TÓM TẮT:

Kế toán quản trị (KTQT) có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nguồn thông tin hữu ích cho nhà quản trị để ra các ra các quyết định phù hợp cho việc quản lý, điều hành doanh nghiệp. Như vậy, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất nói riêng cần phải tổ chức được hệ thống KTQT cho doanh nghiệp mình để có được nguồn thông tin phù hợp. Trong quá trình xây dựng và tổ chức công tác KTQT, việc nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến công tác tổ chức KTQT sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về mô hình KTQT của doanh nghiệp mình,từ đó phát huy các yếu tố tích cực, đồng thời hạn chế được các tác động tiêu cực ảnh hưởng, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức, vận hành công tác KTQT tại doanh nghiệp. Vì vậy, ở bài viết này, tác giả muốn đề cập đến các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức KTQT trong doanh nghiệp sản xuất.

Từ khóa: kế toán quản trị, kế toán tài chính, doanh nghiệp sản xuất.

1. Đặt vấn đề

Trong nền kinh tế hội nhập quốc tế hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đang đứng trước những thách thức rất lớn đó là làm sao để có thể đứng vững và cạnh tranh được trong thị trường. Trong đó, yếu tố cạnh tranh về chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm được giá thành sản phẩm, quản lý được hiệu quả của doanh nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Do vậy, việc triển khai và áp dụng công tác KTQT trong doanh nghiệp và vấn đề hết sức cần thiết, KTQT đáp ứng được nhu cầu cung cấp đầy đủ, nhanh chóng các thông tin để nhà quản trị điều hành doanh nghiệp, phục vụ kiểm soát và đánh giá doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt các chức năng quản trị. Hiện nay, một số doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc áp dụng KTQT cho việc quản lý điều hành doanh nghiệp. Trong bài viết này, tác giả muốn đề cập đến một số nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng KTQT trong các doanh nghiệp sản xuất, và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng KTQT.

2. Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức kế toán quản trị trong doanh nghiệp sản xuất

2.1. Vai trò của thông tin kế toán quản trị trong doanh nghiệp

Thông tin của KTQT sẽ là công cụ giúp cho nhà quản lý hoàn thành chức năng lập kế hoạch, tổ chức điều hành, kiểm tra và ra quyết định. Như vậy, nhà quản trị sẽ có được các thông tin phục vụ cho việc ra quyết định kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. KTQT có vai trò cung cấp thông tin cho các nhà quản lý bao gồm các nội dung: Cung cấp thông tin cho việc xây dựng kế hoạch và lập dự toán; Cung cấp thông tin cho quá trình tổ chức điều hành; Cung cấp thông tin cho quá trình kiểm tra đánh giá; Cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định.

Một là, cung cấp thông tin cho quá trình lập kế hoạch và dự toán: Lập kế hoạch là thiết lập các loại dự toán, xây dựng các mục tiêu, các chiến lược sản xuất - kinh doanh, kế hoạch đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm phải đạt được và vạch ra các bước thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Thông qua các dự toán như dự toán tiêu thụ, dự toán nguyên vật liệu, dự chi phí nhân công trực tiếp, dự toán tiêu thụ giúp cho nhà quản trị sẽ phán đoán được kết quả của các chỉ tiêu trong kinh tế có thể xảy ra.

Hai là, cung cấp thông tin cho quá trình tổ chức thực hiện: Nhà quản trị cần một lượng thông tin rất lớn đối với thông tin kế toán và KTQT như là: những thông tin phát sinh hàng ngày để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Các thông tin có thể như là thông tin về giá thành ước tính của các loại sản phẩm sản xuất, thông tin về giá bán của từng loại sản phẩm, thông tin về chi phí, thông tin về lợi nhuận. Dựa vào các thông tin do KTQT cung cấp, các nhà quản trị mới có thể đưa ra các quyết định thích hợp. Để đạt kế hoạch hiệu quả, đòi hỏi trong quá trình vận hành doanh nghiệp, nhà lãnh đạo phải biết liên kết các bộ phận với nhau nhằm khai thác các yếu tố quá trình sản xuất để đạt được mục tiêu đã đề ra. Để thực hiện tốt chức năng này, đòi hỏi nhà quản trị sử dụng tổng hợp các thông tin của nhiều bộ phận trong doanh nghiệp như thông tin bên trong bên ngoài, thông tin định lượng, định tính để từ đó có thể thực tốt các kế hoạch, dự toán đã đề ra.

Ba là, cung cấp thông tin kiểm tra và đánh giá các kết quả thực hiện: Nhà quản trị dựa trên kế hoạch đã xây dựng và căn cứ vào kết quả thực hiện để kiểm tra đối chiếu đánh giá kiểm tra tình hình thực hiện kết quả của doanh nghiệp. Qua đó, thấy được sự chênh lệch kết quả giữa kế hoạch đã xây dựng và quá trình thực hiện của doanh nghiệp. Trên cơ sở nguồn thông tin có được, nhà quản trị sẽ xác định được các nguyên nhân ảnh hưởng để có thể điều chỉnh quá trình làm việc của từng bộ phận chức năng.

Bốn là, cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định: Đây là chức năng quan trọng nhất của thông tin KTQT. Nhà quản trị dựa vào nguồn thông tin thu thập, qua quá trình lựa chọn, phân tích để đưa ra quyết định đối với từng hoạt động đối với quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà quản trị sẽ dựa vào nhiều nguồn thông tin được cung cấp khác nhau, nhưng thông tin KTQT thường có độ tin cậy cao. Mỗi phương án kinh doanh khác nhau sẽ đem lại hiệu quả kinh tế khác nhau. Phương án trong kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất hầu như đều liên quan đến số lượng sản xuất, số lượng sản phẩm tiêu thụ, chủng loại, doanh thu, chi phí, lợi nhuận. Do đó, trên cơ sở thông tin KTQT cung cấp nhà quản trị ra các quyết định phù hợp cho từng thời điểm, từng hoàn cảnh cụ thể cho doanh nghiệp mình.

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức kế toán quản trị trong doanh nghiệp sản xuất

Việc xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến công tác tổ chức hệ thống KTQT sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất có cái nhìn tổng quan về việc tổ chức KTQT cho doanh nghiệp mình, hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động, phát huy được các điểm mạnh của doanh nghiệp mình. Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác KTQT trong doanh nghiệp sản xuất, tác giả có thể chia thành 2 nhóm nhân tố chính là nhân tố bên trong và nhân tố tác động bên ngoài. Nhân tố được hình thành từ bản thân bên trong doanh nghiệp bao gồm  nhân tố về quy mô sản xuất, ngành nghề, mục tiêu, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, nhân tố về tổ chức sản xuất, công nghệ sản xuất, trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin, nhân tố về nhận thức của nhà quản lý, trình độ cán bộ,... Những nhân tố bên ngoài môi trường doanh nghiệp ảnh hưởng đến quá trình tổ chức KTQT của doanh nghiệp như nhân tố các quy định pháp lý, quản lý ngành nghề kinh doanh, nhân tố môi trường kinh doanh, áp lực kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế… Theo tác giả Nguyễn Bích Hương Thảo (2016) qua quá trình khảo thực trạng tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản, 100% các doanh nghiệp cho rằng hệ thống báo cáo KTQT chưa đầy đủ thông tin, các báo cáo đều do bộ phận kế toán cung cấp. Báo cáo chưa đi sâu sâu phân tích được sự biến động của quá trình lập kế hoạch so với kết quả thực hiện đối với những khoản mục như chi phí, doanh thu, lợi nhuận,... Theo tác giả, hầu như các công ty có thực hiện công tác KTQT  nhưng chưa quan tâm đúng mức đến thực hiện công tác KTQT, không có nhân viên  phụ trách riêng cho KTQT ở các phần hành. Qua đó, tác giả đã xác định được các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức KTQT cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản, bao gồm: Nhân tố về quy mô, ngành nghề, mục tiêu, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp; Nhân tố về tổ chức sản xuất, công nghệ sản xuất; Nhân tố về nhận thức của nhà quản lý và trình độ cán bộ áp dụng KTQT; Nhân tố các quy định pháp lý, quản lý ngành nghề kinh doanh; Nhân tố môi trường kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo  nhóm  tác  giả  Michael  Lucas,  Malcolm  Prowle  &  Glynn  Lowth (2013), lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp là một trong những nhân tố tác động tới việc áp dụng các công việc KTQT. Theo tác giả Thái Anh Tuấn (2018), áp lực cạnh tranh, sự phân quyền, qui mô doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu của các thành viên chuyên nghiệp, sự quan tâm của nhà quản trị đến kế toán quản trị, công nghệ thông tin, công nghệ sản xuất, trình độ nhân viện KTQT là những nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức KTQT trong doanh nghiệp.

2.2.1. Những nhân tố chủ quan ảnh hướng để tổ chức KTQT cho doanh nghiệp sản xuất:

Nhân tố về quy mô doanh nghiệp, mục tiêu, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

Để tổ chức KTQT tại doanh nghiệp một cách khoa học, hợp lý, buộc các nhà quản trị xác định rõ về quy mô hoạt động, đánh giá các nguồn lực để kiểm soát chi phí, phân tích ngành nghề hoạt động, sản phẩm sản xuất, đưa ra các mục tiêu, chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Quy mô doanh nghiệp là nhân tố có tác động rất lớn đến việc áp dụng KTQT. Đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn thường có nhu cầu thông tin quản trị nhiều hơn so với doanh nghiệp có qui mô nhỏ. Khi doanh nghiệp vận dụng KTQT sẽ phát sinh thêm một số khoản chi phí cho việc vận hành. Các doanh nghiệp lớn thông thường tiềm lực tài chính mạnh, nguồn lực dồi dào hơn sẽ dễ dàng tiếp cận và áp dụng KTQT hơn các doanh nghiệp có qui mô nhỏ.

Xác định mục tiêu chiến lược kinh doanh là bước đầu tiên trong quá trình hoạch định chiến lược vì khi xác định đúng mục tiêu chiến lược sẽ là căn cứ, định hướng để nhà quản trị điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Nhà quản trị phải xác định được mục tiêu doanh nghiệp cần vươn tới, cần đạt được trong tương lai. Từ xây dựng được mục tiêu, doanh nghiệp mới có được chiến lược kinh doanh. Thông tin của KTQT sẽ là nguồn thông tin rất hữu ích cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, yêu cầu nhà quản trị phải đảm bảo tính nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện mục tiêu, chiến lược của doanh nghiệp. Từ đó, khi xây dựng bộ máy kế toán, KTQT hợp lý, có thể, đảm bảo mọi hoạt động kế toán thông suốt, thông tin kế toán, KTQT được cung cấp đầy đủ, nhanh chóng và đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Nhân tố về tổ chức sản xuất, công nghệ sản xuất

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, công nghệ sản xuất, qui trình sản xuất đóng vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất sản phẩm để đạt chất lượng sản phẩm tốt. Đặc điểm sản phẩm, quy trình công nghệ áp dụng đơn giản hay phức tạp, đặc điểm các bộ phận, qui trình sản xuất ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy kế toán nói chung và công tác KTQT nói riêng. Sự phối hợp giữa bộ phận KTQT với bộ phận sản xuất là hết sức quan trọng để đánh giá lại các dự toán đã lập, định mức đã xây dựng và là nguồn thông tin quan trọng để nhà quản trị đưa ra các quyết định về tài chính về sản xuất trong tương lai. Tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức sản xuất, công nghệ kỹ thuật, năng suất sản xuất, cơ cấu sản phẩm mà KTQT sẽ tổ chức phân công ghi chép các nghiệp vụ, xây dựng các báo cáo từng giai đoạn, từng hoạt động để phục vụ cho mục đính báo cáo kế toán cũng như báo cáo quản trị.  Đối với một số ngành nghề sản xuất có qui trình sản theo dây chuyền công nghệ, nhưng vẫn xen lẫn thủ công, như vây sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp. Như vậy sẽ gây khó khăn trong việc lập các định mức tiêu hao, cũng như đánh giá sự chênh lệch giữa định mức và dự toán để cung cấp các thông tin cho nhà quản trị trong việc đưa ra các quyết định.

 Nhân tố về nhận thức của nhà quản lý và trình độ cán bộ áp dụng KTQT

Trình độ nhận thức của nhà quản trị cấp cao từ việc đưa ra định hướng, thực hiện quá trình tổ chức, kiểm soát toàn bộ quá trình và cuối cùng là đánh giá kết quả thực hiện trước. Việc triển khai, tổ chức và áp dụng KTQT phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm của nhà lãnh đạo. Nhà quản trị sẽ xác định được nhu cầu thông tin cần dùng, cách thức sử dụng thông tin KTQT một cách hiệu quả để từ đó đưa ra các quyết định quản trị dựa trên những thông tin đã được sàng lọc phân tích và dựa vào quyết đoán của bản thân. Bên cạnh đó, nhà quản trị cần xác định đối tượng nhận và sử dụng thông tin, từ đó phân cấp cho việc xử lý thông tin cho từng bộ phận, cá nhân. Trình độ nhân viên kế toán tác động đến việc thực hiện công tác KTQT như việc xử lý, cung cấp thông tin đúng, đủ, kịp thời. Do vậy, sắp xếp các phòng ban chức năng hợp lý, khoa học, phân công công việc phù hợp cho từng bộ phận, cá nhân sẽ giúp họ phát huy hết khả năng đạt hiệu quả tối đa trong công việc.

2.2.2. Những nhân tố khách quan ảnh hướng để tổ chức KTQT cho doanh nghiệp sản xuất

Nhân tố các quy định pháp lý, quản lý ngành nghề kinh doanh

 Tại Việt Nam hiện nay, những quy định pháp lý về tổ chức KTQT chỉ mới có tính hướng dẫn chung chung, chưa chi tiết cụ thể. Luật Kế toán, các chế độ, các thông tư hướng dẫn, các chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán hiện hành ảnh hưởng đến việc tổ chức sắp xếp bộ máy kế toán trong đó tác động rất lớn vào công tác tổ chức KTTC nói chung và

KTQT nói riêng.

Đối với các ngành nghề kinh doanh khác nhau, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các yêu cầu đặt ra của các cơ quan quản lý ngành. Do vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy KTQT hợp lý, phù hợp với các nguồn lực của doanh nghiệp, phù hợp với đặc trưng sản phẩm của doanh nghiệp.

Nhân tố hội nhập kinh tế quốc tế, áp lực cạnh tranh

Môi trường hội nhập kinh tế quốc tế có ảnh hưởng lớn đến kết quả đầu tư, kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Các chính sách bảo hộ, mở cửa của các quốc gia; sự ổn định hay biến động về chính trị như tranh chấp, khủng bố, khủng hoảng về nhập cư; các thái độ ứng xử hợp tác quốc tế giữa các nước lớn với các nước nhỏ, giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển… tất cả đều có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội có được, các doanh nghiệp cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức. Các doanh nghiệp cần phải có phương hướng chuẩn bị các nguồn lực, qui mô, công nghệ, tài chính để bước vào  cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt về quy mô, chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ vì hiện nay đa phần các  doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại. Sự cạnh tranh trên thị trường đối với các doanh nghiệp sản xuất đó là nguyên vật liệu, sản phẩm tiêu thụ. Để tồn tại và phát triển trong thị trường cạnh tranh, các doanh nghiệp phải đặt hiệu quả kinh doanh lên hàng đầu, do đó cần quan tâm đến các thông tin hỗ trợ cho việc ra quyết định. Thông tin KTQT có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin hỗ trợ cho các nhà quản trị trong quá trình ra quyết định.

3. Một số kiến nghị trong tổ chức KTQT cho các doanh nghiệp sản xuất

- Doanh nghiệp nên tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân viên kế toán có chuyên môn cao, am hiểu và sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ. Khi đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao, sẽ có thể cung cấp được nguồn thông tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, khi  cán bộ thực hiện công tác kế toán, KTQT có trình độ sẽ hỗ trợ được cho nhà quản trị trong quá trình tiếp cận và xử lý thông tin kinh tế, được thể hiện thông qua các phân tích các tình huống, các dự báo cho nhà quản trị.

-   Các tổ chức có thẩm quyền nên xây dựng các chương trình, tổ chức đào tạo và hướng dẫn chuyên môn về KTQT. Hiện nay, KTQT chưa bắt buộc các doanh nghiệp phải vận dụng nên cũng chưa có qui định, hướng dẫn cụ thể về tổ chức KTQT trong doanh nghiệp. Do đó, cần xây dựng một chương trình khung vừa hướng dẫn vừa đảm bảo nền tảng pháp lý, đảm bảo đặc thù chuyên môn KTQT. Như hướng dẫn xây dựng hệ thống báo cáo KTQT, xây dựng các dự toán ngân sách cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống tài khoản, cơ chế vận hành nhân sự để thực hiện công tác KTQT và tổ chức bộ.

- Hiện nay Luật Kế toán 2015 của Việt Nam và Thông tư của BTC hướng dẫn KTQT chỉ đề cập chung chung đến KTQT, chưa thể hiện rõ về mặt pháp lý để doanh nghiệp hiểu và triển khai thực hiện KTQT.  Do vậy, BTC nên có thông tư hướng dẫn đầy đủ, chi tiết cụ thể và rõ ràng hơn về KTQT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC về hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp.
  2. Phạm Thị Tuyết Minh (2015). Tổ chức công tác KTQT trong các DN thuộc tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Kinh tế. Học viện Tài chính.
  1. Nguyễn Bích Hương Thảo (2016). Tổ chức hệ thống KTQT trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản.
  2. Thái Anh Tuấn (2018), Một số nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp, Tạp chí Tài chính, số 2(2018)
  3. Malcomlma Prowle, Michael Lucas. (2016). Management Accounting in the Contemporary Business World, UK: Macmillan Education UK.
  4. Halbouni, S. S. (2014). An empirical study of the drivers of management accounting innovation: a UAE perspective. International Journal of Managerial and Financial Accounting, 6(1).
  5. Joshi, P. L. (2001). The international diffusion of new management accounting practices: the case of India. Journal of International Accounting, Auditing & Taxation 10, 85-109.
  6. La Xuân Đào, Trần Thị Ngọc Vân, Trần Thị Kim Phượng (2020), Nhân tố ảnh hưởng việc áp dụng kế toán quản trị của các doanh nghiệp chế biến tỉnh Bến Tre, Tạp chí Công Thương, truy cập tại địa chỉ  http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nhan-to-anh-huong-viec-ap-dung-ke-toan-quan-tri-cua-cac-doanh-nghiep-che-bien-tinh-ben-tre-68071.htm

 

FACTORS AFFECTING THE MANAGEMENT ACCOUNTING OF MANUFACTURING ENTERPRISES

Ph.D NGUYEN BICH HUONG THAO

Nha Trang University

ABSTRACT:

Management accounting plays a key role in the business operation as it provides useful information for managers to make appropriate business decisions. Therefore, it is necessary for enterprises in general and manufacturing enterprises in particular to pay attention to their management accounting system to gain good business information.  Identifying factors affecting the management accounting system would help enterprises have an overview of their management accounting models. It would help enterprises to promote positive factors and also limit negative factors affecting their management accounting systems. This study analyzes the factors affecting the management accounting of manufacturing enterprises.

Keywords: management accounting, financial accounting, manufacturing enterprises.