Ngày 9/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật số 14/2017/QH14) về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
Nỗ lực xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng nhất
“Vật liệu nổ công nghiệp là loại vật tư hàng hóa đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, việc sử dụng nó đã trở nên phổ biến và không thể thiếu trong các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, thủy lợi và giao thông, tuy nhiên về mặt trái của nó cũng có thể gây mất an toàn, an ninh, trật tự xã hội nếu bị thất thoát.” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định tại Hội nghị.
Từ năm 1991 trở về trước Việt Nam từ một nước nhập khẩu hoàn toàn vật liệu nổ công nghiệp, đến nay nước ta đã trở thành nước có trình độ sản xuất vật liệu nổ công nghiệp vào hạng trung bình trên thế giới. Sản lượng sản xuất đáp ứng dư thừa nhu cầu trong nước và còn có khả năng xuất khẩu.
Sản lượng tiêu thụ vật liệu nổ công nghiệp liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 1991 chỉ có vài trăm tổ chức sử dụng và sản lượng tiêu thụ vật liệu nổ công nghiệp, đạt trên chục ngàn tấn thuốc nổ, thì đến năm 2022 sản lượng tiêu thụ là hơn 162.000 tấn thuốc nổ với hơn 1.400 tổ chức sử dụng đủ các loại hình kinh tế, đa dạng loại hình, quy mô và có mặt hầu hết trên các địa bàn toàn quốc.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành vật liệu nổ công nghiệp trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều thách thức về an ninh truyền thống, phi truyền thống, an ninh mạng, an ninh kinh tế, tài chính,… và tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng, mìn tự tạo có nguy cơ gây hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội tương ứng.
Năm 2017, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 thay thế Pháp lệnh số 16/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm khắc phục những điểm hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Sau khi Luật số 14/2017/QH14 ra đời, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 13/2018/TT-BCT về quản lý, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và rất nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp đã góp phần vào việc hình thành một hệ thống văn bản pháp luật và các quy định kỹ thuật về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ tương đối đồng bộ, thống nhất.
Vẫn còn nhiều vướng mắc tồn tại
Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, thực tiễn trong 5 năm triển khai thực hiện Luật số 14/2017/QH14 cho thấy còn tồn tại một số vướng mắc trong quản lý, sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ có thể gây khó khăn, cản trở cho việc áp dụng làm ảnh hưởng đến các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), Luật số 14/2017/QH14 ra đời và cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đối với vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã hình thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cơ bản đã đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ là công cụ đắc lực cho việc kiểm soát các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
Các điều kiện hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, thủ tục hành chính được tinh gọn rõ ràng hơn, dễ hiểu, dễ áp dụng so với quy định trước đây; cắt giảm các thủ tục hành chính có liên quan (như trong sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp).
Đặc biệt đối với doanh nghiệp dịch vụ nổ mìn đã phát huy được tính ưu việt trong quá trình hoạt động có tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa đảm bảo tiến độ và yêu cầu khắt khe về kỹ thuật cao trong khai thác khoáng sản và thi công các công trình, giảm đầu mối quản lý hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (qua theo dõi trung bình một năm giảm khoảng từ 300 - 400 Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và giảm số kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tai nạn lao động cũng như số vụ thất thoát vật liệu nổ công nghiệp giảm rất nhiều); tạo điều kiện thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng và đầy đủ quy định pháp luật về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
Đồng thời, báo cáo cũng cho thấy còn tồn tại một số bất cập khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về thẩm quyền quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp: Tại Điểm a khoản 1 Điều 37 Luật số 14/2017/QH14 quy định “Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp do các tổ chức khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thực hiện trên cơ sở đề án nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Tuy nhiên Luật không quy định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án nghiên cứu để bảo đảm không vi phạm khoản 2 Điều 5 Luật số 14/2017/QH14 “Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ” và Điều 305 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vật liệu nổ trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ”.
Về kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tại Điểm đ khoản 3 Điều 37 Luật số 14/2017/QH14 quy định việc kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định: Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp được mua lại vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức được phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không sử dụng hết.
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 41 Luật số 14/2017/QH14 quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải tuân theo quy định: vật liệu nổ công nghiệp không sử dụng hết phải bán lại cho doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. .
Như vậy, theo các quy định nêu trên, các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không sử dụng hết phải bán lại cho doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Tuy nhiên, theo pháp luật về thương mại, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Như vậy, việc bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp là hoạt động kinh doanh, hoạt động thương mại. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (trừ MICCO và GAET) không có giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
Hiện cả nước chỉ có 02 tổ chức được phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là Tổng công ty MICCO trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty GAET thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, 02 tổng công ty này có các đơn vị là chi nhánh hoặc các đơn vị trực thuộc hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con để cung ứng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại 47 tỉnh, thành phố trên cả nước. Vì thế, nếu không có ủy quyền kinh doanh sẽ vướng với quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra những ý kiến thiết thực, chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện các quy định về quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Từ đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị và tình hình thực tiễn theo dõi, thi hành Luật, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tổng kết đánh giá và đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh các quy định pháp luật nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý, các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ dễ dàng tiếp thu, thực thi, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội và đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của mình.