Nà Hang - Hối hả, đêm sáng trên công trường.
Đúng 10h ngày 27 tháng 11 năm 2003, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng ném tượng trưng khối đá ngăn dòng thượng lưu sông Gâm. Giữa trùng điệp rừng xanh trong âm vang tiếng nhạc, các đại biểu đã nhận những bó hoa tươi đẹp của các thiếu nữ dân tộc Nà Hang và Tổng Công ty sông Đà. Báo hiệu sông Gâm chính thức được chinh phục.
Trong đêm, chúng tôi đang thức cùng Nà Hang, thức cùng nhịp độ lao động khẩn trương của công nhân, kỹ sư trên công trình thuỷ điện. Chúng tôi được kỹ sư Nguyễn Văn Thuyết, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện Tuyên Quang dẫn đi công trường. Anh bảo, tết vừa qua trên công trường vui lắm, bởi có rất nhiều đoàn viên thanh niên, là công nhân, kỹ sư trẻ mới vào nghề, tình nguyện lao động tại công trường trong dịp tết, các công ty đã xây dựng kế hoạch lao động và đón xuân tại công trường chu đáo lắm. Có lẽ cái tết đầu tiên nơi vùng núi rừng Việt Bắc này sẽ rất thú vị cho cánh thợ trẻ, nhiều bạn rất hào hứng đăng ký ở lại công trường. Anh Thuyết cười phân trần với chúng tôi như vậy. Từ trụ sở ban điều hành, xe qua sông Gâm trên cây cầu cứng làm chỉ trong chín mười ngày, qua trạm kiểm soát thấy có công an, có lẽ đoán ra thắc mắc của chúng tôi, anh Thuyết cho biết: Hàng ngày, có cả mấy ngàn lượt xe đi, về nên phải có cảnh sát giao thông. Xe vào công trường, trước mặt có rất nhiều tầng đường cắt nhau, nếu không có người hướng dẫn, xe có thể đi vào đường cụt không ra được. Đứng tại điểm thi công đập chính, chỉ vào tấm sơ đồ trên tay, anh Thuyết cho chúng tôi hình dung toàn cảnh công trình với các hạng mục chính: Cống dẫn dòng; Tuyến đập chính đập đá, bề mặt bê tông chống thấm; Tuyến năng lượng gồm kênh vào, cửa nhận nước, nhà máy, kênh ra; Tuyến tràn gồm kênh vào đập tràn, dốc nước, hồ sói, kênh ra; Đập bê tông không tràn và một đập đất phụ. Trên công trường gặp rất nhiều xe chủng loại khác nhau, đều mang biển hiệu sông Đà. Có nhiều xe còn gắn tấm biển huy hiệu Đoàn, hỏi đồng chí Thuyết mới biết là những xe gắn biển hiệu như vậy do Đoàn thanh niên tổng công ty phát động phong trào lao động xung kích trên công trường thuỷ điện để chào mừng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Được biết, Tổng Công ty Sông Đà hiện có 12 công ty thành viên. Mỗi công ty có từ 2 xí nghiệp trở lên và thường được chuyên môn hoá một hay nhiều loại công việc. Sông Đà 2 cầu đường, Sông Đà 5 bê tông, Sông Đà 7 thi công nền sàn, Sông Đà 9 cơ giới, đào đắp, mìn, khoan nổ, Sông Đà 10 vật liệu xây dựng, Sông Đà 11 lắp máy... Tại Thuỷ điện Tuyên Quang, các công ty Sông Đà 2, Sông Đà 5,7,8,9,10,12 đang tham gia thi công. Chỉ tính riêng nhân lực của Sông Đà 9 là hơn 1000 lao động. Dừng ở mặt cống dẫn dòng nước sông Gâm xanh ngắt, lặng lờ chảy vào cống dẫn dòng dài 200 mét, đã chinh phục dòng chảy của sông Gâm, chúng tôi vào trạm điều hành, nó là một cái hộp gỗ, mỗi chiều hơn 2m, có duy nhất một cửa. Bộ phận điều hành có 3 người, Nguyễn Đình Thực kỹ sư thủy lợi, Trần Diễn Tường và Nguyễn Văn Vượng kỹ sư xây dựng. Đây là Đội xây lắp tổng hợp Công ty Sông Đà 7. Cả 3 đều thuộc lớp người tham gia xây dựng thủy điện Hoà Bình, sau Hoà Bình là sông Hinh, Vĩnh Sơn, Yaly, họ đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, đã quen với thiếu thốn vật chất nơi công trường, và lại được điều động về đây Anh Tường cho biết: Trong thời gian đơn vị chúng tôi tập trung thi công hạng mục công trình cống dẫn dòng, thực chất là đào một đoạn sông mới, có chiều dài 200m, có 3 đường hầm song song, tiết diện mỗi đường 6x6,5m. Đây là một hạng mục quan trọng, có tính quyết định ngăn dòng đợt 1 hôm 27 tháng 11 vừa qua đó. Các anh hãy hình dung, khi hạng mục này thi công xong, dòng sông sẽ chảy qua đây, dòng cũ của nó sẽ bị ngăn lại. Lúc đó mới có mặt bằng thi công tuyến đập chính. Tiếp lời anh Tường, anh Thuyết nói: Không riêng gì sông Đà, hầu hết các công ty đều tham gia làm ba ca. Ban quản lý đã phát động chiến dịch thi đua 180 ngày đêm cho đợt xây dựng cống dẫn dòng phục vụ cho mục tiêu ngăn sông Gâm thắng lợi đợt một vừa qua.
Chúng tôi ra hiện trường thi công mặt bằng công trình, nhìn những công nhân trẻ, gương mặt loáng nhoáng mồ hôi, đôi tay thao tác thành thạo, họ đã trưởng thành rất nhiều từ xây dựng các công trình thuỷ điện. Được biết, Tổng Công ty Sông Đà cho đào tạo gần 200 công nhân người Tuyên Quang bằng sự phối hợp giữa Trường Công nhân kỹ thuật Việt - Xô với Trường Kinh tế kỹ thuật của tỉnh. Số công nhân này đang thực tập tại công trường. Sau khi thăm công trường một lượt, anh Thuyết khẳng định: Chúng tôi nhất định thực hiện đúng kế hoạch. Những công việc trước mắt là mở tiếp ngay hai mỏ đá số 4 và số 5, làm xong 25 km đường nội bộ, xây dựng thêm khoảng 50.000 m2 nhà, ở thời điểm ngăn sông, lực lượng lao động có trên 8.000 người. Hoàn chỉnh tuyến đường Chiêm Hoá - Nà Hang dài 40 km.
Rời hiện trường, anh Thuyết dẫn tôi thăm văn phòng và nơi ăn ở của công nhân Công ty Sông Đà 7. Văn phòng cách công trường chừng 1 km. Từng dãy nhà mái tôn xinh xắn, giống những đoàn tầu nép vào sườn khe núi Khuôn Phươn. Hiện có hơn 700 công nhân, cán bộ của Sông Đà 7 đang lao động tại Nà Hang. Trong số này có 500 lao động trẻ sinh năm 1980-1982. Công ty cũng mới tiếp nhận 50 kỹ sư, đã làm 15 dãy nhà, 167 gian gồm 14 dãy ở, 1 dãy ăn. Diện tích 1 gian từ 16-18 m2, bố trí nam 8 người và nữ 5 người một phòng. Cứ ba phòng đặt một màn hình. Về đời sống vật chất là được, khó khăn nhiều là đời sống văn hoá. Từ ngày khởi công đến nay, đã tổ chức giao lưu văn nghệ với Đài Tiếng nói Việt Nam, mời đoàn Chèo, Xiếc lên biểu diễn. Nhưng việc đó lâu lâu mới tổ chức được, cái chính là câu lạc bộ hay nhà văn hoá công nhân thì chưa có. Thế nhưng tết vừa qua rất vui, khi có các đoàn nghệ thuật trong và ngoại tỉnh đến phục vụ biểu diễn văn nghệ, đón mừng sự kiện trọng đại của Tuyên Quang, khi công trình thuỷ điện được xây dựng ngay trên chính vùng quê cách mạng.
Biến huyền thoại ngày nào thành hiện thực.
Tạm biệt công trường, nhìn lên đỉnh núi Pác Tạ, trong nắng chiều mầu vàng nhạt, ngọn núi soi mình xuống dòng sông Gâm như đang muốn làm duyên, làm dáng. Tôi nhớ đến truyền thuyết Tài Ngào ngăn sông, qua câu chuyện của các già bản cao tuổi sống ở vùng cao Nà Hang thường kể mỗi khi tôi hỏi chuyện về con sông Gâm. Tương truyền, xưa ở vùng sông Gâm có người con trai mồ côi cha tên là Tài Ngào. Tài Ngào là người khổng lồ, khi đi, đầu chạm tầng mây, khi nằm đầu gối đỉnh Mã Pì Lèng, chân gác núi Pác Tạ. Chàng là người con rất mực hiếu thảo với mẹ, tốt bụng với bản làng. Gặp năm trời làm hạn hán. Cả vùng núi cao khô khát. Chỉ có con sông Gâm là còn dòng nước trong mát cứ mãi chẩy về xuôi một cách phung phí. Tài Ngào tính đắp đập ngăn dòng Gâm lấy nước tưới cho vùng cao đang hạn nặng. Thế rồi, chàng ra sức dồn đá từ vùng Đức Xuân, Thuý Loa, chuẩn bị lấp sông. Có kẻ xấu tên là Thèn Vàn muốn phá công việc của Tài Ngào. Hắn đến chỗ Tài Ngào đang làm việc nói dối rằng mẹ già đang ốm nặng đã qua đời. Tài Ngào tưởng thật vội làm một chiếc quan tài bằng đá vác về. Giữa buổi trưa, bà mẹ đang ngủ say, nhưng Tài Ngào lại cứ tưởng mẹ đã chết nên đưa tay vuốt mắt cho bà. Nào ngờ, sức khoẻ vô song với bàn tay khổng lồ của người con trai đã làm móm thái dương, khiến bà cụ qua đời thật. Tài Ngào gào khóc thảm thiết, nước mắt chảy thành suối, thành sông đến nỗi cuốn đi thi hài của mẹ và chiếc quan tài bằng đá. Thi hài người mẹ bị mất không tìm thấy, chiếc quan tài đá thì vướng lại chỗ Tài Ngào đắp đập dở, nằm mãi bên bờ sông Gâm đến tận bây giờ, ước vọng ngăn dòng sông Gâm của Tài Ngào bị bỏ dỡ. Ngày nay, việc ngăn sông Gâm đang thành hiện thực và chỉ mấy năm nữa thôi, Nà Hang, nơi của chín mươi chín ngọn núi, nơi của một truyền thuyết, sẽ có một nhà máy thuỷ điện bề thế với công suất 342 MW, mỗi năm sẽ hoà vào lưới điện quốc gia gần 1,3 tỷ kWh, đem nguồn điện năng đi khắp mọi miền, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước giầu mạnh.