Phải khắc phục tình trạng thiếu vốn
Theo Bộ trưởng Hoàng Trung Hải, năm 2003 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm và cũng là năm Việt Nam tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cắt giảm thuế quan đối với một loạt các sản phẩm có thuế suất nhập khẩu cao do được nhà nước bảo hộ trong khuôn khổ CEPT/AFTA, đặt các doanh nghiệp vào tình thế cạnh tranh gay gắt để tồn tại. Muốn vậy, không còn cách nào khác, ngoài mặt hỗ trợ về cơ chế chính sách từ phía Chính phủ, thì bản thân doanh nghiệp phải tự năng động đổi mới công nghệ, đẩy mạnh đầu tư để cạnh tranh. Thế nhưng theo báo cáo của các tỉnh, Thành phố và doanh nghiệp thì hầu hết đang trong tình cảnh chung là không tìm đâu ra nguồn vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ và mở rộng sản xuất. Tp. Hồ chí Minh, một địa phương phát triển công ngiệp nhanh và mạnh nhất trong cả nước là một ví dụ điển hình. Theo ông Mai Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, nếu như Thành phố chủ trương đổi mới khoảng 15% số thiết bị trong các doanh nghiệp hiện có, thì tính sơ sơ cũng mất khoảng 5.000 tỷ đồng. Và, nếu thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ về phát triển ngành Cơ khí trong tương lai, Thành phố cũng cần đến 1.500 tỷ đồng nữa. Tính ra, mới chỉ 2 khoản này cũng phải mất ít nhất là 6.500 tỷ đồng, một khoản tiền không hề nhỏ…mà hiện tại chưa biết huy động bằng cách nào! Hay như TCty Dệt may Việt Nam, trong năm 2002 TCty này đã đầu tư số tiền lên đến 1.800 tỷ đồng; trong đó, vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển được 500 tỷ đồng, còn lại 1.150 tỷ đồng phải đi vay thương mại. Bước sang năm 2003, theo kế hoạch TCty sẽ đầu tư cho 16 dự án trọng điểm với số tiền lên đến 4.300 tỷ đồng, song đến giờ, nguồn cung cấp ưu đãi cho các dự án trên cũng chẳng được là bao; khiến TCty đang tính đến chuyện “ lại phải đi vay thương mại” . Hoặc như Công ty Dệt Thành Công, một trong những Công ty hàng đầu của ngành Dệt may, thì trong mấy năm gần đây, trong chiến lược đầu tư phát triển Công ty đều phải đi vay thương mại 100%, dẫn đến việc có năm phải trả cả gốc lẫn lãi số tiền lên đến 100 tỷ đồng. Riêng trong năm 2003, dự tính Công ty đầu tư cho sản xuất kinh doanh khoảng 70-80 tỷ cũng phải chủ yếu đi vay bằng nguồn vốn thương mại. Còn Quỹ hỗ trợ phát triển tuy là có đấy, song tiếp cận được đâu có dễ. Chính vì phải đi vay nhiều như vậy, nên dẫn đến tình trạng hiện nay tỷ lệ khấu nợ/ nguồn vốn ở các doanh nghiệp Dệt may Việt Nam là 4/1( một tỷ lệ quá cao so với mặt bằng chung của thế giới khoảng 2/1 hoặc 1/1- tỷ lệ được xem là an toàn tài chính đối với doanh nghiệp)… và trong tương lai, nếu cứ đà này theo cảnh báo của một quan chức ở TCty Dệt may thì thời gian tới tỷ lệ đó sẽ lên mức 8/1, một tỷ lệ nguy hiểm cho phát triển doanh nghiệp.
Do đó, để giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh mà “ hầu bao” từ ngân sách còn giới hạn, theo đề nghị của UBND-tp. Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp thì ngoài việc Thành phố phát hành trái phiếu để lấy tiền đầu tư, về phía Chính phủ cũng nên cho phép các doanh nghiệp được phép bán tài sản và nhượng quyền sử dụng đất đai (đối với doanh nghiệp thuộc diện phải di dời) để lo nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, riêng đối với ngành Dệt cho phép doanh nghiệp được giữ lại phần lợi nhuận mà không phải đóng thuế trong vòng 2 năm để tăng tốc…
Không thể GTSX tăng…song GDP lại giảm
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển công nghiệp năm 2003, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tuy trong năm qua đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển dịnh cơ cấu giữa công nghiệp khai thác sang công nghiệp chế biến, từ 13,8% xuống còn 11,8% (công nghiệp khai thác) và từ 79 lên 81% (công nghiệp chế biến), phần nào tạo nên giá trị tăng thêm trong GDP ngành Công nghiệp. Tuy nhiên, nếu năm 2001 tăng trưởng GDP trong ngành Công nghiệp là 10% (giá trị SXCN tăng 14%) thì trong năm 2002, GDP trong công nghiệp lại giảm xuống chỉ ở mức 9,4% (GTSX tăng 14,5%)… Điều này theo Phó thủ tướng, chứng tỏ rằng hiệu quả làm ăn của các doanh nghiệp vẫn chưa cao . Và vấn đề đặt ra, theo Phó thủ tướng phải tìm được nguyên nhân tại sao trong khi GTSX tăng mà GDP của toàn Ngành lại bị giảm sút ?
Về vấn đề này, theo đánh giá của các doanh nghiệp thì bên cạnh một số nguyên nhân như giá đầu vào và giá trung gian cao, thì phải kể đến nguyên nhân chính ở đây là các doanh nghiệp (đa số là doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu)vẫn chưa thể chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất; nên hầu hết phải nhập về (có những ngành như Dệt may, Rượu bia… phải nhập đến 80% nguyên liệu), dẫn đến giá cả bấp bênh…
Vì vậy, để giải quyết tình trạng trên, theo Phó thủ tướng, trước mắt phải thống kê lại những mặt hàng nào có thể cạnh tranh ngay được hoặc những mặt hàng tiềm năng thì phải ưu tiên đầu tư trước. Do đó, về phía Chính phủ sẽ lo phần vĩ mô đó là vấn đề chi phí liên quan đến hạ tầng cơ sở như giao thông, điện nước, hay chi phí liên quan đến hạ tầng có sở như giao thông, bưu chính viễn thông đầu vào theo hướng giảm dần trong thời gian tới, còn về phía doanh nghiệp phải tự lo phần đổi mới công nghệ tăng năng suất lao động, giảm các chi phí như hành chính, lao động gián tiếp… sao cho các sản phẩm của các doanh nghiệp phải cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Riêng về mặt chiến lược phát triển Ngành Công nghiệp, Phó Thủ yêu cầu, năm 2003, giá trị SXCN của toàn Ngành phải đạt mức tăng trưởng khoảng 14,5% và GDP công nghiệp phải chiếm 38,8% tỷ trọng GDP của cả nước. Phó thủ tướng nhấn mạnh, bên cạch mục tiêu tăng trưởng về số lượng phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng đi kèm để nâng cao sức cạnh tranh nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, phải chú trọng đến công tác đầu tư cho những ngành công nghiệp nền tảng, đảm bảo lợi thế cạnh tranh cao, như công nghiệp chế tạo cơ khí, hoá chất, phân bón, nguyên liệu sản xuất giấy…Cũng như đầu tư cho nhóm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.
Tiến hành lập quy hoạch phát triển công nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp phải thuiê giá đất cao; Kiên quyết đẩy nhanh quá trình sẵp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước… Điều quan trọng là phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn (trong đó có vốn ưu đãi cho phát triển sản xuất); Cương quyết không để xảy ra tình trạng sản xuất thì liên tục tăng nhưng GDP của ngành lại liên tục giảm…/.