Chấp hành sự sắp xếp bố trí của lãnh đạo, kỹ sư Phạm Ngọc Thọ đã lần lượt trải qua các công việc của người thợ phụ, thợ cả, tổ trưởng sản xuất ở đoàn Địa chất 909, và tháng 10/1997, anh được giao nhiệm vụ trợ lý Đoàn trưởng của đoàn Địa chất 907; tháng 6/1994, được bổ nhiệm làm phó Giám đốc Xí nghiệp 908 và hiện nay là Xí nghiệp Địa chất - Trắc địa Cẩm Phả (thuộc Công ty Địa chất Mỏ). Hơn 20 năm gắn bó với ngành địa chất mỏ, với niềm say mê nghề nghiệp và phát huy những kiến thức năng khiếu sở trưởng của mình, dù ở cương vị và nơi công tác nào, kỹ sư Phạm Ngọc Thọ cũng “gieo hạt nảy mầm” và trở thành một trong những “Cây sáng kiến cải tiến kỹ thuật” (SKCTKT), đã gặt hái được nhiều “hoa thơm quả ngọt” trong các hoạt động của Công ty.

Tuy thời gian đã qua đi hàng chục năm, đến nay, Phạm Ngọc Thọ vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm “bông hoa sáng kiến” đầu tiên mà anh đã tạo được trong những ngày công tác ở đoàn Địa chất 909. Vừa mới qua hơn 1 năm làm thợ , đầu năm 1984, Thọ được lãnh đạo giao cho làm tổ trưởng tổ máy khoan, thay thế 2 tổ trưởng trước đã lần lượt được nhận nhiệm vụ mới vì không thực hiện được kế hoạch, tiếp tục điều hành thi công công trình LK.09 sâu 400 m ở trong rừng sâu vùng Vàng Danh - Uông Bí. Khắc phục tình trạng lỗ khoan thường gặp các sự cố sập lở, bị mất nước và kẹt bộ dụng cụ khoan, Thọ đã cùng với anh em trong tổ thực hiện giải pháp “dùng xi măng trám lỗ khoan” chống được sự sập lở và tự chế tạo bộ dụng cụ phù hợp để bóc “Za mốc” khi cứu kẹt... Từ đó, duy trì được tiến độ thi công, làm cho công trình lỗ khoan đã kết thúc đúng với yêu cầu quy định. “Vạn sự khởi đầu nan”, từ thắng lợi của sáng kiến đầu tiên đã động viên Phạm Ngọc Thọ có thêm niềm tự tin, càng thêm hăng hái phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật mới sau này.

Do nhiệm vụ địa chất thu hẹp, năm 1994, Xí nghiệp được các cấp chủ quản giao thêm nhiệm vụ khai thác than. Mặc dù chỉ là một kỹ sư khoan thăm dò, song với chức năng của người Phó Giám đốc kỹ thuật, Phạm Ngọc Thọ đã dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn sử dụng kiến thức đã học tập trong giảng đường trường Đại học và kiến thức kinh nghiệm được hun đúc trong thực tiễn, đề xuất nhiều giải pháp tích cực trong chỉ đạo kỹ thuật sản xuất ở một mỏ nhỏ từ khai thác lộ thiên ở độ cao +200m rồi chuyển xuống khai thác hầm lò sâu hơn mức nước biển 55m. Thực hiện công nghệ khai thác từ lao động thủ công chuyển dần sang cơ khí, tạo cho người lao động tăng được năng suất và thu nhập. Sau khi được lãnh đạo chấp thuận phương án do anh thiết kế, Phạm Ngọc Thọ còn trực tiếp chỉ đạo thi công các công trình khoan giếng lấy nước sạch phục vụ cho yêu cầu của đơn vị, xây dựng lò nấu nước nóng và nhà sấy quần áo không bụi, phục vụ cho thợ lò sau ca sản xuất, đã được nhiều xí nghiệp bạn đến thăm quan áp dụng... Không những thế, anh còn có sáng kiến dùng công nghệ khoan địa chất để khoan lỗ thông gió trong đường lò mức +80, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng thêm gió mát cho thợ lò làm việc an toàn. Mặc dù mỏ nhỏ Nam Khe Tam hiện nay đã chuyển sang Công ty Than Bái Tử Long, song gần 300 công nhân viên ở đây vẫn còn khắc sâu mãi sáng kiến “dùng công nghệ khoan rồi bơm ép cỏ, mùn cưa và xi măng” của Phó Giám đốc Phạm Ngọc Thọ đã được thực hiện thành công hồi tháng 5 năm 1999. Sáng kiến của anh đã giữ cho hơn 1000m đường lò mức +80 của Xí nghiệp thoát được sự cố bục nước từ moong khai thác lộ thiên của Công ty Than Tây Nam Đá Mài, nằm liền kề với đường “biên giới” công trường đổ xuống. Qua đó, tạo cho công trường duy trì và mở rộng được sản xuất xuống mức +40, đảm bảo cho mọi công nhân lao động ở đây tiếp tục có việc làm và thu nhập ổn định cho đến nay.

Trong những năm gần đây, Phạm Ngọc Thọ còn làm chủ nhiệm đề tài và đã có nhiều sáng kiến cải tiến trong việc chỉ đạo thắng lợi các công trình “hợp đồng” làm cho các đơn vị bạn. Trong đó có công trình LK.8 sâu 200m phải khoan qua 4 hang “cát tơ” với đường kính tới 273 mm, là lỗ khoan có đường kính lớn nhất, lần đầu tiên Xí nghiệp thực hiện, kịp khai thác nước nóng phục vụ cho phương án tổ chức Xí nghiệp Dịch vụ & Du lịch của Công ty. Công trình LK.3002 sâu 600m nằm sát moong có độ sâu dưới mặt nước biển - -100m của Công ty Than Cọc Sáu, vượt qua được các khó khăn đất đá dọc theo địa tầng lỗ khoan đều bị nứt nẻ, dễ bị mất nước và trượt sập lở... đưa năng suất khoan có tháng đạt tới 300m và đã kết thúc công trình trước 20 ngày. Gần đây nhất, Phạm Ngọc Thọ là người đầu tiên của Công ty đã có sáng kiến “Dùng máy khoan địa chất để khoan lỗ khoan nghiêng 450 có đường kính lớn trong hầm lò, sau đó đặt máy bơm chìm” giải quyết được thành công sự cố ngập nước ở lò giếng nghiêng chính của Công ty Than Thống Nhất. Trong quá trình thi công, anh còn có sáng kiến chế tạo “lưỡi khoan đặc biệt” để khoan “doa” mở rộng đường kính lỗ khoan từ 76mm lớn dần lên 91,...219 tới 240mm, phục vụ cho việc đặt bơm chìm và đã đưa lưu lượng nước từ dưới lỗ khoan lên vượt hơn công suất thiết kế 10m3/h, góp phần tháo gỡ được “thế bí” cho một dự án với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mở rộng khai thác than phục vụ cho yêu cầu phát triển của ngành và các năm tới.

Bên cạnh việc vừa làm vừa nghiên cứu, “gieo hạt nảy mầm” được nhiều bông hoa sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” lan toả hương thơm khắp vùng, Phạm Ngọc Thọ còn luôn quan tâm đến việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kèm cặp, nâng cao tay nghề bậc thợ cho công nhân, nhiều lao động thường đã trở thành thợ kỹ thuật, nhiều người đạt được danh hiệu thợ giỏi cấp Công ty và Tổng Công ty. Điều đáng quý là anh còn giành nhiều thời gian và nhiệt tình hướng dẫn, lý giải hỗ trợ cho hàng chục công nhân, cán bộ trong đơn vị, từ lúc đó có những dự định khái nhiệm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cho đến khi trở thành hiện thực, đạt kết quả...

Hơn 20 năm qua, tuy năm nào cũng có sáng kiến, cải tiến và giá trị làm lợi cho tập thể không nhỏ, song khi được hỏi về tổng số lượng đề tài sáng kiến, cải tiến, hiệu quả kinh tế cụ thể và những vinh dự đáng nhớ nhất của anh, Phạm Ngọc Thọ chỉ tủm tỉm cười và điềm đạm trả lời: Với trách nhiệm của người Đảng viên và người cán bộ, tôi phải tìm mọi giải pháp để cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo cho người lao động có việc làm, có thu nhập và hoàn thành nhiệm vụ của mình được giao, đem lại hiệu quả cao cho đơn vị. Tôi nghĩ, các sáng kiến, cải tiến đó cũng là những giải pháp thường ngày trong công việc, do vậy tôi ít chú ý đến việc ghi chép tổng hợp cụ thể. Liên tục nhiều năm, tôi đã đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua, cuối năm 2002, thật vinh dự, tôi được đi dự hội nghị tổng kết “Lao động sáng tạo” 5 năm 1998-2002 của Tổng Công ty Than tổ chức tại thủ đô Hà Nội.