Nhưng từ tiềm năng đến thành tựu thực tế là cả một chặng đường dài, đòi hỏi những nỗ lực không nhỏ, tư duy đổi mới sáng suốt và nhanh nhẹn của những người làm công tác đường lối. Trong 5 năm qua, Quỳnh Lưu đã có hướng đi phù hợp, để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện. Những định hướng đúng đắn đó đã được soi sáng bởi Nghị quyết 06/NQ-TU của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Chỉ thị số 14/CT-HU và Nghị quyết số 07/NQ-HU của Huyện uỷ Quỳnh Lưu. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã có Đề án về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề giai đoạn 2004 - 2010.
Phải nói rằng, luồng không khí mới của kinh tế thị trường, cùng với đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thêm vào đó là sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã đem lại cho ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Quỳnh Lưu những phát triển vượt bậc. Chỉ tính trong giai đoạn 3 năm, từ 2000 - 2003, mức tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đã đạt 17%/năm. Đặc biệt, từ năm 2001 - 2003, trên địa bàn huyện đã có hai công trình lớn được đưa vào hoạt động, đó là: Nhà máy Xi măng Hoàng Mai và Nhà máy Dứa cô đặc Quỳnh Châu. Sự góp mặt của hai nhà máy này đã thúc đẩy kinh tế Quỳnh Lưu phát triển với tốc độ khá nhanh, góp phần đáng kể để đưa mức tăng trưởng bình quân về kinh tế toàn huyện lên 13,1%/năm. Riêng năm 2004, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 1.215 tỷ đồng, với các ngành được coi là mũi nhọn như: chế biến nông sản, thực phẩm; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí điện tử và chế biến lâm sản.
Trong không khí phát triển chung đó, các lĩnh vực sản xuất đều đua nhau phát triển. Hiện nay, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện hoạt động rất có hiệu quả, trong đó có 5 doanh nghiệp Trung ương và tỉnh như: Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, Nhà máy Gạch tuynen, Công ty Thuỷ sản 2 Nghệ An, Nhà máy Dứa cô đặc Quỳnh Châu và mỏ đá Hoàng Mai đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh hết sức sôi động. Ngoài ra, gần 120 doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng nhiều thành phần kinh tế khác cũng đã nỗ lực vươn lên, góp phần lớn cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Điển hình như doanh nghiệp Chế biến hải sản Phương Mai đã có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động, Công ty Điện tử - Du lịch Thắng Liên vừa thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa tham gia nhiều hoạt động, phong trào thúc đẩy phát triển kinh tế chung của huyện... Riêng lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, đã đạt được những bước đi cơ bản, tạo đà phát triển cho những năm tới. Đó là việc đã khôi phục, phát triển các nghề truyền thống và du nhập nhiều nghề mới, vừa giải quyết phần lớn công ăn việc làm, vừa giúp tăng thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh đó, một số công nghệ mới cũng được áp dụng vào sản xuất, tạo ra hàng hoá phong phú và đa dạng, một số mặt hàng đã được xuất ra thị trường ngoại huyện, ngoại tỉnh, thậm chí còn xuất khẩu. Các mô hình làng nghề cũng đã được Huyện xây dựng khá thành công, điển hình như làng nghề chế biến hải sản ở Quỳnh Long; làng làm bún bánh ở Quỳnh Đôi; làng mộc cao cấp ở Quỳnh Hưng, Quỳnh Nghĩa; làng nghề mây tre đan ở Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa...
Để tiếp tục khai thác, phát triển hiệu quả tiềm năng sẵn có và tạo đà phát triển cho kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, Huyện đã xác định rõ mục tiêu cho năm 2005 và đã đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, mục tiêu đề ra là: đưa tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong GDP của huyện đạt 3,6%. Để đạt được như vậy, các giải pháp tập trung vào những công tác cơ bản như: đẩy mạnh tuyên truyền; quy hoạch phát triển mô hình kinh tế theo đặc thù của từng vùng. Ví dụ: vùng trung du - bán sơn địa, tập trung chế biến nông, lâm sản; khai thác vật liệu xây dựng. Vùng ven biển, chế biến thuỷ sản, cơ khí, đóng tàu và du lịch. Vùng thị trấn, thị tứ nông giang, tập trung sản xuất lương thực, mây tre đan; dành một phần lớn diện tích để phát triển các khu - cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung ven quốc lộ 1A. Vùng Hoàng Mai, khai thác lợi thế khu công nghiệp Nam Thanh - Bắc Nghệ; Làm tốt công tác đào tạo cán bộ, thợ lành nghề, đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề; Nâng cao kiểu dáng, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để chuẩn bị gia nhập AFTA, WTO...
Tuy đã đạt được nhiều thành công đáng kể và có định hướng phát triển lâu dài, nhưng để đạt được các mục tiêu đề ra, huyện Quỳnh Lưu rất cần sự đầu tư nhiều hơn nữa của Trung ương, của tỉnh và các nhà đầu tư khác. ý thức được tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư, Quỳnh Lưu sẽ tiếp tục cải cách về cơ chế chính sách ưu đãi; tiếp tục đổi mới, nâng cao trình độ cho cán bộ; nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng.
Tin tưởng rằng, với những kế hoạch cụ thể và hướng đi đúng đắn, Quỳnh Lưu sẽ luôn vững vàng là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp./.