Năm 1996, theo quyết định của Tổng công ty Than Việt Nam (TVN), Mỏ than Mạo Khê và Vàng Danh được tách ra khỏi Công ty Than Uông Bí, trở thành đơn vị thành viên của TVN. Công ty than Uông Bí khi ấy chỉ còn lại những đơn vị xây lắp chuyển sang làm than với quy mô của các dự án mỏ nhỏ, sản lượng khoảng 120 đến 150 ngàn tấn/năm. Năng suất lao động bình quân của Công ty chỉ đạt 100 tấn than nguyên khai/người/năm, đời sống của người lao động rất khó khăn, mặc dù đã được sự trợ giúp nhiều mặt từ Tổng công ty Than Việt Nam.
Năm 2006, sau 10 năm, kể từ khi 2 đơn vị lớn tách ra, vùng than Đông Triều, Uông Bí đã hình thành 3 công ty lớn, có quy mô sản lượng và số lượng lao động tương đương nhau. Năm 2006, theo kế hoạch pháp lệnh, sản lượng than khai thác của Công ty Than Uông Bí là 2,5 triệu tấn, Vàng Danh là 2,2 triệu tấn và Mạo Khê là 1,6 triệu tấn. Như vậy, sau 10 năm phấn đấu, Công ty Than Uông Bí, đã vươn lên từ vị trí thấp nhất, có nhiều khó khăn nhất lên hàng đầu, làm nên một kỳ tích.
Có thể khẳng định rằng, việc tách các mỏ truyền thống thành các đơn vị trực thuộc Tổng công ty đã tạo ra động lực mới cho các đơn vị có điều kiện phát huy tính năng độâng, tự chủ của mình, kích thích các mỏ nhỏ vươn lên, từng bước tự khẳng định mình. Sau 10 năm, sản lượng than khai thác của vùng than Đông Triều, Uông Bí tăng gần 4 lần, trong khi số lao động chỉ tăng khoảng 10%, đặc biệt, Công ty Than Uông Bí còn đạt sản lượng cao hơn 1,5 lần so với Công ty cùng thời kỳ đó. Kết quả này là sự nỗ lực phấn đấu, là niềm tự hào của mỗi CBCNV Công ty Than Uông Bí.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công trên, song chúng tôi cho rằng đổi mới công nghệ là cơ bản. Trong bất kỳ lĩnh vực sản xuất nào, thì yếu tố công nghệ cũng mang tính quyết định cho sự thành bại của mỗi doanh nghiệp và Công ty Than Uông Bí không nằm ngoài qui luật đó. Từ năm 1997, theo sự chỉ đạo của TVN, công nghệ khai thác than bằng cột thủy lực đã được áp dụng thành công ở các công ty Than Vàng Danh và Khe Chàm và sau đó là công nghệ giá thủy lực di động cũng được thử nghiệm thành công ở các Công ty Than Hà Lầm và Thống Nhất. Sự thành công đó đã có tác động tích cực đối với các “mỏ nhỏ” của Uông Bí vươn lên, nhằm đuổi kịp các Công ty khai thác than hầm lò lớn. Có thể nói, sau 10 năm chia tách, công nghệ khai thác của các đơn vị trong Công ty Than Uông Bí đã thay đổi hẳn, đến nay, tất cả các lò chợ đã được “thuỷ lực hóa”, công tác đào lò chuẩn bị sản xuất đã được thực hiện bằng máy combai đào lò, và việc khấu than bằng máy combai cũng đang được nghiên cứu áp dụng. Công tác quản lý hành chính, quản lý sản xuất, quản lý vật tư đã được vi tính hóa và sắp tới phần mềm quản lý xe vận tải than cũng sẽ được đưa vào sử dụng.
Khoán chi phí tiền lương, khoán quỹ lương và thực hiện cơ chế trả lương giãn cách đã tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất. Thực ra, việc khoán đối với người lao động, tập thể người lao động và cơ chế thực hiện trả lương giãn cách là vấn đề không mới, nhưng xây dựng được một cơ chế khoán để tạo ra động lực kích thích từng người, từng tập thể, tạo được sự công bằng tương đối trong một đơn vị có tới gần 8 ngàn lao động mới là điều cần nói. Ở đây, công tác này thực hiện tốt, kích thích được mọi người thi đua lao động, tạo ra năng suất để nâng cao thu nhập. Hiện Công ty Than Uông Bí có 7.632 lao động và năm nay sẽ khai thác 2,5 triệu tấn than, như vậy bình quân một người trong 1 năm khai thác được 327 tấn than, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước và thu nhập bình quân là 3,5 triệu đồng/người/tháng, trong đó thợ đào lò và khai thác đạt gần 5 triệu đồng/người/ tháng.
Điều quan trọng hơn là niềm tự hào doanh nghiệp, thương hiệu “Công ty Than Uông Bí” qua nhiều năm vun đắp luôn được đề cao và nhân lên qua các phong trào thi đua lao động sản xuất, giành năng suất cao, kỷ lục của Công ty, của Ngành và qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Việc chăm lo đời sống cả về tinh thần và vật chất cho người lao động được lãnh đạo Công ty luôn coi trọng, ngang bằng với công tác sản xuất, không còn là khẩu hiệu, mà ngày càng được chăm chút, nâng niu, kể cả tiền lương hàng tháng của thợ mỏ cũng được đóng gói trân trọng trong từng chiếc phong bì, có tên doanh nghiệp và được trao đến tận tay người lao động. Ở Công ty Than Uông Bí, tất cả đã và đang tạo ra một nét văn hóa, một diện mạo và một sức sống mới trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Chặng đường 10 năm chưa phải là dài trong quá trình xây dựng và phát triển của một doanh nghiệp. Song mỗi cán bộ, công nhân Công ty Than Uông Bí có quyền tự hào với những gì đã làm được, hệ thống hạ tầng cơ sở, điều kiện ăn, ở, đi lại đã được cải thiện, tại các khai trường “mỏ nhỏ” đã có nhà tắm nước nóng, lò sấy, giặt quần áo, ủng cho thợ mỏ…
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của toàn ngành, trước thời cơ và vận hội mới đã và đang đặt ra cho Công ty Than Uông Bí nhiều thách thức mới, đó là phải mở rộng sản xuất, để nâng cao công suất các mỏ, mà biện pháp duy nhất là phải đẩy mạnh đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, công nghệ mới, bằng việc áp dụng các máy combai khấu than đồng bộ trong lò chợ và máy combai đào lò trong than đồng bộ, hoặc các dàn khoan tự hành đi cùng máy xúc để đào lò đá với tốc độ cao. Cùng với việc tăng sản lượng, vấn đề tổ chức quy hoạch ăn ở cho thợ mỏ, cùng hàng loạt vấn đề khác đang được lãnh đạo Công ty lên kế hoạch, từng bước giải quyết.
Chúng tôi tin tưởng rằng, tập thể CBCN Công ty Than Uông Bí sẽ tập trung cao độ, nỗ lực hết mình, quyết tâm thi đua lao động sản xuất, tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần cùng các đơn vị khác xây dựng ngành Than ngày càng vững mạnh.