Lần đầu tiên ở nước ta, khái niệm “thiết bị toàn bộ” được đưa vào văn kiện chính thức là Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.
Đây là thuật ngữ được dùng phổ biến ở các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô cũ. ở các nước kinh tế thị trường, khái niệm này có lúc là “thiết bị toàn bộ”- (Completed equipment), “công trình đồng bộ”- (Completed Project)- công trình hoàn chỉnh đồng bộ, với phương thức “chìa khoá trao tay” (Turn key) hoặc hợp đồng EPC (Engineering Procurement Construction). Hiện nay ở Việt Nam, thiết bị toàn bộ thường được hiểu là phần thiết bị (máy móc, thiết bị phụ trợ, công nghệ ...) của công trình hoàn chỉnh và đã bắt đầu thực hiện phương thức hợp đồng EPC (bao gồm cả thiết kế, chuyển giao công nghệ, mua sắm - chế tạo và xây dựng).
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, hợp đồng EPC và thiết bị toàn bộ là hai khái niệm khác nhau. EPC là hình thức để Chủ đầu tư giao cho Nhà thầu thực hiện xây dựng hoàn chỉnh một nhà máy (turn key), không phải tất cả nhà thầu làm theo EPC có thể làm được thiết bị toàn bộ và trong thực tế, thường các nhà thầu EPC lại là các công ty thương mại hoặc thương mại - tài chính (như Elof Hanson - Thuỵ Điển, Speco - Trung Quốc, Nissho - IWai Nhật Bản, ... ).
Do đặc điểm phức tạp của thiết bị toàn bộ, có thể nói, trên thế giới không có nhà máy hoặc công ty (hoặc các Tập đoàn) nào có thể làm được 100% thiết bị của công trình thiết bị toàn bộ. Thường thì người “làm” thiết bị toàn bộ là nhà sản xuất các thiết bị chính của một dây chuyền thiết bị toàn bộ (như công ty sản xuất tuarbine, máy phát đối với nhà máy thuỷ điện hoặc nồi hơi, tuarbine, máy phát đối với nhà máy nhiệt điện). Trong đó, nhà thiết kế (có thể trực thuộc hoặc không trực thuộc công ty sản xuất) bao giờ cũng là “ linh hồn” của công trình thiết bị toàn bộ.
Sau năm 1986, đặc biệt là từ năm 1995 đến nay, do nhu cầu của thị trường và do tiếp cận với công nghệ nước ngoài, ngành Cơ khí Việt Nam (bao gồm cả các doanh nghiệp FDI) đã tham gia tích cực vào các công trình thiết bị toàn bộ. Có thể nói, đến nay, không có công trình thiết bị toàn bộ nào trong các lĩnh vực năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, hoá chất, luyện kim, khai khoáng... mà không có sản phẩm cơ khí do Việt Nam chế tạo. Đến năm 2003, tỷ lệ sản phẩm cơ khí do Việt Nam chế tạo cho các công trình thiết bị toàn bộ như sau (tính theo giá trị):
- Nhà máy xi măng 1,4 triệu tấn/năm: 35-40%
- Nhà máy xi măng 700.000 tấn/ năm: 70%
- Nhà máy giấy và bột giấy 60.000 tấn/năm: 50%
- Nhà máy nhiệt điện chạy than 300MW: 30%
- Nhà máy đường mía 8000 tấn/ngày: 30%
Thời kỳ 1986 - 2003, Việt Nam đã từng bước làm chủ được thiết kế, công nghệ và chủ động hợp tác với nước ngoài về thiết kế, công nghệ để thực hiện được các công trình thiết bị toàn bộ:
- Nhà máy xi măng đến 750.000 tấn/năm
- Nhà máy bia đến 20 triệu lít/năm
- Nhà máy chế biến mủ cao su mọi công suất
- Nhà máy thủy điện đến 5000 kW
- Nhà máy sản xuất phân bón NPK
- Nhà máy sản xuất mía đường đến 6000 tấn mía/ngày.
Tỷ trọng sản phẩm tham gia vào các công trình thiết bị toàn bộ hoặc tổng thầu thiết bị toàn bộ của ngành Cơ khí năm 2004 - 2005 ước đạt khoảng 20% nhu cầu thực tế của Việt Nam, tương ứng với khoảng 450 - 500 triệu USD/năm.
Từ phân tích trên, có thể rút ra nhận xét tổng quát là: thiết bị toàn bộ có nhu cầu rất lớn và không ngừng phát triển ở Việt Nam. Ngành Cơ khí ở Việt Nam có thể và cần phải tham gia tích cực vào sản xuất, cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các công trình thiết bị toàn bộ đang và sẽ được sản xuất ở Việt Nam, vì so với các thị trường hàng hoá khác, thị trường thiết bị toàn bộ luôn luôn ở tình trạng “cầu” lớn hơn “cung”. Các phân tích này cũng góp phần chứng minh vì sao thiết bị toàn bộ được nêu lên đầu tiên trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: “Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay sẽ là thiếu nếu ngành Cơ khí Việt Nam có ý định khép kín, tự tổ chức sản xuất và cung cấp thiết bị toàn bộ cho tất cả các ngành, với các quy mô về công suất. Vì vậy, căn cứ vào nhu cầu thị trường, khả năng về kinh tế, công nghệ, chế tạo trong nước và hợp tác quốc tế, mục tiêu phát triển của ngành chế tạo thiết bị toàn bộ theo Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26.12.2002 của Thủ tướng Chính phủ là:
- “Nâng cao năng lực chế tạo thiết bị toàn bộ với công nghệ tiên tiến. Sản xuất được thiết bị có độ phức tạp cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu. Nâng cao năng lực thiết kế thiết bị toàn bộ, gắn kết có hiệu quả với công nghệ của từng ngành công nghiệp.
- Đầu tư có trọng điểm thiết bị và công nghệ vào các khâu cơ bản, như đúc, rèn, tạo phôi lớn để đồng bộ về thiết bị và công nghệ đáp ứng yêu cầu chế tạo chi tiết, cụm chi tiết lớn, phức tạp.
- Tận dụng năng lực thiết bị của các doanh nghiệp cơ khí trong cả nước, tăng cường sự phối hợp trong việc phân công và hợp tác sản xuất thiết bị toàn bộ.
- Phấn đấu đáp ứng 40% nhu cầu thiết bị toàn bộ trong nước vào năm 2010. Trước mắt tập trung cho các lĩnh vực chế tạo thiết bị sau: sản xuất bột giấy và giấy, sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, sản xuất điện và dầu khí, cấp nước sạch, công nghiệp chế biến...”
Mục tiêu cụ thể cho sự phát triển ngành chế tạo thiết bị toàn bộ trong 10 năm tới là:
1. Tham gia cung cấp thiết bị toàn bộ cho các công trình lớn của đất nước.
Trong 10 năm tới, nhu cầu về thiết bị toàn bộ của nền kinh tế sẽ phát triển không ngừng (dự kiến tốc độ tăng trưởng 17-18%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của ngành Công nghiệp). Sẽ có một số công trình lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế được xây dựng như, Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, tổ hợp Công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tổ hợp khai thác chế biến Bauxite Đắc Nông và Lâm Đồng; tổ hợp khai thác và sản xuất gang - thép Thạch Khê (Hà Tĩnh), các nhà máy xi măng công suất trên 2 triệu tấn/năm.
Đối với các công trình thiết bị toàn bộ “khổng lồ” này, mục tiêu của ngành chế tạo thiết bị toàn bộ là “tham gia sâu hơn vào việc cung cấp thiết bị tĩnh, thiết bị phi tiêu chuẩn (steel fabricatión), thiết bị vận chuyển, truyền tải, (băng tải, vít tải, gầu tải...), thiết bị siêu trường, siêu trọng (bao gồm cả thiết bị chịu áp cao, thiết bị chịu ăn mòn...). Theo đánh giá chung, với tiềm năng của ngành, tỷ lệ “nội địa hoá” của các công trình có thể đạt 20 - 40%, cao nhất là tổ hợp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, lọc dầu và khai thác, chế biến Bauxite. Riêng thuỷ điện Sơn La, do đặc điểm của loại thiết bị này, tỷ lệ “nội địa hoá” có thể thấp hơn 20%.
2. Từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ và hợp tác quốc tế về thiết kế, công nghệ để tổng thầu được các công trình thiết bị toàn bộ còn lại, có quy mô nhỏ hơn và thiết bị tương đối “vừa sức hơn”, trọng tâm là thiết bị toàn bộ như:
Nhà máy xi măng đến 1,4 triệu tấn/năm (vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD).
Nhà máy giấy và bột giấy đến 100.000 tấn/năm
Nhà máy chế biến đường mía, cao su, cà fê, bông với mọi cấp công suất.
Nhà máy chế biến gỗ ván sợi, ván dăm.
Nhà máy cấp nước sạch, xử lý nước thải và các chất thải rắn.
Thiết bị khai thác, tuyển và chế biến khoáng sản.
Tuỳ thuộc vào đặc tính kỹ thuật và tính kinh tế của các công trình, các nhà sản xuất và cung cấp thiết bị toàn bộ quyết định tỷ lệ sản xuất trong nước cho phù hợp. Mục tiêu “nội địa hoá” hợp lý cho các thiết bị toàn bộ được nêu ở trên, tính theo giá trị là:
Nhà máy xi măng 1,4 triệu tấn đến 2 triệu tấn/năm: 50%
Nhà máy xi măng đến 1,4 triệu tấn/năm: 70- 80%
Nhà máy giấy và bột giấy đến 100.000 tấn/năm: 60- 70%
Nhà máy chế biến đường mía công suất đến 8000 tấn mía/ngày: 60- 70%
Nhà máy chế biến cao su, cà fê, bông: 70- 80%
Nhà máy chế biến gỗ, ván dăm, ván sợi: 60 -70%
Nhà máy cấp nước sạnh: 80- 90%
Nhà máy xử lý nước thải, chất thải rắn: 60 - 70%
- Nhà máy khai thác, tuyển và chế biến khoáng sản: 50- 60%
Thiết bị toàn bộ là loại sản phẩm không thể làm thí nghiệm hoặc không thể “làm sẵn” để chào bán, nên việc tạo thị trường ban đầu cho ngành là vô cùng quan trọng. Việc tạo thị trường cần được thực hiện ở cấp doanh nghiệp (vi mô) và Nhà nước (vĩ mô) gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế và chính sách đầu tư của Nhà nước.
Cấp doanh nghiệp: Các doanh nghiệp cơ khí thiết kế, xây lắp có uy tín chủ động liên minh với nhau hình thành các tổ hợp có phân công hợp tác chặt chẽ để tham gia đấu thầu các công trình thiết bị toàn bộ. Trong các tổ hợp này có thể có các đối tác nước ngoài.
Cấp Nhà nước: Tạo “cú hích” đầu tiên bằng việc giao cho doanh nghiệp (hoặc tổ hợp doanh nghiệp) Việt Nam tổng thầu một số công trình thiết bị toàn bộ. Nhà nước đã và đang thực hiện giải pháp này một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, do tính đa dạng của thiết bị toàn bộ, ngành Cơ khí Việt Nam nên hình thành 2-3 tổ hợp làm thiết bị toàn bộ chuyên môn hoá sâu ở một số ngành công nghiệp then chốt, có nhu cầu lớn ở Việt Nam. Mỗi tổ hợp được chỉ định làm 1-2 công trình, sau đó các tổ hợp này sẽ phải vươn lên cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.