Với việc xã hội hóa truyền hình đã làm cho ngành Truyền hình tại Việt Nam phát triển nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa hiện đại, bản sắc dân tộc. Với việc xã hội hóa truyền hình đã huy động đông đảo nguồn lực của xã hội tham gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính, năng lực sản xuất, điều hành và tiếp cận công nghệ hiện đại của quốc tế…

Gần 10 năm xã hội hóa truyền hình, việc đầu tư vào các sản phẩm của truyền hình tăng vọt theo hàng năm. Điều đáng chú ý là nguồn thu từ tài chính cũng tăng cao, các kênh truyền hình cho tư nhân hợp tác đua nhau mọc ra. Tuy nhiên với sự phát triển rất nhanh như vậy nên gây ra nhiều bất cập trong ngành Truyền hình, như lãng phí trong việc đầu tư. Hiện Việt Nam có khoảng 64 đài truyền hình nằm tại các tỉnh và có hơn 100 kênh truyền hình thuộc hệ cáp, số DTH, IPTV chưa kể phát trên hệ di động (mobile). Có thể nói Việt Nam là một trong những nước có nhiều đài truyền hình nhất thế giới. Trong khi đó, vùng phủ sóng và nội dung các kênh lại chồng chéo lên nhau. Điều này thấy rõ rằng cần có những giải pháp cho việc quy hoạch lại các đài truyền hình trong toàn quốc.

Hiện nay, các kênh truyền hình thuộc nhà nước quản lý có điều kiện phát triển hơn bởi chức năng truyền hình trả tiền và truyền hình miễn phí là chưa rõ ràng, bởi sự độc quyền nhóm trong việc cung cấp đường truyền và nền tảng kỹ thuật. Đã đến lúc cần có những giải pháp hợp lý để ngành Truyền hình phát triển manh mẽ trên cơ sở vững chắc lâu dài.

1. Mô hình chiều ngang hiện nay
Cơ chế quản lý của ngành Truyền hình hiện nay theo chiều ngang, ở Trung ương là đài truyền hình Việt Nam (VTV) - Cơ quan thuộc Chính phủ quản lý, ở địa phương có các đài tỉnh thuộc UBND tỉnh quản lý. Có những tỉnh có cả đài VTV cả đài tỉnh cùng song song tồn tại với chức năng như nhau, dẫn đến tăng đầu tư và duy trì hệ thống. Vì vậy, nên chuyển mô hình ngang thành mô hình dọc sẽ mang lại hiệu quả về đầu tư, tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn trong việc khai thác tài chính. 

Sơ đồ quản lý các đài truyền hình hiện nay


Với sơ đồ trên, Trung ương trực tiếp quản lý VTV, tỉnh thành phố quản lý trực tiếp đài truyền hình địa phương. Bộ thông tin truyền thông quản lý trực tiếp các đài về mặt chức năng và chuyên môn. 

Sơ đồ quản lý của VTV


VTV đã chuyên biệt hóa chức năng của kênh, VTV1 là kênh tuyên truyền, VTV2 về khoa học, VTV3 về giải trí, VTV4 quốc tế, VTV6 thanh thiếu niên, VTV9 tổng hợp,... các đài khu vực là kênh tổng hợp. Cơ chế quản lý tài chính của VTV với các hệ thống đài thuộc VTV là độc lập với nhau (Truyền hình mặt đất, cáp, vệ tinh). Với việc tổ chức quản lý của VTV tương đối hiệu quả. Đảm bảo được được hai chức năng tuyên truyền và kinh doanh hiệu quả. Hiện doanh số VTV chiếm khoảng trên 60% tổng doanh thu truyền hình trên toàn quốc, việc sử dụng nguồn lực, đầu tư cho khu vực là rất hiệu quả. Các kênh truyền hình của VTV đều phủ sóng toàn quốc, tuy nhiên chức năng của mỗi kênh khác nhau, khai thác ở một mảng khác nhau nên không bị hạn chế.

Đối với mô hình các đài truyền hình tỉnh hầu hết là kênh tổng hợp bao gồm cả chức năng tuyên truyền và giải trí, các đài truyền hình tỉnh là một sự chênh lệch rất lớn so với VTV về chất lượng sóng đến nội dung và hiệu quả. Hầu hết các đài truyền hình tỉnh đang sống nhờ trợ cấp của ngân sách tỉnh.

Với cái nhìn toàn diện của ngành Truyền hình có sự trùng lặp không cần thiết giữa sóng của VTV với đài địa phương, khi ấy sẽ trùng lặp về chi phí đầu tư từ cột phát sóng, công nghệ, đến sản xuất, đến tổ chức nguồn nhân lực, đào tạo ...

Ưu điểm : Cấu trúc quản lý mô hình chiều ngang như hiện nay có tính cạnh tranh cao, năng động và đáp ứng tốt việc thông tin vùng miền.
Nhược điểm :
- Đầu tư : Để có được một đài truyền hình thì phải đầu tư rất lớn, công nghệ, trang thiết bị, con người, chưa nói đến cột phát sóng tại các huyện xã. Ngoài ra còn phải đầu tư cho sản xuất chương trình. So sánh với việc đầu tư của VTV hoặc một số đài khu vực mạnh khác như Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV) thì đầu tư của các đài truyền hình tỉnh là lãng phí, bởi: các đài tỉnh không đủ nguồn kinh phí để sản xuất được các chương trình hấp dẫn cho giải trí vì vậy hầu hết khán giả sẽ xem chương trình của VTV hoặc một số đài khu vực tốt như HTV, VLTV (truyền hình Vĩnh Long)… Và khi ấy đài tỉnh phát ít khán giả?

- Công nghệ : Vì mô hình theo chiều ngang độc lập nên các đài tỉnh không được thừa hưởng công nghệ của các đài lớn hơn như trang thiết bị dư thừa khi mở rộng quy mô hoặc đổi mới.

Ngoài Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân Đội (Vietel), vừa qua công ty truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV) triển khai đường dẫn Bắc Nam với chi phí trên 3000 tỷ tiếp theo sẽ là Trung tâm Kỹ thuật truyền hình cáp Việt Nam (VCTV), Công ty truyền thông Đa phương tiện Việt Nam (VTC), công ty Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG), chưa kể các tỉnh thành phố. Như vậy với cơ cấu quản lý hiện nay thì đây là những chi phí dàn trải không tận dụng hết;
- Nguồn tài chính: Không tận dụng được dòng tiền dư thừa hay thiếu khi cần đầu tư giữa các đài với nhau. Theo nguồn tự điều tra thì hầu hết các đài các tỉnh, thành phố hàng năm đều phải sống vào kinh phí trợ cấp của tỉnh, trong khi nguồn chi vào việc xây dựng ban đầu mỗi đài trên 100 tỷ chưa kể phải nuôi cả bộ máy duy trì hàng năm;
- Nguồn lực: Không tận dụng được nguồn lực giữa các đài với nhau. Ví dụ VTV sản xuất chương trình tại miền Tây khi ấy VTV phải cử người đi sản xuất;
- Đào tạo và chuyên môn: Đây là sự chênh lệnh rất lớn giữa đài tỉnh và các đài lớn hơn về chất lượng đào tạo, chuyên môn, và tính chuyên nghiệp .

Ngành Truyền hình đang phấn đấu đến năm 2015 xóa bỏ dạng truyền hình sóng mặt đất, cùng với xã hội hóa truyền hình đã thúc đẩy mảng truyền hình trả tiền bằng việc phát triển các kênh truyền hình cáp trong đó có sự đầu tư của tư nhân. Hiện trong nước có khoảng gần 10 kênh truyền hình xã hội hóa. Trong vòng gần bốn năm trở lại đây đã làm cho ngành Truyền hình Việt Nam thêm phần phong phú và cạnh trạnh tranh mạnh mẽ. Tuy nhiên để đầu tư và duy trì một kênh truyền hình là không nhỏ, mỗi kênh truyền hình ngốn hết trên 50 tỷ/năm, trong khi hầu hết các kênh truyền hình tại Việt Nam đều trông chờ nguồn thu từ quảng cáo. Hầu hết các kênh truyền hình xã hội hóa hiện nay đều bị lỗ. Do đó, để ngành Truyền hình phát triển bền vững cần thiết phải có sự thay đổi về tư duy chiến lược kinh doanh truyền hình, tư duy sản phẩm và chính sách của nhà nước trong việc tạo hành lang pháp lý. Hiện nay các nhà làm truyền hình xã hội hóa đang phải vật lộn với cuộc chiến không cân sức với các kênh truyền hình miễn phí và nguồn thu từ thuê bao. Việc chuyển mô hình quản lý chiều ngang sang chiều dọc sẽ giải quyết đước các vấn đề trên.

2. Đề xuất mô hình quản lý chiều dọc
Cơ cấu lại một số đài truyền hình tỉnh không cần thiết, sử dụng mô hình quản lý của VTV làm nòng cốt: 

Sơ đồ quản lý theo chiều dọc



- Với mô hình này các cơ quan quản lý của Chính phủ quản lý trực tiếp VTV. VTV triển khai và tổ chức hệ thống truyền hình tới các địa phương, cắt bỏ những đài địa phương mà đài khu vực có thể đảm nhiệm được chất lượng sóng cũng như nội dung;
- Đề xuất phân biệt rõ truyền hình miễn phí (Free TV) và truyền hình trả tiền, từ đó đưa ra chức năng cụ thể cho truyền hình miễn phí và truyền hình trả tiền. Với mô hình dọc trên VTV nên triển khai trực tiếp hệ truyền hình miễn phí làm chức năng chủ yếu tuyên truyền, các chức năng giải trí và khai thác thương mại chuyển sang truyền hình trả tiền và cho xã hội hóa. Như vậy cơ cấu của VTV gồm 3 phần và có chức năng rõ ràng:

(1)Duy trì hai đến ba kênh truyền hình miễn phí (Free TV) sở hữu 100% nhà nước, triển khai sâu rộng tới khu vực và địa phương , với chức năng tuyên truyền, giáo dục, khoa học.
(2) Hệ thống truyền hình cáp chuyển thành hệ thống đài xã hội hóa với chức năng giải trí và thương mại. Khi ấy VTV sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm với chính phủ về nội dung và kiểm soát nội dung.
(3) Hệ thống truyền hình vệ tinh chuyển thành xã hội hóa với chức năng giải trí và thương mại. Cũng giống hệ thống truyền hình cáp VTV sẽ kiểm soát nội dung và triển khai cơ sở hạ tầng.

Nhược điểm: Có hạn chế trong việc tuyên truyền vùng miền, quá tải với VTV trong việc tổ chức triển khai. Tuy nhiên có thể giải quyết được bằng cách nâng cao năng lực tổ chức chương trình và nâng cấp hệ thống kỹ thuật...
Ưu điểm :
- Cơ cấu gọn nhẹ linh hoạt, dễ kiểm soát chủ động điều chỉnh được toàn Ngành;
- Giảm bớt đầu tư cho đài địa phương và bản thân VTV, giảm được chi phí thừa từ kênh địa phương, tiết kiệm được nguồn đầu tư hạ tầng của hệ thống cáp, tạo ra thông thoáng cho nhà đầu tư về đầu mối hợp tác;
- Thông suốt hệ thống tuyên truyền;
- Giải quyết được toàn bộ nhược điểm của mô hình quản lý chiều ngang;
- Thu hút được nhà đầu tư đẩy ngành Truyền hình phát triển nhanh.

Gần 10 năm xã hội hóa truyền hình đã nhìn thấy sự phát triển nhanh chóng của ngành Truyền hình, tuy nhiên ngành Truyền hình Việt Nam chỉ có thể phát triển nhanh đuổi kịp với sự phát triển truyền hình thế giới khi chúng ta dũng cảm hội tụ hai yếu tố: Phân định rõ truyền hình miễn phí, truyền hình trả tiền và xã hội hóa toàn phần giải trí và thương mại. Hiện cả nước có 67 đài truyền hình và trên 50 kênh truyền hình thuộc hệ cáp, DTH, KTS thì tất cả các kênh trên đều chờ đợi vào nguồn thu từ ngân sách quảng cáo, trong khi nguồn thu quảng cáo của truyền hình thế giới chỉ chiếm 50%, các nguồn thu còn lại từ thuê bao, bản quyền chương trình, bản quyền kênh... Để ngành Truyền hình Việt Nam phát triển thì những kênh như VTV3, HTV7 chỉ có thể xuất hiện là kênh truyền hình trả tiền, đồng thời cắt giảm chức năng giải trí của những kênh truyền hình miễn phí như VTV1, HTV9... Như vậy sẽ tạo ra sân chơi công bằng hơn giữa nhà đầu tư và những thuê bao thụ hưởng, tạo điều kiện đẩy mạnh truyền hình trả tiền của Việt Nam phát triển.

Những khó khăn khi thay đổi mô hình:
- Xóa bỏ cơ chế bao cấp của đài địa phương, giải quyết lao động của đài địa phương?
- Chuyển đổi cơ chế quản lý cần có lộ trình thời gian để lập kế hoạch và điều chỉnh, ít nhất ba năm;
- Phản ứng của khán giả với thói quen xem truyền hình miễn phí;
- Chính sách quy định nhà nước để phù hợp với quy mô mới;
- Chuyển chuyển chủ sở hữu hợp tác với các đài xã hội hóa, truyền hình cáp HCTV, VTC... thành VTV.

Như vậy, để đảm bảo ngành Truyền hình phát triển theo hướng xã hội hóa một cách nhanh chóng và bền vững cần một lúc phải giải quyết hai vấn đề, đó là tái cấu trúc mô hình quản lý chiều ngang chuyển sang mô hình quản lý chiều dọc. Đây là một vấn đề tương đối khó khăn bởi xóa bỏ trên 60 đài truyền hình địa phương là cả vấn đề lớn về giải quyết cơ sở vật chất, con người hay tận dụng trang thiết bị và nguồn lực cho mô hình mới. Ngoài ra chuyển đổi mô hình mới có nghĩa phải điều chỉnh lại chính quy định từ vi mô đến vĩ mô cho phù hợp với mô hình mới. Một trong những khó khăn nữa là tạo nên thói quen cho khán giả về ý thức truyền hình trả tiền. Lịch sử phát triển truyền hình Việt Nam cũng giống thế giới bắt đầu từ thế hệ sóng mặt đất và bây giờ là giao thời giữa việc xóa bỏ sóng mặt đất chuyển qua thế hệ cáp, vệ tinh và kỹ thuật số thế hệ mới này sẽ gây phản ứng mạnh mẽ về quan niệm truyền hình trả tiền bởi công chúng xưa nay được hưởng miễn phí đã thành thói quen. Một ví dụ minh chứng cho điều này là làn song phản ứng, phản đối và tẩy chay kênh truyền hình K+ . Tuy nhiên, quy luật phát triển ngành Truyền hình Việt Nam không còn con đường nào khác phải lựa chọn, phải thay đổi cho phù hợp với quy luật phát triển, phải có quá trình thay đổi từng phần cũng như có thời gian để công chúng làm quen với “Truyền hình trả tiền”. Hiện tại trên toàn quốc, truyền hình cáp chiếm 45% thuê bao tại các khu vực thành thị, 18% vệ tinh và kỹ thuật số cũng tại khu vực thành thị. Đó là những tín hiệu khả quan cho quá trình chuyển mình của ngành Truyền hình Việt Nam.