Từ lâu, Hà Đông nổi tiếng với những mặt hàng thủ công được làm từ tơ tằm, rất đặc sắc và độc đáo. Hiện trên địa bàn Quận có 5 làng nghề, chiếm khoảng 32% số hộ tham gia sản xuất ngành nghề. Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, xưa là làng Việt cổ (nhất thôn, nhất xã) có nghề dệt lụa nổi tiếng từ lâu đời. Nằm ngay cạnh làng lụa Vạn Phúc là làng nghề dệt in hoa thôn Ỷ La, làng nghề dệt vải thôn La Dương, làng nghề dệt in hoa La Nội thuộc xã Dương Nội. Từ đây, theo đường quốc lộ 6 là tới làng rèn Đa Sĩ - một làng quê hiếu học, giỏi nghề.

Các làng nghề ở Hà Đông đều là những làng nghề truyền thống, có lịch sử lâu đời. Trải qua nhiều thăng trầm, ngày nay, các làng nghề đều được khôi phục và phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Quận. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề chiếm 55% tổng giá trị sản lượng. Ngành nghề đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và các vùng lân cận, nâng cao đời sống của người dân. Thu nhập bình quân của 1 lao động làm nghề gần 1 triệu đồng/người/tháng, gấp 1,5 - 2 lần so với thu nhập bình quân của lao động trong làng.

Mượt mà thước lụa Vạn Phúc

Làng nghề Vạn Phúc đã có hơn 1.000 năm tuổi. Từ lâu, âm thanh từ những khung cửi, từ tiếng thoi đưa rộn ràng, khoan thai, dìu dặt đã trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây. Cùng tiếng thoi đưa, những nghệ nhân đã tạo ra tới 70 thứ hàng the, lụa, nổi tiếng như lụa hàng vân, gấm hoa ngũ sắc… Trải qua bao thăng trầm đổi thay, làng Vạn Phúc vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền trên từng vân lụa, thớ vải. Hoa văn bao giờ cũng được trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. Bởi vậy, lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam tới tay những người sành điệu bốn phương. Từ những sản phẩm lụa, người ta đã may lên những bộ trang phục nhẹ nhàng, những chiếc túi thêu, các kiểu ví, những chiếc váy xinh xinh và nhất là rất nhiều khăn lụa phù hợp với thời tiết heo may của những ngày đầu đông. Giá cả của những sản phẩm bán tại làng lụa Vạn Phúc phải chăng và dễ chọn lựa. Mặt hàng được bày bán trong các cửa hàng nhiều màu sắc đa dạng và phong phú về chủng loại.

Vạn Phúc hiện có hơn 1.000 hộ dân làm nghề dệt, chiếm gần 80% tổng số hộ sinh sống tại làng nghề. Với trên 1.000 máy dệt, 1.500 lao động trong làng và thu hút thêm khoảng 500 - 600 lao động thời vụ từ các địa phương lân cận đến đây làm việc, hàng năm, Vạn Phúc sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu m2 vải, có khi cao điểm tới 10 triệu m2 vải/năm, chiếm 70% doanh thu của toàn bộ làng nghề (khoảng 40 - 50 tỷ đồng). Cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành ba dãy phố lụa với gần 200 cửa hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Trong kinh tế thị trường, lụa Vạn Phúc vẫn duy trì là một làng nghề vừa sống bằng nghề dệt, vừa bằng du lịch. Ngày càng đông khách du lịch nước ngoài tìm đến Vạn Phúc để tìm hiểu nghề dệt lụa cổ truyền của Việt Nam. Nhờ lụa, làng Vạn Phúc giờ khang trang, phố phường ngày càng sầm uất.

Thăng trầm tấm vải làng La

Ỷ La, La Dương, La Nội nằm trong 7 làng La thuộc tổng La trước đây là một trong những vùng đất Tứ quý danh hương. Từ bao đời, Kẻ La đã nổi tiếng về tài dệt the, như ca dao cổ có câu:

"The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng

Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên".

Làng nghề dệt in hoa thôn Ỷ La, làng nghề dệt vải thôn La Dương, làng nghề dệt in hoa thôn La Nội đều thuộc xã Dương Nội. Theo bia Tổ sư nghề dệt tại Nhà thờ Tổ sư (sau chùa Hoa Nghiêm), khắc dựng năm 1772, thì người truyền nghề dệt cho dân Kẻ La là Lý Anh Nghị. Ngài vốn người Tây Hưng, huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, vào cuối thời Minh, đã cùng gia đình, anh em, con, cháu chạy sang nước Việt ta, rồi truyền nghề dệt cho người Kẻ Bưởi và Kẻ La. Trước kia, làng La đã từng có truyền thống làm nghề dệt the. Nhưng cùng với thời gian, nguyên liệu để sản xuất the đã trở nên khan hiếm, nghề dệt the đã dần bị mai một, và sản phẩm the của làng không đủ sức cạnh tranh cùng với sản phẩm khác. Nhưng khoảng 10 năm gần đây, nghề dệt vải hoa ở miền Nam đã dần chuyển hướng ra miền Bắc và du nhập vào làng. Với đôi bàn tay khéo léo, tính cần mẫn, cùng nguồn nguyên liệu dồi dào, lại có thị trường, nghề dệt - in vải hoa đã lên ngôi. Khắp trong làng, đâu đâu cũng vang lên âm thanh rộn rã của máy hơi nước, máy dệt kim, tất cả đã tạo nên một không khí lao động đầy hăng say và hứng khởi. Điều đáng nói là, nếu như thời gian đầu, người dân chủ yếu làm thủ công với qui mô nhỏ, lẻ, thì giờ đây, việc sản xuất ngày càng được phát triển theo hướng công nghiệp hoá và tập trung vào các cơ sở, doanh nghiệp lớn. Hiện nay, toàn xã Dương Nội có khoảng 60 cơ sở, doanh nghiệp in, dệt nhuộm, chế biến nông sản... Cùng với sự phát triển nhanh như vậy, ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất đã chuyển đổi thành doanh nghiệp. Việc sản xuất đã mang tính chuyên nghiệp và có quy mô lớn hơn.

Sau khi hoàn tất công đoạn dệt, người thợ có ba cách để tạo nên những hoa văn cầu kỳ trên những tấm vải vừa dệt. Đó là in thủ công trên lưới, in lô sấy (in bằng giấy), hoặc cũng có thể in ép hoa nổi để tạo ra những loại vải có mẫu mã và màu sắc phong phú... Với tiềm năng thị trường khá phong phú (70% trong nước, 30% nước ngoài),  nghề dệt in vải hoa đã mang lại doanh thu khá lớn cho các cơ sở sản xuất. Bình quân, doanh thu từ các cơ sở sản xuất trong xã đạt 100 tỷ đồng/năm. Thu nhập của người lao động từ đó cũng được tăng cao, khoảng 9 -10 triệu đồng/năm, (so với thu nhập từ làm nông nghiệp chỉ khoảng 6 triệu/năm). Rõ ràng, nghề dệt - in vải đạt hiệu quả kinh tế hơn nhiều. UBND xã Dương Nội đã cố gắng tạo điều kiện bảo lãnh cho các cơ sở sản xuất vay vốn, đồng thời thúc đẩy việc lưu thông hàng hoá giữa các vùng với nhau. Vì thế, nghề dệt - in vải hoa đã vượt qua những khó khăn bước đầu và tiếp tục khẳng định mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Đa Sỹ - Đất học, đất nghề

Người Đa Sỹ có nhiều niềm tự hào về mảnh đất quê hương có nghề rèn trải qua nhiều thế hệ, có nghề thuốc nổi tiếng với nhiều bậc danh y và đặc biệt, đây là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sỹ đỗ đạt. Đó cũng là lý do cái tên Đa Sỹ được đặt tên cho miền đất này thay cho tên trước đây là Làng Sẽ. Làng Đa Sỹ chính thức có được nghề rèn độc đáo như ngày nay là nhờ có hai vị tổ nghề là cụ Nguyễn Thuật và cụ Nguyễn Thuấn, khi đóng quân trên đất làng Sẽ xưa, đã truyền nghề rèn lại cho dân làng. Thôn Đa Sỹ thuộc xã Kiến Hưng, quận Hà Đông là một làng Việt cổ, nổi tiếng với nghề rèn truyền thống và nằm trong danh sách làng nghề cổ truyền được bảo tồn. Trước năm 1996, cả làng chỉ có hơn 300 lò rèn, làm ra hơn 2 triệu sản phẩm một năm. Đến năm 2000, số lò rèn trong thôn đã phát triển lên đến 500 lò. Hiện nay, làng có khoảng 1.200 hộ với 5.400 nhân khẩu, trong đó có gần 1.000 hộ làm nghề rèn. Số còn lại không trực tiếp sản xuất, nhưng đứng ra tổ chức các dịch vụ phục vụ nghề như mở dịch vụ thu gom hàng, cung cấp than, sắt nguyên liệu. Ngoài người làng, nghề rèn Đa Sĩ còn thu hút khoảng 200 lao động từ các địa phương khác tới làm thuê.

Các sản phẩm của Đa Sỹ nổi tiếng bởi độ bền, sắc, cứng hơn bất cứ sản phẩm rèn nào trong vùng đồng bằng Bắc bộ. Những lưỡi mác, những ngọn giáo Đa Sỹ đã góp phần viết nên lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Hòa bình lập lại, nghề rèn Đa Sỹ lại cho ra đời những nông cụ như chiếc cày, cái bừa, và các chi tiết máy phục vụ công nghiệp. Để phục vụ nghề mộc thì có các sản phẩm tràng, đục; phục vụ lâm nghiệp có dao quắm, các loại búa kiểm lâm; dụng cụ nông nghiệp có cuốc, xẻng, thuổng; hàng gia dụng thì có dao, kéo các loại. Ngoài những sản phẩm truyền thống, thợ rèn Đa Sĩ còn tìm cách sản xuất các loại cuốc chuyên dùng trong khảo cổ, dao xén giấy...

Sản phẩm rèn Đa Sĩ phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích thước, chất lượng tốt, giá cả phù hợp nên được cả nước biết đến. Để hội nhập với cơ chế thị trường, làng nghề cũng có những thay đổi cơ bản. Hiệp hội làng nghề Đa Sĩ đã đưa các sản phẩm của làng đi giới thiệu tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, người dân trong làng cũng tự "vận động" đi tìm các mối tiêu thụ hàng ở trong nam, ngoài bắc và xuất khẩu tiểu ngạch sang Lào, Campuchia. Ngay trong hiệp hội đã hình thành những đầu mối thu gom hàng giao cho đại lý tại chợ Đồng Xuân và vào thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của làng nghề là phát triển sản xuất bền vững. UBND xã Kiến Hưng đang quy hoạch một khu vực rộng 15ha để chuyển "công xưởng" của các hộ gia đình ra đó làm tập trung. Người làng Đa Sĩ dự định hướng đi trong những năm tới là, cải tiến sản phẩm cho phù hợp thị trường, sao cho vẫn giữ được nét truyền thống, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp. Ngoài ra, cần phải đăng ký bản quyền cho sản phẩm Đa Sĩ. Mục tiêu của Đa Sỹ là gắn sản xuất của làng nghề với phát triển du lịch, vừa để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, vừa đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, nâng cao đời sống cho nhân dân.

 Nhờ các lợi thế về vị trí địa lý, về giá trị văn hóa truyền thống làng xã, Hà Đông đã có chiến lược phát triển làng nghề gắn với các hoạt động du lịch để tiếp tục bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Quận đã quy hoạch cụm, điểm công nghiệp, điểm sản xuất tập trung cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh của làng nghề, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của làng nghề... Quận đã và đang tạo mọi điều kiện để các làng nghề trên địa bàn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm; coi trọng các hộ có nghệ nhân làm nòng cốt nhằm duy trì, bảo tồn giá trị truyền thống và tìm hướng đi cho sản phẩm của các làng nghề.

Xem bài Đi tìm xứ xở lụa Hà Đông

http://www.tapchicongnghiep.vn/congnghieponline/khuyencong/2009/10/22449.ttvn