Dự án sưu tầm giải mã công nghệ cổ truyền Việt Nam

Quá trình sưu tầm khảo cứu các công nghệ cổ truyền Việt Nam, tình cờ chúng tôi phát hiện ra công nghệ chế tạo bơm nước sử dụng năng lượng của sóng ở Hồ tây thế kỷ XVII. Các cụ già ở Quảng Oai (Hà tây) kể lại, chủ nhân loại bơm nước kỳ lạ này có lẽ thuộc về cụ Lê Trung Tòng,  một vị quan ngự y thời Lê Trịnh. Thời đó, Chúa Trịnh Giang cho tu bổ hành cung thuỷ tọa ven Hồ Tây làm nơi du hý. Cụ Lê Trung Tòng đã lắp hệ thống bơm nước bằng sóng Hồ Tây, để Hoàng Gia và các cung nữ sử dụng. Khi Thăng Long có phản loạn, một số quốc thích nhà Lê đã trốn chạy theo sông Hồng lên phủ Quảng Oai, mang theo công nghệ chế tạo bơm nước kỳ lạ này. Hậu duệ của cụ Lê Trung Tòng trú ở vùng chiêm trũng xã Vạn Thắng và xã Cổ Đô (huyện Quảng Oai, tỉnh Hà Tây ngày nay) đã lắp loại bơm này bên các nhà lều trông trại cá ngoài đồng. Ông Ái, một nghệ nhân hát bội của làng Mơ Chùa, xã Vạn Thắng là người cuối cùng biết làm lọai bơm nước nói trên.

Chúng tôi đã về cánh đồng chiêm trũng xã Vạn Thắng, nơi cách đây khoảng 40 năm, ông Ái và mấy người bạn đã dựng hai cái bơm nước sử dụng năng lượng của sóng, lấy nước lên bờ cao để sử dụng. Cùng đi có kỹ sư thuỷ lợi Nguyễn Tiến Thành, ngưòi có thâm niên trên 30 năm với ngành công nghiệp chế tạo  máy bơm. Trên cánh đồng xưa, nơi ông Ái dựng vó bè và hai trạm bơm, giờ đây đã được tiêu úng. Kỹ sư Thành trầm trồ: "Bây giờ thế giới mới đi tìm các nguồn năng lượng mới (Ánh sáng mặt trời, sức gió, sóng biển, Biogas...) để thay thế dầu mỏ. Vậy mà cách đây trên 300 năm, khi ở phương Tây bắt đầu cách mạng công nghiệp, một viên quan cung đình ở Việt Nam đã làm ra cái bơm sử dụng sức của sóng nước cũng là một sự kỳ lạ!"

Tại địa điểm ngày trước ông Ái đặt trạm bơm bằng năng lượng của sóng, chúng tôi đo đạc các kích thước và dựng lại mô hình theo trí nhớ của những người đã từng chứng kiến sự việc. Cuối cùng, chúng tôi đã tạo lập được bản vẽ loại máy bơm này (hình vẽ ).

Cấu tạo máy bơm nhìn có vẻ đơn giản, nó gồm một trụ bằng gỗ tròn, thẳng, được đóng thẳng đứng xuống đáy ao, hồ ở phía bờ có nhiều sóng vỗ (thường là bờ phía tây do gió đông bắc thổi tới). Trụ này không hở lên mặt nước, mà cách mặt nước khoảng nửa mét. Đầu trụ được bọc một miếng da trơn làm pittông. Pittông được lồng vào xilanh là một đoạn ống vầu, ống vầu này đầu dưới được liên kết với bè phao gồm hai mảng tre và vầu buộc với nhau thành hai lớp (ngang và dọc), có kích thước khoảng 1m x 2m. Ruột của các mắt vầu được thông thủng thành lỗ tròn, có kích cỡ đồng xu. Phía trên các lỗ có bỏ một quả trứng đã luộc chín hoặc viên bi gốm cỡ quả trứng để làm van 1 chiều. Dọc ống vầu có từ 2 - 4 cái van nước 1 chiều ở bên trong ống vầu như thế.

Khi có sóng đánh, bè sẽ dập dềnh dâng lên, hạ xuống nhịp nhàng theo tần số của sóng. Khi bè bị nâng lên, nước sẽ chui vào buồng pittông theo khe hở miếng da để lên cao hơn nữa, tạo thành cột áp cao một vài mét, chảy vào ruộng hay vào bể chứa dùng cho sinh hoạt. Toàn bộ hệ thống không hề dùng một cái đinh hoặc một mẩu kim loại nào.

Miếng da bọc trên đầu trụ được đóng bằng đinh tre giống như cách bọc mặt trống da, sau đó lấy sợi đay cuốn tròn và dùng sơn ta để gắn cho chắc. Vòi dẫn từ xi lanh để đổ nước vào máng cũng được gắn bằng sơn ta. Đây đúng là sản phẩm hoàn toàn của văn minh nông nghiệp. Theo ước đoán của chúng tôi, công nghệ xuất phát từ xứ sở của tre vầu là vùng đất Lam Sơn xứ Thanh, quê hương của Hoàng tộc nhà Lê. Khi được mang về Thăng Long, cụ Lê Trung Tòng đã cải tiến công nghệ này cho mục đích sử dụng của Hoàng Gia. Từ đây, nó đã trở thành di sản nghìn năm Thăng Long Hà Nội.

Cũng trong dịp khảo sát điền dã này, chúng tôi còn tìm được công nghệ lọc nước bằng sinh học rất cổ xưa của làng Đông Lâu - một làng từng nấu ra thứ rượu ngon nổi tiếng để cung tiến Vua. Chúng tôi sẽ giới thiệu cùng bạn đọc trong số Khoa học & Công nghệ số tới.

Như vậy, tài năng sáng tạo ra các giá trị tinh hoa của nhân dân ta ở mọi miền tổ quốc đã tụ hội về Thăng Long, Đế Đô để từ đây lan toả và phát triển đến mọi miền của đất nước.

Chú thích:

1. Pittông nằng cây gỗ đầu tròn đóng xuống đấy ao hồ.

2. Đầu pittông bọc miếng da được gia cố bằng đinh tre và dây gai phết sơn ta.

3. Bè tre vầy đóng hai lớp ngang và dọc.

4. Xi lanh bằng thân cây vầu.

5.Van dẫn nước một chiều chỉ cho nứơc đi lên cao.

6. Vòi lấy nước ra ở đỉnh cột nước./.