Nhà máy Alumin Nhân Cơ đang góp phần tạo bước đột phá mới cho kinh tế Đắk Nông
Nhà máy Alumin Nhân Cơ đang góp phần tạo bước đột phá mới cho kinh tế Đắk Nông

Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ là một trong hai dự án thí điểm của ngành khai thác, chế biến quặng bô xít để sản xuất alumin, tiến tới sản xuất nhôm được đặt tại Đắk Nông. Quá trình triển khai dự án gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, đến năm 2016, dự án chính thức đi vào vận hành thương mại.

Từ khi đi vào vận hành đến nay, dự án đã đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đến nay, dự án đang tạo việc làm trực tiếp cho hơn 1.000 lao động, với thu nhập bình quân trên 14 triệu đồng/người/tháng; trong đó, phần lớn là lao động địa phương. Dự án đã góp phần tạo động lực cho phát triển các ngành dịch vụ, thương mại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Đồng thời, đóng góp cho ngân sách địa phương mỗi năm trên 400 tỷ đồng.

Quá trình hoạt động và sản xuất, TKV chấp hành tốt 5 yêu cầu đề ra về: bảo đảm môi trường tự nhiên, giữ vững an ninh quốc phòng, giữ vững bản sắc văn hóa địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hạ tầng giao thông. Đặc biệt, dự án đã góp phần quan trọng đối với việc tổng kết, đánh giá thí điểm đầu tư các Tổ hợp bô xít-alumin-nhôm tại Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng.

Sau 6 năm vận hành thương mại (2017-2023), dự án đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo bước đột phá mới cho kinh tế Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Năm 2021, đơn vị đã sản xuất được gần 730 nghìn tấn alumin và năm 2022 với khoảng 715 nghìn tấn, vượt 15% so công suất thiết kế. Năm 2023, sản lượng alumin quy đổi của công ty thực hiện được hơn 712 ngàn tấn. Nhà máy trở thành đơn vị trọng điểm trong việc đóng góp cho ngân sách địa phương.

Với những kết quả đạt được từ việc đầu tư thí điểm các tổ hợp, Bộ Chính trị đã thống nhất chỉ đạo tiếp tục mở rộng 2 dự án bô xít hiện có. Đồng thời, đầu tư mới các dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin, nhôm với quy mô và lộ trình phù hợp. Từ đó phát triển đồng bộ, bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bô xít - sản xuất alumin - nhôm quy mô phù hợp với tiềm năng quặng bô xít, nhu cầu thị trường và định hướng phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam và khu vực Tây Nguyên.

Căn cứ vào những đề xuất của TKV, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã đồng ý cho TKV triển khai các thủ tục đầu tư nâng công suất của Tổ hợp alumin Nhân Cơ từ 0,65 triệu tấn/năm lên 2 triệu tấn alumin/năm.

Đắk Nông đồng ý cho TKV nâng công suất Tổ hợp Alumin Nhân Cơ lên 2 triệu tấn alumin/năm
Đắk Nông đồng ý cho TKV nâng công suất Tổ hợp Alumin Nhân Cơ lên 2 triệu tấn alumin/năm

Cùng với đó, TKV đã đề xuất thăm dò các mỏ thuộc khu vực các huyện Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Glong. Được biết, tại các khu vực mỏ của 3 huyện này, trong giai đoạn 2018-2023 đã có 4 Tập đoàn lớn được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho nghiên cứu khảo sát, đánh giá để đề xuất đầu tư các Tổ hợp bô xít-alumin-nhôm. Riêng Công ty TNHH Khoáng sản Việt Nam mới đề xuất và chưa có ý kiến thống nhất chủ trương.

Cụm Đắk Nông 2 đang có 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương và Công ty TNHH Khai khoáng Việt Nam; Cụm Đắk Nông 3 có Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn TH; Cụm Đắk Nông 4 có Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang.

Đến nay, 3 tập đoàn đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ và đề xuất triển khai thực hiện các bước tiếp theo đối với các cụm dự án, đó là: Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương; Công ty Cổ phần Tập đoàn TH và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Ngoài ra, hiện nay, Tổng Công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng đang đề nghị nghiên cứu khảo sát để đề xuất chủ trương đầu tư 1 tổ hợp trên địa bàn tỉnh.

Đối với nội dung này của TKV, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông yêu cầu phải căn cứ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khả năng, nguồn lực, lộ trình của doanh nghiệp để đề xuất cho phù hợp. Từ đó giúp sớm khai thác hiệu quả tiềm năng về bô xít của Đắk Nông, bảo đảm hài hòa lợi ích của TKV và địa phương. Trong đó, khuyến khích TKV thăm dò, nghiên cứu, mở rộng để khai thác tối đa quặng bô xít tại địa bàn huyện Đắk R’lấp.