Thực trạng của ngành công nghiệp Hoá dược nước ta:
Ngành công nghiệp Hoá dược là ngành cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp Dược, sự phát triển của ngành này sẽ là tiền đề và động lực phát triển của ngành kia. Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thuốc của cả nước (tính theo giá trị) với gần 600 cơ sở sản xuất thuốc. Tuy nhiên, qui mô sản xuất nguyên liệu và bào chế còn nhỏ, công suất và giá trị doanh thu thấp. Mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo nhưng vẫn còn lạc hậu về công nghệ và thiết bị. Hầu như các nguyên liệu hoá dược đều phải nhập ngoại và tỷ lệ nhập ngoại chiếm trên 80%. Ngành công nghiệp hoá dược Việt Nam còn non trẻ, nhỏ bé và nghèo nàn, mức đóng góp cho nền kinh tế chưa cao. Phần lớn các hóa chất hữu cơ cơ bản và hoá chất trung gian, các nguyên liệu cho sản xuất thuốc, các hoạt chất, thậm chí cả tá dược, các phụ gia, chất màu kể cả bao bì cao cấp đều phải nhập ngoại.
Về nguồn nhân lực: Các nhà khoa học đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực tổng hợp các nguyên liệu hóa dược phức tạp và có giá trị. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu này còn ít hoặc hầu như chưa đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp. Về cơ sở vật chất: Cơ sở vật chất và các trang thiết bị của các cơ sở hoá dược cũng như của các cơ sở nghiên cứu để triển khai sản xuất và triển khai các đề tài nghiên cứu vào quy mô sản xuất công nghiệp hiện nay còn thiếu và không đồng bộ.
Một số nét chính về ngành Dược và công nghiệp Hoá dược trên thế giới:
Những công ty dược đầu tiên được thành lập vào những năm cuối của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ thứ XX. Các quốc gia tiên phong về ngành này bao gồm Thụy Sỹ, Đức, Italia, giai đoạn sau là Hoa Kỳ và Anh. Hiện nay có khoảng hơn 200 công ty dược lớn trên thế giới, lợi nhuận của ngành này bao giờ cũng cao hơn các ngành khác. Doanh thu của một số công ty được lớn trên thế giới năm 2006 như sau: Johnson & Johnson (Mỹ) 53,3 tỷ USD, Pfizer (Mỹ) 48,3 tỷ USD, Glaxo Smith Kline (Anh) 42,8 tỷ USD, Novartis (Thụy Sỹ) 37 tỷ USD, Sanofi Aventis (Pháp) 35,6 tỷ USD, Hoffmann La Roche (Thuỵ Sỹ) 33,5 tỷ USD. Tại châu á, có Công ty Takeda (Nhật Bản) đứng thứ 18 với doanh thu 10,5 tỷ USD. Bình quân, thuốc tiêu thụ theo đầu người trên thế giới ở mức trên 40 USD/người/năm, trong khi chỉ số này tại Việt Nam ở mức 7-8 USD/người/năm. Các quốc gia phát triển cũng không tự sản xuất 100% dược phẩm, mỗi quốc gia chỉ sản xuất những loại dược phẩm mà họ có thế mạnh, phần còn lại là nhập khẩu. Nhật Bản là quốc gia phát triển về ngành Dược nhưng cũng chỉ tự túc sản xuất khoảng 50% nguyên liệu hoá dược (tính theo giá trị). Một số quốc gia đông dân như Trung Quốc, ấn Độ, Brazin, có xu thế cố gắng sản xuất tự túc tối đa các nguyên liệu hoá dược. Những năm cuối thập kỷ 90 ấn Độ ưu tiên phát triển ngành công nghệ thông tin, tuy nhiên những năm gần đây, chính sách của ấn Độ là chuyển hướng sang phát triển ngành hoá chất, hoá dược và công nghệ sinh học dựa trên ưu thế về giá.
Mục tiêu và nội dung của Chương trình Hoá dược:
Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Hoá dược tập trung vào các mục tiêu chính sau:
i) Tăng cường năng lực nghiên cứu triển khai KHCN lĩnh vực Hoá dược cả về nhân lực và cơ sở vật chất nhằm tạo ra những công nghệ có chất lượng ở trong nước, kết hợp với nhập khẩu công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài để sản xuất nguyên liệu hoá dược phục vụ ngành công nghiệp dược và công nghệ bào chế thuốc chữa bệnh, tiến tới chủ động sản xuất thuốc ở trong nước. Phấn đấu đưa nghiên cứu KH và phát triển công nghệ về hoá dược của nước ta đạt trình độ tương đương các nước trong khu vực, một số lĩnh vực đạt trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới.
ii) Xây dựng ngành Hoá dược trở thành ngành kinh tế kỹ thuật mạnh, đáp ứng một phần nhu cầu nguyên liệu thuốc thiết yếu trong nước, tăng mức đóng góp cho thu nhập quốc dân, tiến tới làm chủ một phần về thuốc trong mọi tình huống.
iii) Phát triển ngành công nghiệp Hoá dược thành ngành công nghiệp tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng và tính cạnh tranh cao, làm cơ sở phát triển ngành công nghiệp Dược bền vững trên cơ sở chủ động sản xuất một số nguyên liệu chính.
iv) Khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu tự nhiên trong nước, kết hợp nghiên cứu tổng hợp và bán tổng hợp các hoạt chất từ dược liệu tạo ra các sản phẩm đặc thù Việt Nam.
Nhằm thực hiện mục tiêu trên Chương trình Hoá dược sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau: Chiết tách, bán tổng hợp các hợp chất từ tự nhiên làm nguyên liệu thuốc như artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng, vinblastin, vincristin, vindolin và catharanthin cây dừa cạn (Catharanthus roseus L.), bð - caroten, shikimic axit, polyphenol, troxerutin, palmatin, mangifein; Nghiên cứu một số thuốc và sản phẩm bổ sung dinh dưỡng steroid từ cây cỏ Việt Nam; Nghiên cứu tổng hợp thuốc N - acetyl cystein từ phụ phẩm móng, sừng, lông gia súc; Nghiên cứu sản xuất glucosamin sunfat có tác dụng chữa viêm khớp từ vỏ tôm; Phát triển vùng nguyên liệu quả gấc và hoa cúc vạn thọ có chứa bð.caroten, lycopen, vitamin E, lutein, zeaxanthin; Nghiên cứu sản xuất một số loại thuốc từ củ bình vôi, từ cây hoàng đằng; Chiết xuất glycosid từ quả mướp đắng cho sản xuất thức ăn chức năng. Công nghệ tạo các sản phẩm từ sinh vật biển có hoạt tính sinh học cao và ứng dụng trong lĩnh vực y, dược và công nghiệp thực phẩm; Nghiên cứu điều chế cefepim hydrochlorid kháng sinh cephalosporin bán tổng hợp thế hệ thứ 4; Nghiên cứu điều chế sorbitol và vitamin C từ glucosa; Biến tính tinh bột và xenlulo làm tá dược và các sản phẩm khác dùng cho ngành dược và thực phẩm; Công nghệ sản xuất một số loại đường chức năng từ nguyên liệu sẵn có của Việt Nam để ứng dụng trong công nghiệp dược phẩm…
Ngoài việc tiến hành nghiên cứu KHCN phục vụ phát triển công nghiệp hoá dược, Chương trình còn nhằm tới việc thực hiện các nhiệm vụ khác bao gồm xây dựng tiềm lực cho nghiên cứu KHCN phục vụ phát triển ngành công nghiệp hoá dược, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hoá dược, xây dựng và phát triển công nghiệp hoá dược. Chương trình xây dựng tiềm lực sẽ gồm đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư chiều sâu để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và hiện đại hoá hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành hoá dược. Nâng cấp một số phòng thí nghiệm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Phần đào tạo nguồn nhân lực sẽ bao gồm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thụât, quản lý chuyên ngành hoá dược đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật tại các trường dạy nghề . Việc hợp tác quốc tế với các tổ chức và cá nhân các nhà khoa học nước ngoài sẽ giúp các nhà khoa học Việt Nam tận dụng kiến thức, công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, thông tin, ấn phẩm của các nước phát triển về lĩnh vực trên. Đó phát triển nhanh, mạnh, vững chắc ngành công nghiệp hoá dược. Ngoài ra thông qua hợp tác quốc tế chúng ta sẽ có khả năng tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, các thành tựu về khoa học, công nghệ trên thế giới trong lĩnh vực hoá dược phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Với sự ứng dụng đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp về KHCN, về thương mại hoá sản phẩm, về nâng cao năng lực công nghệ và tổ chức phát triển sản phẩm, về nguồn vốn, về cơ chế chính sách. Với sự cố gắng lao động nhiệt tình và sáng tạo của đội ngũ cán bộ KHCN, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp, chương trình Hoá dược sẽ thành công góp phần thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.