Ta biết rằng, những phân tử hydrocacbua hợp thành chuỗi ít nhiều được phân thành nhánh tùy theo độ dài và cách sắp xếp để tạo ra từng tên gọi mà nền công nghiệp chất dẻo của chúng ta thường sử dụng như: Polyetylen, PVC (Polyvinyl Chloride), Polystyren, Polypropolen...Hoặc Polyeste, Polyurethan, các chất dẻo rắn gốc Amino và Phenon, Polyacrilat... Hoặc các chất dẻo đặc biệt như Polypomandehit, Polycacbonat, Polyamit, Polyme, Silicon, Epoxy ... Từ những loại chất dẻo cơ bản này, các nhà sản xuất của chúng ta đồng hành cùng các nước đã làm nên đủ loại hàng tiêu dùng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước phát triển khác. Có thể nói, không một gia đình nào, không một lứa tuổi nào lại không sử dụng đến chúng. Từ lọ đựng sữa đến đồ chơi bằng nhựa cho tuổi nằm nôi, đến gọng kính, đôi tất cho người cao tuổi. Không chỉ dùng có đôi ba thứ, mà mỗi người trong chúng ta có thể đã dùng đến hàng trăm thứ đồ nhựa rất tiện ích cho đời sống thường nhật. Chả thế mà ở các nước công nghiệp phát triển, trung bình mỗi người  mỗi năm dùng đến 100 kg chất dẻo.
Các nhà khoa học của chúng ta đã từng thêm vào từng loại chất dẻo nêu trên với phụ gia thích hợp cộng vào đó là kỹ thuật pha trộn hiện đại và độn thêm sợi thuỷ tinh, hoặc sợi kevlar, sợi cacbon...tạo thành dạng liên kết chuỗi Polyme mới có độ dài lớn hơn, sắp xếp thẳng hàng hơn so với kiểu chuỗi Polyme thông thường. Từ đó tạo ra cấu trúc tinh thể có độ bền cơ học cực cao, chịu được nhiệt độ lớn, cách nhiệt, cách điện, cách âm được và chịu được rung động mạnh, người ta ví đó là “thứ kim loại tổng hợp”, từ đó có thể đúc ra được những chi tiết máy (thay kim loại hoặc hợp kim) có độ chính xác tới 1/10 milimet, làm cho chất dẻo ngày càng xâm nhập sâu vào lĩnh vực cơ khí chính xác.
Mới đây, từ Polyeste chưa bão hoà, các nhà khoa học của chúng ta đã lót thêm vài loại thuỷ tinh, trộn thêm phụ gia thích ứng. Với kỹ thuật pha trộn hiện đại đó, các cơ sở khoa học của chúng ta đã tạo ra được một số loại Composit. Đáng chú ý nhất là dưới sự chỉ đạo của TS. Trần Vĩnh Diệu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các nhà khoa học Việt Nam đã làm ra thứ Composit có độ bền cao, chịu nhiệt tốt, không bị ăn mòn, dùng để làm mái che cho máy bay quân sự và dân dụng rất thích hợp. Người ta gọi đây là “dòng vật liệu đặc biệt mang tầm thời đại”, mặc dù chúng đều có nguồn gốc từ : dầu mỏ - khí đốt, than đá, gỗ, cát, muối, không khí và nước, những thứ cho đến nay đều dễ mua, dễ kiếm. Viện Kỹ thuật Không quân của ta đã sản xuất ra loại Composit trên nền sợi cacbon, từ đó đã “đúc” ra được “hộp cánh quạt” cho máy bay trực thăng. Nó còn có thể áp dụng nhiều vào quốc phòng và để sản xuất ra dụng cụ thể thao.
Hiệp hội Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh đã làm nhà tránh lũ từ Composit có diện tích 32m2/căn, giá rẻ, rất được ưa chuộng, đã lắp ráp được trên 20 căn và nhiều hợp đồng đã ký khác nữa. Công ty Seameco của Bộ Thuỷ sản dùng Composit để sản xuất ra nhiều loại ghe thuyền đánh cá. Công ty Tân Viễn Đông dùng Composit để sản xuất cano cao tốc 60 Km/giờ công suất 120 - 600HP, rất thích hợp cho vùng kênh rạch của Đồng bằng sông Cửu Long. Được biết, cano cao tốc của công ty này đã được nhiều nước đặt mua, với tổng giá trị lên tới 400.000 USD. Cũng từ vật liệu Composit, ngành giao thông đã làm nên chiếc cầu treo tại Cai Lậy (Tiền Giang) vừa bền, đẹp vừa đi lại thuận tiện.
Cũng phải nói thêm rằng, Composit là vật liệu chất dẻo thuộc thế hệ thứ hai, ngày nay nó được ứng dụng nhiều trong kiến trúc (làm mái, trần, tường, cánh cửa, bàn ghế...), hoặc làm thân tầu, toa xe, thân máy bay, ôtô, làm vỏ thiết bị, vỏ máy móc trong công nghiệp, hoặc làm vỏ các đường hầm trong giao thông vận tải v.v...  Ngày nay, nước ta cùng nhiều nước đang đi sâu vào khai thác loại vật liệu chất dẻo thế hệ thứ hai này. Những kết quả bước đầu là, đã phát hiện thêm được nhiều tính chất vật lý rất quý. Ví như: các nhà khoa học đã tìm ra một vài loại chất dẻo dẫn điện ngang tầm với sự dẫn điện của aluminium. Họ hy vọng một ngày nào đó, sẽ có cáp điện, dây điện bằng chất dẻo vừa nhẹ, vừa bền, vừa không bị ăn mòn và giá thành hạ. Còn người Nhật tại Viện nghiên cứu điện hoá Karakubi dùng Polyme làm ra Pin khô, sạc được nhiều lần, công suất lớn hơn và thời gian sử dụng lâu hơn so với Pin thông thường. Công ty Lucen Technologies của Mỹ mới công bố, từ Polyme, họ đã chế tạo ra một loại chất dẻo mới có đặc tính truyền dữ liệu với tốc độ cực lớn, đạt tới 145 GHz (cao gấp 15 lần so với tốc độ cao nhất của mạng cáp quang hiện nay). Phòng Vật liệu phân tử của Trung tâm khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã chế tạo thành công một Transitor từ chất dẻo, kích cỡ chỉ bằng 5 x 12 mm mà tính năng không khác gì so với Transitor làm từ  Silicium. Từ Polythiophen, Trung tâm nghiên cứu Xerox của Canada cũng sáng chế ra bán dẫn mới mang tên “Transitor hữu cơ”. Những loại bán dẫn từ chất dẻo này không phải dùng đến “phòng vô khuẩn tuyệt đối” do vậy giá thành càng thêm hạ. Không những thế, những loại bán dẫn này còn có thể bẻ cong lại được...
Từ những dẫn chứng vừa nêu, các nhà khoa học của chúng ta, cùng các đồng nghiệp xa gần có chung sự nhìn nhận, đó là: chất dẻo còn chứa đựng nhiều tiềm ẩn, chúng hoàn toàn xứng tầm là vật liệu của tương lai, cần nghiên cứu khai thác triệt để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá của nước nhà.