Khoa học không những tạo ra nhiều loại máy móc thay thế dần cho sức lao động cơ bắp của con người, mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Không những thế, nó còn tạo ra sự đa dạng của các loại hàng hoá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Trong bối cảnh thế giới bước vào nền kinh tề tri thức như hiện nay, KHCN lại càng có vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy sản xuất phát triển.
Đối với các doanh nghiệp, việc ứng dụng những thành tựu KHKT vào sản xuất có ý nghĩa cực kì quan trọng. Bởi trước xu thề hội nhập kinh tế quốc tế, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ càng trở nên gay gắt. Doanh nghiệp muốn trụ vững được trước quy luật nghiệt ngã của cơ chế thị trường, cần phải xác lập và khẳng định được vị thế cũng như uy tín của mình. Mà vị thế, uy tín của doanh nghiệp lại được xây dựng trên cơ sở năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu này, những năm gần đây, một số doanh nghiệp nước ta đã không ngần ngại đầu tư cải tiến kĩ thuật, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất. Chẳng hạn, trong năm 2003, 4 doanh nghiệp là: Công ty Xuân Hoà, Xí nghiệp Cơ khí Bình Minh (Hà Nội), Nhà máy Chế tạo kết cấu thép Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Dụng cụ Cơ khí xuất khẩu Hà Nội đã ứng dụng chương trình “Sản xuất sạch hơn” (Do chính phủ Thụy Sĩ tài trợ cùng sự điều hành của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc - UNIDO) vào trong sản xuất. Chương trình “Sản xuất sạch hơn” được tiến hành bằng việc thu thập số liệu, cân bằng nguyên - nhiên liệu, năng lượng, định mức sản xuất và đưa vào ứng dụng trong thực tế. Sau một năm triển khai thí điểm, chương trình đã mang lại những hiệu quả hết sức bất ngờ. Mức độ tiêu hao nguyên - nhiên liệu, năng lượng giảm. Kết quả, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được 4,35 tỉ đồng, trong khi đó, tổng số vốn đầu tư ban đầu cho chương trình chỉ hết 326 triệu đồng. Ngoài hiệu quả về kinh tế, chương trình này còn đem lại hiệu quả về môi trường, xã hội không thể tính được bằng con số. Đó là có thể tái sử dụng được lượng nước do quá trình sản xuất thải ra, là ý thức của người lao động trong việc tự giác bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao.
Tương tự các công ty trên đây, Công ty Thiết bị Đo điện EMIC (chuyên sản xuất các thiết bị đo lường) cũng đã đi tiên phong trong việc đầu tư chiều sâu cho KHCN. Công ty đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến: gia công khuôn mẫu bằng tia lửa điện, làm sạch chi tiết bằng siêu âm hay trang bị máy móc làm việc tự động theo chương trình... Kết quả, từ những công nghệ này, năng suất đã được nâng cao, chi phí về nhân lực giảm. Đó là lý do để Công ty có thể hạ giá thành sản phẩm, mà chất lượng vẫn cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Không chỉ có thế, sản phẩm của Công ty còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Burtan, Bangladesh, Myanma, Lào, Campuchia, Srilanca... Đến hết quý 3 năm 2004, giá trị sản xuất của Công ty đã đạt 79,1% so với kế hoạch và doanh thu đạt 117% so với cùng kì.
Đầu tư cho KHCN để phục vụ sản xuất là hướng đầu tư mang tính chiến lược. Mức độ đầu tư ban đầu có thể cao, song nó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lâu dài. Tuy vậy, có một thực tế là, hiện nay ở nước ta, số doanh nghiệp nhận thức được điều đó và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này chưa nhiều. Ngay như máy vi tính là phương tiện rất thông dụng, nhưng cũng mới chỉ có 3% doanh nghiệp sử dụng để làm việc. Bởi thế đã dẫn đến tình trạng sản xuất lạc hậu tại nhiều doanh nghiệp. Vậy là doanh nghiệp phải chịu thua thiệt, trong khi lẽ ra sản phẩm của họ có thể có chất lượng tốt hơn và khả năng cạnh tranh cao hơn. Bài học về các sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản hay dầu khí của chúng ta là một ví dụ. Chúng ta đã vươn lên đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo và đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu cao su tự nhiên; các mặt hàng thuỷ sản của chúng ta cũng rất phong phú vì chúng ta có một bờ biển rất dài... Thế nhưng, những sản phẩm đó khi đem ra thị trường nước ngoài vẫn phải bán rẻ hơn so với các sản phẩm cùng loại. Lý do chính không phải vì chất lượng các sản phẩm thô của chúng ta kém, mà vì công nghệ chế biến của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Không đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, đương nhiên sức cạnh tranh của các loại mặt hàng đó cũng kém. Đó là thiệt hại không đáng có đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Những năm gần đây (đặc biệt là từ năm 2000 trở lại đây), nước ta có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập và các mặt hàng công nghiệp luôn chiếm tỉ trọng cao (trên 70%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đó là kết quả của quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu từ nhóm các sản phẩm nông sản, nguyên liệu thô sang các sản phẩm chế biến tinh có hàm lượng công nghệ cao. Tuy nhiên, theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta vẫn còn kém, mà một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vẫn còn hạn chế. Ngành công nghiệp chế biến vẫn đang trong tình trạng gia công. Còn nhóm những sản phẩm công nghệ cao vẫn chiếm tỉ trọng nhỏ.
Theo dự báo, đến 2010 trên cả nước ta sẽ có tổng số khoảng 500.000 doanh nghiệp lớn nhỏ. Như vậy, từ nay đến thời điểm đó sẽ có thêm rất nhiều doanh nghiệp mới được thành lập. Đặc biệt, đứng trước ngưỡng cửa của năm 2005, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội mới trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị gia nhập WTO. Thế nhưng, ngược lại với những cơ hội đó là những thách thức rất lớn, đó là mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng nghiệt ngã hơn nữa. Doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh ngay tại trong nước, mà còn phải cạnh tranh với cả doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao khả năng điều hành, quản lý và tìm nguồn thị trường cho sản phẩm, việc đầu tư cho khoa học công nghệ là rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Vì chỉ có khoa học công nghệ mới có thể tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng và mẫu mã của sản phẩm.
Giai đoạn hiện nay, nước ta đang có thế mạnh về sản xuất các mặt hàng: da giày, dệt may, nông lâm - thuỷ sản. Ngoài ra còn có thế mạnh về các mặt hàng tiềm năng khác như sản xuất các linh kiện điện tử, các sản phẩm cơ khí, phụ tùng máy móc, chế biến lương thực - thực phẩm, hoá dầu... Những mặt hàng này không những có thể kiểm soát được thị trường trong nước, mà còn có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN, Đông Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... Nhưng để vươn tới được những khu vực đó và cạnh tranh được với các doanh nghiệp bản địa, thì các sản phẩm của chúng ta phải có lợi thế hơn hẳn. Đó là những lợi thế về chất lượng, về hiệu quả sử dụng, về mẫu mã, về chất lượng... Để có được những lợi thế này, ngoài tận dụng những điều kiện có sẵn trong nước như nguyên vật liệu, nhân công... các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh hơn cho khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Nhưng hiện nay, với điều kiện xuất phát điểm thấp như nước ta và sự hạn chế về vốn của các doanh nghiệp, để nhập các loại máy móc, trang thiết bị và công nghệ của nước ngoài với giá đắt, thì sẽ khó có đủ khả năng. Vì thế, doanh nghiệp cần biết khắc phục khó khăn bằng cách tranh thủ tận dụng và khai thác tiềm năng khoa học kĩ thuật trong nước. Đó là chủ động tìm kiếm những công trình, những sản phẩm, những giải pháp từ các trường cao đẳng, đại học, các viện - trung tâm nghiên cứu. Cần có kế hoạch hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học, các sinh viên trên cơ sở hợp tác hai bên cùng có lợi. Đây vừa là cách để hạn chế tình trạng lãng phí chất xám ở trong nước, vừa là cách hỗ trợ cho khoa học phát triển. Bởi thực tế, có một nghịch lý là, trong khi nhiều nhà máy, nhiều cơ sở thiếu các công nghệ, các giải pháp kĩ thuật để cải tiến sản xuất, thì nhiều công trình nghiên cứu vẫn phải nằm trên bàn giấy một cách vô ích mà không được ứng dụng, hoặc bị các doanh nghiệp nước ngoài mua với giá rẻ. Ngoài hình thức đầu tư đó, các doanh nghiệp cũng nên hướng vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học thường trực phục vụ cho hoạt động sản xuất của chính mình. Đó chính là những giải pháp hữu hiệu, trong điều kiện nước ta chưa thiết lập được một thị trường KHCN toàn diện.
Bước sang năm mới 2005, trên đà hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ và đứng trước cánh cửa của WTO, hi vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đón đầu và bắt kịp những thành tựu khoa học mà con người đã tạo ra, để ứng dụng vào sản xuất. Đó cũng chính là cách để mỗi doanh nghiệp khẳng định được vị thế của mình, đồng thời cũng chính là góp phần thúc đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.
Nhà máy nhiệt điện cao ngạn
chuẩn bị đi vào hoạt động
Nhằm lập thành tích chào mừng 75 năm ngày thành lập Đảng và đón xuân ất Dậu 2005, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn đang gấp rút chuẩn bị đưa vào vận hành và phát điện tổ máy số 1 của Nhà máy. Đến ngày 31/1/2005, trên công trường, các đơn vị thi công đã lắp đặt được 90% khối lượng công việc của các gói thầu xây dựng, 35% khối lượng các gói thầu lắp máy.
Dự án nhiệt điện Cao Ngạn do Tổng Công ty Than làm chủ đầu tư ở tỉnh Thái Nguyên có công suất 100 MW, với tổng mức đầu tư 123,9 triệu USD, trong đó 15% vốn tự có của Tổng Công ty, còn lại là vốn vay. Đây là nhà máy nhiệt điện đốt than theo công nghệ tiên tiến, hiện đại, đó là công nghệ lò sôi tuần hoàn (CFB). Dạng công nghệ này cho phép sử dụng than có nhiệt trị thấp và hàm lượng lưu huỳnh cao. Hiện tổng lượng than tiêu thụ theo dự tính khoảng 400.000 tấn/năm sẽ được cung cấp bởi các mỏ: Khánh Hoà, Núi Hồng của Công ty Than nội địa. Dự kiến, khi Nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp hơn 600 triệu KWh/năm cho tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuấn Hải
VNPT đón thuê bao điện thoại thư 10 triệu
Sáng 31/1/2005, Tổng Công ty Bưu chính viễn thông đã tổ chức họp báo công bố tình hình sản xuất kinh doanh năm 2004, và trao giải cho thuê bao thứ 10 triệu, với kết quả thuộc về anh Nguyễn Hữu Quyến (tổ 74 - Hoà Thuận - Hải Châu - Đà Nẵng) có số thuê bao 614520 và anh Nguyễn Ngọc Chiến (Ninh Giang - Hoa Lư - Ninh Bình) có số thuê bao 624174. Các thuê bao kề cận thuộc về Tạ Thanh Bình (TP. Hồ Chí Minh), Phạm Thị Quế (Nghệ An), Đoàn Ngọc Tài (Long An)...
Để đạt được thuê bao thứ 10 triệu, trong năm qua, Tổng Công ty đã phát triển mới được 2.631.836 thuê bao điện thoại (trong đó có hơn 1,6 triệu máy di động), vượt 21,26% so với kế hoạch, tăng 46,65% so với năm 2003, đạt mật độ phủ máy toàn quốc là 12,06 máy/100 dân. Trong năm qua, Tổng Công ty cũng đã chính thức đưa mạng viễn thông thế hệ mới NGN vào hoạt động, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về mặt công nghệ phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Từ đây, một số dịch vụ mới sẽ được VNPT cung cấp như điện thoại trả tiền trước 1719, điện thoại miễn cước từ người gọi 1800, dịch vụ thông tin tư vấn giải trí 1900, dịch vụ mạng riêng ảo Mega WAN, góp phần vào việc cung cấp các dịch vụ thông tin, giải trí, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển mô hình Chính phủ điện tử... Bước vào năm 2005, Tổng Công ty sẽ phát triển mới 3,65 triệu máy điện thoại và 151.272 thuê bao Internet, phấn đấu đạt doanh thu 33.115,91 tỷ đồng, nộp ngân sách 5.000 tỷ đồng, trở thành tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam.