Nhật Bản là một nền kinh tế lớn, dân số đông, có sức mua lớn, khả năng chi trả cao. Những năm gần đây, kim ngạch NK hàng hóa vào thị trường Nhật Bản liên tục gia tăng, trong đó đáng kể nhất là hàng may mặc, thủy – hải sản, đồ gỗ… Đã có nhiều hàng hóa của Việt Nam được XK sang thị trường Nhật Bản, nhưng nhìn chung thị phần còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1,19% tổng kim ngạch NK của thị trường này (trong khi một số nước ASEAN có tỷ trọng lớn hơn như Thái Lan 2,73%, Malaixia 3,05%, indonexia 4,27%...
Giống như nhiều thị trường các nước phát triển khác, Nhật Bản không thi hành chính sách bảo hộ thị trường bằng thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp. Mức thuế trung bình đối với hàng công nghiệp NK chỉ dưới 5%, mức thuế này không có tính chất bảo hộ. Có tới trên 95% dòng thuế đối với nhóm hàng công nghiệp của Việt Nam XK vào Nhật Bản có mức thuế suất bằng 0%, nếu tính cả những sản phẩm sẽ được giảm và loại bỏ thuế theo lộ trình 10 năm trong cam kết của Hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật VJEPA thì con số trên là 97%. So với nhóm sản phẩm nông nghiệp, các yêu cầu về kỹ thuật đối với hàng công nghiệp không phải là trở ngại lớn đối với XK của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản. Vì thế, việc giảm thuế NK, thậm chí là xuống mức 0% là một thuận lợi cho XK của Việt Nam, nhất là đối với nhóm hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện tử… Đối với nhóm hàng dệt và may mặc, thị trường Nhật Bản có qui mô NK lớn, khả năng thanh toán cao, nhưng áp lực cạnh tranh rất khốc liệt giữa nhiều hàng hóa cùng loại đến từ nhiều xuất xứ khác nhau, trước hết là từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… Sản phẩm của Trung Quốc thường chiếm tới 70% thị phần, trong khi sản phẩm của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5% thị phần. Chính sách của Nhật Bản là bảo hộ ngành may mặc thành phẩm, nhưng khuyến khích phát triển ngành dệt. Hiện nay, tại thị trường Nhật Bản, hàng dệt và may mặc gồm 1.978 dòng thuế, Nhật Bản cam kết sẽ thực hiện thuế suất bằng 0% đối với tất cả các dòng thuế này. Đây sẽ là một thuận lợi cho XK hàng dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu của Nhật Bản là phát triển ngành dệt chất lượng cao, nên Việt Nam và Nhật Bản đã thỏa thuận thắt chặt qui tắc xuất xứ đối với hàng may mặc NK vào thị trường Nhật Bản. Đối với nhóm hàng giày dép, đồ da, mức cam kết giảm thuế của Nhật Bản theo VJEPA rất có ý nghĩa. Một số sản phẩm có mức thuế cao tới 18%, một số khác có thuế suất 16%. Các mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam đang XK sang Nhật Bản như túi xách, cặp, găng tay da… phổ biến ở mức thuế suất 10% (chiếm tới 90% kim ngạch XK nhóm da giày của Việt Nam sang Nhật Bản). Sau lộ trình 10 năm, các sản phẩm này của Việt Nam XK vào Nhật Bản sẽ được hưởng thuế suất 0%.
Nhật Bản là một trong những nước áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Những tiêu chuẩn của Nhật Bản hầu như tương đương, thậm chí là cao hơn cả một số tiêu chuẩn quốc tế thông thường. Việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản là bắt buộc đối với các nước khi XK hàng hóa vào thị trường này. Nhưng để khuyến khích hoạt động thương mại với thị trường Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản thường hợp tác với các nước đối tác (trong đó có Việt Nam), trong việc nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn của hàng hóa XK theo các yêu cầu của phía Nhật Bản.
VJEPA đã chính thức có hiệu lực từ 1/10/2009, bao quát hầu hết những cam kết kinh tế - thương mại trước đó giữa hai nước về mở cửa thị trường. VJEPA còn được đánh giá là vượt lên trên cả những cam kết của Hiệp định đối tác kinh tế ASEAn – Nhật Bản (AJCEP). Nội dung cơ bản mà VJEPA mang lại là lộ trình giảm thuế đối với hàng hóa của Nhật Bản XK vào Việt Nam là 15 năm và hàng hóa của Việt Nam XK vào Nhật Bản là 10 năm. ĐỐi với hàng hóa của Việt Nam XK vào Nhật Bản, kể từ khi VJEPA có hiệu lực, nhóm sản phẩm công nghiệp có 6.762 dòng sản phẩm được giảm thuế; sản phẩm dệt may có 1.978 dòng thuế có mức thuế NK bằng 0% (giảm từ mức trung bình 7% trước đó); sản phẩm da giày có thuế NK giảm xuống 0% trong 5-10 năm: những mặt hàng có tính cạnh tranh cao của Việt Nam như thủy – hải sản (tôm, cua, ghẹ, sản phẩm chế biến…) có thuế suất bằng 0% ngay khi VJEPA có hiệu lực. Ngoài yếu tố thuế suất, Việt Nam còn được hưởng một số lợi ích khác từ VJEPA như: Phía Nhật Bản hỗ trợ các dự án về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo cơ chế tham vấn chính sách thương mại nhằm ngăn chặn những biện pháp hạn chế buôn bán, minh bạch hóa về chính sách hải quan, về cơ chế quản lý hạn ngạch và cấp phép. Đối với hàng hóa của Nhật Bản XK vào thị trường Việt Nam, việc cắt giảm thuế hàng năm theo từng phần bằng nhau trong năm tài chính của Nhật Bản (từ ¼ năm trước đến 31/3 năm sau), gồm: Phụ tùng ô tô tùy từng loại được xóa bỏ thuế quan trong 5 – 15 năm, sắt thép 10 – 15 năm, hàng điện tử 2-8 năm, máy móc các loại 10 – 15 năm. Ngoài việc giảm thuế, một số ngành quảng cáo, nghiên cứu thị trường, tư vấn quản lý, phân tích và kiểm định kỹ thuật, phía Nhật Bản không áp dụng hạn chế nào đối với các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam.
Ngay tại thời điểm VJEPA có hiệu lực, có hơn 7.000 mặt hàng XK của Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%, nhất là các nhóm hàng nông sản, thủy - hải sản, đồ nội thất… có thể thâm nhập thị trường Nhật Bản mà không vướng phải rào cản kỹ thuật gì. Điều này khiến nhiều DN Việt Nam tận dụng cơ hội để tìm kiếm đơn hàng và bạn hàng mới tại thị trường Nhật Bản. Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, Nhật Bản là một trong những thị trường chính và lâu năm của DN rau quả Việt Nam với kim ngạch XK khoảng 30 triệu USD/năm, chủ yếu là các mặt hàng rau quả chế biến, đóng hộp, đông lạnh: rau quả muối và sấy khô; nước quả cô đặc, gia vị… Theo VJEPA, nhóm hàng nông sản của Việt Nam XK vào Nhật Bản có hơn 800 dòng sản phẩm được hưởng thuế suất bằng 0%. Theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, nông sản của Việt Nam XK vào Nhật Bản có thuận lợi bởi hai nước có sự khác biệt về mùa vụ, chủng loại sản phẩm và khác biệt về vùng khí hậu. Người tiêu dùng Nhật Bản rất thích các loại chuối, dứa, xoài, đu đủ…, bởi chúng có lợi cho sức khỏe, nên nhu cầu NK đang tăng lên. Vấn đề quan trọng để XK nông sản vào Nhật Bản là chất lượng (qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn GP là không thể thiếu được đối với hàng nông và thủy – hải sản).
Mặc dù có khá nhiều mặt hàng XK của Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0% nhưng vẫn chưa có mặt tại thị trường Nhật Bản, trong đó phải kể đến một số loại nông sản, nhất là hoa quả tươi, do Chính phủ Nhật Bản vẫn sử dụng lệnh cấm NK, mặc dù có một số đối tác Nhật Bản đã có ý kiến đề nghị được NK hoa quả tươi từ Việt Nam. Một số DN Nhật Bản đã đề nghị cơ quan quản lý của hai nước cho phép NK quả Thanh long của Việt Nam. Nhưng các DN Nhật Bản cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với mặt hàng này như: Phải xử lý sâu bệnh thật nghiêm ngặt và tuân thủ các tiêu chuẩn của Nhật Bản. Để có thể XK được các mặt hàng này, DN phải có qui trình đánh giá nguy cơ dịch hại và qui trình xử lý tốn nhiều chi phí và thời gian. Các DN cũng không nên uan niệm đơn giản là cứ bỏ thuế là có thể XK được ngay, mà phải biết tận dụng cơ hội để tìm kiếm bạn hàng. Tốt nhất là DN nên thông qua Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đây là 2 kênh thông tin và là cầu nối thuận tiện giúp DN thâm nhập thị trường, nhất là đối với các DN nhỏ lẻ.
Đối với nhóm hàng thủy – hải sản: Có ít nhất 86% sản phẩm XK của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi, trong đó tôm được giảm thuế NK xuống còn 1 – 2% ngay thời điểm VJEPA có hiệu lực. Lâu nay, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam XK sang Nhật Bản chủ yếu là cá tra, cá basa, cá hồi, cá bò, cá ngừ hun khói, mực, ghẹ… Đây là thị trường tiêu thụ tôm đông lạnh lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch XK mặt hàng này của cả nước. Hiện nay, các DN Việt Nam đang đẩy mạnh XK sang Nhật Bản, bởi trước đó nhiều DN XK tôm phải cạnh tranh khá vất vả với sản phẩm đến từ nhiều xuất xứ, nhất là từ các nước ASEAN khác, vì họ đã có hiệp định song phương với Nhật Bản trước Việt Nam.
Nhóm hàng đồ gỗ cũng đang có cơ hội XK và đây vẫn là thị trường XK đồ gỗ lớn thứ 3 của Việt Nam. Thời gian qua, trong khi XK đồ gỗ của Việt Nam sang nhiều thị trường khác sụt giảm, thì XK sang Nhật Bản vẫn tăng khá và vững chắc. Việc chuyển dịch xu thế tiêu dùng từ sản phẩm đồ gỗ cao cấp sang các sản phẩm hạng trung bình là cơ hội tốt cho các DN đồ gỗ Việt Nam. Hiện nay, thị phần của sản phẩm đồ gỗ Việt Nam còn thấp tại thị trường Nhật Bản, phần lớn sản phẩm mới chỉ thâm nhập được ở thị trường hàng giá thấp. Lý do đơn giản là mẫu mã còn kém đa dạng và chất lượng chưa cao. DN Việt Nam nhìn chung không biết được thị trường cần gì để sản uất và bán hàng cho phù hợp. ngoài ra, DN còn phải nắm bắt tập quán và văn hóa giao tiếp. Người Nhật Bản vốn nổi tiếng là khắt khe với hàng hóa. Vì thế, theo các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, tốt nhất DN đồ gỗ Việt Nam nên tìm nhà thiết kế Nhật Bản, bởi họ là người biết rõ hơn những gì thị trường Nhật Bản cần. DN muốn sản phẩm của mình được tiêu thụ tốt thì không thể thiếu quan tâm đến khâu thiết kế sản phẩm. Việc bảo đảm chất lượng ổn định cũng rất quan trọng, trong khi nhiều DN Việt nam thường đưa ra lô hàng đầu có chất lượng tốt, những lô hàng sau có chất lượng kém hơn, dẫn đến bị mất khách.
Hiện nay, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn thứ 2 thế giới, trong đó nhóm sản phẩm dệt may dành cho nữ giới chiếm hơn 60% tổng kim ngạch NK hàng dệt may nói chung. Khủng hoảng tài chính – tiền tệ vừa qua làm cho XK hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ và EU bị sụt giảm đáng kể, nhưng XK vào Nhật Bản ít bị ảnh hưởng. Tại thị trường Nhật Bản, những sản phẩm giá rẻ của Việt Nam không cạnh tranh được với hàng của Trung Quốc, nhưng nhóm sản phẩm trung và cao cấp thì vẫn có chỗ đứng, các DN nên hướng vào mảng thị trường này, nhưng phải quan tâm xây dựng thương hiệu, đi kèm với chất lượng và thiết kế sản phẩm phải mới lạ. Nhiều DN lớn của Việt Nam đang tiêu thụ tốt sản phẩm tại thị trường Nhật Bản bởi họ có thương hiệu như May 10, Nhà Bè, Phong Phú… nhưng tỷ trọng gia công còn cao. Để giảm dần tỷ trọng gia công, nâng cao giá trị gia tăng thì DN phải tăng cường đầu tư vào khâu thiết kế (nhất là nhóm hàng thời trang). Xu hướng của thị trường Nhật Bản hiện nay là tìm mua nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau theo từng lô hàng nhỏ (thay vì NK những lô hàng lớn như trước đây).