TÓM TẮT:

Bài viết tập trung phân tích những đặc điểm riêng của ngành Dệt may Việt Nam có ảnh hưởng đến công tác phân tích hiệu quả hoạt động. Theo đó, hệ thống chỉ tiêu phân tích áp dụng cho các doanh nghiệp dệt may cũng có sự khác biệt, qua đó định hướng cho doanh nghiệp lựa chọn sử dụng.

Từ khóa: Ngành Dệt may, hiệu quả hoạt động, hệ thống chỉ tiêu, doanh nghiệp.

I. Đặt vấn đề

Hiệu quả hoạt động là mục tiêu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng hướng tới. Hầu hết các chiến lược phát triển đều dựa trên kết quả hoạt động của kỳ trước và hiện tại mà xây dựng, hoạch định. Do đó, công tác phân tích đánh giá hiệu quả hoạt động rất được chú trọng. Hệ thống chỉ tiêu đo lường hiệu quả sử dụng ở mỗi doanh nghiệp khác nhau do ảnh hưởng từ đặc điểm hoạt động kinh doanh riêng biệt của ngành. Với ngành Dệt may Việt Nam, những điểm khác biệt nào đã tác động đến việc lựa chọn hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp?

II. Thực trạng

Dệt may là một trong những ngành chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam, đánh dấu sự ra đời vào tháng 10/1954 khi Đảng và Chính phủ quyết định khôi phục các nhà máy sợi, dệt, nhuộm, đặc biệt là các xưởng may tại thành phố Nam Định và xây dựng nhiều cơ sở sản xuất mới trên miền Bắc, như: Công ty Dệt 8/3, Dệt kim Đồng Xuân, Dệt Vĩnh Phú,… Tiếp sau ngành Dệt, ngành May được hình thành muộn hơn vào những năm cuối của thập kỷ 50.

Trong những năm 1955 - 1975, khi đất nước còn chia cắt thì cái nôi của ngành Dệt may cả nước tập trung ở một số tỉnh trọng điểm, như: phía Bắc có thành phố Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phú; phía Nam có Sài Gòn cũ gồm các quận huyện Chợ Lớn, Tân Bình, Thủ Đức, Biên Hòa; các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; miền Trung có Đà Nẵng, Quảng Nam.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ngành Dệt may Việt Nam có những thuận lợi mới để phát triển về quy mô, chủng loại và chất lượng sản phẩm. Các công ty hình thành và phát triển đều từ nguồn vốn tài trợ của Nhà nước. Bước đột phá đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu của ngành khởi nguồn từ năm 1999 với đơn vị đầu tiên là Công ty cổ phần May Bình Minh, tiếp đến là Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, Tổng công ty May Nhà Bè, May Phong Phú, Dệt Hòa Thọ, Dệt lụa Nam Định, Dệt Vĩnh Phú. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng tiến tới cổ phần hoàn toàn. Đây cũng là một trong những điều kiện tiên quyết cho ngành hội nhập sâu hơn với thị trường thế giới.

Bước vào thời kỳ hội nhập với việc gia nhập nhiểu tổ chức như FTA, WTO đã mở ra cho ngành luồng sinh khí mới. Dệt may thuộc ngành công nghiệp nhẹ, sản phẩm tạo ra không chỉ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu mà còn đáp ứng về nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của con người, do vậy khả năng tiêu dùng rất lớn. Ngành cần nhiều lao động giản đơn với các thao tác sản xuất theo công đoạn. Chi phí đào tạo không nhiều. Mặt khác, vốn đầu tư để đi vào sản xuất kinh doanh cũng thấp hơn một số ngành. Vì vậy, việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã giúp giải quyết lượng lớn lao động. Theo số liệu của VITAS (Hiệp hội Dệt may Việt Nam): “Mỗi tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may có thể tạo việc làm cho 150 - 200 nghìn lao động, trong đó có 100 nghìn lao động trong doanh nghiệp dệt may và 50 - 100 nghìn lao động tại các doanh nghiệp hỗ trợ khác”.

Cũng theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam: “Tính đến năm 2015 - 2016 Việt Nam có khoảng 5.214 doanh nghiệp dệt may với các công ty có quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số. Lực lượng lao động của ngành chiếm hơn 20% lao động trong khu vực công nghiệp và gần 5% tổng lực lượng lao động toàn quốc. Các công ty may chiếm tỷ trọng lớn nhất (84%), theo sau là các công ty dệt và kéo sợi (15%)”.

Ngành Dệt may bao gồm các lĩnh vực sản xuất chính dệt, may, công nghiệp phụ trợ. Trong đó:

Ngành Dệt gồm: Xe sợi, dệt/đan, nhuộm, vải.

Ngành May gồm: Sản phẩm hàng may mặc với các công đoạn thiết kế, tìm nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào, cắt may, phân phối và maketing.

Công nghiệp phụ trợ gồm: Phụ kiện, máy móc thiết bị ngành.

* Về chuỗi giá trị

Theo “Báo cáo ngành Dệt may” của FPT

Securities: “Chuỗi giá trị dệt may chịu ảnh hưởng bởi người mua, việc tạo ra sản phẩm cuối cùng phải qua nhiều công đoạn và hoạt động sản xuất thường được tiến hành ở nhiều nước. Trong đó, các nhà sản xuất với thương hiệu nổi tiếng, các nhà buôn, nhà bán lẻ lớn đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập mạng lưới sản xuất và định hình việc tiêu thụ hàng loạt”. Các chiến lược thuê gia công toàn cầu phụ thuộc vào nhu cầu của họ.

Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu được chia làm 5 công đoạn cơ bản là:

(1) Cung cấp sản phẩm thô: Bông tự nhiên, xơ,…

(2) Sản xuất các sản phẩm đầu vào: Chỉ, sợi, vải do các công ty dệt, nhuộm đảm nhận.

(3) Thiết kế mẫu và sản xuất thành phẩm: Do các công ty may thực hiện.

(4) Xuất khẩu: Các doanh nghiệp thương mại thực hiện khâu này.

(5) Marketing và phân phối.

Trong đó, “khâu có lợi nhuận cao nhất là thiết kế mẫu, cung cấp nguyên phụ liệu và thương mại". Tuy nhiên, ngành Công nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay gần như chỉ tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng, được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, với tỷ suất lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 5%-10%.

+ Nguyên vật liệu đầu tiên trong chuỗi cung ứng (bông, sợi).

Việt Nam nằm trong tốp 10 nước tiêu thụ bông lớn nhất thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong niên vụ 2015/2016 tiêu thụ bông của Việt Nam đạt 893.000 tấn, chiếm 3,7% tổng lượng bông tiêu thụ toàn cầu. Hiện nay, cả nước có khoảng 4 doanh nghiệp sản xuất bông với công suất hàng năm đạt được là 70.000 tấn nhưng cũng chỉ đủ đáp ứng dưới 1% nhu cầu sản xuất kéo sợi do nước ta không có lợi thế cạnh tranh tự nhiên nên không chú trọng đầu tư việc trồng trọt, khai thác và sản xuất xơ. Diện tích canh tác manh mún, thu hoạch bằng tay nên chất lượng thấp chưa cạnh tranh được với các nước trong khu vực có lợi thế như Bắc Mỹ, châu Phi. Giá bông trên thế giới ngày càng giảm trong thời gian gần đây nên diện tích trồng bông tại nước ta ngày càng giảm.

Lệch pha về cung và cầu của lĩnh vực sợi là sự đứt gãy trong chuỗi giá trị dệt may. Cụ thể năm 2015, Việt Nam sản xuất được 1,5 triệu tấn sợi bao gồm sợi tổng hợp 400.000 tấn, sợi tự nhiên gần 200.000 tấn và kéo sợi là 900.000 tấn nhưng lại xuất đi 858.300 tấn tức gần 60% sản lượng sợi sản xuất được. Trong khi đó, nước ta lại nhập khẩu về 739.900 tấn tức 86,2% lượng xuất đi. Nguyên nhân của tình trạng này là do: chất lượng sợi không phù hợp, quy mô khâu dệt nhuộm hoàn tất chưa phát triển tương xứng và đặc tính may gia công xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, thứ nhất, phẩm sợi nội địa không đa dạng về chủng loại (chủ yếu là sợi cotton, sợi polyester), chất lượng các sản phẩm sợi chỉ đáp ứng được ở phân khúc cấp thấp, trung bình nên không phù hợp được nhu cầu dệt nhuộm vốn đòi hỏi nhiều loại sợi khác nhau (sợi len, sợi spandex, sợi nylon…). Thứ hai năng lực của khâu dệt nhuộm chậm phát triển hơn so với khâu sợi khiến đầu ra của sợi bị tắc nghẽn, buộc các doanh nghiệp sợi phải tìm đường xuất khẩu. Thứ ba, khâu may của Việt Nam có đến 80% là gia công nên việc lựa chọn nguyên liệu theo yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, chất lượng của khách hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp không thể chủ động đặt nguyên liệu vải trong nước, tác động không tốt đến điều kiện phát triển của ngành Dệt nhuộm và Sợi trong nước.

+ Khâu dệt, nhuộm và hoàn tất chậm phát triển đã tạo thành nút thắt cổ chai trong chuỗi giá trị dệt may.

Năm 2016, năng lực sản xuất vải của nước ta đạt 1.300 triệu m2, tăng 6,8% so với năm 2013. Đặc biệt, do năng lực nhuộm và hoàn tất của Việt Nam chỉ đạt khoảng 0,8 tỷ m2 vải/năm nên 40% vải thô làm ra được xuất khẩu sang các nước có hệ thống nhuộm, hoàn tất tốt như Hàn Quốc, Trung Quốc sau đó xuất ngược trở lại Việt Nam. Khâu dệt, nhuộm, hoàn tất có những lợi thế là nguồn cung sợi đầu vào dồi dào, nhu cầu vải đầu ra cao nhưng lại chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Đầu tư vào khâu này đòi hỏi nhu cầu vốn lớn, công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng và những yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường nhưng khả năng thu hồi vốn lại chậm. Do đó, những doanh nghiệp nước ngoài có khả năng đầu tư. Nhiều địa phương cũng đưa ra chính sách hạn chế dự án dệt nhuộm do lo ngại ô nhiễm môi trường khiến quy mô ngành chậm mở rộng.

+ Sự mất cân đối tiếp tục diễn ra ở nguồn cung vải khi Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu.

Hiện nay, ngành Dệt may Việt Nam cần sử dụng khoảng 8 tỷ m2 vải để sản xuất trong đó nguồn vải trong nước chỉ đáp ứng được 16,4% còn lại là nhập khẩu. Trái với tốc độ tăng trưởng thấp của sản xuất vải trong nước, giá trị vải ngoại nhập lại tăng mạnh trong giai đoạn 2005 - 2016. Cụ thể, năm 2016 kim ngạch nhập khẩu vải đạt 9,4 tỷ USD tăng 16,9% so với 2013. Về cơ cấu thị trường nhập khẩu vải năm 2016 nhập từ Trung Quốc chiếm 49,5%, Hàn Quốc 19,6%, Đài Loan 14,8%, Nhật Bản 5,9% và Hồng Kông 2,7%.

+ Lĩnh vực công nghiêp phụ liệu, hỗ trợ phát triển không tương xứng khiến Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn cho khâu may.

Ngoài vải, Việt Nam cũng phải nhập khẩu thêm các vật liệu khác như cúc, khuy, khóa kéo, chỉ may… để hoàn chỉnh sản phẩm. Việc đầu tư chưa đúng mức vào sản xuất nội địa nguyên phụ liệu ngành May cũng như tính chất gia công của khâu may là nguyên nhân chính khiến ngành Dệt may phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu.

* Về phương thức sản xuất

Mặc dù Việt Nam trong nhóm 5 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may, nhưng các doanh nghiệp chủ yếu là các nhà thầu phụ cho các nhà thầu may trong khu vực, hầu như không thực hiện quá trình thiết kế và xây dựng thương hiệu.

CMT (Cut Make Trim - gia công thuần túy)

FOB (Free on Broad - mua nguyên liệu, bán thành phẩm)

Tổng giá trị tạo ra từ hai phương thức CMT và FOB của Việt Nam chiếm hơn 95% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, trong đó CMT chiếm 75.3% và FOB là 21.2%.

ODM (Original Design Manufacturing - chủ động từ nguyên liệu, thiết kế, sản xuất thành phẩm) chỉ chiếm khoảng 2%-3% giá trị xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về trình độ nguồn nhân lực, thiếu thông tin thị trường.

OBM (Original Brand Manufacturing): Đây là phương thức hãng sản xuất tự thiết kế và ký các hợp đồng thương mại trong và ngoài nước theo thương hiệu riêng của mình. OBM chủ yếu phân phối kênh hàng hóa tại thị trường nội địa và các quốc gia lân cận.

III. Giải pháp

Trên cơ sở phân tích thực trạng của ngành Dệt may Việt Nam nhận thấy:

- Về chuỗi giá trị: Dệt may Việt Nam tham gia chủ yếu vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng là nhận gia công, đem lại giá trị gia tăng thấp. Chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào cho ngành chủ động sản xuất còn yếu kém, chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài. Vì thế, ngành cũng chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố về môi trường kinh doanh, tỷ giá,..

- Về phương thức sản xuất: Nhận gia công nội địa lại cho các doanh nghiệp lớn hoặc CMT cho nước ngoài và FOB - doanh nghiệp chủ động việc mua nguyên liệu cho đến khi ra sản phẩm cuối cùng trong đó chia làm 2 loại:

+ FOB chỉ định: Doanh nghiệp gia công thu mua vật liệu từ nhóm các nhà cung cấp do khách hàng chỉ định. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tài chính để thu mua và vận chuyển vật liệu.

+ FOB tự search: Doanh nghiệp nhận mẫu thiết kế từ khách hàng, chịu trách nhiệm tìm nguồn cung vật liệu thích hợp, tin cậy về chất lượng, đúng thời hạn giao hàng. Sau đó tiến hành cắt và hoàn thành sản phẩm, vận chuyển đến cảng của khách.

- Về lĩnh vực sản xuất: Bao gồm sản xuất bông sợi, dệt nhuộm, hàng phụ liệu nhưng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ cho nhu cầu của các doanh nghiệp may trong nước. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với hàng may mặc. Thực tế, cũng có những doanh nghiệp lớn chủ động từ khâu cung cấp nguyên liệu cho đến sản phẩm may mặc cuối cùng.

Do vậy, định hướng sử dụng hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tác giả chia làm 2 nhóm chủ yếu:

- Đối với các doanh nghiệp sản xuất bông, sợi, dệt, nhuộm, phụ liệu và may xuất khẩu theo phương thức FOB tự search, OBM, các thương hiệu thời trang trong nước: Phân tích hiệu quả hoạt động với việc sử dụng hệ thống chỉ tiêu đánh giá các khía cạnh cụ thể: hiệu quả sử dụng chi phí (bao gồm cả các chi phí đầu vào sản xuất), hiệu suất và hiệu năng hoạt động, khả năng sinh lời, hiệu quả quy trình hoạt động, hiệu quả trong mối quan hệ với khách hàng và đặc biệt về mối quan hệ với nhà cung cấp. Ngoài ra, đối với lĩnh vực sản xuất dệt, nhuộm hoàn tất do đặc điểm hoạt động gây ô nhiễm môi trường nên các doanh nghiệp cần phân tích thêm khía cạnh về hiệu quả môi trường.

- Đối với các doanh nghiệp nhận gia công nội địa, sản xuất theo phương thức CMT cho nước ngoài và FOB chỉ định: Do đặc điểm không phải chủ động về nguồn cung nguyên phụ liệu nên các chỉ tiêu phân tích hiệu quả hoạt động vì thế có sự khác biệt. Phân tích hiệu quả sử dụng chi phí không cần thể hiện về hiệu quả sử dụng chi phí nguyên phụ liệu. Ngoài ra, hiệu quả trong mối quan hệ với nhà cung cấp không cần chú trọng. Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả trong mối quan hệ với khách hàng cũng chỉ tập trung với số ít. Các khía cạnh đánh giá còn lại các doanh nghiệp sử dụng chỉ tiêu như nhóm I.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ trưởng Bộ Công Thương (2014), “Quyết định số 3218/2014/QĐ-BTC về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

2. Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (2016), “Báo cáo ngành Dệt may”.

3. Công ty cổ phần Ngành và Tư vấn Việt Nam (2016), “Báo cáo ngành Dệt may Việt Nam quý 2/2016”.

4. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (2015), “Vietnam textile and apparel industry directory 2015”.

5. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (2016), “Báo cáo ngành Dệt may - Da giày”.

IMPACT’S OF SPECIFIC CHARACTERISTICS OF VIETNAM'S TEXTILE AND APPAREL INDUSTRY ON ANALYZING THE PERFORMANCE OF ENTERPRISES

MA. VU THI DIEP

Faculty of Accounting, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

This study is to determine the impacts of specific characteristics of Vietnam's textile and apparel industry on analyzing the performance of Vietnams textile and apparel enterprises. The system of indicators which is used to analyze the performance of textile and apparel enterprises is different to systems of other industries.

Keywords: Textile and apparel industry, performance, system of indicators, enterprises.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây