Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội: Những nội dung cần tập trung đột phá

PGS. TS. ĐỖ HUY HÀ và  NCS. BÙI TIẾN PHÚC (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng)

TÓM TẮT:

Xác định được đúng điểm nghẽn cản trở sự phát triển nông nghiệp để tập trung đột phá trong quá trình cơ cấu là yêu cầu cấp thiết, nhằm thúc đẩy nông nghiệp của thành phố Hà Nội theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bằng phương pháp thống kê, phân tích và tổng hợp, bài viết đánh giá khái quát kết quả đạt được của nông nghiệp đạt được sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Từ đó, tác giả đề xuất những nội dung mà cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội cần tập trung đột phá trong thời gian tới.

Từ khóa: Kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu, nông nghiệp, thành phố Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Trong phát triển kinh tế, nông nghiệp Hà Nội tuy chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng chiếm vị trí quan trọng trong việc cung cấp nông sản đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú và ngày càng tăng của nhân dân Thủ đô; tạo việc làm, cảnh quan, góp phần giữ gìn môi trường sinh thái, để Hà Nội trở thành Thành phố xanh, hòa bình. Với mục tiêu xây dựng ngành Nông nghiệp có cơ cấu hợp lý, chất lượng, hiệu quả, phát huy được lợi thế so sánh của Thành phố, trước những tác động của quá trình đô thị hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ; cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai và thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp Thành phố Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

2. Kết quả đạt được

Qua 5 năm triển khai thực hiện đề án, mặc dù sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nông nghiệp của Thành phố vẫn đạt được những kết quả quan trọng, từng bước chuyển dịch theo đúng hướng. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt 35.959 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010) tăng so với năm 2014 là 13,08% và đạt 43.510 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 16,5% so với năm 2014. Giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2018 tăng bình quân 2,32%; tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản là 3,35%; trong đó: trồng trọt là 2,4%, chăn nuôi 4%, thủy sản tăng 6,06%. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tích cực, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như, vùng lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng trồng hoa cây cảnh, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản. Cụ thể: thực hiện đẩy mạnh công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giá trị tăng từ 3 - 8 lần so với trồng lúa; xây dựng 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20 ha trở lên cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; phát triển 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh 20 ha/vùng cho giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp... Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt trên 38 triệu đồng/người/năm, tăng 58,3% so với năm 2014.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực hiện cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế, như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ nhưng còn chậm, chưa rõ nét, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung thực sự mang tính chất sản xuất hàng hóa mũi nhọn. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mới phát triển; kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp số lượng ít, quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế; hoạt động sản xuất của người nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác còn ít. Việc tiêu thụ nông sản vẫn phần lớn thông qua các tiểu thương, tiêu thụ thông qua hợp đồng số lượng hạn chế; đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân nhiều nơi còn khó khăn.

3. Đối tượng và nội dung đột phá

Một là, cơ cấu lại vốn đầu tư cho kinh tế nông nghiệp. Đây là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong điều kiện những năm qua thành phố Hà Nội đầu tư vào kinh tế nông nghiệp còn rất thấp, trong khi đó ngân sách nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, cơ cấu đầu tư bất hợp lý, dàn trải, kéo dài. Do đó, thời gian tới, cần tập trung chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư vào những ngành có thế mạnh như, giảm đầu tư cho trồng trọt, tăng đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm tỷ trọng đầu tư cho thủy lợi, tăng đầu tư cho khuyến nông. Tập trung ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực; tập trung vốn đầu tư cho các chương trình, dự án có khả năng sớm hoàn thành. Tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên vốn hỗ trợ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ hình thành mới các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp và tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp hiện có phù hợp với luật hợp tác xã năm 2012. Đồng thời, lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn để xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, tăng tỷ trọng vốn đầu tư tín dụng, vốn của các cá nhân, tập thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kể cả hình thức hợp tác công tư (PPP) đầu tư vào KTNN, giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong tổng vốn đầu tư  của ngành. Vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ chiến lược của ngành và các dự án không có khả năng thu hồi vốn; đầu tư phát triển hạ tầng ở các vùng có nhiều khó khăn để hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao điều kiện sống cho dân cư; hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Hai là, cơ cấu lại đất đai trong kinh tế nông nghiệp. Trước thực trạng thành phố Hà Nội có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, bình quân ruộng đất đầu người hiện đã rất thấp, phân bố lại manh mún, nhỏ lẻ, đã làm cản trở việc cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; chưa ưu tiên đất đai cho các lĩnh vực, các sản phẩm có thế mạnh. Việc tích tụ đất đai để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung vẫn chưa có chính sách cụ thể, khả thi. Do đó, thời gian tới cần thực hiện giảm diện tích đất đai cho trồng trọt, tăng diện tích đất đai cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi đất lúa, màu có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như trồng rau, cây cảnh, hoa, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; tăng diện tích cây trồng với các giống cây có giá trị kinh tế cao, giảm diện tích chăn nuôi nhỏ lẻ, gây ô nhiễm, xen lẫn khu dân cư; thực hiện chuyển đổi đất lúa vùng úng trũng sang nuôi trồng thủy sản, vùng cao khó khăn về nước tưới sang rau, màu, hoa, cây cảnh… có giá trị kinh tế cao; tăng nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, cơ cấu lại đất đai theo hướng tích tụ, tập trung đất đai giúp tăng diện tích trên một thửa ruộng, tạo thuận lợi để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản. Do đó, cần mở rộng quy mô đất đai cho kinh tế hộ gia đình lên mô hình kinh tế trang trại; mở rộng quy mô đất đai lớn, hiện đại của mô hình hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.

Ba là, cơ cấu lại trình độ kỹ thuật trong nông nghiệp. Đây là một trong những nội dung giữ vị trí quan trọng, trong điều kiện thành phố Hà Nội hiện nay mức độ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất thấp, chưa chú trọng vào nghiên cứu, ứng dụng ở các khâu làm gia tăng giá trị nông sản. Chính vì vậy, cần tập trung vào cơ cấu lại loại hình công nghệ theo hướng, giảm các loại công nghệ thủ công truyền thống, ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học.

Về lĩnh vực áp dụng công nghệ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Cụ thể: trong lai tạo giống để tạo ra các cây trồng, vật nuôi có các đặc tính nông sinh học ưu việt, có chất lượng cao, sạch sâu bệnh, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Gia tăng các phương pháp, quy trình kỹ thuật mới trong nuôi, trồng, phòng trừ dịch bệnh, chế biến, bảo quản nông sản nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất. Gia tăng các loại công cụ, phương tiện lao động mới (máy nông nghiệp, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, xử lý ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm. Phát triển, các mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao đáp ứng với yêu cầu của cơ cấu lại KTNN.

Bốn là, cơ cấu lại lực lượng lao động trong nông nghiệp. Trước thực trạng cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố Hà Nội mất cân đối nghiêm trọng, lực lượng lao động đông nhưng không mạnh, lao động trẻ có xu hướng thoát ly nông nghiệp ngày càng gia tăng, chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay, lao động làm việc ở những ngành như trồng lúa còn chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, thực hiện cơ cấu lại lao động nông nghiệp theo hướng, giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp để chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp; giảm tỷ trọng lao động phổ thông, tăng tỷ trọng lao động qua đào tạo, nhất là lao động có bằng đại học, cao đẳng, lao động khoa học kỹ thuật; tăng tỷ trọng lao động trong ngành Chăn nuôi, Thủy sản, giảm tỷ trọng lao động trong trồng trọt, còn trong ngành Trồng trọt giảm tỷ trọng lao động trong ngành Trồng lúa, tăng tỷ trọng lao động trồng cây công nghiệp.

Năm là, cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Với đặc điểm sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội hiện nay chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, sản xuất manh múm, quy mô nhỏ, mang lại hiệu quả thấp và không còn phù hợp trong điều kiện diễn ra công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh, lực lượng lao động đã rút ra khỏi ngành Nông nghiệp với số lượng đáng kể; kinh tế trang trại, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã có xu hướng phát triển, nhưng chậm đổi mới, hiệu quả kinh tế chưa cao; số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, quy mô sản xuất vừa và nhỏ là phổ biến. Do đó thực hiện cơ cấu lại cần tập trung tăng nhanh số lượng và chất lượng các tác nhân sau: giảm số lượng các hộ sản xuất nhỏ lẻ, tăng số lượng và chất lượng các trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn có quản trị chuyên nghiệp và hiện đại. Thúc đẩy sự gia tăng về số và chất lượng các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kiểu mới, trên cơ sở liên kết, hợp tác tự nguyện giữa các hộ, trang trại, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức quy mô. Gia tăng các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, cụm liên kết sản xuất công, nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp dịch vụ vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cho nông dân. Đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác kinh tế giữa kinh tế hộ nông dân với các thành phần kinh tế khác theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm, trên cơ sở hợp đồng kinh tế và bảo đảm hài hòa lợi ích như: liên kết giữa nông dân với nhau, nông dân với các hiệp hội ngành hàng, với doanh nghiệp, nông dân với thị trường bán buôn, bán lẻ… Trong đó, chú trọng mô hình liên kết “Bốn nhà” theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho các chủ thể, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (2018). Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2018 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, ngày 05/1/2018.

2. Thành ủy Hà Nội (2016). Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 26/4/2016 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (2017). Kết quả thực hiện kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2017, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2018.

4. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (2017). Tài liệu Tọa đàm Xúc tiến phát triển Nông nghiệp ứng dụng CNC tại Hà Nội, ngày 25/10/2017.

5. Đỗ Minh (2018). Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, truy cập từ http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/895577/ha-noi-day-manh-ung-dung-cong-nghe-cao-trong-san-xuat-nong-nghiep

6. Minh Vân (2017). Hà Nội tìm hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, truy cập từ http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/32653502-ha-noi-tim-huong-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao.html

RESTRUCTURING HANOI CITY’S AGRICULTURAL SECTOR:

IMPORTANT CONTENTS TO MAKE BREAKTHROUGHS 

Assoc.Prof. Ph.D DO HUY HA

Ph.D student BUI TIEN PHUC

Political Academy, Ministry of Defence

ABSTRACT:

It is necessary to correctly determine the bottleneck that hinders the agricultural development in order to have appropriate solutions for sustainably developing the agriculture sector of Hanoi City towards the modernization and increasing the added value for this sector. By using the statistical, analysis and synthesis methods, this article is to generally analyze achievements of Hanoi City’s agriculture sector after five years of implementing the agricultural restructuring scheme, thereby proposing contents that the Hanoi City Party Committee and Hanoi City’s authorities need to focus in the near future.

Keywords: Agricultural economy, restructuring, agriculture, Hanoi City.