Là ý kiến của ông Nguyễn Minh Mẫn - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính - trong cuộc họp báo Sơ kết thực hiện Đề án 30 giai đoạn 2007-2010 do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức sáng nay (6/7/2010) tại Hà Nội.
Đề án 30 được thực hiện theo Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Đề án 30 được triển khai trên phạm vi toàn quốc, tại 4 cấp chính quyền (tức là gồm hơn 10.000 đơn vị cấp xã, khoảng 700 đơn vị cấp huyện, 1.300 sở, ngành cấp tỉnh, 400 vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ) với tất cả các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. 

Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, để thực thi Nghị quyết đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên, các Bộ, ngành phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi 14 Luật, 3 Pháp lệnh, 45 Nghị định, 67 thông tư, 33 Quyết định của Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành và một số quyết định khác.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 25 thông qua phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên. Các phương án này được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc: cắt giảm gánh nặng hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước của các Bộ, ngành. Theo tính toán, các phương án đơn giản hóa 258 TTHC này sẽ tiết kiệm được cho dân và doanh nghiệp khoảng 5.700 tỷ đồng/năm.

Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính: Kênh lắng nghe hiệu quả

Trước đó, để thực hiện Đề án 30, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính có chức năng tư vấn, hỗ trợ Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 30.cho Tổ công tác chuyên trách.

Theo đánh giá, việc thành lập và đưa vào hoạt động Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (6/2008) gồm 15 thành viên là đại diện cho các hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế, là một bước quan trọng và là lần đầu tiên trong các chương trình cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ tạo ra một kênh chính thức để lắng nghe, thu thập các ý kiến của khối tư nhân.

Sau 2 năm đi vào hoạt động, Hội đồng Tư vấn đã đạt được những kết quả rất tích cực, đóng góp lớn vào kết quả của Đề án 30. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, cho biết, trong giai đoạn thống kê, Hội đồng đã nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện, bổ sung gần 1.500 tên TTHC trong số hơn 6.500 tên TTHC nằm trong danh mục thống kê ban đầu do các Bộ, ngành, địa phương chuyển cho Tổ công tác chuyên trách tổng hợp.

Trong đợt 1 rà soát, trong 133 TTHC được Hội đồng Tư vấn rà soát, Hội đồng đã đề nghị bãi bỏ 25 TTHC và đơn giản hóa 108 TTHC khác, đề xuất 7 mẫu đơn mẫu tờ khai hành chính, sửa đỏi 17 mẫu và đề xuất bãi bỏ 9 yêu cầu điều kiện thực hiện TTHC. Ở giai đoạn rà soát thứ 2, Hội đồng đã tham gia rà soát 233 TTHC, trong đó đề nghị bãi bỏ 61 thủ tục và sửa đổi 172 TTHC.

Hội đồng Tư vấn cũng đã thành lập 13 nhóm công tác, mỗi nhóm có thể có đại diện từ nhiều đơn vị, hiệp hội khác nhau trong và ngoài Hội đồng (Nhóm đất đai- xây dựng, nhóm đầu tư, nhó ngân hàng/chứng khoán, nhóm viễn thông/sở hữu trí tuệ…) để tập trung rà soát theo nhiều chủ đề lớn (Giấy phép quảng cao, kinh doanh dịch vụ vận tải, cơ chế phát triển sạch, gaais chứng nhận đầu tư, khai thuế… từ đó đánh giá vấn đề và đề xuất hướng xử lý một cách tổng thể.

Đặc biệt trong 2 năm qua, Hội đồng Tư vấn đã huy động được 300 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào công tác ra soát. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng huy động được rất nhiều doanh nghiệp khác tham gia một cách gián tiếp vào quá trình này.

Lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp

Phải khẳng định rằng, phần lớn các chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động doanh nghiệp là do khu vực doanh nghiệp gánh chịu. Như vậy, chỉ cần một bài tính đơn giản là nếu như các phương án cải cách đơn giản hoá thủ tục hành chính mà các bộ, ngành địa phương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và thông qua, tổng số chi phí cho thủ tục hành chính tiết kiệm được từ phía các doanh nghiệp phải lên tới con số hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Cũng phải nói là chi phí tiết kiệm được tính toán trên phần lớn các kiến nghị cắt giảm thủ tục hành chính chưa bao gồm chi phí từ cơ hội do giảm rủi ro cho doanh nghiệp cũng như từ cơ hội phân bổ lại các nguồn lực một cách hiệu quả hơn. Rõ ràng, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, lĩnh vực sẽ không chỉ mang lại những con số cụ thể rất đáng kể mà còn tăng thêm các cơ hội đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh, các doanh nghiệp chịu tác động rất lớn trong kế hoạch cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư.

Như vậy, các doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thực hiện, mà đồng thời là đối tượng thụ hưởng cả những lợi ích cũng như sẽ chịu phần lớn các chi phí thực hiện chúng. Trong trường hợp nếu như những sự cắt giảm mang tính tích cực, doanh nghiệp sẽ được lợi. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, các đề xuất được thực hiện không phù hợp với thực tiễn, các doanh nghiệp sẽ là đối tượng gánh chịu hậu quả.

Như thế, trong việc cải cách thủ tục hành chính, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, các đề xuất, kiến nghị từ thực tiễn cuộc sống, thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh có ý nghĩa rất lớn. Bởi hơn ai hết, doanh nghiệp là đối tượng hiểu rõ và hiểu chân thực hơn cả những tác động của thủ tục hành chính tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tới môi trường kinh doanh…

Ở đây, với việc thành lập Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, vai trò chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ được nhắc tới trong việc tham gia đóng góp ý kiến mà còn trong việc phát hiện và đề xuất thêm các thủ tục hành chính cần được xem xét.

Có thể nói, giai đoạn 2 của Đề án 30 đang đến hồi nước rút. Các phương án cụ thể về rà soát, sắp xếp lại các thủ tục hành chính của các bộ, ngành địa phương cũng như các phương án đề xuất do các Nhóm làm việc của Hội đồng tư vấn cải cách hành chính đang được hoàn thành rốt ráo. Hơn lúc nào hết, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp cần được thể hiện một cách cụ thể, thực tiễn và có trách nhiệm.