Cuộc đời của ngư dân Vạn Vỹ trôi nổi theo sự lên xuống của con nước. Mùa nước lên là mùa làm ăn được nhất, ngư dân đánh bắt được nhiều cá hơn, thu nhập cao hơn. Mùa nước cạn khoảng vào tháng 8 đến tháng 11, 12 là bắt đầu những ngày sống tản mát của ngư dân xóm Vạn. Họ phải tong tả, bồng bế nhau đi suốt dọc sông Hồng để bòn mót những ưu đãi của thiên nhiên, mong duy trì sự sống. Người Vạn Mỹ thường đỗ thuyền ở bốn điểm trên sông Hồng (gọi theo địa danh trên bờ) là bến Chềnh, bến Hồng Giang, bến Bồng Lai, bến Thanh Tân.
Men theo dải đê sông Hồng hun hút nắng, chúng tôi vào thăm nhà một người dân Vạn Vỹ đang đỗ ở bến Chềnh. Nhà là cái thuyền đã cũ, lòng thuyền được trải bằng một lớp chiếu, cuối thuyền xộc xệch vài cái chăn. Chủ nhà là ông Nhẫn, một mắt đã mờ nhưng cái đầu còn tinh tường lắm. Ông bảo cuộc sống của dân vạn chài có từ lâu lắm rồi, đời ông bà tổ tiên ông cũng chẳng biết huống hồ ông. Gia đình ông Nhẫn có 6 người. Một bà mẹ già 82 tuổi nằm liệt giường 7 - 8 năm nay. Vợ ông sức khoẻ đã kém, kinh tế chỉ trông vào 3 đứa con, 2 đứa vẫn còn nhỏ. Hàng ngày chúng đưa thuyền ra sông đánh cá, có ngày kiếm được đến 100 nghìn, nhưng có hôm chỉ được 5 nghìn, thu nhập bấp bênh lắm, có khi cả tháng chỉ đủ tiền rau dưa. Ba đứa con ông đều không biết chữ, có đứa út may mắn hơn được đi học lớp một nhưng kinh tế khó khăn, nhà neo người, đi học phải đưa đón qua thuyền nên cũng bỏ học luôn. Chữ nghĩa quên hết, thỉnh thoảng hát karaoke bập bõm được vài từ. Khi chúng tôi hỏi, ông có muốn lên bờ không, ông Nhẫn ngập ngừng: chúng tôi làm nghề chài lưới quen rồi, lên bờ lấy gì để sống, mà bây giờ muốn mua đất cũng cần đến vài chục triệu, những hộ gia đình như chúng tôi có nhịn ăn, nhịn uống cũng chỉ được năm, bẩy triệu là cùng. Người con trai cả của ông có khuôn mặt bị bệnh, ngoài da nổi cục, mẩn đỏ trông dị dạng nhưng không có tiền đi chữa, nói xen vào: “ở đây sống trên nước đấy, nhưng vẫn phải đi mua nước, không xin được trên bờ phải mua phèn đánh chua, khử sạch, không như người làm nông nghiệp trên đất, cái cuốc cái xẻng sắm ra có thể dùng được mấy năm, nhưng dân chài phải đổ dầu máy thường xuyên, ngư cụ lại rất nhanh hỏng, mấy tháng phải thay một lần, chỉ trông được vào con cá dưới sông thôi, số phận đành để ông trời định đoạt vậy”. Khi chúng tôi lên thuyền để vào bờ, bà vợ ông Nhẫn mới nói với theo bằng cái giọng phều phào của một người gần móm: “Đề nghị nhà báo nói với cấp trên miễn đi bộ đội cho thằng con tôi, mùa mưa bão sắp đến rồi, nó đi không có ai chống đỡ, thuyền nhà tôi sập mất”.
Phải qua hai cái điếm và một đoạn đường đê đầy bụi nữa, chúng tôi mới đến được xóm của người Vạn Vỹ ở Trung Châu. Thấy chúng tôi loay hoay trên bờ, một cô bé chừng 14-15 tuổi chèo thuyền vào hỏi “Anh, chị hỏi ai ạ?”. Chúng tôi bảo anh, chị vào nhà em chơi có được không? Cô bé với nụ cười tươi rói: được chứ ạ, bố em có nhà đấy. Đó là nhà bác Nguyễn Văn Lâm, một đại gia đình của xóm. Gia đình có đến hơn mười người sống chung trên một con thuyền chật chội. Kinh tế cũng chỉ trông vào đánh bắt cá tự nhiên. Bác trầm ngâm: Không thể trông mãi vào cá sông được. Bây giờ người nơi khác đến và một số dân Vạn Vỹ theo bọn xấu dùng điện để đánh bắt cá, làm cá chết từ trứng. Người Vạn Vỹ ghét dùng điện đánh cá như ghét người nghiện thuốc phiện, như vậy là tự hủy diệt mình còn gì. Nhà bác Lâm nuôi thêm lợn, gà, bò, nhưng chỉ đủ để cải thiện cuộc sống một chút thôi. Tháng 4 vừa rồi, nhà bác mất trắng hai lồng cá trị giá 40 triệu đồng. Tích cóp mấy năm cho con bác Lâm mua được ít đất, nhưng không biết đến bao giờ làm được nhà. Bác Lâm gái ao ước: “Giá như mùa mưa bão này có được căn nhà chỉ cần đóng cửa lại là yên tâm, ở trên thuyền giữa bộn bề sông nước cũng không được đóng kín, vì sẽ không biết phương hướng, chẳng may thuyền trôi ra sông thì cả nhà coi như xóa sổ”. Anh con trai thứ hai của Bác Lâm thích nuôi bò lắm, vì theo anh, nuôi bò sẽ nhanh làm được nhà hơn. Nhưng không có vốn, chẳng có gì thế chấp để vay, nhà nước cho vay ưu đãi 5 triệu đấy nhưng phải chạy đi, chạy lại ngân hàng vài chục lần để làm thủ tục. Anh thở dài đánh sượt: “Cấp trên chỉ quan tâm đến vùng sâu, vùng xa thôi, chứ chúng tôi cách Hà Nội có hơn 20 cây số thì chẳng ai ngó tới”. Câu nói của anh làm chúng tôi phải suy nghĩ. Vạn Vỹ cách Thủ đô có một đoạn đường ngắn thôi mà cuộc sống cách nhau xa quá. Dưới kia là cuộc sống nhộn nhịp đầy ánh sáng của thời công nghiệp, còn ở đây người dân hầu như chẳng biết báo chí là gì. Trẻ em đa số thất học, mù chữ. Có nhà cho con đi học, nhưng cũng chỉ để xóa mù mà thôi. Họ được dùng điện trong tháng 3, tháng 4 khi thuyền đậu gần bờ. Thời gian còn lại vẫn mịt mù trong ánh sáng mờ đục của dòng sông.
Và... Chuyện của người trở về.
Một chiều hè oi ả, chúng tôi thả bộ dọc xóm chài Bồng - Bá (Chèm - Từ Liêm). Độ này đang mùa nước cạn, nhưng dòng sông Hồng vẫn cuồn cuộn, ngầu đỏ đầy giận dữ. Chiếc thuyền nhỏ của vợ chồng anh Trương, chị Bằng đang chầm chậm rẽ lưới. Chị ngồi phía cuối thuyền chỉnh lái, còn anh nhẫn lại kéo từng mắt lưới, gỡ ra những con cá nhỏ. Bước chân lên thuyền, tôi mới cảm nhận hết nỗi vất vả, lênh đênh của đời sông nước. Chiếc thuyền nhỏ chật chội vừa là “cần câu cơm”, vừa là tổ ấm của hai người. Anh kể: “Bọn mình vừa lấy nhau được gần một năm. Ngày trước, mình với cha của Bằng ở cùng đội bè gỗ. Giờ cụ cũng về cắm sào ở Bãi Giữa rồi. Lâu lâu, vợ chồng mình lại xuôi thuyền xuống thăm”.
Sinh ra trong một xóm chài ở Đan Phượng (Hà Tây), từ lúc lên 3, Trương đã “được” cha buộc dây vào bụng rồi thả xuống sông. Đó là bài học bơi đầu tiên, cũng là bài học sống, học tồn tại mà bất kỳ đứa trẻ sông nước nào cũng phải trải qua. Năm lên mười, Trương bơi như một con rái cá và có thể một mình chèo thuyền qua sông. 15 tuổi, cậu bé đã cao lớn như người trưởng thành, da đen bóng và bắt đầu theo đội bè ngược sông lấy gỗ. Những chuyến đi thường kéo dài cả tháng trời, lên tận các khu rừng ở thượng nguồn Yên Bái, Lào Cai. Trương nhanh chóng trở thành một “thợ sơn tràng” thực thụ, cùng dân bản xứ vào rừng sâu tìm những cây sến, cây táu to nhất, hạ xuống rồi dùng xe trâu chở ra bến. Trương đóng bè rất nhanh, gọn và chắc. Những khối gỗ nặng nề luôn nằm dưới lớp luồng nứa, vừa để ngụy trang, vừa làm phao cho gỗ. Càng đi nhiều, Trương càng chai lì, sốt rét rừng không nghĩa lý gì so với chàng trai khoẻ như vâm ấy. Niềm vui lớn nhất của Trương là được cầm sào chống bè, được vẫy vùng, được lướt trên những con sóng lớn, những thác ghềnh nơi thượng nguồn. Và cũng đã nhiều lần, anh nhìn thấy cái chết... Chỉ tay sang đứa bé chừng 14-15 tuổi đang tắm dưới sông, giọng anh chùng hẳn xuống: “Cách đây hơn chục năm, mình cùng với bố mẹ nó xuôi hai bè gỗ lớn về đến Tam Nông (Phú Thọ) thì gặp lũ lớn. Nước từ thượng nguồn đổ ập về, bọn mình còn chưa kịp kết bè lại thì lũ đã cuốn phăng mẹ nó đi. Mình và bố nó tuyệt vọng lao theo nhưng không cứu được. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy mình ở bãi bồi, ngã ba sông, toàn thân bầm dập nhưng vẫn còn thoi thóp. Còn bố mẹ nó thì không tìm thấy xác nữa...”. Cũng từ đó, Trương ít đi bè hơn vì phải ở nhà chăm sóc đứa bé. Rồi khi Nhà nước đóng cửa rừng, anh bỏ hẳn, để sắm một tay lưới kéo cá. Đội bè của anh người thì lên bờ, người vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, nhưng phần đông vẫn gắn bó với đời sông nước, chài lưới, bởi một lẽ giản dị: Với họ, sông nước đã là một phần máu thịt, không thể nào chia cách.
Vẫn còn đó, những bến gỗ ngược sông Hồng qua Dốc Kẻ (Thượng Cát- Từ Liêm) đến Liên Trung (Đan Phượng- Hà Tây). Nơi đây, giờ vẫn nhộn nhịp những bến gỗ, bến nứa. Hai bên đường nhan nhản các xưởng đồ gỗ với đủ loại, từ xoan, mít cho đến sến, táu... Tiếng máy xẻ chạy đinh tai nhức óc và những đống mùn cưa chất cao như núi. ở đây, nhà nào cũng chiếm một bãi đất bờ sông làm nơi tập kết hàng, dựng lều ngay trên thân đê. Chị L.T, chủ một bãi nứa bình thản cho chúng tôi biết: “Lâu nay bọn tôi vẫn làm ăn ở đây, nứa này là dân miền ngược họ trồng chứ không phải phá rừng đâu”. Hãy khoan bàn đến chuyện gỗ lậu hay phá rừng, chỉ riêng hành vi dựng lều lán, chiếm dụng mặt đê làm xưởng đan phên nứa, cót ép cũng đáng để chính quyền địa phương phải suy nghĩ rồi. Thêm vào đó là những xà lan hút cát chạy nườm nượp trên sông cùng với bè lâm sản từ thượng nguồn xuôi về. Tất cả đang đặt ra một dấu hỏi lớn cho các nhà quản lý đường sông...
Hoàng hôn soi bóng xuống mặt sông đỏ rực. Chúng tôi thả lái cho thuyền trôi trong vô định. Chẳng còn cảnh “củi một cành khô lạc mấy dòng” như trong thơ Huy Cận nữa. Bất chợt anh Trương- người “thủy thủ sông Hồng” một thời- mắt nhìn xa xăm về phía thượng nguồn, buông những lời dường như sám hối: “Phá rừng lấy gỗ xuôi về, ắt sông sẽ cuộn nước lũ cướp lại mà thôi...”./.