TÓM TẮT:
Ngay sau khi quá trình tái cấu trúc về cơ bản hoàn thành cuối năm 2018, cơ quan quản lý đã dần dần nâng cao chuẩn mực giám sát các Công ty tài chính (CTTC) nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động tài chính tiêu dùng. Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các CTTC. Bối cảnh này thúc đẩy mạnh thêm xu hướng chuyển đổi số của các CTTC. Bài viết cập nhật kết quả hoạt động của các công ty tài chính, phân tích các rủi ro cũng như thách thức trong thời gian tới. Các khuyến nghị chính sách được đưa ra trên cơ sở phân tích.
Từ khóa: Công ty tài chính, đại dịch Covid-19, tái cấu trúc, chuyển đổi số.
1. Hoạt động của các công ty tài chính (CTTC)
1.1. Cấu trúc sở hữu
Hiện tại ngoài 2 CTTC đang tiếp tục tái cấu trúc, toàn hệ thống có 12 CTTC đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng và 2 công ty tài chính chuyên ngành. Cấu trúc sở hữu của các CTTC bao gồm: sở hữu nước ngoài - 100% hoặc một phần, thuộc sở hữu của NHTM và sở hữu đại chúng. Các CTTC nước ngoài ngày càng gia tăng hiện diện trong hệ thống, bao gồm: 6 công ty 100% vốn nước ngoài (Mirae Asset, Shinhan, Toyota, Lotte, Jaccs và Home Credit) và 2 công ty có vốn nước ngoài (MB Shinsei và HD Saison) chưa kể giao dịch bán cổ phần của công ty tài chính cộng đồng Fccom thuộc ngân hàng Hàng Hải cho Công ty Hyundai đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét. Sở hữu 100% bởi NHTM có 4 công ty: SHB FC, FE Credit (thuộc sở hữu của VP Bank), Tài chính Bưu điện - PTF (thuộc sở hữu của SeABank) và Tài chính cộng đồng. EVN Finance và VietCredit là 2 công ty đại chúng. CTTC có vốn nước ngoài cạnh tranh mạnh với các công ty trong nước nhờ lợi thế về nguồn vốn giá rẻ, công nghệ và kinh nghiệm cho vay tiêu dùng từ các thị trường đi trước, đặc biệt là các công ty từ Hàn Quốc và Nhật.
1.2. Hoạt động của các công ty
1.2.1. Thị phần
Nếu như trong nhiều năm trước các vị trí đứng đầu luôn thuộc về FE Credit, Home Credit, HD Saison và Shinhan Finance (tên gọi trước là Prudential Finance) thì từ năm 2018 MB Shinsei đã mạnh mẽ gia tăng thị phần nhanh và hiện ở top 5. Thị phần của MAFC và SHB Finance cũng đang tăng nhanh.
Bảng 1. Thị phần cho vay tiêu dùng các CTTC
Nguồn: FiinGroup (2019). Vietnam Consumer Finance Report 2019 - Issue 7.
1.2.2. Hiệu quả hoạt động
Bình quân ngành của CTTC về tỷ lệ thu nhập lãi thuần NIM (Net Interest Margin) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE qua các năm đều cao hơn 20%. Các tỷ lệ này của các CTTC cao hơn rất nhiều so với của các ngân hàng. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của CTTC vẫn ở trong tầm kiểm soát và thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu gộp của ngành ngân hàng (nợ xấu-NPL có tính đến nợ tái cơ cấu và trái phiếu VAMC).
Bảng 2. Số liệu bình quân ngành
Nguồn: FiinGroup (2019). Vietnam Consumer Finance Report 2019 - Issue 7
1.2.3. Hoạt động Bancassurance
Nguồn thu nhập từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng rất lớn trong thu nhập của CTTC từ trước đến nay. Tuy nhiên, từ năm 2017 nhờ đẩy mạnh hoạt động bancassurance nên một số công ty như MB Shinsei, Shinhan Finance và MAFC đã nâng dần thu nhập phi tín dụng và nhờ đó đa dạng nguồn thu nhập.
Bảng 3. Phí bảo hiểm từ hoạt động Bancassurance
Đơn vị: triệu đồng
Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - Số liệu thị trường bảo hiểm các năm
1.2.4. Các sản phẩm chủ yếu
Biểu đồ 1: Tỷ trọng các sản phẩm cho vay trung bình ngành 2018 của các CTTC
Nguồn: FiinGroup 2019, sđd.
Dù đang phát triển tốt, hoạt động tài chính tiêu dùng đã xuất hiện các dấu hiệu cần chú ý. ROE của các CTTC đã bắt đầu giảm sau khi đạt đỉnh năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu dù vẫn trong tầm kiểm soát đã tăng dần qua các năm. ROE của các CTTC hàng đầu như FE Credit, MB Shinsei, HomeCredit có xu hướng giảm.
Bảng 4. Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của một số CTTC
Nguồn: Tính toán từ báo cáo tài chính của các CTTC
Một điểm cần lưu ý là tỷ lệ NPL năm 2019 của các CTTC hàng đầu đang ở mức khá cao: FE Credit (5.97%), MB Shinsei (6.5%) và HD Saison (5.44%). Home Credit (2.51%) là công ty trong top đầu duy nhất có tỷ lệ NPL dưới 3%. Thêm vào đó, các công ty có tăng trưởng tín dụng lớn trong thời gian trước năm 2020 đều có nợ xấu tăng nhanh như SHB Finance và MB Shinsei. Cơ quan quản lý nhìn nhận cho vay tiền mặt tiềm ẩn nhiều rủi ro tín dụng. Hoạt động này đã tăng mạnh trong thời gian qua và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của nhiều công ty. Lợi ích của cho vay tiền mặt là dễ dàng tăng dư nợ, tuy nhiên chất lượng tín dụng của các khoản vay này đang là nguy cơ đối với hiệu quả hoạt động của các CTTC.
Bảng 5. Tỷ trọng cho vay tiền mặt của một số CTTC
Nguồn: Công ty chứng khoán HCM (HSC) (2019). Sector Brief
Một nguyên nhân gây nên tình trạng này là sự cạnh tranh giữa các CTTC. Áp lực tăng trưởng dẫn đến việc tăng nóng về tín dụng dù số lượng không đi kèm với chất lượng. Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của các CTTC cũng như bảo vệ quyền lợi của người vay tiền, từ năm 2019 Chính phủ và NHNN bắt đầu nâng cao tiêu chuẩn giám sát các CTTC.
2. Các rủi ro và thách thức đặt ra với các CTTC trong thời gian tới
2.1. Các rủi ro từ hoạt động của CTTC
Nợ xấu gia tăng: COVID-19 gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp và người dân, trong đó có nhiều khách hàng của CTTC là công nhân và người lao động tự do. Công việc không đảm bảo, thu nhập giảm khiến cho việc duy trì đời sống cũng như trả nợ vay gặp nhiều khó khăn. Điều này làm tăng nợ xấu của các CTTC trong thời gian tới.
Nguồn vốn: Do quy định của pháp luật, nguồn vốn của các CTTC chủ yếu gồm các khoản vay tổ chức tín dụng, phát hành chứng chỉ tiền gửi (CD) và/hoặc trái phiếu cho các tổ chức kinh tế. Kỳ hạn của các khoản vay, CD hay trái phiếu thường là ngắn hạn (dưới 1 năm) và/hoặc tối đa 2-3 năm. Vì vậy, hàng năm các CTTC phải liên tục huy động nguồn vốn mới để cho vay mới hoặc trả nợ đến hạn. Khi nền kinh tế khó khăn, việc huy động các nguồn vốn này đặt ra thách thức lớn với các CTTC nhất là các công ty không có cổ đông là NHTM và/hoặc cổ đông là các công ty tài chính nước ngoài.
Tăng trưởng tín dụng: Gia tăng cạnh tranh trong ngành dẫn đến việc tìm kiếm khách hàng mới trở nên khó khăn với các CTTC. Trong khi Covid 19 làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa của dân cư thì đại dịch lại đồng thời gia tăng nhu cầu vay tiền mặt của họ. Điều này đặt ra thách thức cho các CTTC trong việc vừa tìm kiếm khách hàng mới vừa sàng lọc để không chọn nhầm khách hàng dưới tiêu chuẩn.
2.2. Các thách thức từ chính sách
Gia tăng chuẩn mực giám sát: Sau một thời gian ban hành dự thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019. Ngoài chuẩn mực giám sát được gia tăng nói chung, văn bản này trực tiếp tác động đến hoạt động cho vay tiền mặt của các CTTC. Các công ty phải giảm tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng (cho vay tiền mặt) theo lộ trình:
Bảng 6. Tỷ lệ cho vay tiêu dung giải ngân trực tiếp cho khách hàng theo lộ trình
Nguồn: Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019
Dù quy định chỉ áp dụng cho các khoản vay có giá trị từ 20 triệu trở lên nhưng tỷ lệ trên tác động đến các CTTC ở hai khía cạnh. Thứ nhất, hoạt động cho vay tiền mặt - vốn bị coi là rủi ro, sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng tín dụng nhanh chóng của các công ty. Thứ hai, gia tăng chi phí vì mỗi khoản vay trên 20 triệu đều yêu cầu truy vấn lịch sử tín dụng của khách hàng qua CIC-Trung tâm thông tin tín dụng, vốn đòi hỏi trả phí theo mỗi lần truy vấn. Ở góc độ khác, Thông tư đã quy định thêm điều khoản bảo vệ người vay. Đối với khách hàng có khả năng nhưng cố tình không trả nợ cần có biện pháp đòi nợ thích hợp. Tuy nhiên hoạt động đốc thúc thu hồi nợ của các CTTC thời gian qua gây nhiều phản hồi tiêu cực từ xã hội. Thông tư 18 quy định “không được sử dụng các biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Ở tầm cao hơn, Luật Đầu tư sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020, đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
3. Chuyển đổi số
Sự phát triển của công nghệ Fintech đòi hỏi việc chuyển đổi số trên toàn thế giới cũng như Việt Nam từ nhiều năm qua. Đại dịch Covid 19 thúc đẩy mạnh mẽ thêm quá trình này và theo các tác giả xu hướng này sẽ định hình lại hoạt động của các CTTC trong thời gian tới trong nhiều khía cạnh.
3.1. Tiếp thị và bán hàng
Tiếp thị số (digital marketing) sẽ ngày càng được tăng cường và chiếm vị trí hàng đầu của việc bán hàng qua gặp mặt trực tiếp và bán hàng qua hệ thống điện thoại viên.
Các công cụ số (digital tools), dù chưa thay thế hoàn toàn một số tác nghiệp cần con người sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong quá trình thực hiện giao dịch.
3.2. Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data)
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc đánh giá, xếp hạng tín dụng đã bắt đầu được một số CTTC hàng đầu thực hiện. Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nhờ các ưu điểm sau.
- Giảm sự can thiệp của con người trong việc ra quyết định cho vay.
- Rút ngắn thời gian thẩm định với mỗi khách hàng, đồng thời xử lý được khối lượng lớn công việc với thời gian ngắn.
- Tận dụng dữ liệu lớn về khách hàng để nâng cao chất lượng thẩm định và cập nhật thông tin nhiều chiều về khách hàng nhanh chóng.
4. Kết luận và khuyến nghị chính sách
Với nền tảng tốt được củng cố sau quá trình tái cấu trúc, các CTTC sẽ vượt qua tác động tiêu cực từ đại dịch Covid 19. Tuy nhiên thách thức từ cạnh tranh nội bộ ngành cũng như xu hướng gia tăng giám sát sẽ làm lợi nhuận của các CTTC sẽ giảm trong thời gian tới. Một số khuyến nghị đối với các CTTC nhằm duy trì hiệu quả hoạt động của như phát triển bền vững trong thời gian tới. Thứ nhất, gia tăng quá trình chuyển đổi số nhằm tạo sự thuận tiện cho khách hàng, đặc biệt thế hệ sinh ra từ năm 2000 trở về sau. Thứ hai, áp dụng trí tuệ nhân tạo - AI nhằm phân tích hành vi, nhu cầu cũng như thẩm định hồ sơ khách hàng. Thứ ba, thiết kế phát triển các sản phẩm mới đi kèm kênh phân phối phù hợp để hướng tới nhu cầu của khách hàng cũng như giảm tỷ trọng tỷ lệ cho vay tiền mặt. Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động tăng thu nhập từ phí, hoa hồng như bancassurance, trên cơ sở không gia tăng gánh nặng chi phí cho khách hàng, để giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào hoạt động tín dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- FiinGroup (2019). Vietnam Consumer Finance Report 2019 - Issue 7. NXB Hồng Đức.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019). Thông tư số 18/2019/TT-NHNN V/v sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, ban hành ngày 04/11/2019.
- Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (2019). Báo cáo thường niên năm 2019.
- Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Số liệu thị trường bảo hiểm các năm.
- Báo cáo tài chính các năm của các công ty tài chính.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hệ thống các tổ chức tín dụng. Truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/m/menu/fm/htctctd?_afrLoop=6235802756844224#%40%3F_afrLoop%3D6235802756844224%26centerWidth%3D100%2525%26leftWidth%3D0%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dvt3ujvohn_4
- Quốc hội (2020). Luật số: 61/2020/QH14 - Luật Đầu tư, ban hành ngày 17 tháng 06 năm 2020.
FINANCE COMPANIES:
RECENT DEVELOPMENT AND CHALLENGES
• MA. NGUYEN THI THU HUONG
Banking University Hochiminh City (BUH), Vietnam
• MA. NGUYEN HO PHUONG CHI
Banking University Hochiminh City (BUH), Vietnam
ABSTRACT:
In the wake of the successful restructuring of Vietnam’s finance companies the regulator has enhanced the supervision standard to ensure sustainability. Since the first quarter 2020, Pandemic Covid 19 has posed risk to finance companies. Additionally, Finance companies are faced with both opportunities and challenges from digital transformation. The paper updates performance and analyses short term risks and challenges that Finance companies are facing in the coming time. Recomemdations are given accordingly.
Keywords: Finance company, Covid-19, restructuring, challenges.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]