Năm 2004, các KCN Đà Nẵng đã có tổng doanh thu 1.500 tỷ đồng và 57,4 triệu USD, tăng 29% so với năm trước, trong đó có giá trị xuất khẩu đạt 46,8  triệu USD, tăng 40%, và nộp ngân sách  nhà nước 207 tỷ đồng. Rõ ràng, so với chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, hay chi phí đền bù giải tỏa từ trước đến nay (194,57 tỷ đồng), thì hiệu quả kinh tế của các KCN đạt được rất cao, đó là chưa tính hiệu quả kinh tế - xã hội do tạo việc làm cho hơn 3,5 vạn lao động trực tiếp tại đây.
Đạt được kết quả nêu trên, trước hết là nhờ chính sách thông thoáng trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của UBND Thành phố. Nhiều cán bộ và chuyên gia trong cả nước mỗi lần có dịp tới Đà Nẵng, trở về đều có một nhận xét chung, có phần khác với nhận xét về những địa phương khác là, các cấp lãnh đạo của Đà Nẵng rất năng động và sáng tạo, chỉ đạo điều hành của họ rất mạnh mẽ, quyết liệt, vì vậy “hiệu lực” gắn liền với “hiệu quả” trong mọi hoạt động. Do đó, kinh tế Đà Nẵng, bộ mặt Thành phố phát triển rất nhanh. Riêng về xây dựng và phát triển KCN, Đà Nẵng thực hiện nguyên tắc “một cửa” khá tốt. Toàn Thành phố chỉ có một Ban Quản lý KCN và một Công ty Đầu tư phát triển và Khai thác cơ sở hạ tầng cho tất cả các KCN. Nhờ đó, việc xây dựng các quy hoạch, các chính sách có liên quan… được tập trung, ít bị chồng chéo, không gây ra những phản ứng ngược chiều trong công tác chỉ đạo, điều hành về đền bù, giải phóng mặt bằng.
Hơn nữa, việc giải phóng mặt bằng luôn gắn liền với việc xây dựng quỹ đất và công tác tổ chức di dời, tái định cư cho con người.
(Xem tiếp trang 39)

Các KCN...
(Tiếp theo trang 37)
Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN Đà Nẵng còn hết sức coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề và chuẩn bị tốt chỗ ở cho người lao động của các KCN. Đồng thời, việc bảo vệ môi trường cũng được quan tâm và kiểm tra gắt gao.
Tuy thiếu kinh  phí, nhưng Ban quản lý các KCN Đà Nẵng rất coi trọng và làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào KCN. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu hết năm 2001, Đà Nẵng còn đứng thứ 20 trong cả nước về thu hút ĐTNN thì hiện nay, Đà Nẵng đã đứng ở vị trí thứ 15.
Năm 2004, Đà Nẵng được Chính phủ công nhận là đô thị quốc gia, sánh vai với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ. Đây là phần thưởng xứng đáng và cũng là cơ hội mới, tạo ra động lực cho Đà Nẵng tiến nhanh và vững chắc hơn nữa.
Đà Nẵng là cửa ngõ ra Biển Đông, của hành lang Đông - Tây, nối liền Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Đà Nẵng có sân bay quốc tế và nằm cách không xa Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế mở Chu Lai, nằm giữa 2 khu du lịch Huế và Hội An, đặc biệt, một dự án Khu du lịch của các nhà đầu tư Hoa Kỳ trị giá đến 1 tỷ USD tại Quảng Nam có thể sắp được cấp giấy phép. Đó là những cơ hội quý giá, nhưng cũng là thách thức đối với Đà Nẵng trong việc chọn lựa phát triển công nghiệp, trước hết phải hướng mạnh vào phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch.
Đà Nẵng lúc này là Đà Nẵng của những chủ nhân tương lai được sinh ra sau ngày Thành phố được giải phóng. Với tuổi 30 đầy ắp hoài bão và nghị lực, dám chắc, thế hệ trẻ sẽ đưa Đà Nẵng sớm đạt được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trước năm 2020. q