1. Đặt vấn đề.
Hiện nay, các doanh nghiệp thành công trên thế giới đang áp dụng cả hai mô hình: kiêm nhiệm (Mỹ) và tách biệt (châu Âu), còn ở châu Á, chỉ 57% các doanh nghiệp ở Singapore tách biệt hai vai trò CEO và Chủ tịch HĐQT.
Theo một thống kê thì hiện nay, khoảng 20% doanh nghiệp trong nh óm 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VNR 500) tách biệt vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị và CEO, trong khi đa số doanh nghiệp còn lại, một người thường kiêm luôn hai nhiệm vụ: Chủ tịch HĐQT và CEO. Vậy hệ thống quản trị doanh nghiệp nào tốt hơn?
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh cụ thể mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang băn khoăn: “CEO và Chủ tịch hội đồng quản trị, nên kiêm nhiệm hay tách biệt?”.
Sau đây là một số thông tin về vấn đề trên, qua đó chúng tôi mong rằng, mỗi người sẽ có được cách nhìn nhận đúng nhất về vấn đề này.
2. Một số thông tin về Chủ tịch HĐQT có nên kiêm CEO.
Quá trình cổ phần và đại chúng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam tuy chỉ ở giai đọan khởi đầu, nhưng đã có không ít sự kiện tai tiếng về quản trị công ty. Những vụ việc đã từng xuất hiện khá dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian qua, đặc biệt mới đây là Vinashin và trước kia là Bông Bạch Tuyết hay Đường La Ngà. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu của vấn đề quản trị doanh nghiêp mà cụ thể hơn là việc giải quyết và kiềm chế các xung đột lợi ích trong bản thân doanh nghiệp.
Về lý thuyết quản trị doanh nghiệp, thì Chủ tịch HĐQT và CEO là những người lãnh đạo trong doanh nghiệp. Theo cơ cấu quản trị, HĐQT thực hiện việc quản trị, đặc biệt tập trung vào hoạch định chiến lược, còn CEO thực hiện việc điều hành, thực hiện chiến lược.
2.1 . Góc độ pháp lý
Nếu nhìn theo góc độ của Luật Việt Nam, thì theo Luật Doanh nghiệp 2005, không quy định phải tách bạch vị trí chủ tịch HĐQT và vị trí CEO. Ngay trong các văn bản của Bộ Tài chính liên quan về các công ty cổ phần niêm yết trên Thị trường Chứng khoán, lúc thì có xu hướng khuyến khích việc tách bạch hai nhiệm vụ này, lúc thì khuyến khích quyền tự quyết của cổ đông.
Như vậy, pháp luật doanh nghiệp của Việt Nam không cấm việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức vụ CEO.
2.2. Kinh nghiệm quốc tế
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, “vấn đề Chủ tịch HĐQT có kiêm CEO hay không thì thế giới đã thảo luận từ những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc thì họ nói tách ra khi thì nói nhập hai chức năng làm một”.
Theo những thông tin gần đây nhất thì thế giới không có sự thống nhất về mô hình quản trị công ty. Quan điểm tách biệt vai trò CEO và Chủ tịch HĐQT nhìn chung được các nước châu Âu ủng hộ. Cụ thể: 100% các công ty ở Đức & Hà Lan, Nam Phi, Anh 95%, Úc 90%, Canada 65%, Bỉ và Singapo 57%, Mỹ 20% và Pháp 18%. Qua thống kê trên chúng ta cũng thấy, ngay cả giữa Anh và Mỹ, hai nước vẫn được xếp loại thuộc cùng nhóm Anglo-Xăcxông cũng có sự khác biệt rất rõ ràng. Ở Anh, khoảng 95% trên tổng số 350 công ty trên Sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn tuân thủ nguyên tắc Chủ tịch HĐQT và CEO phải là hai người khác nhau. Ngược lại, ở Mỹ trong vòng 15 năm qua, gần 80% trên tổng số 500 công ty trong danh sách của Standard & Poor’s (S&P500) đã kết hợp hai vị trí này làm một.
2.3. Những quan điểm phản đối tách biệt CEO và Chủ tịch HĐQT
Người ta lập luận rằng, nếu tách biệt Chủ tịch HĐQT và CEO thì có thể tạo ra sự không rõ ràng về việc ai là người chịu trách nhiệm về hoạt động của công ty. Một vị chủ tịch riêng biệt có thể đoạt mất của CEO một số quyền hạn. Điều này đang đúng ở Việt Nam, vì người ta đã từng liên tiếng: Chủ tịch HĐQT và CEO, ai có quyền hơn ai? Một vài lập luận cho rằng, kết hợp hai vị trí sẽ hỗ trợ tốt cho việc ra quyết định, đặc biệt là trong hoàn cảnh cấp bách, và giúp ban quản trị nắm tốt hơn về thông tin của công ty. Quan điểm này cho rằng, việc tách biệt hai vai trò sẽ kém hiệu quả trong việc kết nối chiến lược công ty và quá trình thực hiện. HĐQT khi lập chiến lược thường không lường hết được các yếu tố của thực tế vận hành. Khi CEO lãnh đạo bộ máy điều hành thực hiện các chiến lược đã được HĐQT thông qua, một khi cần thay đổi để phù hợp với những biến động và thay đổi của thực tế thị trường, thường phải mất nhiều thời gian để trình bày và chờ phê duyệt, làm mất đi nhiều cơ hội. Ở góc độ dung hòa các mong đợi giữa nhóm cổ đông và các bên hữu quan khác, CEO nếu kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT sẽ nhanh chóng hơn trong việc thống nhất các mong đợi khác nhau, vì CEO hiểu rõ tất cả các nhóm lợi ích.
Việc tách biệt vai trò Chủ tịch HĐQT và CEO là cần thiết để kiểm soát quyền lực của CEO, nhưng nó cũng có thể dẫn đến nguy cơ làm cho CEO chỉ tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn, nhất là khi việc đánh giá kết quả hoạt động và chế độ lương, thưởng được căn cứ vào kết quả đạt được những mục tiêu mà HĐQT đề ra.
Thực tế thành công của các doanh nghiệp Mỹ cho thấy, mô hình kiêm nhiệm có những ưu điểm nhất định về tính hiệu quả trong tổ chức.
2.4. Những quan điểm ủng hộ - Tách biệt Chủ tịch HĐQT và CEO
Theo quan điểm phổ biến ở nhiều nước, sự tách biệt giữa vai trò Chủ tịch HĐQT và CEO là tất yếu và nhiệm vụ của Chủ tịch HĐQT và CEO là khác nhau và thậm chí có thể đối lập nhau. Nếu Chủ tịch HĐQT và CEO là một người, các thành viên HĐQT sẽ khó có thể phê bình CEO hoặc là phát biểu ý kiến độc lập. Một Chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức vụ CEO sẽ tích cực khuyến khích tranh luận ở các cuộc họp của HĐQT. Điều cần chú ý là, Chủ tịch HĐQT và CEO có thể có quan điểm khác nhau. Chủ tịch HĐQT luôn nhìn mọi vấn đề qua lăng kính “mong đợi của cổ đông” vì là người đại diện cho cổ đông, trong khi CEO thường tiếp cận vần đề qua thực tế của “bộ máy điều hành và mong đợi của các bên hữu quan: nhân viên, đối tác, cộng đồng”. Vì vậy, sự phản biện, dung hòa và thống nhất những mong đợi có thể khác nhau giữa CEO và chủ tịch HĐQT là hết sức cần thiết.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thành công trên thế giới hiện đang áp dụng cả hai mô hình: kiêm nhiệm và tách biệt.
3. Vài nét về vấn đề Chủ tịch HĐQT kiêm CEO ở Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam làm ăn có hiệu quả hiện nay, đều có Chủ tịch HĐQT kiêm CEO. Nhưng những ngày gần đây, người ta “giật mình” khi vụ Vinashin đổ bể. Điều này cũng là thông thường như việc Tập đoàn Enron (Mỹ) bị sụp đổ được xem là hậu quả của quản trị doanh nghiệp yếu kém và lệch lạc. Chính vì vậy, ngay sau đó, hàng loạt kiến nghị xuất phát từ vụ này và nhằm làm tăng sức mạnh của quản trị doanh nghiệp đã được đệ trình lên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (ngày 6 tháng 6 năm 2002), bao gồm một làn sóng phản đối việc Chủ tịch HĐQT kiêm CEO ở Mỹ đã bùng lên.
Nhưng qua đi thực tế và tìm hiểu tại một số công ty đang làm ăn có hiệu quả, mà ở đó, có công ty, “người ta” còn kết hợp “3 trong 1” – một người đảm nhận cả 3 chức vụ: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO một thời gian rất dài, nhưng công ty đã làm ăn rất phát triển và không hề có tiêu cực. Những người đứng đầu kiêm nhiệm đó đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý, kể cả được phong danh hiệu Anh hùng Lao động. Họ đều có quan điểm: Chủ tịch HĐQT và CEO chỉ nên tách ở các tổng công ty lớn hay tập đoàn, còn các công ty, tổng công ty nhỏ không nhất thiết phải tách biệt hai chức vụ này. Nếu các doanh nghiệp có người kiêm nhiệm đó đang làm ăn tốt, không nên dùng biện pháp hành chính để thay đổi mô hình tổ chức, mà hãy để cho cổ đông hay người lao động của doanh nghiệp đó tự quyết định.
Một ví dụ nhỏ, minh chứng cho việc kiêm nhiệm có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để chúng ta cùng tham khảo: Có một công ty làm ăn có hiệu quả, được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Hai, vị đứng đầu kiêm một lúc 3 chức: Chủ tịch HĐQT, CEO, Bí thư Đảng ủy và năm 2008 được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và tặng thưởng nhiều Huân chương... Vừa qua, vị này đã quyết định mua vật tư lúc giá thấp, nên dù nay có thay đổi tỷ giá VNĐ/USD và tăng giá vật tư, thì Công ty đó vẫn hoạt động bình thường được trong năm 2011. Lý giải cho thành công này, người đứng đầu công ty đã cho biết: đó là do tập trung quyền lực nên đã nhanh nhạy “chớp” thời cơ, mà không phải họp “bộ tứ, bộ tam”. Nếu họp bàn và đi đến nhất trí thì mất hết cơ hội. Mình nhỏ, nên muốn tồn tại phải nhanh nhạy.
Thay lời kết
Chúng ta đã đổi mới hơn 20 năm, chuyển từ cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Vậy, mong các nhà hoạch định chính sách quản lý kinh tế, hãy quan tâm đến yếu tố thị trường, phân vai rõ giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Nhà nước chỉ quan tâm hoạch định những chính sách lớn, mang tầm vĩ mô và làm tốt chức năng định hướng, kiểm tra, giám sát của mình.
Chủ tịch HĐQT có nên kiêm Tổng giám đốc không?
Sau hơn 20 năm đổi mới, trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu đáng tự hào, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ. Một trong những vấn đề đó là Chủ tịch Hộ