Câu chuyện thứ nhất: Kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS là con dao hai lưỡi

Đoàn Thị Khuyên 25 tuổi, sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở thành phố cảng Hải Phòng. Lớn lên lấy chồng, Khuyên không hề biết chồng từng sử dụng ma túy và có thời kỳ ăn chơi thái quá khi còn trẻ. Kết quả là, sinh con được 4 tháng thì chồng phát bệnh AIDS, hai mẹ con cũng nhận chung án tử hình với virus HIV trong cơ thể. Mới ngoài 20, tuổi đời đang phơi phới mà đã cầm chắc cái chết trong tay. Cay đắng, tuyệt vọng, Khuyên gần như suy sụp hoàn toàn. “Hàng xóm láng giềng ai cũng biết chồng em bị AIDS nên cả gia đình bị xa lánh, kỳ thị. Điều đó thật khủng khiếp và cũng thật nguy hiểm. Có lần chồng em ra đầu ngõ mua bánh, người bán hàng không bán, thế là về anh ấy sinh ra hận đời, luôn có ý nghĩ trả thù, muốn reo rắc bệnh tật cho mọi người. Phải kiên trì lắm em mới thuyết phục được anh ấy từ bỏ ý định điên rồ ấy” – Khuyên tâm sự.

Những ngày tăm tối ấy đối với Khuyên dài vô tận. Ban ngày bịt mặt đi bán vé số để kiếm tiền nuôi con, nuôi mình. Đêm về ôm con ngồi khóc. Dường như tất cả mọi cánh cửa đi tới tương lai đã khép lại trước mắt đôi vợ chồng trẻ. Chưa hết, ngày chồng mất, gia đình nhà chồng sợ tai tiếng, nên 1h đêm còn gọi xe đưa xác anh vào bệnh viện để không phải tổ chức đám tang ở nhà. Nước mắt và sự tủi nhục đeo bám hai mẹ con Khuyên hết ngày này sang ngày khác. Rồi tia hy vọng chợt đến khi một bác sĩ ở bệnh viện Việt – Tiệp giới thiệu Khuyên đến với Dự án Life-gap CDC, rồi làm cộng tác viên của Trung tâm truyền thông, tham gia sinh hoạt nhóm Hoa Hải Đường. Gặp những người cùng cảnh ngộ, được chia sẻ và cảm thông, Khuyên đã tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống.

Từ đó Khuyên tham gia rất tích cực và hiện đang là trưởng nhóm Hoa Hải Đường. Gặp tôi, Khuyên cười rạng rỡ “nhờ có những tổ chức như thế này mà những người như em tìm lại được niềm hy vọng. Vì thế em muốn hoạt động thật tích cực, sống thật ý nghĩa, để giúp những người như em cũng tìm được nguồn vui, niềm an ủi để sống nốt những ngày còn lại sao cho có ích”. Hỏi về cậu con trai 3 tuổi bây giờ ra sao, nét mặt Khuyên đang vui chợt tối lại, “buồn lắm chị ạ, cháu không được đi học vì không trường nào dám nhận, nên tính tình nhút nhát, lúc nào cũng chỉ biết có mẹ, nhìn mà tội nghiệp. Đôi lúc em chỉ có một ước muốn rất giản dị là nhìn thấy con được vui vẻ cắp sách đến trường là em có chết cũng thanh thản. Nhưng điều đó thật khó. ở Hải Phòng có đến hơn 100 cháu nhỏ mắc bệnh này, giá như có thể có một trường học riêng cho các cháu để chúng cũng được đến trường học hành, được giao lưu với các bạn thì tốt biết mấy”. Nhìn Khuyên, tôi chẳng biết nói gì để sẻ chia cả, bởi điều đó ai cũng hiểu, ai cũng mong muốn, nhưng ai có thể làm được khi xã hội nhiều việc phải lo lắng hơn?

Câu chuyện thứ hai: Nỗi đau của trẻ em mới là điều đau đớn nhất

May mắn hơn Khuyên, Trịnh Thúy Ngần 35 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội lại được tiếp xúc với thuốc chống lây nhiễm từ mẹ sang con sớm, cộng với một chút may mắn, con trai Ngần không nhiễm HIV. Nhưng trong câu chuyện của tôi với Ngần, điều trăn trở nhất của cô là khi nhiễm HIV, người lớn đau đã đành, con trẻ còn đau gấp nhiều lần như thế. Rồi sự kỳ thị là điều không tránh khỏi, cho dù đó là sự kỳ thị có văn hóa. Ngần kể: “Khi gia đình biết người yêu mình nghiện ma túy, cả nhà ngăn cản không cho mình lấy anh ấy nhưng mình cứ lấy, không ai ngăn cản được. Nhưng đến khi có thai, đi xét nghiệm máu biết mình bị HIV/AIDS, mình thất vọng lắm. Bố mẹ đã ngăn không nghe, giờ có khổ thì ráng chịu”,  kể đến đây Ngần khóc. Nỗi đau trong sâu thẳm tâm hồn, luôn trỗi dậy khi có bất kỳ tác nhân nào chạm vào. Rất may cho Ngần, sau đó nhờ cán bộ y tế phường vận động, Ngần tham gia Dự án “nâng cao năng lực các phụ nữ nhiễm HIV và con của họ”, rồi sinh hoạt nhóm Hoa Hướng Dương. Thông qua Dự án và thông qua những người bạn, người chị giúp đỡ, Ngần được dùng thuốc chống lây nhiễm mẹ sang con ngay từ sớm và Ngần đã thành công. Sau khi sinh, Ngần đưa con đi làm xét nghiệm sớm, sau 4 lần kết quả đều âm tính, Ngần ôm lấy con mừng đến phát khóc.

Sau cơn mưa trời lại sáng, niềm hy vọng về đứa con thành hiện thực, Ngần bỏ cả việc cơ quan, chuyển hẳn sang làm công tác truyền thông HIV/AIDS và lôi cả chồng vào cuộc. Trong “họa có phúc”, chồng Ngần sau vụ ấy đã quyết tâm cai nghiện và đến nay đã cai được 4 năm. Hai vợ chồng cùng tích cực hoạt động xã hội. Ngần bảo: “Hôm mình đẻ có 2 trường hợp nữa cũng giống mình, nhưng thời gian sau quay lại chỉ có mình là may mắn, còn hai bạn kia các cháu đều bị nhiễm và chết cả, thực sự mình rất buồn”. Vì thế, Ngần để lại số điện thoại liên lạc ở các khoa lây nhiễm bệnh viện phụ sản trung ương và Hà Nội, bất kỳ lúc nào kể cả đêm hôm, ai gọi điện nhờ tư vấn, Ngần cũng sẵn sàng. Với Ngần, giúp được bất kỳ người nào mà sau đó, em bé họ sinh ra không bị nhiễm HIV/AIDS là Ngần vui rồi. Tiền ít nhưng cái tâm thanh thản, cuộc sống của vợ chồng Ngần bây giờ cũng hạnh phúc như của bao cặp vợ chồng bình thường khác.

Dù làm gì Ngần cũng đau đáu với nỗi đau của những đứa trẻ bị bệnh bởi: “Chúng đau đã đành, lại còn bị kỳ thị, không được đến trường, không được giáo dục học hành tử tế, rồi chúng sẽ ra sao? Tất nhiên chúng lại bị đẩy ra ngoài lề xã hội, tiếp tục mắc vào tệ nạn và rồi chính chúng ta sẽ phải chịu hậu quả từ những đứa trẻ không được xã hội thừa nhận ấy”!

Câu chuyện thứ ba: Đừng ai chết vì thiếu hiểu biết

Nguyễn Diệu Hằng – 31 tuổi, có lẽ là có số phận truân chuyên nhất trong số những người mà tôi gặp hôm ấy. Sinh ra trong một gia đình tử tế, học hành đàng hoàng, tốt nghiệp đại học, nhưng Hằng lại yêu và lấy một con nghiện với ý nghĩ rất đơn giản, bằng tình yêu, mình có thể đẩy lùi cám dỗ, giúp chồng cai nghiện. Thế nhưng cuộc đời không chiều theo ý Hằng, không những chồng Hằng không cai được ma túy mà còn reo rắc cho vợ con căn bệnh chết người. Ngày Hằng sinh con cũng là ngày cô nhận bản án tử hình cho cả 2 mẹ con. Sự đau khổ và tuyệt vọng nhấn chìm Hằng vào trạng thái trầm uất. Suốt mấy tháng ròng Hằng chỉ ở trong phòng ôm con và khóc. Với người khác, nỗi đau theo dòng nước mắt trôi đi, còn với Hằng nỗi đau lặn vào trong, càng khóc càng đau. Bố mẹ, chồng con tất cả đều không thể kéo cô ra khỏi sự tuyệt vọng. Chỉ đến khi cán bộ y tế phường đến động viên, vận động cô tham gia dự án GIPA (tăng cường sự tham gia của người có HIV/AIDS) thì cuộc sống thực sự mới trở lại với Hằng. Ban ngày tham gia công tác xã hội, tối về chờ con ngủ say rồi mới ngồi vào máy khâu may hàng gia công để kiếm tiền.

Nhưng bất hạnh chưa buông tha cô. Hơn 2 tuổi, cậu con trai bắt đầu phát bệnh, lúc ấy Hằng mới càng thấu hiểu nỗi khổ của những đứa trẻ bị AIDS. Vào bệnh viện, đứa bé bị nằm khu cách ly, mọi thứ từ thuốc thang cho đến chăm sóc đều không được như những người bình thường khác. Gần một năm trời, dù hết sức chăm bẵm, yêu thương, nhưng đứa trẻ vẫn tuột khỏi tay Hằng về với thế giới khác. Nhìn đứa con dứt ruột đẻ ra trút hơi thở cuối cùng trong sự đau đớn trên giường bệnh, Hằng như đứt từng khúc ruột, không còn nước mắt để khóc. Chồng nghiện hút lang thang đầu đường xó chợ, vợ chồng ly thân, giờ mất nốt con, Hằng mất tất. Nhưng cô không gục ngã như nhiều người nghĩ. Hằng càng hoạt động xã hội tích cực hơn bao giờ hết, niềm vui của cô là giúp đỡ, tư vấn cho các ông bố bà mẹ có con nhiễm HIV/AIDS đang điều trị tại bệnh viện Nhi Thụy Điển và Bạch Mai.

Hằng nhớ lại hồi mới làm tình nguyện viên trên bệnh viện Nhi. Không ai tin tưởng, chỗ ngồi không có, Hằng cứ vật vờ ngoài hành lang, gặp gỡ, tư vấn cho bất kỳ ai cô gặp. Mãi đến hơn 3 tháng sau, trong một lần tình cờ một bác sĩ người Pháp biết chuyện đã nói với bác sĩ bệnh viện rằng, “một tình nguyện viên nhiệt tình như thế, sao ta không sử dụng và tạo điều kiện cho họ mà lại để họ phải tự xoay xở, lãng phí như vậy” thì Hằng mới chính thức có một chỗ ngồi trong phòng khám khoa truyền nhiễm bệnh viện Nhi. Bây giờ hầu như ngày nào Hằng cũng ngồi ở đó, tư vấn miễn phí cho tất cả mọi người và được mọi người rất quí mến. Còn ở bệnh viện Bạch Mai, Hằng để card nhờ bác sĩ phát hộ, bất cứ ai cần gọi điện cô đều tư vấn nhiệt tình, thậm chí còn đến tận nơi ở của người bệnh để tư vấn. Ngồi nói chuyện với tôi, Hằng liên tục trả lời điện thoại, tư vấn trực tiếp trên máy. Nghe cô nói vừa như bác sĩ, lại dỗ dành ân cần dịu dàng như một người mẹ “bạn phải ăn chín uống sôi, chịu khó khi đi ăn ngoài thì đừng ăn đồ sống vì dễ bị nhiễm trùng khi bạn suy giảm hệ thống miễn dịch…”. Hằng tâm sự: “Bây giờ chẳng có thời gian để buồn. Những người có HIV/AIDS thường thích và tin tưởng sự tư vấn của những người cùng cảnh ngộ. Em muốn giúp họ, để họ không rơi vào trạng thái trầm uất như em ngày xưa. Tất cả chỉ vì thiếu hiểu biết. Em cùng bạn mở một cửa hàng may nhỏ, em cắt còn bạn em máy, sống cũng tạm. Tất cả thời gian rảnh rỗi em dành cho công tác xã hội, coi đó là niềm vui, nguồn sống mới của mình, nếu không em đã gục ngã từ lâu rồi”.

Những câu chuyện tôi kể trên đây chỉ là 3 trong số vô vàn mảnh đời bất hạnh vì HIV/AIDS mà tôi đã gặp. Những người phụ nữ như họ thực sự không có tội, nhưng số phận đã buộc họ phải gánh chịu cái phần lầm lỡ của người bạn đời. Và tôi chỉ biết kể về họ như là sự chia sẻ với những người phụ nữ xấu số. Chắc chắn xã hội rất cần những người có tấm lòng bao dung, nhiệt huyết như họ.?