Thị trường tiềm năng
Theo số liệu được Diễn đàn Halal thế giới công bố, giá trị trao đổi thương mại toàn cầu tính riêng cho nhóm hàng thực phẩm Halal đạt khoảng 661 tỷ USD và nếu tính cả nhóm sản phẩm phi thực phẩm và dịch vụ Halal khác thì con số này sẽ đạt từ 1,2 đến 2 nghìn tỷ USD/năm.
Dự báo tới năm 2025, thực phẩm có dấu chứng nhận Halal (thực phẩm Halal) sẽ chiếm 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới. Đến năm 2030, quy mô của ngành công nghiệp Halal toàn cầu có giá trị lên tới 30,6 nghìn tỷ USD, riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 1.100 tỷ USD, trong đó, Malaysia là 228,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, có gần 1,8 tỷ người Hồi giáo, chiếm tỷ lệ khoảng 23% dân số thế giới, chiếm tỷ lệ đa số ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Brunei, Arab, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các nước Trung Đông, nhưng chỉ có một số ít quốc gia sản xuất các sản phẩm Halal, có thể thấy dư địa của ngành công nghiệp Halal còn rất lớn.
Do vậy, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Hồi giáo là một hướng đi tiềm năng của các quốc gia có thế mạnh trong sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, trong đó có Việt Nam. Việc thâm nhập vào các thị trường này sẽ cải thiện năng lực thị trường của Việt Nam và mở ra các cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Giám đốc kinh doanh Công ty Vietnam Halal Center Ramlan Osman cho biết, các thị trường lớn tiêu thụ thực phẩm Halal như Malaysia, Indonesia, Brunei và Trung Đông đều rất đang quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam.
Bởi Việt Nam có lợi thế về nguồn nông nghiệp như cacao, café, gạo, lúa mạch, các sản phẩm từ biển, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả... hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của người Hồi giáo.
Theo đánh giá của Công ty Vietnam Halal Center , nguồn cung ứng của Việt Nam về các sản phẩm tiềm năng cho Halal mới chỉ đạt 10,5 tỷ USD. Hiện tại, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.
Trong khi đó, nhu cầu của các quốc gia trong Tập đoàn Hợp tác Hồi giáo (OIC) cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là 34,1 tỷ USD. Như vậy phần thị trường 23,4 tỷ USD đang hoàn toàn bị các doanh nghiệp "bỏ rơi".
"Có không ít doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn và chất lượng hoàn toàn có thể đạt được chứng nhận yêu cầu xuất khẩu của Halal. Vì thế, chúng tôi cảm thấy rất tiếc khi các doanh nghiệp Việt đang bỏ ngỏ thị trường thực phẩm cho người Hồi giáo", ông Ramlan Osman chia sẻ.
Đâu là "chìa khóa" mở cánh cửa vào thị trường Halal?
Để nắm bắt cơ hội mở cánh cửa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo và các nước có công dân theo đạo Hồi, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm, mở ra những cơ hội xuất khẩu lớn, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng khai thác khoảng trống thị trường này.
Trước tiên, doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu về thị hiếu, văn hoá bản địa của người tiêu dùng. Ông Ramlan Osman cho biết, việc chứng thực Halal khác với việc chứng thực các tiêu chuẩn khác ở chỗ nó không mang nhiều ý nghĩa về mặt quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm mà mang ý nghĩa chủ yếu về mặt tôn giáo.
Theo đó, chứng nhận Halal không để cập đến các yếu tố kỹ thuật, tức là không yêu cầu về chất lượng mà chỉ yêu cầu nguyên vật liệu, quá trình sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu về Halal. Người Hồi giáo thường mua các sản phẩm có dấu chứng nhận Halal và trên bao bì sử dụng ngôn ngữ gần gũi với ngôn ngữ của họ.
Bên cạnh đó, đơn vị xuất khẩu cũng nên đầu tư phát triển khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm xuất khẩu theo thông lệ quốc tế.
Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) Phạm Thiết Hòa nhận thấy, thị trường Halal là một trong những thị trường rất lớn, được xem là một cụm thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay và có ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có một chiến lược riêng khi tiếp cận thị trường này.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần tận dụng kinh doanh quốc tế thông qua thương mại điện tử, ngay cả khi doanh nghiệp đã có khách hàng đều đặn để tăng cơ hội khơi thông thị trường xuất khẩu. Bởi xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu quốc tế phổ biến tìm kiếm nguồn cung cấp hàng hoá thông qua kênh thương mại điện tử và kênh phân phối thương mại điện tử đang là hướng đi tất yếu trong thời đại 4.0.
Giấy chứng nhận Halal: Là giấy chứng nhận, xác nhận rằng sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu Shari’ah Islamiah (Luật Hồi giáo) và đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất.
Tiêu chuẩn chung: Sản phẩm phải không có bất cứ nguyên liệu nào luật Hồi giáo (LHG) cấm; sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu LHG không cho phép, trong suốt các khâu sản xuất và trong suốt quá trình đó sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào từ nguyên liệu LHG không chấp nhận