Là người đầu tiên và lâu nhất của chương trình S Việt Nam, tôi gắn bó với chương trình tính đến nay cũng đến 7 năm rồi. 7 năm đó liên tục có những thay đổi fomat đúng theo yêu cầu của một chương trình thực tế, nhưng S Việt Nam vẫn được yêu thích. Không, có lẽ chính vì vậy nên S Việt Nam mới là một chương trình luôn được yêu thích.
Chữ S mặt cười
Nhiều người thắc mắc tại sao lại là S Việt Nam? Chữ S là một chữ rất hay vì chữ vừa là hình bản đồ đất nước Việt Nam vừa có một lý do đặc biệt hơn là khi phát âm chữ S làm cơ miệng mở ra, nói chữ S khiến người ta phải cười, người Việt Nam hay cười, đất nước Việt Nam vô cùng thân thiện. Đi làm chương trình tôi mới thấy rõ tình yêu này, thấy yêu những người dân, yêu những vùng đất đã qua và chưa qua, tháng nào cũng đi, lâu không đi là nhớ, đi và thấy người dân mình hay quá, Việt Nam mình nhiều kỳ lạ, lý thú vô cùng. Có những nơi ngay đây như là Thái Bình thôi, tôi đã đi nhiều lần lắm rồi mà lần nào đến cũng vẫn thấy mới, hết bãi biển này là đến bãi biển nọ. Thật không thể tưởng tượng là có những bãi biển rộng đến nỗi đi 2- 3km vẫn chưa ra đến biển, vẫn là bãi ngập mặn, người dân đi bắt ngao bằng những cây cà kheo, vừa đi vừa hút thuốc lào nói chuyện vặt… Những chuyến đi cho tôi trải nghiệm, những cảm xúc quá lạ lẫm và thân thương. Cùng S Việt Nam, tôi được đặt chân đến nhiều nơi không có dấu chân của khách du lịch, ở đâu cũng thấy rất bình dị, người dân mình thân thiện, đáng yêu, càng đi càng thấy đất nước mình đẹp. Có câu “Đi là để nhận diện mình”. Nếu mình không đi mà đi chỉ ngồi xem qua báo chí, tivi hay đọc trên sách thì không thể cảm nhận được. Cảm xúc là thứ khó diễn tả thành lời. Mình sẽ yêu đất nước mình hơn khi mình cảm thấy gắn bó, thân thương với mỗi vùng miền. Yêu vì cùng đồng hành. Tình yêu nào mà không theo quy luật ấy phải không? Yêu qua điện thoại, yêu qua internet ư, đó không phải là tình yêu. Đất nước mình dài lắm, rộng lắm, bao la, phong phú, nhiều dân tộc, sắc thái, như một bức tranh cuộc sống muôn sắc màu, mình phải đi chứ, chỉ ngồi một chỗ thì làm sao cảm nhận được. Đi để nhận diện mình - mình ở đây là đất nước, cũng là bản thân mình.
Không ngừng thay đổi
Thách thức của truyền hình thực tế là phải không ngừng thay đổi để tránh sự nhàm chán. Hiện nay, sau khi đã đi rất kỹ các seri chuyên đề, hướng thay đổi mới của S Việt Nam về nội dung là “đánh” theo vùng miền, không theo chủ đề nữa. Mỗi seri sẽ đến một tỉnh, tìm hiểu tất cả những gì đặc sắc nhất của tỉnh ấy, vùng ấy. Ekip phải thao thức trăn trở rất nhiều. Do S Việt Nam giai đoạn trước đã làm quá triệt để nên giai đoạn này khó có đột phá, nhưng đôi khi vẫn gặp những đề tài hay ho, dù không mới nhưng mà cách thể hiện câu chuyện kiểu khác thì vẫn hay. Như là về đề tài làng kéo violon chẳng hạn. Làng ấy được S Việt Nam quay trở lại 4 lần, nhưng không phải để giới thiệu những người nông dân chơi đàn giao hưởng nữa, mà giới thiệu sâu hơn về đời sống của họ, như là câu chuyện vào ngày lũ chẳng hạn. Theo hẹn là họ sẽ ra đình kéo đàn nhưng khi chúng tôi đến họ bảo đang bận bắt lợn sổng chuồng, đi làm hàng rào để chắn cá khỏi tràn bờ. Thế là MC lao vào hiện trường luôn, MC cũng làm hàng rào, cũng lội ao, lội suối, hòa vào cùng họ, trời mưa mặc mưa, quần xắn móng lợn. Xong việc, lại rủ nhau mang đàn ra kéo. Đó là những câu chuyện rất đời sống. Quan điểm của chương trình S Việt Nam là hòa vào với mọi người, đúng như khẩu hiệu thời gian đầu của chương trình là Hương vị cuộc sống, muốn đưa được hương vị đó vào thì bản thân người làm chương trình phải được ngửi trước, phải được ăn trước, phải nghe được những thanh âm đó trước.
Bản thân tôi đã thay đổi rất nhiều sau những năm làm S Việt Nam. Tôi thấy mình cởi mở, rộng lượng, thấy mình trưởng thành, bản lĩnh hơn, ở đâu mình cũng có thể sống được, hòa nhập được, trên dải đất hình chữ S. Tính cách con người Việt Nam chúng ta rất hay, miệng hay cười, giống như hình chữ S.
Sải bước cùng S Việt Nam, tôi đã có những tháng ngày mê mải. Giai đoạn đầu khi S Việt Nam mới phát sóng và phải kéo dài 2-3 năm đầu là bọn tôi làm chương trình theo ba chủ đề gồm: ẩm thực, lễ hội và phượt. Đây là ba chủ đề hot và rất được yêu thích. Mỗi chủ đề đã đóng đinh những tên tuổi MC. MC Thái Dũng với seri ẩm thực đã đi khắp vùng miền, nhưng du lịch không chỉ là ăn uống mà còn là trải nghiệm thực tế và trong quá trình ấy MC được thể hiện cảm xúc của mình từ Bắc vào Nam. Khán giả “quá đã” với hình ảnh của Thái Dũng khi đi lùa bắt con lợn trên Lạng Sơn, chạy khắp sân, rồi đi bán lợn, ngồi sau chiếc xe thồ, rất tự nhiên, rồi chui vào bếp nóng nực… Mấy năm trước trào lưu đi phượt đang lên, bắt kịp xu thế ấy thì S Việt Nam đã có chương trình phượt nhắm tới khán giả trẻ, thích cuộc sống phiêu lưu, thích khám phá những vùng đất ít người đặt chân đến, nhân vật trải nghiệm chính là MC Vũ Hiệp, luôn ăn mặc bụi bặm, đi một con cào cào hoặc mink, lao trên những cung đường đến những vùng không hề có dấu chân khách du lịch, trèo đèo lội suối, leo núi cao rồi nhẩy tùm xuống nước… Casting mãi mới tìm được MC “tay ngang” này. Một người Pháp đã đưa ra lời khuyên cho S Việt Nam mà tôi luôn thấy đúng: mỗi MC hãy là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, muốn vậy hãy đi sâu tìm hiểu và giới thiệu về lĩnh vực đó để không ai có thể làm được thay mình. Điều này thật phù hợp với quan điểm của S Việt Nam là không thay người trải nghiệm, seri nào thì hình ảnh gương mặt đó.
Với seri lễ hội, tôi là gương mặt của Chương trình. Đi khắp
mọi miền từ Bắc vào Nam, đâu có lễ hội là tôi đến, cái câu “vui đâu chầu đấy” rất
chuẩn với tôi. Trong 2-3 năm đó, tôi đi gần hết các lễ hội của đất nước mình,
càng đi càng thấy con người mình lớn lên, nội tâm hơn, những cảm nhận về cuộc sống
sâu sắc hơn, thấm thía hơn văn hóa của đất nước mình. Khác với ẩm thực chương
trình có thể set up hoặc quay đi quay lại, lễ hội thì phải ứng biến và gần như
không có kịch bản. Nếu lễ hội là người dân đi rước kiệu, đua thuyền hay là thả
đèn hoa đăng, thì MC phải lao theo sự kiện ấy như kiểu truyền hình trực tiếp,
MC không được phép nói lỗi đến câu thứ 3, “vứt” vào đám đông là phải nói luôn,
thậm chí thường xuyên “vỡ” kịch bản. Làm kiểu ấy rất vui, nhiều bất ngờ, thường
xuyên vừa làm vừa đoán, buộc phải tay bo, tùy cơ ứng biến. Ví dụ vào một lễ hội,
MC phải quần đảo xem cái gì hay, chỗ nào vui… thì lao vào, sẽ chẳng có kịch bản
nào theo được hết, mà chỉ là ứng phó theo tình huống. Đó là đặc thù của S Việt
Nam giai đoạn đầu, nó thực sự mang tính thực tế mà người MC là người trải nghiệm,
chính MC dẫn dắt và hòa mình vào câu chuyện cuộc sống người dân, đem đến cho
người xem một câu chuyện lôi cuốn.

Tình yêu thêm một tầm vóc mới
Seri lễ hội đã mang đến cho tôi những trải nghiệm lớn trong cuộc đời. Trong 2 năm đi không sót một lễ hội nào từ Bắc chí Nam, lễ hội nào cũng lôi cuốn tôi song tôi nhớ mãi lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang cách đây 5 năm, bởi vì đó là một lễ hội không thành, cuộc đua đã thất bại vào phần cuối vì không tìm ra nhà vô địch. Sau tất cả những chuẩn bị, sửa soạn, “thí sinh” bò được trang trí như một hoa hậu, mặc áo, đeo hoa, “trường đua” thì náo nhiệt, cảm giác ngợp thở y như đứng giữa sân vận động khổng lồ, không khí thi đấu ở làng quê cũng tạo cảm giác “ép phê” khủng khiếp như mọi cuộc thi đấu khác. Dường như người dân đã chờ 365 ngày để có được ngày hôm nay, họ trèo lên ngọn cây cao xem, hò hét, cổ vũ. Vui lắm! Có quá nhiều chất liệu màu sắc cho S Việt Nam. Đối với người Khmer thì có 3 thứ quan trọng nhất là đất, người và bò. Bò giúp họ làm ruộng, chở đồ, là bạn tri kỷ. Người đổ về đông vô cùng. Tôi cảm thấy thật bất ngờ với niềm vui hồn hậu của người Việt mình. Tôi thấy một hình ảnh về người Việt hào hùng, về những người dân cực kỳ hiền lành chất phác, nhất là người Khmer, họ rất hiền và nghèo, mà sao họ vui thế, nô nức, náo nhiệt đến thế. Tính cách người Việt Nam được thể hiện qua tính cách của một dân tộc. Nghèo mà sao vẫn hạnh phúc, chỉ số hạnh phúc của họ phải nói là rất cao. Họ đã quên hết mọi công việc để đến với lễ hội, suốt một tuần họ đưa nhau đi xem, cả gia đình anh chị em gác bỏ mọi thứ. Cái hay của lễ hội là diễn ra ngay trên mảnh ruộng hàng ngày họ vẫn canh tác, đó là cả một vùng ruộng mênh mông ngập xâm xấp nước. Họ cũng phải điều chỉnh như ở sân vận động sao cho mặt nước luôn ở mức độ vừa phải. Khi cuộc đua bắt đầu thì cũng là bắt đầu bữa tiệc của hình ảnh. Hai con bò kéo đằng trước, người điều khiển bò đứng phía sau trên một tấm ván, tay cầm một thanh gậy điều khiển có dùi nhọn phía đầu, có khẩu lệnh riêng và cách chọc vào lưng con bò ra roi. Tấm ván không có bánh xe, lướt trên mặt nước, mỗi khi bò chạy thì nước tóe sang hai bên rồi tung lên trắng xóa. Những tấm ảnh tuyệt vời, những thước quay tráng lệ, người nông dân chân lấm tay bùn mà đẹp, mà hào hùng đến như thế. Và hàng trăm, hàng nghìn nhiếp ảnh gia săn ảnh không quản ngại nguy hiểm để có những bức ảnh ưng ý. Người dân nơi đây yêu lễ hội này vô cùng.
Năm bọn tôi làm chương trình đó là năm mà trọng tài không thể phân thắng bại được vì kết quả của vòng bán kết đã không thuyết phục được người thua. Dứt khoát họ khẳng định con bò của họ cán đích trước. Bảo xem lại clip nhưng họ không xem. Hihi. Người dân mà, chất phác, nhiều khi không cần theo luật, bực lên họ bác bỏ luôn cả quyền của trọng tài. Trong lễ hội dân gian trọng tài không là cha là mẹ. Khi mâu thuẫn xảy ra chính quyền cũng không tham gia vì họ bảo: mâu thuẫn của họ thì tự họ sẽ biết cách dàn xếp, thỏa thuận với nhau. Thế là thôi không có vòng chung kết, dừng ở vòng bán kết. Và năm đó không có chú bò nào vô địch.
Chuyện đã cách đây 5 năm mà tôi vẫn nhớ. Vì nó đem lại cho tôi sự ngạc nhiên. Dân mình hiền lành nhưng không ngờ vào lễ hội mới thấy khí phách của con người Việt Nam. Từ tính cách này có thể nhìn ra được khí phách của cha ông ta biết bao thế kỷ qua, anh hùng, quật cường, không có chiến tranh sống rất bình thản, nhưng hễ có chuyện xảy ra, bản lĩnh anh hùng vẫn luôn cuồn cuộn chảy trong huyết quản.
Càng đi nhiều, tôi càng thấy cuộc sống của mình giản dị hơn. Tôi sống vị tha hơn và biết cảm thông, bao dung hơn. Trên hành trình S Việt Nam của mình, chúng tôi đã đưa nhiều vùng đất lạ đến với mọi người, ngược lại, những con người tôi đã gặp, những vùng đất tôi đã đến đã tác động không ít đến tôi. Và tôi nghĩ, chúng ta, những người Việt yêu nước, bằng cách này hay cách khác, đều sẽ gặp nhau trên dải đất hình chữ S thân thương.