Cục Điều tiết điện lực được thành lập vào ngày 19/10/2005 tại Quyết định số 258/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trải qua 15 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Điều tiết điện lực đã khẳng định vai trò nòng cốt trong việc tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về hoạt động điều tiết điện lực, nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng; sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Sự ra đời của Cục Điều tiết điện lực đã đánh dấu một bước quan trọng của quá trình cải cách và tái cơ cấu ngành điện Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, năm 2020 cũng như cả giai đoạn năm 2016-2020, tập thể công chức, viên chức và người lao động Cục Điều tiết điện lực đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong đó, đã làm tốt công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế pháp luật, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực và thị trường điện, đảm bảo minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, Cục đã hoàn thành nhiệm vụ Bộ Công Thương giao trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động điện lực với 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 24 Thông tư; xây dựng và ban hành mới 47 quy trình hướng dẫn dưới Thông tư. Hoàn thành công tác pháp điển, 24 văn bản hợp nhất của các Nghị định và Thông tư; chủ trì xây dựng và hoàn thành 6 Đề án, Chương trình của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Trong giai đoạn 2016-2020, Cục Điều tiết điện lực cũng đã thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành 53 Quyết định hành chính và 2 Chỉ thị về lĩnh vực điện lực. Đồng thời đề xuất Bộ Công Thương bãi bỏ 15 thủ tục hành chính; cắt giảm và đơn giản hóa 82 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực điện lực; đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, Cục Điều tiết điện lực đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trong đó có công tác chỉ đạo và thực hiện thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thị trường phát điện cạnh tranh được đưa vào vận hành từ năm 2012-2018. Đây là bước cải cách lớn của ngành điện trong việc chuyển đổi khâu phát điện tại Việt Nam sang vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường cạnh tranh. Số lượng nhà máy điện tham gia giao dịch tính đến thời điểm kết thúc thị trường phát điện cạnh tranh tăng gấp gần 3 lần so với thời điểm bắt đầu. Hệ thống điện tiếp tục được vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh được Cục Điều tiết điện lực tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương đưa vào vận hành chính thức từ ngày 1/1/2019 với sự tham gia cạnh tranh của 100 nhà máy điện với tổng công suất 27.526 MW và 06 đơn vị mua điện; Thực hiện chuyển chu kỳ điều độ và chu kỳ giao dịch trong thị trường bán buôn điện từ 1 tiếng xuống còn 30 phút từ ngày 1/9/2020.
Đối với thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Cục Điều tiết điện lực đã trình lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định phê duyệt Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh phù hợp với hiện trạng ngành điện Việt Nam cũng như lộ trình phát triển thị trường điện theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giai đoạn 2016-2020, Cục Điều tiết điện lực đã chỉ đạo vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy, hiệu quả, đảm bảo đủ điện cho cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Định kỳ hàng năm, Cục Điều tiết điện lực đã thẩm định và trình Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện; Tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ các giải pháp để có những chỉ đạo điều hành đảm bảo mục tiêu cung ứng điện cũng như các mục tiêu khác; Đồng thời triển khai Đề án phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam; Triển khai có hiệu quả chương trình DSM, chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR).
Trong việc điều tiết giá điện, Cục đã giám sát chặt chẽ, tham mưu kịp thời cho Bộ trong công tác quản lý, điều hành giá điện đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã góp phần đảm bảo tài chính cho ngành điện để đầu tư, phát triển các công trình điện, đáp ứng cung cấp nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Đáng chú ý, năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của đại dịch Covid-19, Cục Điều tiết điện lực đã tham mưu cho Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc trong 2 đợt với tổng mức tiền hỗ trợ khoảng trên 12.000 tỷ đồng.
Chia sẻ niềm vui với mốc son mới của Cục Điều tiết điện lực, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định đây không chỉ là niềm vinh dự và tự hào của Cục, của lĩnh vực mà còn là của cả ngành Công Thương, nhờ có những nỗ lực phát huy vai trò xuyên suốt của Cục trong năm 2020 nói riêng và 15 năm chặng đường nói chung.
Từ đảm bảo cân đối cung cầu điện, đến điều hành giá điện minh bạch, xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh theo hướng bền vững, Bộ trưởng cho rằng Cục Điều tiết điện lực đã luôn luôn quán triệt và đi cùng với những nhiệm vụ quan trọng này trong suốt 15 năm qua.
Với sự tham gia của nhiều đơn vị trong Bộ, trong đó có Cục Điều tiết điện lực, các tập đoàn, tổng công ty năng lượng, hệ thống hạ tầng điện năng do ngành Công Thương quản lý ngày càng vững chắc, hiện đại, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong bối cảnh mới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, năm 2021, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội năm 2021, giai đoạn 2021-2025 và nhiều chương trình khác.
Do đó, Bộ trưởng mong rằng, Cục sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đặt ra.
Trong đó, cần nâng cao chất lượng của công tác tham mưu, xây dựng các văn bản pháp luật trên cơ sở tuyên truyền rộng rãi, minh bạch và tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong toàn xã hội. Đồng thời, chủ động kiểm tra, giám sát quá trình thực thi các cơ chế, chính sách này trong đời sống để đảm bảo hiệu quả thực tiễn.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Cục Điều tiết điện lực cần tập trung hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh cần được triển khai theo đúng lộ trình đã được phê duyệt, góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện lực theo hướng công khai, minh bạch và dựa trên nền tảng của cơ chế thị trường.