TÓM TẮT:

Nghiên cứu này xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên trong bối cảnh giáo dục đại học tại Việt Nam. Trên cơ sở Lý thuyết Hành vi kế hoạch (TPB) của Ajzen (1991), mô hình đề xuất tập trung vào 2 biến trung gian chính là Thái độ khởi nghiệp (EA) và Nhận thức kiểm soát hành vi (PC), đồng thời khảo sát 8 nhân tố tác động bao gồm: Sáng tạo, Nhận thức lợi ích, Sự tự tin, Kinh nghiệm kinh doanh, Đào tạo khởi nghiệp, Môi trường kinh doanh, Thái độ khởi nghiệp và Nhận thức kiểm soát hành vi. Kết quả cho thấy các nhân tố trên đều có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp, trong đó: Sự tự tin, Môi trường kinh doanh và Kinh nghiệm kinh doanh là những yếu tố nổi bật. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm về vai trò của giáo dục khởi nghiệp, trải nghiệm thực tế và hỗ trợ bên ngoài trong việc hình thành ý định khởi nghiệp.

Từ khóa: khởi nghiệp, ý định khởi nghiệp, lý thuyết Hành vi kế hoạch, sinh viên, đào tạo khởi nghiệp, kinh nghiệm kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Sự gia tăng doanh nghiệp mới đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp (Davidsson, 1995). Ý định khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân thúc đẩy việc khởi nghiệp (Ali et. al., 2010; Olufunso, 2010). Khởi nghiệp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quốc gia (Sobel & King, 2008), đồng thời cũng góp phần tạo cơ hội việc làm, đổi mới và phúc lợi xã hội (Herman, 2019).

Tại Việt Nam, tinh thần khởi nghiệp phát triển, với nhiều doanh nghiệp mới và doanh nghiệp trở lại hoạt động. Chính phủ và Trung ương Đoàn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với các chính sách và chương trình như: “Thanh niên khởi nghiệp” và "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025". Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá phong trào khởi nghiệp trong thế hệ trẻ đang phát triển mạnh mẽ. Các nghiên cứu về khởi nghiệp ở sinh viên cho thấy nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp như: thái độ, hiệu quả, khả năng chịu rủi ro, tự tin và nhu cầu thành tích. Nguyễn Thu Thủy và cộng sự (2015) nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình đào tạo và kỹ năng sáng tạo. Nguyễn Quốc Nghi (2016) chỉ ra thái độ và đam mê ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Tuy nhiên, xoay quanh những vấn đề về việc khởi nghiệp kinh doanh vẫn còn những câu hỏi về thử thách, khó khăn và những thất bại mà sinh viên có thể gặp phải khi bắt đầu khởi nghiệp. Những vấn đề này ngày càng được quan tâm mạnh mẽ và được khá nhiều người thực hiện nghiên cứu. Nhưng quan trọng hơn, ở một vài bài nghiên cứu những nhân tố tác động đến ý định của sinh viên vẫn chưa được làm rõ.

Do đó, bài nghiên cứu sẽ khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên tại các trường đại học, từ đó đưa ra những ý kiến và cách thức để đẩy mạnh ý định khởi nghiệp của sinh viên.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm khởi nghiệp

Khởi nghiệp được hiểu là việc một người hay nhóm người có ý định tự làm chủ một lĩnh vực để kinh doanh, là việc bắt đầu cho một việc làm với hình thức mở ra một công ty hoặc một doanh nghiệp về lĩnh vực mà họ thông thạo. Theo Schumpeter (1942), khởi nghiệp được định nghĩa là thực hiện “kết hợp mới”. Khởi nghiệp là một hiện tượng nhiều mặt và những định nghĩa của nó được thay đổi đáng kể (Peng, 2001).  Nhà khởi nghiệp giỏi là những người có khả năng tìm tòi, phát hiện ra sự không hoàn hảo và mất cân bằng của thị trường. Cable (2013) cho rằng “khởi nghiệp” được hiểu là dự án có tính sáng tạo, tăng trưởng cao, đòi hỏi khoản tài trợ lớn từ bên ngoài và  đặc biệt là sẽ gặp phải rủi ro. Ngoài ra, những người mới bắt đầu có thể được ủng hộ từ bạn bè hoặc những người trong cuộc (Alden, 2011). Theo Anderson & Jack (2002), ý định khởi nghiệp và ảnh hưởng của các nhân tố bên bên ngoài là những điều gặp phải khi họ muốn bắt đầu hoạt động khởi nghiệp.

Delmar & Shane (2003) cho rằng, quan trọng ý định khởi nghiệp ảnh hưởng tới cả hành trình khởi nghiệp kinh doanh của một người và gián tiếp thúc đẩy hoạt động sáng tạo, tính năng động và giúp cho mọi người có thêm việc làm. Từ điển tiếng Việt định nghĩa khởi nghiệp được biết đến là việc thành lập hay mở ra một hoạt động kinh doanh mới trong sự nghiệp của một cá nhân. Tuy nhiên sau một thời gian, các nhà nghiên cứu định nghĩa khởi nghiệp cũng không còn giống ban đầu nữa. Đầu thế kỷ XX, khởi nghiệp được hiểu là quá trình xây dựng, tạo lập một công ty hay doanh nghiệp mới mà người khởi nghiệp đã sáng lập nên. “Một người khởi nghiệp tiềm năng là người đón lấy cơ hội để thành lập công ty riêng mình ngay khi có cơ hội xuất hiện.” (Shapero,1981).

2.2. Khái niệm về ý định khởi nghiệp kinh doanh

Ý định khởi nghiệp kinh doanh (EI) còn được hiểu là sự liên quan đến ý định hành vi của một người để khởi đầu cho một doanh nghiệp (Souitaris et. al., 2007) là định hướng lại quá trình về việc lập ra một kế hoạch, sau đó triển khai kế hoạch để có thể tạo lập ra một doanh nghiệp (Gupta & Bhawe, 2007). EI của sinh viên được khởi nguồn bởi ý nghĩ của sinh viên, được định hướng và phát triển thêm từ những người đào tạo và chương trình giáo dục một cách đúng đắn (Schwarz et. al., 2009). EI khởi nguồn bởi việc nhận ra một cơ hội nào đó, sau đó tận dụng các nguồn lực sẵn có và sự hỗ trợ từ môi trường để có thể thành lập nên doanh nghiệp theo Kuckertz & Wagner (2010). Theo Radulescu & Moica (2012), khởi nghiệp chiếm vai trò chủ yếu đối với hoạt động sáng tạo, giúp kinh tế phát triển và tạo cho người lao động công ăn việc làm. Theo Hisrich & Ramadani (2017), quá trình khởi nghiệp không phải chỉ giản đơn là việc tạo lập nên một doanh nghiệp mới mà còn phải nhìn nhận nó từ cả một quá trình từ lúc hình thành ý định đến lúc thực hiện ý định đó.

2.3. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Khởi nghiệp ngày càng trở thành một lựa chọn nghề nghiệp quan trọng đối với nhiều cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp. Ý định khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo hành vi khởi nghiệp, vì ý định là yếu tố đầu tiên hình thành trước khi cá nhân thực hiện hành động thực tế (Ajzen, 1991). Theo nghiên cứu của Cao & Ngo (2016), ý định về vấn đề khởi nghiệp của sinh viên có 3 loại được phân theo hướng tiếp cận: Môi trường và ý định khởi nghiệp, chương trình giáo dục và ý định khởi nghiệp của sinh viên; dự định khởi nghiệp của một cá nhân (gồm: giới tính, thái độ, tính cách và tư duy). Dựa trên Lý thuyết Hành vi kế hoạch (Theory of Planned Behaviour - TPB) của Ajzen (1991, 2002), mô hình nghiên cứu này xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục và doanh nghiệp. Mô hình đề xuất tập trung vào hai yếu tố trung gian: Thái độ khởi nghiệp (EA); Nhận thức kiểm soát hành vi (PC). Trong đó, EA và PC đóng vai trò là yếu tố quyết định trực tiếp đến ý định khởi nghiệp, đồng thời chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố cá nhân và môi trường. Theo Lüthje & Franke (2003), thái độ đối với tinh thần khởi nghiệp được mô tả như sau: nhu cầu thành đạt; xu hướng chấp nhận rủi ro và quỹ tích kiểm soát nội bộ (gọi chung là đặc điểm tính cách). Theo Ajzen (1991, 2002), PC là mức độ cá nhân cảm thấy có thể thực hiện một hành vi cụ thể, phản ánh nhận thức về mức độ khó khăn hoặc dễ dàng trong việc thực hiện hành vi đó. PC không chỉ bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm kinh doanh trước đó, mà còn bởi đào tạo về khởi nghiệp và môi trường hỗ trợ kinh doanh (Goethner et al., 2012).

Nghiên cứu của Minniti (2016) cho thấy nhiều khả năng để theo đuổi các cơ hội kinh doanh là do những người được đào tạo và có chuyên môn đầy đủ. Bên cạnh đó, Perera et. al. (2011), cũng cho thấy nguồn vốn là một trong những nhân tố quan trọng trong việc hiện thực hóa ý định kinh doanh, các sinh viên bắt đầu thực hiện các hoạt động kinh doanh vào thực tế. Đa số các bạn sinh viên đều sử dụng tài trợ của người nhà, bạn bè hoặc vay ngân hàng trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Ngoài những yếu tố trên, theo Lüthje & Franke (2003), ý định khởi nghiệp còn bị ảnh hưởng từ tác nhân bên ngoài để gia tăng và củng cố ý định khởi nghiệp. Radas & Bozic (2009) cũng cho rằng nhân tố ảnh hưởng tích cực đến kết quả kinh doanh khi mới khởi nghiệp là môi trường để khởi nghiệp.

Căn cứ theo các kết quả nghiên cứu trước, các giả thuyết nghiên cứu được đề xuất:

Giả thuyết H1: Sự sáng tạo (CREA) có ảnh hưởng tích cực đến thái độ khởi nghiệp (EA) của sinh viên.

Giả thuyết H2: Nhận thức lợi ích (PU) có ảnh hưởng tích cực đến thái độ khởi nghiệp (EA) của sinh viên.

Giả thuyết H3: Sự tự tin (SELF) có ảnh hưởng tích cực đến thái độ khởi nghiệp (EA) của sinh viên.

Giả thuyết H4: Kinh nghiệm kinh doanh (BE) có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức kiểm soát hành vi (PC) của sinh viên.

Giả thuyết H5: Đào tạo khởi nghiệp (ET) có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức kiểm soát hành vi (PC)  của sinh viên.

Giả thuyết H6: Môi trường kinh doanh (EVN) có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức kiểm soát hành vi (PC) của sinh viên.

Giả thuyết H7: Thái độ khởi nghiệp (EA) có ảnh hưởng tích cực ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Giả thuyết H8: Nhận thức kiểm soát hành vi có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Hình 1: Mô hình và giả thuyết nghiên cứu đề xuất

ý định khởi nghiệp

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này áp dụng phương pháp nghiên cứu định lượng nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Dữ liệu được thu thập thông qua khảo sát 500 sinh viên đã và đang có ý định khởi nghiệp. Trong số đó, 42,2% là nam và 57,8% là nữ. Mặc dù có sự khác biệt về tỷ lệ giới tính, mức độ chênh lệch này không đáng kể và không ảnh hưởng đến tính đại diện của mẫu nghiên cứu.

Quy trình nghiên cứu bao gồm các bước: thu thập, mã hóa, làm sạch và phân tích dữ liệu theo phương pháp thống kê hiện đại. Trước tiên, nghiên cứu sử dụng kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha nhằm đánh giá mức độ nhất quán của các biến quan sát. Tiếp theo, phân tích nhân tố khám phá (EFA - Exploratory Factor Analysis) được thực hiện để xác định cấu trúc tiềm ẩn của các nhân tố và đảm bảo tính giá trị hội tụ cũng như phân biệt của các thang đo. Phương pháp phân tích chính được sử dụng trong nghiên cứu là phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM - Structural Equation Modeling), được thực hiện trên phần mềm AMOS kết hợp với SPSS. SEM giúp kiểm định mối quan hệ giữa các biến trong mô hình nghiên cứu, xác định mức độ tác động của các yếu tố đến YĐKN của sinh viên. Các chỉ số đánh giá mức độ phù hợp của mô hình (chi-bình phương/df, CFI, TLI, RMSEA) sẽ được kiểm tra để đảm bảo tính chính xác của kết quả nghiên cứu. Thiết kế nghiên cứu này cho phép cung cấp các bằng chứng thực nghiệm có giá trị, góp phần làm sáng tỏ những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định khởi nghiệp của sinh viên, từ đó hỗ trợ việc xây dựng các chính sách và chương trình hỗ trợ phù hợp trong lĩnh vực giáo dục khởi nghiệp.

4. Kết quả nghiên cứu

Trong số 500 sinh viên tham gia khảo sát, số sinh viên có giới tính nam chiếm 42,2% và 57,8% là giới tính nữ. Tất cả sinh viên tham gia trả lời bảng hỏi đều xác nhận là có ý định khởi nghiệp. Bằng phương pháp rút trích PCA (Principal Axis Factoring) và phép quay Promax được phép dùng với các điểm dừng khi trích các yếu tố có Eigenvalues ≥ 1, kết quả kiểm định EFA của các biến độc lập cho kết quả kiểm định KMO và Barlett’s cho thấy giá trị KMO = 0,898 > 0,05 và hệ số Sig.=0,000< 0,05. Từ đó kết luận rằng, các biến quan sát đưa vào phân tích có mối tương quan với nhau và phân tích nhân tố khám phá EFA thích hợp sử dụng phân tích ảnh hưởng đến YĐKN của sinh viên.

Kết quả phân tích nhân tố cho thấy tổng phương sai được giải thích là 64.772% > 50%, điểm dừng khi trích tại nhân tố thứ 10 là 1,001>1 đều thỏa điều kiện. Có 8 yếu tố được rút ra từ phân tích từ 30 thang đo đưa vào. Kết quả Ma trận xoay của phân tích EFA cho thấy, 8 nhóm nhân tố mới có các biến quan sát có hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0,3 đều đạt yêu cầu khi phân tích nhân tố khám phá EFA.

Với kết quả nghiên cứu sự ảnh hưởng của các nhân tố nội sinh và ngoại sinh ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên tại các trường đại học với 8 biến là: CREA, PU, SELF, EA, BE, ET, EVN, và PC. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, các yếu tố hầu hết có ảnh hưởng mạnh. Kết quả này giúp củng cố thêm những nhận định tính ban đầu về các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên và đưa ra một số khuyến nghị cho các nghiên cứu tương tự tiếp theo.

Nhìn vào kết quả CFA cho mô hình: Thứ nhất, do Chi-square/df = 1,461 < 2, TLI = 0.954 > 0.90, CFI = 0.958 > 0.90 và RMSEA = 0.030 < 0.08 nên có thể nói là mô hình phù hợp với dữ liệu thị trường. Thứ hai, các trọng số (đã chuẩn hóa) đều lớn hơn 0.5. Trong đó dao động từ 0.648 đến 0.877 và đều có P < 0,05 nên các thang đo đạt giá trị hội tụ. Thứ ba, do mô hình phù hợp với dữ liệu thị trường và các biến quan sát không tương quan với nhau nên thang đo đạt tính đơn hướng dựa trên các chỉ số AVE  > 0.5và CR > 0.7. Thứ tư, các hệ số AVE của 8 nhóm trên đều lớn hơn MSV do đó thang đo đạt tính phân biệt. Như vậy, mô hình một phù hợp với dữ liệu thị trường, các khái niệm đạt giá trị hội tụ, đạt tính đơn hướng, giá trị phân biệt và độ tin cậy thang đo.

Kết quả phân tích SEM cho thấy mô hình nghiên cứu phù hợp với dữ liệu thị trường: Chisquare; CMIN/df = 1.592; GFI = 0.870; TLI = 0.920; CFI = 0.925; RMSEA = 0.040. Đây đều là các giá trị nằm trong ngưỡng chấp nhận, khẳng định tính phù hợp của mô hình với dữ liệu thu thập. Kết quả ước lượng hệ số hồi quy (chuẩn hóa) cho thấy tất cả các biến độc lập đều có tác động dương và có ý nghĩa thống kê đến các biến phụ thuộc liên quan, với độ tin cậy 95% (Sig. < 0,05). Kết quả kiểm định các giả thuyết cho thấy 8 giả thuyết nghiên cứu đều được chấp nhận.

Bảng 1. Kết quả kiểm định các giả thuyết

ý định khởi nghiệp

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích trên Amos

Bảng 1 cho thấy, biến EA và PC đều có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành ý định khởi nghiệp của sinh viên. Trong đó, PC có tác động cao hơn EA, hàm ý rằng khi cảm nhận được mình có đủ nguồn lực, kiến thức và môi trường thuận lợi, sinh viên sẵn sàng hơn để khởi sự kinh doanh. Biến SELF có ảnh hưởng mạnh nhất đến biến EA, nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình, hoạt động giúp nâng cao kỹ năng mềm, xây dựng lòng tin vào năng lực bản thân. Biến EVN tác động lớn đến biến PC, gợi ý việc xây dựng cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp từ trường đại học, chính quyền địa phương và doanh nghiệp sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho sinh viên muốn bắt đầu khởi nghiệp. Biến ET và BE có vai trò gia tăng niềm tin vào khả năng lập kế hoạch và vận hành kinh doanh (PC). Mặc dù ảnh hưởng của đào tạo khởi nghiệp không quá cao, nhưng vẫn cho thấy tính thiết yếu của giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường.

Như vậy, tất cả 8 giả thuyết đều được chấp nhận. Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm về vai trò của các yếu tố cá nhân (CREA, PU, SELF, BE) và yếu tố môi trường (ET, EVN) đối với quá trình hình thành ý định khởi nghiệp của sinh viên thông qua hai biến trung gian EA và PC. Từ đó, có thể rút ra nhiều gợi ý hữu ích cho các cơ sở giáo dục và nhà quản lý nhằm xây dựng chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên.

5. Kết luận

Từ kết quả thực nghiệm, nghiên cứu gợi ý rằng các trường đại học và cơ quan quản lý cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo về khởi nghiệp thông qua xây dựng chương trình học mang tính thực tiễn, tổ chức các hội thảo, tọa đàm hoặc dự án thực hành nhằm tăng cường trải nghiệm kinh doanh. Đồng thời, việc thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính, kết nối doanh nghiệp, quỹ đầu tư và tạo dựng môi trường khuyến khích sáng tạo sẽ là tiền đề quan trọng giúp sinh viên hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Bên cạnh đó, một số hạn chế vẫn tồn tại như phạm vi mẫu còn gói gọn trong nhóm sinh viên thuộc một số trường, hoặc chưa xem xét đến sự khác biệt giữa các ngành học. Tương lai, cần có những nghiên cứu so sánh giữa các khối ngành hoặc mở rộng quy mô mẫu sang nhiều trường đại học, cao đẳng khác nhau. Ngoài ra, bổ sung thêm các biến mới (ví dụ: nhân tố văn hóa, ảnh hưởng từ gia đình) cũng có thể làm sáng tỏ hơn cách sinh viên hình thành và theo đuổi ý định khởi nghiệp. Các hướng tiếp cận mới này có khả năng mang lại cái nhìn toàn diện hơn, đóng góp vào việc phát triển chính sách hỗ trợ và nâng cao hiệu quả đào tạo khởi nghiệp ở bậc đại học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Nguyễn Quốc Nghi (2016). Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi sự doanh nghiệp của sinh viên khối ngành quản trị kinh doanh tại các trường đại học/cao đẳng ở thành phố Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Văn Hiến, 10, 55-64.

Nguyễn Thu Thủy và Cao Thị Minh Hảo (2017). Hệ sinh thái khởi nghiệp–một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế97, 1-22.

Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior, Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50, 179-211.

Ajzen, I. (2002). Perceived behavioral control, self-efficacy, locus of control, and the theory of planned behavior. Journal of Applied Social Psychology, 32(4), 665-683.

Alden, E. (2011). Primum non nocere: the impact of Dodd-Frank on silicon valley. Berkeley Bus. LJ8, 107.

Ali, A., Topping, K. J., & Tariq, R. H. (2010). Entrepreneurial Attributes among Postgraduate Students of a Pakistani University. Online Submission7(5), 66-77.

Anderson, A. R., & Jack, S. L. (2002). The articulation of social capital in entrepreneurial networks: a glue or a lubricant?. Entrepreneurship & regional development14(3), 193-210.

Cable, A. J. (2013). Startup lawyers at the outskirts. Willamette L. Rev.50, 163.

Cao, V. Q., & Ngo, T. T. T. (2019). Linking entrepreneurial intentions and mindset models: A comparative study of public and private universities in Vietnam. Gadjah Mada International Journal of Business21(2), 115-133.

Davidsson, P. (1995). Determinants of entrepreneurial intentions. In RENT XI Workshop.

Delmar, F., & Shane, S. (2003). Does the order of organizing activities matter for new venture performance?. University of Illinois at Urbana-Champaign's Academy for Entrepreneurial Leadership Historical Research Reference in Entrepreneurship.

Goethner, M., Obschonka, M., Silbereisen, R. K., & Cantner, U. (2012). Scientists’ transition to academic entrepreneurship: Economic and psychological determinants. Journal of economic psychology33(3), 628-641.

Gupta, V. K., & Bhawe, N. M. (2007). The influence of proactive personality and stereotype threat on women's entrepreneurial intentions. Journal of Leadership & Organizational Studies13(4), 73-85.

Herman, E. (2019). Entrepreneurial intention among engineering students and its main determinants. Procedia Manufacturing32, 318-324.

Hisrich, R. D., & Ramadani, V. (2017). Effective entrepreneurial management. Springer, USA.

Kuckertz, A., & Wagner, M. (2010). The influence of sustainability orientation on entrepreneurial intentions—Investigating the role of business experience. Journal of business venturing25(5), 524-539.

Lüthje, C., & Franke, N. (2003). The ‘making’of an entrepreneur: testing a model of entrepreneurial intent among engineering students at MIT. R&d Management33(2), 135-147.

Minniti, M. (2016). The foundational contribution to entrepreneurship research of William J. Baumol. Strategic Entrepreneurship Journal10(2), 214-228.

Olufunso, O. F. (2010). Graduate entrepreneurial intention in south Africa: Motivation and obstacles. International Journal of Business and Management5(9), 87-98.

Peng, M. W. (2001). How entrepreneurs create wealth in transition economies. Academy of Management Perspectives15(1), 95-108.

Perera, K., Jayarathna, L., & Gunarathna, R. R. P. K. (2011). The entrepreneurial intention of undergraduates in Sri Lankan universities. Kelaniya, University of Sri Lanka Kelaniya.

Radas, S., & Božić, L. (2009). The antecedents of SME innovativeness in an emerging transition economy. Technovation29(6-7), 438-450.

Radulescu, E., & Moica, S. (2012). Entrepreneurial innovation of smes through the perspective of national and regional policies. In The International Conference Interdisciplinarity in Engineering INTER-ENG (p. 107). Elsevier Limited.

Schumpeter, J.A. (1942). Capitalism, socialism and democracy. New York: Harper & Row.

Schwarz, E. J., Wdowiak, M. A., Almer‐Jarz, D. A., & Breitenecker, R. J. (2009). The effects of attitudes and perceived environment conditions on students' entrepreneurial intent: An Austrian perspective. Education and Training, 51(4), 272-291.

Shapero A. (1981). Self-renewing economies. Economic Development Commentary, 5, 19-22.

Sobel, R.S. & King, K. (2008). Does school choice increase the rate of youth entrepreneurship? Economics of Education Review, 27(4), 429-438.

Souitaris, V., Zerbinati, S., & Al-Laham, A. (2007). Do entrepreneurship programmes raise entrepreneurial intention of science and engineering students? The effect of learning, inspiration and resources. Journal of Business venturing22(4), 566-591.

DETERMINANTS OF STUDENTS’ ENTREPRENEURIAL INTENTION:

EMPIRICAL EVIDENCE FROM VIETNAM

• TRAN VAN TRI1

• NGUYEN THANH HOA1

• NGUYEN HOANG THINH1

1Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

This study investigates the factors influencing students' entrepreneurial intention within the context of higher education in Vietnam. Grounded in Ajzen’s (1991) Theory of Planned Behavior (TPB), the proposed model emphasizes two key mediating variables: entrepreneurial attitude and perceived behavioral control and examines eight antecedents: creativity, perceived benefits, self-confidence, prior business experience, entrepreneurship training, business environment, entrepreneurial attitude, and perceived behavioral control. The findings reveal that all identified factors exert a positive influence on entrepreneurial intention with self-confidence, business environment, and prior experience emerging as the most significant predictors. The study offers empirical insights into the critical role of entrepreneurship education, experiential learning, and environmental support in shaping entrepreneurial intentions among university students, thereby contributing to both theoretical understanding and practical policy-making in entrepreneurship development.

Keywords: entrepreneurship, entrepreneurial intention, the Theory of Planned Behavior, students, entrepreneurship training, business experience.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 3 năm 2025]