Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) được xếp hàng thứ 17 thế giới về tính cạnh tranh của nền kinh tế năm 2009. Với một nước đất không rộng (diện tích 83.600 km2), người không đông (3,2 triệu người), tài nguyên thiên nhiên không đa dạng, chủ yếu là dầu lửa và khí đốt, nhưng có trữ lượng lớn, chiếm tới 10% tổng trữ lượng dầu và khí đã được phát hiện của thế giới. Hàng hóa XK chủ yếu là dầu, khí đốt và các sản phẩm hóa dầu; hàng NK chủ yếu là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, thực phẩm, hàng tiêu dùng… Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp chiếm 61,8% GDP, nông nghiệp 1,6% và dịch vụ 36,6%.

UAE có qui mô kinh tế lớn thứ 3 trong các nước Ả rập (sau Ả rập Xê út và Ai Cập), là trung tâm tái xuất lớn thứ 3 thế giới (sau Hồng Kông và Singapore), có cảng hàng không và đường bienr thuận lợi, có hạ tầng cơ sở tốt. Từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào dầu và khí đốt, những năm gần đây, UAE bắt đầu triển khai một số chương trình cải cách theo hướng hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt. Đến nay, các ngành kinh tế phi dầu mỏ đang đóng góp khoảng 30% kim ngạch XK của đất nước, trong đó các ngành đang được ưu tiên phát triển là công nghiệp luyện nhôm, hàng không, viễn thông, du lịch, hệ thống khách sạn – nhà hàng – trung tâm mua sắm – khu thương mại tự do…

Tại UAE, Dubai là trung tâm tài chính – thương mại ở Trung Đông, do đó tiềm năng thị trường đối với hàng hóa XK của Việt Nam rất lớn. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho tăng trưởng thương mại Việt Nam – UAE trong thời gian qua luôn ở mức cao. Năm 2007, kim ngạch thương mại 2 chiều là 336 triệu USD, năm 2009 là 527 triệu USD, trong đó Việt Nam luôn ở thế xuất siêu lớn (XK thường lớn gấp đôi NK). Năm 2009, Việt Nam XK đạt 400 triệu USD sang UAE, tăng 20% so với năm 2008 mặc dù có khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới. Các mặt hàng XK của Việt Nam sang UAE chủ yếu là dệt may, giày dép, máy tính, hàng điện tử, nông sản, thủy – hải sản, thủ công mỹ nghệ… và NK từ UAE chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, kim loại… XK lao động cũng là một thế mạnh, hiện Việt Nam có khoảng 15 ngàn lao động đang làm việc ở UAE phần lớn trong ngành xây dựng và dịch vụ. Các DN Việt Nam đang tích cực đi khảo sát thị trường và tham gia các hội chợ, triển lãm ở Dubai để khai thác cơ hội giới thiệu và bán hàng vào UAE. Hàng năm, ở Dubai có các hội chợ mùa Xuân, mùa Thu và Lễ hội bán hàng.

Nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước tuy có triển vọng nhưng trên thực tế còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin giữa các DN hai nước. Về trao đổi thương mại, tiềm năng còn rất lớn, bởi UAE là một thị trường mở, có thuế suất NK trung bình trong khoảng 0-4%, lại là “cửa ngõ” quan trọng ở khu vực. Biện pháp thiết thực trước mắt để khai thác tốt thị trường là các DN cần tích cực thâm nhập thị trường bằng chính khả năng của mình.

UAE là một thị trường có nhu cầu lớn về NK thủy sản, không chỉ để tiêu thụ trong nước, mà còn được tái xuất đi các nước thứ 3. XK thủy sản của Việt Nam sang UAE thời gian qua đã tăng trưởng đáng kể, nhưng còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch NK thủy sản của UAE. Việc gia tăng Xk thủy sản sang UAE giúp ngành thủy sản đa dạng hóa được thị trường, nhất là trong điều kiện một số thị trường truyền thống (như Mỹ, EU) đang có khó khăn do chính sách bảo hộ với các rào cản thương mại đi đôi với áp lực cạnh tranh gay gắt. Lâu nay, UAE chỉ tự túc được khoảng 25% nhu cầu tiêu thụ thủy sản của cả nước, phần còn lại phải NK và tỷ trọng này đang có xu hướng tăng. Các yêu tố khiến NK thủy sản ngày càng tăng, đó là: GDP/người cao và vẫn tăng đều đang thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm nhiều hơn, trong đó có thủy sản; với vai trò là “cửa ngõ” ở khu vực Trung Đông, việc trung chuyển hàng hóa qua UAE với các thị trường như Ixraen, Cô-oét, Giooc-da-ni, Cata, Baren… đang tăng lên; hệ thống thuế quan đánh vào thực phẩm NK ở UAE rất thất, trong đó có thủy sản, các mặt hàng như cá tươi, cá ướp lạnh hoàn toàn được miễn thuế NK, nhiều mặt hàng thủy sản khác có mức thuế NK 5%. Vài năm trước đây, nhiều DN Việt Nam còn chưa quan tâm đến thị trường Trung Đông, nhưng gần đây, khu vực này bắt đầu được xem là một thị trường quan trọng (nhất là từ khi Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển quan hệ Việt Nam – Trung Đông giai đoạn 2008 – 2015), là một giải pháp đa dạng hóa thị trường XK. Giờ đây, UAE được xem là một thị trường trọng điểm ở Trung Đông, nhất là đối với XK thủy sản, vì thế khối lượng thủy sản của Việt Nam XK sang UAE luôn tăng mạnh. Tuy vậy, đến nay, thủy sản XK của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch NK thủy sản của UAE, trong đó tôm đông lạnh chiếm tỷ trọng lớn nhất vào khoảng 30% kim ngạch; cá tươi, cá đông lạnh và fillet chiếm 15%; thủy sản chế biến chiếm 15%. Hiện nay, Việt Nam đang XK sang UAE 3 chủng loại sản phẩm thủy sản chính là: Ca fillet (trong đó cá tra và cá basa chiếm 90% kim ngạch), tôm và mực.

Cũng như nhiều mặt hàng XK khác, thủy sản của Việt Nam XK sang UAE có khó khăn hơn so với nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia… vì không có đường vận tải biển và hàng không trực tiếp giữa hai nước, thời gian vận chuyển lâu khiến cho chi phí tăng, làm cho sức cạnh tranh của sản phẩm bị giảm sút. Để có thể tăng XK sang UAE, các DN cần xúc tiến một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường để nắm bắt các chính sách, qui định và nhu cầu của thị trường, các vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan, VSATTP…; cần đặc biệt quan tâm đến những qui định trong chế biến thực phẩm phù hợp với tín ngưỡng đạo Hồi. Để XK được thực phẩm vào UAE, các DN phải có được chứng nhận Halal, bởi chứng nhận này giúp cho người tiêu dùng yên tâm khi mua sản phẩm đã thỏa mãn niềm tin tôn giáo của họ. Khi giao dịch với các đối tác mới ở UAE, các DN cần tìm hiểu kỹ khả năng kinh doanh của họ để tránh rủi ro về giao hàng và thanh toán khi XK. Các đối tác UAE rất coi trọng mối quan hệ cá nhân, việc trao đổi thông tin qua lại giữa DN với phí đối tác rất cần thiết, bởi khi đã tin tưởng thì họ sẵn sàng thiết lập quan hệ làm ăn lâu dài. Thông thường, người tiêu dùng Hồi giáo khi đã chấp nhận một nhãn hiệu hàng hóa nào đó thì rất ít khi thay đổi thói quen tiêu dùng của họ.

Thời gian qua, tình trạng cạnh tranh về giá để giành khách hàng trên thị trường UAE giữa các DN XK diễn ra khá phổ biến, dẫn đến việc sản phẩm XK của nhiều DN Việt Nam bị nhà Nk UAE ép giá, một số DN XK đã không giữ uy tín về chất lượng sản phẩm XK để thu lợi. Điều này rất bất lợi. Vì thế, các DN không nên dùng giá cả làm phương tiện cạnh tranh duy nhất, bởi hạ giá quá mức không chỉ thiệt hại mình mà còn thiệt hại tới các nhà XK khác, hơn nữa còn làm ảnh hưởng đến thương hiệu của hàng hóa Việt Nam nói chung trên thị trường XK.