOCIAL POLICIES IN THUAN THANH

DISTRICT, BAC NINH PROVINCE

Master. DUONG THI NHAN

Hanoi University of Mining and Geology

NGUYEN VAN LAP

Tu Son Branch of BIDV

ABSTRACT:

Based on the theoretical requirement, practical operation and desire for carrying preferential credit activities for students, the implementation of preferential credit activities for students in the Bank agency of Vietnam Bank for Social Policies in Thuan Thanh district, Bac Ninh province has achieved positive results. Through this study, the authors made some comments about activites of the bank agency.

Keywords: Preferential credit activities, student, Bank agency of Vietnam Bank for Social Policies in Thuan Thanh district, Bac Ninh province.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 01 tháng 01/2017 tại đây