Ban đầu về tổ chức bộ máy, Chi cục QLTT Thanh Hóa có 2 phòng chuyên môn, 7 Đội QLTT và 12 cán bộ, công chức, lao động, phần lớn cán bộ là bộ đội chuyển ngành, chưa kinh qua đào tạo, chỉ đạt 10% cán bộ có trình độ đại học. Đến nay, Chi cục QLTT Thanh Hóa đã có 3 phòng chuyên môn, 18 đội QLTT, trong đó có 16 đội quản lý địa bàn, 1 đội cơ động, 1 đội chống hàng giả; với tổng số cán bộ 195 người, trong đó cán bộ là đảng viên 121 người, 4 cán bộ trình độ thạc sĩ, 105 cán bộ trình độ đại học… trụ sở làm việc của Chi cục và các Đội cơ bản được xây dựng kiên cố.

Trong mỗi giai đoạn phát triển, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, cùng với lực lượng QLTT cả nước, Chi cục luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xem đây là nhiệm vụ quan trọng phải đi trước một bước, với phương châm: “phòng hơn chống”. Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thương mại về buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT), về các quy định công tác quản lý và các hành vi kinh doanh trái phép nhằm bảo vệ lợi ích của nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp, chân chính và người tiêu dùng. Ngay năm đầu tiên mới thành lập, Chi cục QLTT Thanh Hóa đã thể hiện rõ nét vai trò và nhiệm vụ của mình trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Tổng kiểm tra, xử lý được 1.583 vụ; thu phạt 1.455 triệu đồng. Điều này, phần nào đã nói lên sự nhạy bén, tinh nhuệ trong việc nắm bắt thông tin và xử lý dứt điểm của Chi cục QLTT Thanh Hóa.

Ngay từ khi mới thành lập, Chi cục luôn bám sát sự chỉ đạo của Cục QLTT – Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc tập trung nhiệm vụ chống buôn lậu trên các huyện biên giới, cửa khẩu, cửa lạch tuyến biển, tuyến đường sắt, đường bộ. Bởi vì, hàng nhập lậu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan qua biên giới Lào vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, có lúc tình trạng này đã trở thành quốc nạn. Năm 1996, Đội QLTT số 4 huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa đã lập công xuất sắc, kiểm tra phát hiện 2 vụ vận chuyển hàng cấm, 15 kg thuốc phiện tỉ lệ 65% và hơn 1.000 viên thuốc độc thuộc bảng A, được Bộ trưởng Bộ Thương mại gửi thư khen ngợi.

Bước sang giai đoạn 2000 – 2005, thị trường diễn biến có nhiều phức tạp, không chỉ đơn thuần là tình trạng buôn lậu mà còn diễn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh làm hàng giả và gian lận thương mại trên khắp cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Từ những yếu tố đó, Chính phủ ban hành Quyết định 127/QĐ-TTg, về việc thành lập BCĐ 127/TW, ở cấp tỉnh thành lập BCĐ 127/tỉnh thực hiện cả 3 nhiệm vụ; chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Chi cục QLTT Thanh Hóa được cơ cấu là cơ quan thường trực BCĐ 127/tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Công Thương Thanh Hóa nhiều biện pháp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, ngăn chặn hoạt động kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, đẩy lùi hoạt động sản xuất kinh doanh buôn bán hàng giả ra khỏi địa bàn huyện, thị xã, thành phố, giảm thiểu tới mức thấp nhất các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần ổn định thị trường.

Khi Việt Nam trở thành thành viên Thương mại Thế giới (WTO) có nhiều yếu tố nước ngoài và hội nhập, cũng là lúc thị trường Thanh Hóa bị chi phối, ảnh hưởng nhiều. Giai đoạn này, hành vi buôn lậu, hàng cấm có phần giảm bớt nhưng hành vi sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại lại phát sinh có nhiều yếu tố phức tạp, khó lường mang tính toàn cầu, thị trường Thanh Hóa khó tránh khỏi những ảnh hưởng nói trên. Do đó, nhiệm vụ đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại, chống vi phạm VSATTP – SHTT được Chi cục đặt lên hàng đầu. Nhằm tăng cường hiệu quả các nhiệm vụ hơn nữa, ngoài yêu cầu chung của Cục QLTT, Chi cục QLTT Thanh Hóa còn giao chỉ tiêu về kiểm tra, kiểm soát thị trường cho tất cả các Đội. Đây chính là cơ sở đánh giá, bình xét công tác thi đua khen thưởng hàng năm tại Chi cục, nên được các Đội triển khai, thực hiện mang nhiều hiệu quả thiết thực.

Từ cuối năm 2009 đến nay, đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, cấp trên đã quan tâm cho phép thành lập thêm Đội, tăng thêm biên chế cùng với phương thức đổi mới chỉ đạo có hiệu quả. Vì vậy, trung bình hàng năm Chi cục đã tiến hành kiểm tra và xử lý tới 6.000 vụ/năm, thu phạt hành chính lên tới 11 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2009. Tổng hợp từ năm 2005 đến nay, Chi cục QLTT Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra và xử lý được 98.278 vụ, thu phạt nộp ngân sách 83,31 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về đấu tranh chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, VSATTP, SHTT cơ bản đều hoàn thành, góp phần bình ổn thị trường Thanh Hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Sau 17 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng QLTT Thanh Hóa đã thể hiện rõ nét vai trò và nhiệm vụ được giao. Có thể thấy, trong suốt quá trình hoạt động của mình, Chi cục QLTT Thanh Hóa đã trở thành một lực lượng chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng thích hợp với nền kinh tế thị trường. Ghi nhận những thành tích đó, Chi cục QLTT Thanh Hóa được Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba; 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 7 cá nhân; Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) tặng Bằng khen cho 32 tập thể, 55 cá nhân và 12 cờ thi đua đơn vị xuất sắc liên tục từ năm 1998 đến nay; Ban chỉ đạo 127 Trung ương tặng Bằng khen cho 21 tập thể và 38 cá nhân; UBND tỉnh Thanh Hóa, BCĐ 127/tỉnh tặng Bằng khen cho 44 tập thể, 64 cá nhân,… 


Đ/c Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng, Cục QLTT trao Kỷ niệm chương của Bộ Công Thương cho các cá nhân thuộc Chi cục QLTT Thanh Hóa đã có thành tích xuất sắc vì sự nghiệp QLTT

Đất nước đang tiếp tục trong quá trình đổi mới và phát triển, đặc biệt Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, cơ hội mở ra cho sự phát triển là không nhỏ nhưng sự cạnh tranh khốc liệt và thử thách trong hội nhập vô cùng lớn. Dự báo, năm 2012 và một số năm tiếp theo, bên cạnh nhiều thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức do khủng hoảng công nợ ở các nước Châu Âu, bất ổn chính trị trên thế giới, sự cạnh tranh về tài chính, thương mại, tài nguyên, nguồn nhân lực… tác động không nhỏ tới hoạt động thị trường. Trong bối cảnh đó, vai trò của lực lượng thị trường cả nước nói chung, lực lượng QLTT Thanh Hóa nói riêng cần phải tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những khó khăn, tồn tại, yêu cầu lực lượng QLTT phải đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, về tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động nhắm đáp ứng hơn nữa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó và đáp lại niềm tin của người tiêu dùng.

Phát biểu tại lễ Tọa đàm kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống lực lượng QLTT tại Thanh Hóa, đồng chí Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng, Cục QLTT (Bộ Công Thương) đánh giá cao những thành tích đạt được của Chi cục QLTT Thanh Hoá, đặc biệt là công tác tổ chức, xây dựng lực lượng. Thời gian tới, tình hình thị trường sẽ còn diễn biến phức tạp. Phó Cục trưởng Đỗ Thanh Lam cũng đề nghị Chi cục QLTT Thanh Hoá, Ban chỉ đạo 127/tỉnh phải đoàn kết hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lấy biện pháp phòng ngừa làm nòng cốt. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh phiền hà, sách nhiễu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, buôn bán hàng hoá và lồng ghép đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách - pháp luật cho mọi người nắm rõ.

Nối tiếp truyền thống vẻ vang 55 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng QLTT, lực lượng QLTT Thanh Hóa tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của lực lượng QLTT Thanh Hóa giai đoạn 2010 – 2015” đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, từng bước “xây dựng lực lượng QLTT theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ” theo tinh thần Nghị quyết 12 – NQ/TW ngày 3/1/1996 của Bộ Chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nhân văn, kỷ cương, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đáng ứng nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân.