Trong giai đoạn 2, nhà đầu tư sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất đại trà các thiết bị của tuabin điện gió theo công nghệ mới này, với quy mô lớn tại Việt Nam. Ông Thọ nhận định, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, công nghệ hai hệ cánh đồng trục có ưu điểm là giá thành thấp, công suất tạo điện cao hơn gấp 2,5 lần so với công nghệ tuabin gió truyền thống. Điểm đặc biệt của công nghệ này là: Tổ máy phát điện có hiệu suất cao, không có sóng hạ âm, không gây ô nhiễm môi trường, giá thành sản phẩm rất thấp. Giai đoạn 2 có công suất 37,5 MW với tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Việt Hải - Tổng Giám đốc EVN Genco 2, đây là dự án sử dụng công nghệ mới của Liên Bang Nga về tuabin gió (YnS-W), phù hợp với sức gió tại Việt Nam, có giá thành thấp. Đây là ý tưởng phát triển từ cánh quạt hai lớp trong máy bay quân sự của Nga, với hai lớp cánh (5 cánh/lớp), tuabin sẽ lấy được nhiều gió hơn so với công nghệ thông thường.
Theo tính toán, hệ số sử dụng năng lượng gió đạt 0,6 – 0,8 (hệ số này của tuabin thông thường đạt từ 0,2 – 0,3), từ đó có thể tính được, với tuabin công suất 1 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm cao gấp 2,5 lần so với các công nghệ điện gió còn lại.
Ngoài ra, tuabin YnS –W có thể hoạt động hết công suất với sức gió trung bình chỉ đạt 7-8m/s (phổ biến tại Việt Nam). Mặt khác, tần số âm thanh của tuabin phát ra từ 20-40 Hz, không gây tổn hại đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh (công nghệ tuabin gió 3 cánh có tần số âm thanh từ 2-8Hz, gây tác động đến thần kinh và tâm lý con người). Nếu dự án thành công, đây sẽ là một triển vọng lớn cho ngành năng lượng điện gió của Việt Nam và là đòn bẩy cho ngành điện gió hiện nay nói chung, đủ sức thay thế than, dầu và tốt hơn về môi trường nước ta.
Hiện các tổ máy đang được chế tạo tại Liên bang Nga, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2014. sau đó được vận chuyển về Viết Nam lắp đặt tại vị trí triển khai dự án.
Ông Hải nhấn mạnh, đây là dự án thử nghiệm chuyển giao công nghệ thiết bị điện gió công nghệ mới bao gồm sự hợp tác của Công ty TNHH Sáng tạo Liên Bang Nga với CNS, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Điện lực TP. Hồ Chí Minh (có sự hỗ trợ ngân sách NCKH của Sở KHCN TP. Hồ Chí Minh).
Theo ông Bùi Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho biết, nếu thành công thì dự án Công Hải 1 sẽ là nhà máy sản xuất tuabin điện gió hai lớp đồng trục đầu tiên tại Việt Nam.
Hiện nay trên cả nước có ba dự án điện gió đang vận hành gồm dự án điện gió Bình Thạnh giai đoạn 1 do Công ty REVN đầu tư, công suất 30 MW tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; dự án điện gió trên đảo Phú Quý, Bình Thuận công suất 6 MW do Tổng Công ty Điện lực dầu khí làm chủ đầu tư, vận hành từ năm 2012; dự án điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 do Công ty Công Lý đầu tư công suất 16 MW tại vùng bán ngập ven biển tỉnh Bạc Liêu vận hành từ giữa năm 2013.
Trong buổi lễ, nhằm chung tay góp sức vì cộng đồng, góp phần xây dựng các công trình phúc lợi, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Hai đơn vị, CNS và EVN Genco 2 mỗi đơn vị ủng hộ 40 triệu đồng, để xây dựng nhà Mẫu giáo ở thôn Kà Rôm, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ngoài ra, EVN Genco 2 và các đơn vị thành viên đã ủng hộ chương trình “ Chung sức vì biển Đông” do báo Tuổi Trẻ phát động với số tiền là 2.659.099.000 đồng.