Báo cáo mới nhất ngày 3/5 vừa qua của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng có nhiều con số màu hồng: Đến hết ngày 25/4/2017 đã cổ phần hóa được 10 doanh nghiệp nhà nước, bán vốn không cần nắm giữ tại 12 doanh nghiệp thu về 11.483,1 tỷ đồng, bằng 520,5% cùng kỳ 2016.

Thay đổi tích cực

Nếu so với hoạt động đấu giá cổ phần trong năm 2016, kết quả trong những tháng đầu năm 2017 là đáng ghi nhận. Thống kê năm 2016, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thực hiện 34 phiên đấu giá cổ phần lần đầu cho các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa với tổng khối lượng chào bán khoảng 555,58 triệu cổ phần thì chỉ hơn 62% số này được mua, còn lại là ế.

Ngoài ra có 12 phiên đấu giá bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp với tổng khối lượng khoảng 64,21 triệu cổ phần thì cũng ế tới 30%.

Thậm chí, theo báo cáo năm 2016 của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đánh giá, so với năm 2015, năm 2016 còn là bước thụt lùi, công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tiến triển rất chậm, cổ phần hóa chỉ bằng 21,7%, thoái vốn bằng 30,2%.

Tuy nhiên những kết quả của 4 tháng đầu năm 2017 cũng không hẳn toàn màu hồng. Đầu tiên, thời gian còn quá ngắn và số lượng phiên đấu giá chưa nhiều. Thứ hai là các phiên đấu giá lần đầu hầu như không có sự cạnh tranh rõ ràng. Chẳng hạn trong 4 phiên đấu giá IPO ở Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội thì chỉ có 3 phiên là bán hết số cổ phần chào bán nhưng không có phiên nào có quá 3 nhà đầu tư tham gia. Phiên đấu giá bán cổ phần của Công ty TNHH Một thành viên 185 có 16 nhà đầu tư tham gia thì toàn nhà đầu tư cá nhân và cũng lại ế tới gần 80%.

Hay như kết quả của phiên đấu giá bán phần vốn góp tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines với 262,51 triệu cổ phần và bán được hết thì là phiên đấu giá trọn lô và 2 nhà đầu tư, trong đó có 1 tổ chức mua. Đặc biệt các phiên đấu giá cổ phần lần đầu hay bán vốn nhà nước đều không có bóng dáng của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra do các đơn vị đang thực hiện xây dựng lộ trình, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Những dịch chuyển chính sách

Những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn không phải đến bây giờ mới gặp phải. Tuy nhiên vướng mắc mới luôn nảy sinh trong quá trình thực hiện và cần có sự tháo gỡ. Những dịch chuyển chính sách là cần thiết để phù hợp với thực tiễn và điều này cần có thời gian.

Thực tế đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn là một chủ trương lớn và xuyên suốt nhưng trong từng giai đoạn, vướng mắc lại khác. Chẳng hạn giai đoạn 2011 - 2015, quá trình hoàn thiện khung pháp lý đang được tiến hành nên nhiều trường hợp bị vướng, phải chờ xin ý kiến chỉ đạo..., dẫn đến tiến độ chậm. Câu chuyện thoái vốn đầu tư ngoài ngành gần như không thực hiện được trong giai đoạn 2011-2015 vì thị trường chứng khoán suy giảm và cơ chế chưa rõ ràng. Mãi tới tháng 11/2014, Quốc hội mới thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69). Từ đây, việc quy định về đầu tư, sử dụng vốn nhà nước mới thực sự rõ nét. Trách nhiệm các bên liên quan mới được làm rõ.

Thế nhưng, đến tháng 10/2015, Nghị định 91/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật 69 mới được ra đời và việc thoái vốn chủ yếu được thực hiện theo Nghị định này. Mọi sự vẫn chưa thông và vướng mắc mới xuất hiện khi cần bán vốn nhanh hơn, theo lô lớn lại phải chờ quy định mới. Tháng9/2015, Quyết định 41/2015 của Chính phủ về bán cổ phần theo lô mới được ban hành. Đến đây, cơ bản chính sách thoái vốn mới đầu tư trái ngành được hoàn thiện.

Hệ thống pháp lý về cổ phần hóa cũng vậy. Khởi đầu là Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần ra đời từ năm 2011 nhưng đã gặp nhiều vướng mắc. Sau hai lần phải sửa đổi Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định 116/2015/NĐ-CP tuy chưa thực sự ổn, nhưng sau mỗi lần sửa đổi tiến độ cổ phần hóa đã thực sự được đẩy mạnh hơn.

Chính vì thế, một cú hích mới cho giai đoạn 2016-2020 đang được khởi tạo với Dự thảo Nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần thay thế cả 3 Nghị định nói trên. Dự thảo này là sự tích lũy để giải quyết các vướng mắc phát sinh theo thời gian, đồng thời tạo cơ chế mới tiến bộ hơn nhằm thúc đẩy toàn diện tiến trình cổ phần hóa.

Thay đổi đầu tiên và quan trọng nhất của dự thảo là điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá. Việc lựa chọn cổ đông chiến lược là một vướng mắc lớn vì cho tới tận bây giờ, nhiều doanh nghiệp vẫn còn bơ vơ chưa tìm được đối tác. Nhiều ràng buộc chặt chẽ với quy định chọn đối tác chiến lược hiện tại, như phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm; phải hoạt động cùng ngành nghề chính của doanh nghiệp. Theo dự thảo quy định mới, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm kiếm đối tác hơn khi được bỏ tiêu chuẩn ngành nghề, đối tác cũng chỉ phải cam kết nắm giữ tối thiểu 3 năm.

Dự thảo cũng đưa vào thay đổi được mong chờ nhất: Cho phép bán cổ phần lần đầu theo phương pháp dựng sổ (book building), ngoài 3 phương pháp truyền thống là đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp.

Phương thức dựng sổ để bán cổ phần này là một phương thức phổ biến trên thế giới. Đây là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành. Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.

Ngoài ra Nghị định mới cũng sẽ xử lý rốt ráo vấn đề đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp cổ phần hóa; việc điều chỉnh sổ sách theo kết quả định giá giá trị doanh nghiệp…

Việc ra đời một văn bản pháp lý mới là do yêu cầu của thực tiễn vì không văn bản nào có thể mãi hoàn thiện khi va chạm với thực tế. Việc xây dựng danh sách các doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa đã có quy định rõ ràng. Chính sách hoàn chỉnh, rõ ràng là yếu tố cơ bản nhất, hạn chế tối đa sự chậm chễ của quá trình chờ đợi chỉ dẫn mang tính sự vụ. Còn lại chỉ là việc thực thi ý chí chính trị một cách kiên định, gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, thậm chí là cả người đứng đầu bộ ngành, địa phương.

Ngoài ra, việc tôn trọng thị trường trong tiến trình bán vốn, cổ phần hóa cũng cần được thể hiện rõ ràng hơn. Đã có những tiến triển, đó là việc chấp nhận một tình trạng thị trường trong từng thời điểm để đưa ra mức giá cũng như phương pháp bán phù hợp, tránh xé lẻ nhiều lần khiến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư quá thấp, gần như không có vai trò gì sau cổ phần hóa. Việc chấp nhận bán lô lớn hay chấp nhận giá bán dưới mệnh giá đã có tiền lệ trong năm 2016-2017 là một bước tiến lớn.

Việc cổ phần hóa gắn với niêm yết cũng đã có quy định rõ ràng, nhưng thực tế là chế tài chưa nghiêm. Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy có tới 373 doanh nghiệp đã cổ phần hóa và đủ điều kiện nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết. Danh sách này sẽ được công khai danh tính là một thay đổi lớn, thể hiện sự tôn trọng đối với nhà đầu tư.