TÓM TẮT:
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt những thành tích cao về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Từ năm 2013, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN, đứng thứ hai tại châu Á và đứng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, khi Việt Nam đã ký kết hiệp định tự do thương mại với nhiều quốc gia, nhiều thách thức đặt ra đối với xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam. Sử dụng cách tiếp cận theo chuỗi giá trị toàn cầu, bài báo phân tích những thách thức đối với sản xuất sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế, từ đó đề xuất những kiến nghị nhằm phát triển bền vững sản phẩm này trong thời gian tới.
Từ khóa: Sản phẩm đồ gỗ (SPĐG), doanh nghiệp (DN), doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đồ gỗ (DNSXSPĐG), chuỗi giá trị (CGT), chuỗi giá trị toàn cầu sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam.
1. Chuỗi giá trị toàn cầu sản phẩm đồ gỗ
Năm 1985, M. Porter đã đưa ra khái niệm CGT trong tác phẩm “Lợi thế cạnh tranh”, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt năm 2008. Theo ông, “mỗi doanh nghiệp là một tập hợp các hoạt động để thiết kế, sản xuất, bán hàng, phân phối và hỗ trợ sản phẩm của họ”. M.Porter cho rằng CGT là công cụ cơ bản để phân tích nguồn gốc lợi thế cạnh tranh của DN (M.Porter, 2008). Năm 2001, R. Kaplinsky và M. Morris đã đưa ra khái niệm CGT toàn cầu. Đó có thể coi là sự mở rộng khái niệm CGT của M. Porter, ở đây các hoạt động tạo ra giá trị của một sản phẩm có sự tham gia của nhiều DN trên phạm vi toàn cầu. Theo hai ông, “Chuỗi giá trị mô tả toàn bộ những hoạt động cần thiết để đưa một sản phẩm hay dịch vụ từ khái niệm, qua các giai đoạn sản xuất khác nhau (liên quan đến việc kết hợp giữa sự biến đổi vật chất và đầu vào các dịch vụ sản xuất khác nhau) đến phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng và tái chế sau khi đã sử dụng” (R. Kaplinsky, M.Morris, 2001). Phân tích dựa trên CGT toàn cầu của một sản phẩm cho phép chúng ta xem xét cách thức mà các DN, các quốc gia hội nhập toàn cầu, đánh giá các yếu tố quyết định tới sự phân phối thu nhập toàn cầu, phân chia tổng thu nhập của chuỗi cho thành viên trong chuỗi.
SPĐG được hiểu là các sản phẩm đồ mộc trong nhà và ngoài trời như bàn, ghế giường tủ, bàn ghế vườn, ghế băng, ghế xích đu,… Hình 1 dưới đây mô tả các mắt xích trong CGT toàn cầu sản phẩm đồ gỗ.
Hình 1: Chuỗi giá trị toàn cầu sản phẩm đồ go

Trong bài báo này, chúng ta sẽ xem xét 4 mắt xích chính trong CGT toàn cầu SPĐG của Việt Nam, đó là cung ứng nguyên vật liệu (trồng và khai thác rừng, nhập khẩu gỗ, sơ chế), sản xuất (thiết kế, công nghiệp phụ trợ, chế biến), tiêu thụ (xuất khẩu, thị trường nội địa) và tái chế sau tiêu dùng.
2. Những thách thức đối với chuỗi giá trị toàn cầu sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế
- Thách thức về cung ứng nguyên vật liệu
Nguyên liệu gỗ phục vụ cho công nghiệp
chế biến gỗ của Việt Nam đến từ hai nguồn cơ bản, nguyên liệu gỗ trong nước
(rừng tự nhiên và rừng trồng) và nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Đến hết năm 2015,
tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14 triệu ha, trong đó rừng trồng là 3,2
triệu ha với sản lượng gỗ khai thác là 8,3 triệu m3 (Tổng cục Thống kê, 2016).
Tuy nhiên từ năm 2014, Chính phủ quyết
định đóng cửa rừng tự nhiên và theo đánh giá của các chuyên gia, 80-85% lượng
gỗ khai thác từ rừng trồng được sử dụng để sản xuất dăm gỗ. Như vậy có thể
thấy, nguồn nguyên liệu gỗ chủ yếu cho
các DNSXSPĐG là từ nhập khẩu. Hiện tại, hàng năm các DN chế biến gỗ phải nhập
khẩu khoảng 4 triệu m3 gỗ. Khi tham gia thị trường EU, SPĐG của Việt Nam phải
tuân thủ Quy chế gỗ châu Âu - EUTR (EU Timber Regulation). Đây là quy định của
Liên minh châu Âu trong khuôn khổ của Kế hoạch hành động FLEGT (Forest Law
Enforcement Governance and Trade), có hiệu lực từ ngày 3/3/2013. Theo quy chế
này, việc đưa gỗ bất hợp pháp vào tiêu thụ tại thị trường châu Âu sẽ là hành vi
vi phạm pháp luật. Các nhà nhập khẩu gỗ vào EU có trách nhiệm giải trình về
nguồn gốc của gỗ, trách nhiệm truy xuất nguồn gốc của gỗ trong chuỗi cung ứng.
Đối với thị trường Mỹ, từ tháng 9/2010, Đạo luật Lacey có hiệu lực. Điều đó có
nghĩa là các DN Việt Nam khi xuất khẩu SPĐG sang Mỹ phải chứng minh được tính
hợp pháp, xuất xứ của gỗ. Khi tham gia Hiệp định TPP, để được hưởng các ưu đãi
về thuế suất, SPĐG của Việt Nam phải đảm bảo hai tiêu chí, thứ nhất, 55% lượng
gỗ nguyên liệu phải có xuất xứ từ các quốc gia là thành viên của Hiệp định, thứ
hai, SPĐG phải đảm bảo tính hợp pháp từ đất đai trồng rừng đến khai thác, vận
chuyển, chế biến gỗ. Trong giai đoạn 2013-2015, lượng nguyên liệu gỗ nhập khẩu
của Việt Nam từ các quốc gia Lào, Campuchia, Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng rất
lớn, trên 50%. Việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ những quốc
gia này, từ khai thác đến vận chuyển là rất khó khăn. Trong các quốc gia thuộc
khối TPP, Việt Nam nhập gỗ nguyên liệu từ Mỹ, Maylaysia, Chile, New Zealand chỉ
có tỷ trọng 20-22%.
Bảng 1. Thị phần của 5 quốc gia hàng đầu cung cấp nguyên liệu gỗ cho Việt Nam giai đoạn 2013-2015
Đơn vị: %

Đối với nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước, về mặt lý thuyết là gỗ hợp pháp, nhưng việc thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính.... để chứng minh là gỗ hợp pháp cũng không hề đơn giản trong bối cảnh việc thực hiện thủ tục hành chính, thực thi các chính sách của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Như vậy, ở mắt xích thứ nhất của CGT toàn cầu SPĐG, thách thức lớn nhất đối với các DNSXSPĐG của Việt Nam là đảm bảo tính hợp pháp về nguồn nguyên liệu gỗ.
- Thách thức về chi phí sản xuất và năng suất lao động
Ở mắt xích thứ hai của CGT toàn cầu SPĐG, bên
cạnh những thách thức về công nghiệp phụ trợ, về thiết kế thì chi phí sản xuất
cao, năng suất lao động thấp là thách thức lớn nhất đối với DNSXSPĐG của Việt
Nam. DNSXSPĐG của Việt Nam có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, vì vậy hiệu quả
sản xuất kinh doanh thấp.
Bảng 2. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam giai đoạn 2010-2014

Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Thế giới (2011), năng suất trung bình của một công nhân Việt Nam là gần 2 ghế gỗ trong một ngày, trong khi năng suất trung bình của một công nhân Trung Quốc là 3-5 ghế. Mặc dù có lợi thế về nguyên liệu gỗ giá rẻ nhưng chi phí sản xuất cho một ghế gỗ của Việt Nam ở tất cả các khâu vẫn cao hơn nhiều so với Trung Quốc.
Hình 2: So sánh chi phí sản xuất ghế gỗ không bọc xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc

Khi phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe về nguyên liệu gỗ đầu vào, chi phí sản xuất của DNSXSPĐG của Việt Nam sẽ tăng lên nữa. Trong quá trình hội nhập kinh tế, cùng với những cơ hội mở ra, số lượng DNSXSPĐG có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng lên, những thách thức về chi phí sản xuất cao, năng suất lao động thấp của DNSXSPĐG của Việt Nam sẽ là rất lớn. Nếu năng suất lao động, chi phí sản xuất là những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh thì có thể nói năng lực cạnh tranh thấp là thách thức lớn nhất đối với DNSXSPĐG của Việt Nam hiện nay.
- Thách thức về hệ thống kênh phân phối
Đại bộ phận DNSXSPĐG của Việt Nam thâm nhập thị trường nước ngoài thông qua các nhà nhập khẩu. Nhà nhập khẩu là những người có mối quan hệ tại thị trường nội địa, họ am hiểu thị trường nội địa nên có thể cung cấp những thông tin và chỉ dẫn hữu ích cho nhà sản xuất. Những nhà nhập khẩu không độc quyền một thương hiệu hàng hóa nào của người sản xuất, nhiều nhà nhập khẩu bán hàng trực tiếp cho nhà bán lẻ chuyên nghiệp. Điều này khiến cho DNSXSPĐG của Việt Nam rất bị động khi tham gia thị trường. Khi nghiên cứu khả năng nâng cấp chuỗi giá trị SPĐG, R. Kaplinsky và các đồng sự (2003) đã chỉ ra rằng, những nhà nhập khẩu và những người bán lẻ SPĐG luôn mong muốn độc quyền nội địa hóa những hoạt động này. Với tiềm lực tài chính yếu, thiếu kinh nghiệm gia nhập thị trường quốc tế, đây là lý do quan trọng khiến DNSXSPĐG của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh kết nối với các kênh phân phối ở nước ngoài.
Thị trường SPĐG nội địa, với hơn 90 triệu dân, được cho là rất nhiều tiềm năng, song hầu hết DNSXSPĐG của Việt Nam không có kênh phân phối tại thị trường nội địa. SPĐG tại thị trường nội địa phần lớn do các làng nghề cung cấp với kênh phân phối không được xây dựng bài bản. Theo đánh giá của các chuyên gia, 80% thị phần sản phẩm đồ gỗ nội thất trong nước thuộc về các công ty đa quốc gia, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. SPĐG không phải là nhu cầu thiết yếu, cũng không phải là mặt hàng dễ bán, vì vậy, các DN không dễ dàng trong việc xây dựng hệ thống kênh phân phối. Các đại lý hoặc phải có rất nhiều mặt hàng để phục vụ khách hàng có thu nhập trung bình hoặc có những mặt hàng chuyên biệt phục vụ những nhóm khách hàng có phong cách tiêu dùng riêng. Những yêu cầu này vượt quá khả năng tài chính cũng như năng lực marketing của hầu hết DNSXSPĐG của Việt Nam. Như vậy có thể nói ở mắt xích thứ ba của CGT toàn cầu SPĐG, xây dựng và quản trị hệ thống kênh phân phối (cả ở thị trường nội địa và thị trường nước ngoài) là thách thức lớn nhất đối với DNSXSPĐG Việt Nam.
3. Một số kiến nghị
Với những phân tích trên, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, cả trước mắt cũng như lâu dài, từ phía Nhà nước cũng như từ phía các DN để phát triển bền vững SPĐG. Về phía Nhà nước, cần có những chính sách và biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ tập trung, từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho DNSXSPĐG. Hiện tại diện tích rừng gỗ lớn mới chỉ chiếm 4,4% diện tích rừng cả nước, để phát triển rừng gỗ lớn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn (về lãi suất cũng như thời gian vay) cho người trồng rừng, cung cấp các giống cây cho năng suất cao, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sự liên kết giữa người trồng rừng và các DN chế biến gỗ, giám sát chặt chẽ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, hỗ trợ DNSXSPĐG trong việc liên kết với DN cung ứng gỗ. Đối với khâu tiêu thụ, Nhà nước cần có những chính sách và hoạt động hỗ trợ DNSXSPĐG quảng bá sản phẩm, xây dựng và phát triển hệ thống kênh phân phối cả ở thị trường nước ngoài và thị trường trong nước. Hiện nay, một số làng nghề đã bước đầu hình thành sự liên kết, phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa. Để đảm bảo bền vững, Nhà nước cần có quy hoạch lâu dài về phát triển làng nghề, khuyến khích sự liên kết giữa các làng nghề, tiến hành xúc tiến thương mại hỗ trợ làng nghề tiêu thụ sản phẩm.
Đối với DNSXSPĐG Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ đội ngũ lao động là giải pháp căn bản và lâu dài trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Trước mắt, các DN cần hoàn thiện bộ máy quản trị, nâng cao năng lực quản trị điều hành. Triển khai quản trị sản xuất tinh gọn, với nội dung đầu tiên là thực hiện 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) sẽ là một giải pháp quan trọng để DNSXSPĐG giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Với nguyên liệu đầu vào, DNSXSPĐG cần hoàn thiện quản trị cung ứng nguyên vật liệu, từ việc xây dựng kế hoạch cung ứng, tìm kiếm và quản trị nhà cung ứng đến quản trị hồ sơ, tài liệu liên quan đến cung ứng nguyên vật liệu để có đầy đủ thông tin chứng minh tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu cung ứng khi tranh chấp xảy ra. Phải xây dựng cho DN hệ thống giải trình về thông tin nguồn gốc gỗ nguyên liệu, về đánh giá rủi ro và về các biện pháp giảm thiểu rủi ro khi có nguy cơ gỗ bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng. Để mở rộng thị trường, DNSXSPĐG cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm. SPĐG là loại sản phẩm mang tính thời trang, ngoài công năng thì kiểu dáng, mẫu mã đóng vai trò vô cùng quan trọng. Xây dựng một đội ngũ thiết kế chuyên sâu, được đào tạo bài bản là điều kiện vô cùng quan trọng để DNSXSPĐG mở rộng thị trường tiêu thụ cả ở trong nước và ngoài nước. DNSXSPĐG cũng phải có đội ngũ cán bộ quản trị đủ năng lực để xây dựng và quản trị hệ thống kênh phân phối của DN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hawa, Vifores, Fpa Binh Dinh, Forest Trends (2016), Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu giai đoạn 2013-2015.
2. M. Porter (2008), Lợi thế cạnh tranh, Nhà xuất bản Trẻ, 2008.
3. Tổng cục Thống kê, 2016, Niên giám Thống kê 2015.
4. Tạp chí Gỗ Việt, 2&3/2014, 1&2/2016.
5. R.Kaplinsky, M. Morris (2001), A Handbook for Value Chain Reserch.
6. R.Kaplinsky, O.Memedovic, M.Morris, J.Readman (2003), The Global Wood Furniture Value Chain: What Prospects for Upgrading by Developing Countries, United Nations Industrial Development Organization.
7. The World Bank Group (2011), Comparative Value Chain and Economic Analysis of Furniture/Wood Processing Sector (Chairs) in Ethiopia, Tanzania, Zambia, China and Vietnam.
THE GLOBAL WOODEN PRODUCTS VALUE CHAIN OF VIETNAM
IN THE CONTEXT OF ECONOMIC INTEGRATION
Assoc.Prof.Dr. TRAN VIET LAM
National Economics University
Abstract:
In recent years, Vietnam has made great achievements in the export of wood and wooden products. Since 2013, Vietnam has achieved the first place among the ASEAN countries, the second in Asia and the sixth in the world in the export of wood and wooden products. Though, in the context of economic integration, while Vietnam has signed free trade agreements with many nations, Vietnam confronts a lot of challenges for the export of its wooden products. By approaching the global value chains methodology, this study analyzes challenges for Vietnam wooden products in the context of economic integration in order to propose recommendations for sustainable development of this sector in the coming time.
Keywords: Wooden product, enterprises producing wooden products, value chain, global value chain of Vietnamese wooden products.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 01 tháng 01/2017 tại đây