Trong những năm vừa qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận cả về chất và lượng, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Sự phát triển của hệ thống ngân hàng nêu trên một phần bắt nguồn từ tư duy đổi mới sáng tạo của các ngân hàng, từ việc luôn tìm cách khai phá các sản phẩm và thị trường mới, trong đó có thị trường bảo hiểm. Đây là tiền đề quan trọng cho các mối quan hệ hợp tác và hình thành nên một mảng kinh doanh mới - kinh doanh bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance). Bài viết này tập trung nghiên cứu thực trạng hoạt động Bancassurance của hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian vừa qua, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm phát triển bền vững thị trường Bancassurance cho các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Từ khóa: Bancassurance, bảo hiểm, kinh doanh bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
1. Một số vấn đề cơ bản về hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance)
1.1. Thế nào là Bancassurance
Bancassurance là thuật ngữ chỉ sự kết hợp giữa hoạt động kinh doanh ngân hàng (Bank) và bảo hiểm (Insurrance). Về cơ bản Bacassurance là một thỏa thuận giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, trong đó các công ty bảo hiểm được phép bán sản phẩm bảo hiểm của mình dựa trên kênh phân phối và danh mục khách hàng của các ngân hàng đối tác. Theo thỏa thuận này công ty bảo hiểm có thể sử dụng mạng lưới chi nhánh của ngân hàng để bán sản phẩm bảo hiểm của mình và chia sẻ một phần lợi ích tài chính cho các ngân hàng đối tác.

1.2. Những lợi ích của hoạt động Bancassurance
1.2.1. Đối với các công ty bảo hiểm
Thứ nhất, các công ty bảo hiểm có thể khai thác ngay một kênh bán hàng rộng lớn, hiện hữu của hệ thống ngân hàng thương mại. Trong thực tế, việc phân phối sản phẩm bảo hiểm hiện nay được các công ty bảo hiểm thực hiện qua kênh bán hàng đại lý và để phát triển kênh bán hàng này một cách nhanh chóng đòi hỏi nhiều thời gian cũng như sự đầu tư tài chính của các công ty bảo hiểm. Ngược lại, với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm qua, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới chi nhánh và điểm giao dịch rộng khắp cả nước và có thể được sử dụng ngay như là một kênh bán hàng cho các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng khác. Vì vậy, thông qua sự hợp tác trong Bancassurance, các công ty bảo hiểm sẽ chi trả một khoản phí và có thể triển khai ngay hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm của mình mà không cần mất nhiều thời gian xây dựng kênh phân phối riêng như đã phân tích.
Thứ hai, các công ty bảo hiểm có thể khai thác danh mục khách hàng của các ngân hàng đối tác trong thỏa thuận Bancassurance.
Bên cạnh việc sử dụng mạng lưới chi nhánh của ngân hàng, các công ty bảo hiểm tham gia thỏa thuận Bancassurance còn có thể tiếp cận với tệp khách hàng sẵn có của ngân hàng để phân phối các sản phẩm bảo hiểm. Lúc này các ngân hàng sẽ đóng vai trò là người kết nối và giới thiệu sản phẩm bảo hiểm đến những khách hàng tiềm năng, các công ty bảo hiểm sẽ giữ vai trò đưa ra khuyến nghị sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Điều này giúp các công ty bảo hiểm gia tăng nhanh chóng số lượng khách hàng tiềm năng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh thu bán hàng.
Thứ ba, các công ty bảo hiểm có thể tận dụng đội ngũ nhân sự của các ngân hàng thương mại.
Các sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, là những sản phẩm tương đối phức tạp, đòi hỏi người bán sản phẩm phải có trình độ nhất định mới có thể tư vấn hiệu quả và đầy đủ cho người mua. Do đó, để phát triển đội ngũ nhân sự bán hàng tương xứng với sự gia tăng về mạng lưới kênh phân phối không phải là điều dễ dàng. Vấn đề này có thể được giải quyết một phần nhờ vào việc tận dụng đội ngũ nhân viên ngân hàng vốn đã có sẵn các kiến thức về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, giúp tiết kiệm nguồn lực đào tạo cho công ty bảo hiểm.
1.2.2. Đối với ngân hàng
Đầu tiên, các liên kết trong hợp đồng Bancassurance có thể giúp các ngân hàng tăng thu nhập và đa dạng hóa nguồn thu. Theo dữ liệu Fiinpro, trong giai đoạn 2015 - 2022, thu nhập từ hoạt động bảo hiểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Hình 1 thể hiện thu nhập từ hoạt động bảo hiểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong giai đoạn này, tổng thu nhập từ hoạt động bảo hiểm của toàn hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức 2.410 tỷ VND trong năm 2015 lên mức 24.838 tỷ VND vào cuối năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 39,55%/năm. Đây là một kết quả rất ấn tượng đối với hệ thống ngân hàng thương mại. (Hình 1)
Hình 1: Thu nhập từ hoạt động bảo hiểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2015 - 2022

Nguồn số liệu: Tác giả tổng hợp từ Fiinpro
Kế đến, bên cạnh các lợi ích về tài chính, việc cung cấp thêm các sản phẩm bảo hiểm thông qua kênh ngân hàng còn giúp các ngân hàng tham gia đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến việc xây dựng ngân hàng thành một định chế tài chính toàn diện, đáp ứng tất cả nhu cầu tài chính ngân hàng của khách hàng. Bên cạnh đó, việc mở rộng hoạt động kinh doanh qua thị trường bảo hiểm còn giúp các ngân hàng mở rộng quy mô kinh doanh và đa dạng về lĩnh vực hoạt động, khai thác lợi ích kinh tế theo quy mô và lợi ích kinh tế theo phạm vi hoạt động của các ngân hàng.
2. Thực trạng hoạt động Bancassurance của các ngân hàng thương mại Việt Nam
2.1. Số lượng các ngân hàng tham gia ngày càng nhiều và đóng góp của mảng kinh doanh bảo hiểm vào hiệu quả hoạt động của các ngân hàng ngày càng cao
Giai đoạn 2015 - 2022, ngành Ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của kênh Bancassurance xét cả về lượng và về chất. Cụ thể, Bảng 1 và Hình 2 cho thấy, số lượng các ngân hàng có tham gia vào các mối liên kết hợp tác trong hoạt động Bancassurance đã tăng từ 6 ngân hàng trong năm 2015 lên 12 ngân hàng vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, tổng thu nhập từ hoạt động Bancassurance bình quân cho các ngân hàng có hoạt động này cũng tăng từ 402 tỷ VND/ngân hàng vào năm 2015 lên 2.070 tỷ VND/ngân hàng vào năm 2022, tức tăng hơn 5 lần qua 7 năm và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 26,39%/năm. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện mức độ đóng góp ngày càng cao của hoạt động Bancassurance vào sự tăng trưởng chung của ngành Ngân hàng.
Bảng 1. Số lượng các ngân hàng và thu nhập từ bảo hiểm bình quân của các ngân hàng có hoạt động Bancassurance giai đoạn 2015 - 2022

Nguồn số liệu: Tác giả tổng hợp và tính toán từ Fiinpro
Hình 2: Thu nhập từ bảo hiểm bình quân mỗi ngân hàng có hoạt động Bancassurance (ĐVT: tỷ VND)

Nguồn số liệu: Tác giả tổng hợp và tính toán từ Fiinpro
2.2. Cơ hội và thách thức đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam khi triển khai hoạt động Bancassurance
Cơ hội:
Việt Nam với quy mô số lớn gần 100 triệu dân cùng với tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP còn thấp, do đó dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm trong đó có kênh bán hàng Bancassurance còn rất lớn. Theo Vietnam Report, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP tại Việt Nam hiện nay dao động ở mức 2,3-2,8%, thấp hơn so với mức trung bình 3,35% của khối Asean, 5,37% của châu Á và 6,3% của thế giới. Mặt khác tại Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn hiệu lực, chiếm tỷ lệ khoảng 12% dân số. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các nước như Malaysia (gần 50%), Singapore (gần 80%), Mỹ (gần 90%) là cao hơn rất nhiều so với Việt Nam (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, 2022). Những số liệu trên cho thấy tiềm năng phát triển thị trường Bancassurance rất lớn nếu các ngân hàng và công ty bảo hiểm biết cách khai thác đúng cách.
Thách thức:
Vấn đề quyền lực của các ngân hàng khi cung cấp sản phẩm bảo hiểm kèm theo các sản phẩm ngân hàng khác rất đáng quan ngại. Có thể thấy hiện nay kênh tín dụng ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chính đối với nhiều doanh nghiệp và phần lớn khách hàng cá nhân. Vì vậy, ở một khía cạnh nhất định, ngân hàng có ưu thế thương lượng đối với khách hàng nếu ngân hàng bán kèm sản phẩm bảo hiểm khi cung cấp sản phẩm tín dụng cho khách hàng, đặc biệt là trong những trường hợp nguồn cung tín dụng bị thắt chặt. Điều này sẽ gây tổn hại cho khách hàng, mất niềm tin thị trường và cuối cùng là tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của toàn thị trường Bancassurance nói chung.
Vấn đề cần quan tâm tiếp theo khi triển khai hình thức Bancassurance đó là chất lượng tư vấn sản phẩm bảo hiểm hiện chưa đồng đều. Trong quá trình làm việc với khách hàng, nhân viên ngân hàng sẽ có cơ hội tư vấn thêm các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt là những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, do đó không phải nhân viên ngân hàng nào cũng có đủ khả năng để tư vấn tường tận các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Thực tế đã chứng minh điều này. Cụ thể, khi sự cố xảy ra (VD: khách hàng muốn chấm dứt hợp đồng trước hạn, sự kiện bảo hiểm xảy ra,…) đã có những khiếu kiện và tranh chấp giữa khách hàng và công ty bảo hiểm, ngân hàng. Một phần nguyên nhân do khách hàng hiểu không đầy đủ về hợp đồng bảo hiểm khi mua tại ngân hàng. Vì vậy, nếu vấn đề chất lượng tư vấn sản phẩm bảo hiểm không được giải quyết một cách triệt để, những hậu quả không tốt sẽ xảy ra và điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của thị trường Bancassurance.
3. Một số kiến nghị nhằm phát triển hoạt động Bancassurance trong thời gian sắp tới
Với một số thách thức vừa phân tích, để có thể khai thác hết tiềm năng của lĩnh vực Bancassurance, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sự phát triển bền vững của thị trường Bancassurance.
Vấn đề “quyền lực mềm” của các ngân hàng khi cung ứng dịch vụ tín dụng không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ là cũ, vì vậy, các cơ quan chức năng phải ban hành những quy định nhằm hạn chế tiêu cực trong hoạt động cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng như: cấm hình thức mua bảo hiểm bắt buộc; quy định rõ trách nhiệm tư vấn sản phẩm bảo hiểm trong từng sản phẩm cụ thể như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư,…; quy định các ngân hàng và công ty bảo hiểm xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ trong hoạt động tư vấn và cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
Nâng cao trình độ tư vấn sản phẩm bảo hiểm của đội ngũ nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty bảo hiểm tham gia vào quá trình bán sản phẩm bảo hiểm trong Bancassurance.
Với tính chất phức tạp của nhiều dòng sản phẩm bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư, bảo hiểm nhân thọ liên kết đơn vị, bảo hiểm nhân thọ liên kết chung,… việc tư vấn thấu đáo cho khách hàng về những sản phẩm này đòi hỏi nhân viên bán hàng phải có trình độ nhất định. Vì vậy, những nhân viên này, bao gồm tất cả các nhân sự liên quan đến việc bán sản phẩm trong lĩnh vực Bancassurance, cần phải được đào tạo và thường xuyên được cập nhật, nâng cao kiến thức về sản phẩm bảo hiểm, nhằm nâng cao năng lực giải đáp mọi khía cạnh của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng, giúp các bên trong Bancassurance tránh những tranh chấp không đáng có với khách hàng về sau, từ đó thúc đẩy niềm tin của thị trường vào kênh Bancassurance.
Xây dựng và áp dụng chuẩn mực đạo đức phù hợp
Một giải pháp không kém phần quan trọng khác khi triển khai Bancassurance đó là vấn đề chuẩn mực đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm phải xây dựng, áp dụng và có chính sách giám sát sự tuân thủ cho đội ngũ nhân sự của mình. Phải làm cho nhân viên hiểu được tầm quan trọng của các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, phải đặt lợi ích của khách hàng và thị trường lên trên lợi ích cá nhân của nhân viên bán hàng nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của thị trường. Làm được việc này, tất cả các bên tham gia thị trường Bancassurance như: khách hàng, ngân hàng, công ty bảo hiểm, nhân viên ngân hàng và công ty bảo hiểm về dài hạn chắc chắn sẽ gặt hái được thành công.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Thị Ngọc Thúy (2021), Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 3 năm 2021, 47 - 49.
2. Diep (2020), Xu hướng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ của các ngân hàng thương mại, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 5 năm 2020, 92 - 94.
3. Nguyễn Thị Thuý Quỳnh, Vũ Bích Vân (2019), Giải pháp đẩy mạnh tín dụng bán lẻ tại các ngân hàng thương mại, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 12 năm 2019, 53 - 55.
4. Bộ Tài chính (2023). Thông tư số 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
5. Bộ Tài chính (2024). Xu hướng phát triển sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tại thị trường Đông Nam Á: Cơ hội và thách thức tại thị trường Việt Nam. Truy cập tại https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/ttncdtbh/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM321506
6. Tuấn Thủy (2024). Ngành Bảo hiểm có thể tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2024. Tạp chí Tài chính, truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/nganh-bao-hiem-co-the-tang-truong-tu-5-10-trong-nam-2024.html
7. Trương Thị Dung (2023). Nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14, tháng 5/2023.
BANCASSURANCE: A POTENTIAL BUSINESS SEGMENT FOR VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS
Master. Duong Tan Khoa
Faculty of Banking, University of Economics Ho Chi Minh City
Abstract:
In recent years, the Vietnamese banking system has experienced significant growth in both scale and quality, playing an increasingly vital role in the overall development of the national economy. This progress is driven in part by banks’ innovative strategies, which include the exploration of new products and markets, notably the insurance sector. Such efforts have laid the foundation for the development of bancassurance - a business segment combining banking and insurance services. This study analyzes the current state of bancassurance activities within Vietnam's commercial banking system, offering insights into challenges and opportunities. The study also provides strategic recommendations to ensure the sustainable growth and long-term success of the bancassurance market for Vietnamese commercial banks.
Keywords: bancassurance, insurance.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]