Một số thành tựu trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp
Xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm gần đây, Hà Tĩnh đã dồn sức củng cố các cơ sở sản xuất công nghiệp, tập trung đầu tư một số cơ sở mới, trong đó có những cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến như: Nhà máy bia (công nghệ Đức), dây chuyền chế biến đá (công nghệ Italia), chế biến Zircon siêu mịn (công nghệ Tây Ban Nha)... Bên cạnh đó, đã tập trung quy hoạch và phát triển các làng nghề, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp như: chế biến thuỷ sản, khai khoáng, mạng lưới điện và giao thông, bến cảng... Đặc biệt, sự ra đời của Khu công nghiệp gắn với Cảng biển nước sâu Vũng áng và đô thị nam Hà Tĩnh, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo gắn với Khu kinh tế đường 8, Khu kinh tế Da Lách... đã tạo thuận lợi cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng CNH - HĐH.
Tỉnh đã chú trọng công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong quá trình phát triển công nghiệp. Đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện lộ trình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Hà Tĩnh đã cổ phần hóa 20 doanh nghiệp, giao bán 2 đơn vị, khoán kinh doanh 2 đơn vị, chuyển sang sự nghiệp kinh tế có thu 8 đơn vị, sáp nhập 9 đơn vị, thành lập mới 4 đơn vị, chuyển giao trung ương 4 đơn vị, giải thể 12 đơn vị, phá sản 4 đơn vị... Đây thực sự là một nỗ lực của tỉnh trong việc chuyển đổi sở hữu và củng cố hệ thống doanh nghiệp nhà nước, góp phần ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh việc sắp xếp, củng cố hệ thống doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã tập trung cao cho công tác xúc tiến đầu tư. Tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi dành cho các nhà đầu tư, trong đó đáng chú ý là: Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đổi mới các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Cơ chế tài chính và đấu giá quyền sử dụng đất trong việc sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương; Chính sách khuyến khích đầu tư và Khu Công nghiệp Vũng áng, chính sách phát triển du lịch, chính sách hỗ trợ về đào tạo... So sánh với mặt bằng chung thì chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Tĩnh vào loại cao nhất trong cả nước, cả về giá cho thuê đất, thời hạn miễn giảm các loại thuế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo nghề, thủ tục hành chính... Trong 2 năm 2003 và 2004, Hà Tĩnh đã tổ chức thành công 3 hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nakhonphanom, Udonthani (Thái Lan). Đến nay, đã có 34 dự án đầu tư vào Hà Tĩnh, bao gồm 9 dự án đã khởi công xây dựng, 5 dự án đã được chấp thuận đầu tư, 13 dự án đã đăng ký thỏa thuận đầu tư và 7 dự án đang nghiên cứu để đầu tư. Đặc biệt, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (có trữ lượng trên 544 triệu tấn với hàm lượng Fe lớn hơn 60%) gắn với Nhà máy Liên hợp luyện thép Vũng áng đang được Tổng Công ty Thép hoàn thiện giai đoạn tiền khả thi. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho nền công nghiệp Hà Tĩnh trong tương lai rất gần.
Phát huy tiềm năng sẵn có về tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực phát triển mới như chế biến nông, lâm, thủy sản và khoáng sản. Có 3 nhà máy chế biến thủy sản được đầu tư công nghệ mới, mở rộng quy mô sản xuất, đóng góp một phần không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại tiếp tục đa dạng hóa ngành nghề, từng bước giảm dần tỷ trọng khai thác, xuất thô, nâng dần tỷ trọng sản phẩm qua chế biến sâu trong giá trị sản xuất, đóng góp gần 50% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhiều sản phẩm công nghiệp mới ra đời, như: Zircon siêu mịn, chế biến rau quả, dăm gỗ... từ chỗ sản xuất với quy mô nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, đến nay, công nghiệp Hà Tĩnh đã hình thành rõ nét một số ngành sản xuất chính như: Công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp hàng tiêu dùng, nước giải khát...
Những nỗ lực trên đã góp phần đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp Hà Tĩnh tăng từ 676 tỷ đồng (năm 2000) lên gần 1.000 tỷ đồng (năm 2004), tăng trưởng bình quân thời kỳ 2000-2004 là 20,7%; tỷ trọng của ngành công nghiệp trong GDP tăng từ 16,04% năm 2000 lên 20,26% năm 2004. Sản lượng một số sản phẩm như Titan, Mangan lớn nhất toàn quốc; Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại liên tục 3 năm liền đạt tốc độ tăng trưởng từ 30-35%/năm; Công ty Lâm nghiệp dịch vụ Hương Sơn đạt danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Những khó khăn và thách thức mới
Với vị trí địa lý nêu trên, Hà Tĩnh có điều kiện thuận lợi để phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, so với nhiều tỉnh khác và mặt bằng chung của cả nước, Hà Tĩnh còn có nhiều yếu tố bất lợi, và đó cũng chính là những khó khăn, thách thức lớn của tỉnh trong thời gian tới.
Trước hết, đó là việc Hà Tĩnh không nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước. Trên địa bàn tỉnh cũng thiếu vắng những cơ sở kinh tế, những doanh nghiệp lớn của các Bộ, ngành Trung ương với vai trò đầu tàu, dẫn dắt tạo điều kiện cho kinh tế địa phương, cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển.
Kết cấu hạ tầng tuy đã được cải thiện đáng kể, nhưng do bị chiến tranh, thiên tai tàn phá nặng nề, mặt khác, xuất khát điểm thấp nên chưa đáp ứng kịp yêu cầu của các nhà đầu tư, như: Lũ quét tháng 9/2002 gây hậu quả nghiêm trọng đối với các tuyến giao thông đường bộ nhưng chậm được phục hồi, đặc biệt là quốc lộ 8A; Đường Hồ Chí Minh được đầu tư nhưng thiếu những tuyến nhánh nối với quốc lộ 1A và các tỉnh lộ khác, nên chậm phát huy hiệu quả. Cảng biển Vũng áng chưa được đầu tư đồng bộ; Chưa có sân bay; Hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trạm xá, trường học nhìn chung còn thiếu và yếu...
Tốc độ tăng trưởng chưa cao, cơ cấu kinh tế còn lạc hậu (Nông, Lâm, Ngư nghiệp chiếm 45,90%; Công nghiệp – Xây dựng chiếm 20,26% và dịch vụ chiếm 33,84%), chuyển dịch còn chậm và thấp thua nhiều tỉnh trong khu vực. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, sản xuất hàng hóa chậm phát triển; Thiết bị và công nghệ trong sản xuất công nghiệp còn yếu kém, quy mô sản xuất nhỏ bé, phân tán, chi phí sản xuất còn cao.
Chi ngân sách hàng năm chủ yếu vẫn dựa vào trợ cấp từ Trung ưong, nguồn thu quá thấp (năm 2004 đạt 310,399 tỷ đồng, trong đó thu từ các cơ sở của trung ương trên địa bàn đạt 20 tỷ đồng) nên không đảm bảo nhu cầu chi đầu tư phát triển.
Nằm giữa khu vực Bắc miền Trung nên Hà Tĩnh cũng phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như lụt, bão, hạn hán, triều cường...
Đó thực sự là những khó khăn, thách thức của nền công nghiệp Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Một số định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian tới:
Nghị quyết 39 NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị “về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung” nêu rõ: “Đối với công nghiệp: Tập trung xây dựng phát triển các ngành, sản phẩm lợi thế như chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, giầy da, thủy điện, khai khoáng, luyện kim... chuẩn bị điều kiện để triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê gắn với xây dựng Khu Liên hợp luyện kim tại Vũng áng (Hà Tĩnh)...”. Để triển khai thực hiện định hướng nêu trên, Hà Tĩnh đã đề ra mục tiêu tăng trưởng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006-2010 đạt trên 25%, phấn đấu đến năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp đạt 35% trong cơ cấu GDP; Đồng thời xây dựng 11 chương trình lớn, trong đó tập trung vào một số chương trình, như: Chuẩn bị các điều kiện khai thác mỏ sắt Thạch Khê gắn với Khu Liên hợp luyện kim tại Vũng áng; Chương trình phát triển kinh tế vùng phía Nam Hà Tĩnh (Khu Đô thị – Công nghiệp và Cảng biển nước sâu Vũng áng); Chương trình, đề án mở rộng Khu Kinh tế – Dịch vụ Quốc lộ 8A (Cửa khẩu Cầu Treo - Đường 8- Vùng Bắc Hà Tĩnh); Chương trình phát triển đô thị; Chương trình, đề án huy động vốn đầu đầu tư phát triển... theo đó, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Phối hợp với Tổng Công ty Thép, Bộ Công nghiệp trong việc hoàn chỉnh dự án khả thi về khai thác mỏ sắt Thạch Khê và từng bước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác mỏ sắt Thạch Khê và xây dựng Nhà máy Liên hợp luyện kim Vũng áng.
2. Quy hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp làng nghề. Trước mắt là hoàn thành việc đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp cảng biển Vũng áng I, các cụm công nghiệp làng nghề Thái Yên, Trung Lương, hoàn chỉnh quốc lộ 12A, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 8A, hạ tầng thị xã Hồng Lĩnh, cảng Xuân Hải, khu công nghiệp Gia Lách, khu đô thị mới Xuân An và một số công trình thuỷ lợi, thủy điện phục vụ nước, điện cho sản xuất công nghiệp...
3. Phát triển nhanh một số ngành công nghiệp mà địa phương có thế mạnh: Chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp chế biến gỗ từ nguyên liệu rừng trồng, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, nước giải khát, may mặc... đặc biệt là triển khai dự án chế biến Picmen (dioxit titan) theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch nước tại Thông báo số 11 TB/VP ngày 5/01/2005 của Văn phòng Chủ tịch nước. Dựa trên ưu thế về nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động dồi dào, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, nhất là hàng thủ công xuất khẩu.
4. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã được phê duyệt để hoàn thành trong năm 2005; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, từng bước xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, chuẩn bị cho tiến trình thực hiện các quy định của AFTA và việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Hỗ trợ đầu tư cho một số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm.
5. Hoàn chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2005-2010; Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách của địa phương về khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển nguồn nhân lực, thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính; Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp.