TÓM TẮT:
Bài viết trình bày những xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đánh giá những thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Đồng thời, đề xuất những hàm ý chính sách trên tầm vĩ mô giúp các doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Từ khóa: Cơ hội, thách thức, đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế thế giới và các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong tiến trình này, việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư và khai thác triệt để lợi thế so sánh giữa các nước đòi hỏi cần đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, đây là xu thế mang tính tất yếu khách quan. Trong dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng, là hình thức thâm nhập thị trường được các quốc gia, không chỉ các quốc gia phát triển, mà cả các quốc gia đang phát triển coi trọng và đẩy mạnh. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp không chỉ là một bộ phận quan trọng của dòng đầu tư quốc tế giữa các quốc gia trong quan hệ kinh tế quốc tế hiện nay mà nó còn mang lại cho các doanh nghiệp những lợi ích thiết thực. Khi đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, các doanh nghiệp có khả năng mở rộng thị trường nhằm tăng doanh số và lợi nhuận, gia tăng kinh nghiệm tiếp cận khách hàng và thị trường quốc tế; nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý chất lượng nguồn nhân lực, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, nhanh chóng tiếp cận trình độ cạnh tranh ở tầm mức khu vực và thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có khả năng tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác ở nước ngoài, nhanh chóng gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững.
Trong những năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp có khả năng về tài chính, kinh nghiệm và trình độ tổ chức quản lý để có thể đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Để thành công khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp cần phải phân tích đánh giá chính xác những đặc trưng của thị trường; nhận diện và tìm hiểu những thế mạnh của các đối thủ cạnh tranh chính, đồng thời phải chỉ ra được những điểm mạnh điểm yếu của chính doanh nghiệp để có thể xây dựng những phương án cạnh tranh phù hợp. Điều này dẫn tới hai vấn đề lớn: (1) Các doanh nghiệp Việt Nam cần thiết phải xây dựng và lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp trên cơ sở lợi thế cạnh tranh và khác biệt hóa của mình so với những đối thủ cạnh tranh trong mối tương quan với đặc thù hoạt động ở những thị trường nước ngoài. (2) Nhất thiết phải có hệ thống chính sách trên tầm vĩ mô của Nhà nước nhằm tạo ra môi trường, động lực và điều kiện thúc đầy các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn và chủ động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
2. Cơ hội đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam
2.1. Tổng quan về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam
Trong xu thế tự do hóa toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam muốn hoạt động có hiệu quả cần tăng cường mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nhanh chóng tiếp cận với trình độ sản xuất thế giới để có thể tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam là một hướng tiếp cận tích cực và chủ động. Trong quá trình này, các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mạnh về tài chính, dày dạn kinh nghiệm và có một năng lực cạnh tranh vượt trội. Trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam trở nên sôi động, các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào những thị trường truyền thống quen thuộc mà còn khai phá những thị trường mới, những thị trường phát triển. Bên cạnh đó, trình độ đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có những chuyển biến về chất, thể hiện qua những dự án lớn, những ngành nghề phức tạp đòi hỏi trình độ quản lý và kinh nghiệm cao.
Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chính thức khởi động từ năm 1989, và trong giai đoạn từ 1989 - 1998 cả nước chỉ có 18 dự án đăng kí ra nước ngoài đầu tư với tổng vốn đăng ký 13,6 triệu USD. Trong giai đoạn này, các dự án đầu tư ra nước ngoài có qui mô nhỏ, bình quân mỗi dự án đạt 0,76 triệu USD. Đa phần các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài là các doanh nghiệp của những địa phương có chung đường biên giới với Lào và Campuchia. Từ sau năm 1999, với Nghị định 22/1999/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo ra những cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Chỉ sau 6 năm đến năm 2005, tổng vốn đăng ký đạt 560 triệu USD, với qui mô mỗi dự án bình quân đạt 4,27 triệu USD, cao gấp nhiều lần so với giai đoạn trước đó, về mặt thị trường, các quốc gia mà các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư chủ yếu vẫn là Lào, Campuchia và Nga.
Với sự ra đời của Luật Đầu tư 2005, khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động đầu tư nước ngoài dần được hoàn thiện, nghị định 78/2006/NĐ-CP qui định về đầu tư nước ngoài, tạo nhiều điều kiện thuận lợi về pháp lý và thủ tục, đã tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến hết tháng 12/2015 đã có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư Việt Nam là 14,85 tỷ USD, điều chỉnh tăng vốn cho 92 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 4,93 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký (cả cấp mới và tăng thêm) là 19,78 tỷ USD. Các quốc gia mà doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đã mở rộng trên các châu lục là: châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Qua các giai đoạn của đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy mặc dù qui mô và hiệu quả đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng tính đa dạng của hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng đã hình thành rõ nét qua thị trường đầu tư, ngành nghề đầu tư và hình thức đầu tư, đặc biệt có sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế.
Luật Đầu tư năm 2014 của Việt Nam thay thế Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài theo dõi, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc chấp hành các quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư; hỗ trợ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Tính đến hết năm 2016, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 1.049 dự án với tổng vốn đăng ký 20,4 tỷ USD. Việt Nam đã đầu tư tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ tại 5 châu lục trên thế giới. Riêng khu vực ASEAN, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang 9 quốc gia với 524 dự án và tổng vốn đăng ký 10,38 tỷ USD, chiếm 50,3% số dự án và 51,3% tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
2.2. Những cơ hội đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam
* Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Sau khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cơ hội đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn. Cùng với việc phát triển nhanh của nền kinh tế, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam không ngừng gia tăng; quá trình hội nhập quốc tế đang được đẩy nhanh với việc ký kết và thực hiện các hiệp định song phương, đa phương sẽ tạo thêm thuận lợi cho hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
* Tháng 10/2003, tại hội nghị Bali, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký tuyên bố hòa hợp ASEAN II thành lập cộng đồng ASEAN (AC) với 3 trụ cột chính là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN (APSC) và Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC) vào năm 2020; tháng 11/2012, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 tại Phnom Penh đã nhất trí thời điểm hình thành AEC là ngày 31/12/2015. Trọng tâm của AEC chính là tiếp nối truyền thống và những thành công trong lịch sử để kết nối sức mạnh của các quốc gia thành viên tạo một thị trường hơn 600 triệu người tiêu dùng với tổng GDP khoảng 1850 tỉ USD, là cầu nối để giúp các nước thành viên hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Việc hình thành AEC là một thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp sang các nước ASEAN, nhằm phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam và chính sách ưu đãi của các nước này dành cho Việt Nam.
* Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới hiện nay là đầu tư vào các nước phát triển. Song song với việc đầu tư vào các thị trường quen thuộc, các quốc gia trong khu vực; các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh đầu tư vào các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU nhằm tranh thủ trình độ công nghệ cao để nâng cấp trình độ công nghệ trong nước, đồng thời xâm nhập và mở rộng vào các thị trường lớn có nhu cầu cao, nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững các doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập.
* Các nước châu Phi và Trung Đông là những thị trường đầu tư mới và đầy tiềm năng, cần được các nhà đầu tư trong nước quan tâm và có những chiến lược đầu tư phù hợp. Vì vậy, cần có những chính sách hỗ trợ tích cực từ nhà nước cộng với sự năng động của bản thân các doanh nghiệp, các khu vực này sẽ là những thị trường hấp dẫn và phù hợp với năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
3. Những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp nước ngoài
3.1. Thách thức từ hệ thống chính sách hỗ trợ
- Mặc dù hệ thống luật và các văn bản dưới luật về đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp đã từng bước hoàn thiện nhưng cũng còn nhiều vấn đề bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước. Theo đó, mặc dù có sự hoàn thiện dần về hành lang pháp lý đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, song thể chế chính sách chưa thực sự hoàn chỉnh, thường đi chậm so với thực tế, do đó chưa phát huy tác động một cách mạnh mẽ đến sự phát triển của hoạt động này. Ngoài ra, hiện cũng chưa có cơ quan nào được giao nhiệm vụ thông tin về môi trường đầu tư, cơ chế pháp lý, đặc điểm môi trường đầu tư và cơ hội đầu tư ở các nước khiến hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu bài bản, trong khi doanh nghiệp lại mất rất nhiều thời gian và chi phí khai thác thông tin nhưng cũng không đầy đủ.
- Hiện nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng chiến lược tổng thể về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam. Chính vì vậy, hiện vẫn chưa có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, cho sự phát triển của hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, kinh nghiệm một số nước, Chính phủ thành lập cơ quan có vai trò hỗ trợ về xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài như JETRO (Nhật Bản), hoặc KOTRA (Hàn Quốc) để giúp các doanh nghiệp tìm kiếm các cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung thực hiện xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, việc xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn chưa được chú trọng.
- Các doanh nghiệp Việt Nam có dự án ở nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc nghiên cứu thị trường do thiếu thông tin về thị trường. Bản thân các doanh nghiệp này cũng rất thiếu những hiểu biết cơ bản về thị trường nước sở tại và gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt thị trường. Bên cạnh đó, việc thiếu vắng những hỗ trợ và quảng bá của các cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam ở nước ngoài, cùng với những quy định riêng ở các thị trường nước ngoài cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
3.2. Khó khăn từ môi trường kinh doanh
- Các công ty Việt Nam khi ra nước ngoài thường phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt trong các lĩnh vực họ tham gia. Với sức cạnh tranh còn hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam ở cùng thị trường cần có sự hợp tác với nhau để hỗ trợ cùng phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn đang rất thiếu sự liên kết và hợp tác với nhau.
- Kinh doanh ở nước ngoài đòi hỏi các doanh nghiệp phải hiểu sâu sắc khách hàng và hành vi tiêu dùng của họ. Sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ là rào cản lớn tới thành công của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Chính sự khác biệt về thị trường, rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thủ tục pháp lý, biến động kinh tế, chính trị tại địa bàn đầu tư và việc không lường hết các rủi ro tiềm ẩn… tiếp tục là các rào cản khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc triển khai dự án tại nước ngoài, trong khi doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm và khả năng cạnh tranh tại thị trường khu vực và quốc tế.
- Môi trường kinh doanh quốc tế đang biến động nhanh chóng, hình thành các rào cản về dòng vốn đầu tư, về chính sách, về văn hóa xã hội, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật thông tin và có những đối sách hợp lý; tuy nhiên, do khả năng tiếp cận thông tin và nghiên cứu thị trường còn hạn chế nên các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất khó khăn trong việc điều chỉnh chính sách cạnh tranh và các hoạt động điều hành ở các thị trường đang đầu tư.
3.3. Khó khăn từ nội tại các doanh nghiệp
- Thương hiệu công ty và kinh nghiệm hoạt động cũng là một rào cản cho các công ty Việt Nam. Ngoại trừ một vài công ty có thương hiệu mạnh, đa phần các công ty Việt Nam ở nước ngoài thường ít có danh tiếng so với các đối thủ cạnh tranh và sản phẩm của các công ty này cũng vậy. Bên cạnh đó, trình độ quản trị và khả năng áp dụng những kỹ năng quản trị hiện đại vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế dẫn tới làm gia tăng chi phí, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung và sản phẩm cụ thể nói riêng ở các thị trường doanh nghiệp đang đầu tư.
- Một khó khăn khác của các doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài là sự khan hiếm nguồn vốn. Hiện nay mới chỉ có 6 công ty của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài có số vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, phần lớn các công ty đầu tư với số vốn hạn chế. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ gặp khó trong việc tìm nguồn tài trợ để hoạt động, mà còn thiếu vốn để thực hiện công tác nghiên cứu thị trường, một việc hết sức quan trọng để kinh doanh được ở môi trường mới.
- Huy động nguồn nhân lực cũng là một rào cản lớn hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong tìm kiếm những nhân sự đủ kỹ năng, kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế.
- Một số hàm ý chính sách thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp nước ngoài:
1. Nhà nước cần xây dựng kế hoạch chiến lược tổng thể cấp quốc gia về đầu tư ra nước ngoài, đóng vai trò là kim chỉ nam cho quản lý của Nhà nước và việc xác định kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp. Dựa trên chiến lược này, Nhà nước sẽ thiết lập các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong từng thời điểm và lĩnh vực cụ thể. Việc xây dựng một kế hoạch chiến lược tổng thể về đầu tư ra nước ngoài là điều kiện cần thiết thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hình thành những doanh nghiệp có qui mô lớn nhằm gia tăng sức mạnh cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thành lập các tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực tài chính mạnh và ưu thế về khoa học công nghệ để thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định dưới luật về đầu tư ra nước ngoài, mô hình quản lý đầu tư ra nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi và định hướng cho các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn và hiệu quả, đồng thời đáp ứng được nhu cầu quản lý của Nhà nước đối với đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới. Hệ thống chính sách và pháp luật đầu tư ra nước ngoài là cơ sở cho các doanh nghiệp hình thành chiến lược và các giải pháp thích hợp đề đầu tư ra nước ngoài. Trước hết cần phải xác định rõ chủ thể đầu tư ra nước ngoài là doanh nghiệp và Nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra môi trường và điều kiện, định hướng và dẫn dắt doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế tổng thể của đất nước.
- Quy định đồng bộ các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài một cách cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp hỗ trợ về cung cấp thông tin về môi trường, cơ hội đầu tư nước sở tại, bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong quá trình đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài. Thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam nhằm tài trợ tài chính cho các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; cũng như bảo đảm lợi ích và bảo vệ các doanh nghiệp trước những rủi ro về chính trị hoặc các rủi ro khác mà các công ty bảo hiểm thông thường không thể cung cấp các dịch vụ đó được.
- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, tiến hành ngay các chương trình xúc tiến đầu tư và nghiên cứu thị trường để tìm hiểu môi trường, địa điểm đầu tư, cơ hội đầu tư, rủi ro đầu tư và thông tin kinh tế vĩ mô nhằm hướng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư có hiệu quả tại những thị trường này. Các thông tin ngoài nỗ lực bản thân các doanh nghiệp tìm kiếm cần phải có sự hỗ trợ thông tin ở tầm mức quốc gia.
5. Kết luận
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển nhanh chóng khi xu hướng hội nhập gia tăng. Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua, cùng với quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ đã tạo ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Nhận thức được những cơ hội và thách thức sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam từng bước khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế so sánh của mình để đẩy mạnh đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2005), Bối cảnh trong nước và quốc tế và việc nghiên cứu xây dựng chiến lược 2011 - 2020, Hà Nội.
2. Phan Tiến Ngọc (2011), Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới.
3. Lê Xuân Sang, Hoàng Văn Hải (2011), Chính sách thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài - Xu hướng, kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam. Báo cáo của VNR500, Hà nội.
4. Nguyễn Hồng Sơn & Nguyễn Anh Thu (2015) - Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Bối cảnh và kinh nghiệm quốc tế - Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội.
5. Nguyễn Quang Thuấn (2013) - 5 năm Việt Nam gia nhập WTO - Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
6. Trần Đình Thiên (2014) - Kinh tế Việt Nam những vấn đề của khu vực doanh nghiệp - Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
7. Vietnam Report (2011), Doanh nghiệp Việt Nam với đầu tư ra nước ngoài, Báo cáo thường kỳ số 12 của VNR500, Hà Nội.
8. https://dautunuocngoai.gov.vn/fdi
9. http://fia.mpi.gov.vn/chuyenmuc
OPPORTUNITIES AND CHALLENGES OF VIETNAMESE
ENTERPRISES IN INVESTING OVERSEAS
Master. Pham Van Nam
School of Management, University of Economics Ho Chi Minh City
Abstract:
This study introduces trends of Vietnamese enterprises in investing overseas in the context of international integration. The study also accesses advantages and disadvantages of Vietnamese enterprises when they invest in foregin markets. The study recommends policy implications on the macro level to help Vietnamese enterprises overcome these challenges and take advantages to boost Vietnamese investment into foregin markets.
Keywords: Opportunity, challenge, foreign direct investment, Vietnamese enterprises.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 01 tháng 01/2017 tại đây