Doanh nghiệp chịu sức ép hoàn thiện, nhà quản lý thay đổi tư duy

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phân tích về tính hai mặt của các FTA, nó mở ra nhiều cơ hội về công nghiệp, thương mại, đồng thời cũng là cơ hội để cải thiện và hoàn thiện thể chế. Việc tham gia các FTA cũng hỗ trợ tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, minh bạch hơn, dễ dự báo dự toán hơn. Tuy nhiên, các hiệp định vừa kết thúc đàm phán đặt ra thách thức không nhỏ với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Với các nhà quản lý là sức ép thay đổi tư duy. Thay đổi tư duy quản lý, tư duy làm chính sách, minh bạch hóa và tăng cường khả năng tương tác với khu vực doanh nghiệp để có ưu thế cạnh tranh trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế quốc tế. Việc nắm bắt được các tác động mà FTA mang lại sẽ giúp các nhà quản lý thay đổi tư duy trong công tác xây dựng và điều hành chính sách. Với doanh nghiệp, đó là sức ép cạnh tranh đồng thời là sức ép hoàn thiện chính mình để vươn lên nắm bắt cơ hội.

Tuy nhiên, thống kê gần nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy khoảng 75% doanh nghiệp chưa hiểu rõ về các FTA. Bởi, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực không bị cạnh tranh từ bên ngoài. Nhiều doanh nghiệp Việt chỉ hoạt động ở thị trường trong nước, không tham gia xuất khẩu. Đây là thực tế của nhiều nước trên thế giới, nhất là đối với các doanh nghiệp chỉ tập trung thị trường nội địa không quan tâm lắm tới việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế. Do vậy, để có thể hiểu về các FTA trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp này cần phải có thời gian, đầu tư sự quan tâm để tận dụng các cơ hội lớn mà FTA mang lại.

Hội nghị phổ biến thông tin lần này, theo Thứ trưởng Khánh, mới chỉ là bước "dẫn nhập" của quá trình dài các đơn vị quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cần đầu tư thời gian để nắm bắt và hiểu được về các FTA.

Cơ hội mới để vào sân chơi chung

Trong quá trình hội nhập, Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức về năng suất lao động. Trên thực tế, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, thấp nhất trong khu vực.

Một công ty nghiên cứu thị trường gần đây đã khảo sát ở châu Á về lĩnh vực chế tạo cho biết năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, với năng suất lao động như vậy thì vị thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ ở thế yếu.

Trong cạnh tranh, năng suất lao động là quan trọng nhất nhưng Việt Nam chưa vượt qua. Vậy, làm sao để Việt Nam có thể vượt qua thách thức này? Ông Thái nhận định một trong những điều có thể thay đổi tình trạng này của Việt Nam chính là hợp tác thương mại.

"Đây là bước đi đầu tiên cho chúng ta để có thể hình thành nên cách chơi, bởi trên thế giới, hình thành hiệp định thương mại tự do với quy mô rất lớn. Trước đó, mọi người thường nói hội nhập là đi ra biển lớn vì ở đó có nhiều quy tắc khắt khe, chặt chẽ. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy thương mại thế giới đã chững lại. Một trong những lo ngại mà nhiều người chỉ ra gần đây là nền kinh tế Trung Quốc nổi lên, sẽ rất khó để tạo ra một sân chơi chung. Trung Quốc hiện nay đã cạnh tranh thành công với nhiều nước đang phát triển. Theo đó, nhiều nước đã hình thành cách chơi mới đó là hình thành thương mại tự do ở quy mô lớn”, ông Thái nhận định.

Ông Thái chỉ ra rằng cách chơi mới này được thể hiện rõ nhất qua các FTA vừa qua, trong đó mạnh mẽ nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP là hiệp định có quy mô kinh tế rất lớn, hiệp định này chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Đây là hiệp định mở, dự kiến sẽ tạo điều kiện cho nhiều nước tham gia.

TPP là hiệp định Việt Nam tham gia rất sớm. Hiệp định này đặc biệt có sự tham gia, dẫn dắt của Mỹ - một thị trường lớn mạnh và rất tiềm năng, thu hút đông đảo các nước tham gia. Đặc biệt, đây là hiệp định có tiêu chuẩn rất cao. Một khi đáp ứng được những điều kiện này thì cơ hội mở ra sẽ rất lớn, cơ hội về cạnh tranh là rất cao, ông Thái khẳng định.

Ông Thái nhận định: "Vì vậy, ngay từ rất sớm, Việt Nam đã nhìn nhận được lợi thế này, và chúng ta muốn kết nối với đối tác lớn là Mỹ thông qua TPP. Đây là đối tác lớn nên điều kiện đặt ra rất cao. Đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội tham gia ngay từ đầu dưới góc độ là người tạo lập ra sân chơi này. Vì vậy, cơ hội của chúng ta là rất lớn".