TÓM TẮT:

Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch của cả nước, đặc biệt khi ngành Du lịch đang được xếp là ngành công nghiệp mũi nhọn để phát triển kinh tế đất nước. Vậy tiềm lực, khả năng phát triển cũng như những thách thức mà du lịch Hà Nội đối mặt hiện nay là những vấn đề được đưa ra phân tích trong bài viết.

Từ khóa: Du lịch, du lịch Hà Nội, phát triển du lịch, du lịch bền vững, hội nhập.

1. Giới thiệu

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là địa phương có nhiều lợi thế so sánh để phát triển du lịch. Trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam, Hà Nội giữ vị trí đặc biệt quan trọng, vừa là trung tâm du lịch của Vùng du lịch Bắc Bộ, vừa là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 có chỉ rõ Hà Nội là một trong hai cửa đón khách; đồng thời cũng là đầu mối phân phối, tổ chức thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế lớn của cả nước (cùng với TP. Hồ Chí Minh), là một trong năm trung tâm du lịch quan trọng của cả nước và là trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, là cầu nối giữa du lịch các tỉnh vùng Bắc Bộ với du lịch cả nước, giữa du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế.

Thời gian qua, Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện việc tích cực đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước đối tác trong khu vực và thế giới. Tính đến tháng 7/2016, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 16 Hiệp định Thương mại tự do, kèm theo là mở cửa thị trường và các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch cũng sẽ được thực thi. Số lượng đối tác kinh tế, thương mại của Việt Nam thông qua FTA sẽ lên đến gần 60 đối tác. Do đó, trong thời gian tới, chắc chắn khách du lịch quốc tế sẽ tăng nhanh bởi sự mở cửa thị trường lẫn nhau và tăng cường đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với ngành Du lịch Việt Nam và du lịch Hà Nội thời gian tới.

Hiện tại, du lịch ở Thủ đô vẫn đang khai thác những lợi thế có sẵn của tự nhiên, văn hóa, lịch sử chứ chưa có sự bảo tồn, đầu tư và mở rộng. Điều này sẽ tạo ra những tác động tiêu cực tới sự phát triển lâu dài, ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lại. Do vậy, Hà Nội được định hướng để phát triển du lịch bền vững, tức là vừa phát triển lợi ích kinh tế nhưng vẫn đảm bảo yếu tố môi trường và cộng đồng (theo International Ecotourism Society, 2004).

2. Thực trạng phát triển du lịch Hà Nội thời gian qua

2.1. Thị trường khách du lịch

Giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh tình hình khó khăn chung do tác động của suy thoái kinh tế và những bất ổn chính trị tại một số nước trên thế giới, gồm có các thị trường khách trọng điểm của Việt Nam, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng bình quân hơn 10%/năm (trong đó khách quốc tế tăng 14%/năm, khách nội địa tăng 9,2%/năm); năm 2015 đón 19,69 triệu lượt khách.

Thủ đô Hà Nội đã đón khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đặc biệt là khách đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao như: Tây Âu, Đông Bắc Á, Úc, Bắc Mỹ và nhiều thị trường khác. Năm 2015, đón 3,26 triệu lượt khách quốc tế (bằng chỉ tiêu dự báo cho năm 2020 tại Quy hoạch Phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030); chiếm 40% số khách quốc tế đến Việt Nam (năm 2010 là 30%).

Mười thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm hàng đầu năm 2015 của Hà Nội lần lượt là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Úc, Mỹ, Pháp, Đài Loan, Đức, Malaysia. Một số thị trường tăng mạnh trong năm 2015, có: Trung Quốc tăng 39%, Hàn Quốc tăng 36,9%, Thái Lan tăng 27,1%; một số thị trường có lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng ở mức trung bình và ổn định như Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ấn Độ, Nga; riêng 2 thị trường Úc và Pháp giảm nhẹ. Có thể nói, số lượng khách quốc tế đến Hà Nội còn thấp so với thủ đô một số nước, bằng khoảng 1/6 lượng khách đến Bangkok, 1/3 đến Singapore và Kuala Lumpur, 1/5 đến Paris, 1/3 đến Tokyo.

Khách nội địa đến Hà Nội chiếm khoảng 28% thị phần khách trong tổng lượng khách đi lại giữa các địa phương trong toàn quốc. Hà Nội là trung tâm phân phối khách chủ yếu của vùng phía Bắc, đặc biệt đối với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Năm 2015, đón 16,43 triệu lượt khách nội địa. Khách nội địa đến Hà Nội để đi du lịch trên địa bàn thành phố và thông qua Hà Nội để đi du lịch ở các tỉnh lân cận như tham quan di tích lịch sử văn hóa; du lịch lễ hội; du lịch hội nghị, hội thảo; thăm thân; du lịch thương mại; nghỉ dưỡng, tham quan danh thắng...

2.2. Tổng thu từ khách du lịch

Tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 15,5%/năm, năm 2015 đạt gần 55.000 tỷ đồng. Song chưa tương xứng với tiềm năng du lịch và vị thế về du lịch của một đô thị trung tâm của quốc gia và có sức hấp dẫn quốc tế. Nếu so sánh về chỉ tiêu tổng doanh thu từ khách du lịch có thể thấy tổng thu từ du lịch mang lại của Hà Nội là con số rất nhỏ so với tổng thu từ khách du lịch của các thành phố Thủ đô nước khác như Tokyo, Bangkok, Singapore, Seoul,…

Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch ở Hà Nội là khách quốc tế ước 110 USD/ngày và khách nội địa ước là 55USD/ngày. Hà Nội đứng thứ 4 trong danh sách những điểm đến rẻ nhất thế giới, xếp sau các thành phố Budapest (Hungary), Tenerife (Tây Ban Nha) và Bangkok (Thái Lan), theo đánh giá của trang web Hoppa chuyên về vận tải hàng không và được đăng tải trên trang Business Insider.

2.3. Nguồn nhân lực du lịch

Tốc độ tăng trưởng trung bình lao động trực tiếp trong ngành Du lịch Hà Nội trong giai đoạn 2011-2015 là 11,5%/năm, cho thấy, du lịch có đóng góp tích cực trong việc tạo việc làm và cải thiện thu nhập của người dân. Năm 2015, số lao động trực tiếp có khoảng 88.000 người, trong đó, khoảng 57.000 lao động làm việc trong cơ sở lưu trú, 9.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, 2.000 lao động làm việc trong các khu, điểm du lịch và hơn 20.000 lao động làm việc trong các cơ sở dịch vụ khác (như nhà hàng, trung tâm hội nghị mua sắm, quán bar ...). Ngoài ra, có khoảng 200.000 lao động gián tiếp tham gia vào các hoạt động có liên quan đến hoạt động du lịch.

2.4. Hệ thống cơ sở lưu trú

Năm 2015, Hà Nội có 2.871 cơ sở lưu trú với 45.769 buồng, chiếm 20,4% tổng số cơ sở lưu trú cả nước, tăng gần 4 lần so với năm 2008 (trong đó khách sạn có 1.050 cơ sở đã thẩm định xếp hạng cho 519 đơn vị với 20.767 buồng; 06 căn hộ du lịch với 1.017 buồng; còn lại là nhà nghỉ với 19.176 buồng); nhiều khách sạn 5 sao có quy mô lớn, thương hiệu đẳng cấp chất lượng cao đi vào hoạt động. Các cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng, tiếp tục tăng nhanh, đủ khả năng đón khách đến Thủ đô và tổ chức được các sự kiện quốc tế lớn.

Hà Nội có 72 khách sạn từ 3-5 sao với 9.844 phòng và 05 căn hộ du lịch cao cấp (trong đó có 1 căn hộ cao cấp đạt chuẩn 5 sao) với 10.778 buồng phòng. Lượng phòng khối khách sạn 3-5 sao Hà Nội cung ứng ra thị trường bằng 55,65% so với TP. Hồ Chí Minh, so với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới thì Hà Nội chỉ đứng ở vị trí khá thấp về lượng cung buồng phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình toàn khối hàng năm ổn định mức 57,8%.

Chất lượng dịch vụ trong các khách sạn, đặc biệt khách sạn 4-5 sao, khách sạn liên doanh khá cao, có cơ sở vật chất, trang thiết bị tiện nghi hiện đại, dịch vụ phong phú, được điều hành bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp, có chiến lược kinh doanh, quảng bá tiếp thị bài bản, chú trọng đào tạo bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giao tiếp, có đủ điều kiện để tổ chức các hội nghị quốc tế lớn.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch thủ đô cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng khách; đủ năng lực phục vụ thành công nhiều sự kiện trong nước và quốc tế. Ngoài ra, nhiều khách sạn đã được các tạp chí uy tín của nước ngoài bình chọn và được Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Khách sạn Việt Nam xét tặng danh hiệu khách sạn hàng đầu Việt Nam, nổi bật là khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội nằm trong danh sách khách sạn hàng đầu thế giới do Tạp chí Travel&Leisure Hoa Kỳ bình chọn.

2.5. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch

Các sản phẩm du lịch tại Hà Nội cũng tương đối đa dạng và được khách du lịch nước ngoài quan tâm, yêu thích. Từ sản phẩm du lịch đặc trưng và là thế mạnh của Hà Nội như du lịch văn hóa, ngành Du lịch Hà Nội thiết kế những tour thăm quan di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa, Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam, làng cổ Đường Lâm; tham quan những tuyến phố cổ với công trình kiến trúc Pháp điển hình hay chương trình tham quan làng nghề truyền thống nổi tiếng: làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng mây tre Phú Vinh, làng khảm trai Chuyên Mỹ… Các du khách cũng rất ấn tượng và thích thú với những chương trình nghệ thuật truyền thống như ca trù, múa rối nước, chèo; cũng như ẩm thực của Việt Nam. Ngoài ra, Hà Nội còn là thành phố hàng đầu Việt Nam để tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn nên ngành Du lịch cũng đầu tư khai thác và quảng bá du lịch MICE phòng họp có trang bị kỹ thuật, máy móc hiện đại, đồng bộ kết hợp với các tour du lịch ngắn ngày. Cùng với đó là những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí, thể thao hay du lịch nông nghiệp và trang trại cũng là sự lựa chọn hấp dẫn cho du khách đến thăm thủ đô có thêm sự lựa chọn.

3. Thách thức đối với nhà quản lý trong phát triển du lịch bền vững ở Hà Nội

Sự gia tăng cơ sở lưu trú góp phần đáp ứng khả năng đón khách đến thủ đô và tổ chức được các sự kiện quốc tế lớn. Tuy nhiên, chính sự phát triển nóng này dẫn đến tình trạng không kiểm soát được việc nâng giá phòng, phân biệt giá đối với khách nước ngoài và khách trong nước cũng như các tiêu chuẩn, điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực không tương xứng với số sao đã được Tổng cục Du lịch công nhận. Số lượng trong năm 2016, từ đầu đợt tổng thanh kiểm tra, đánh giá hạng sao do Tổng cục Du lịch tiến hành trên toàn quốc tới nay, đã có hàng chục khách sạn bị thu hồi hạng sao, trong đó chủ yếu là các khách sạn 3 sao. Đặc điểm chung của những cơ sở lưu trú này là đều được xây dựng và đưa vào hoạt động từ lâu, cơ sở hạ tầng vật chất xuống cấp nhưng không được duy tu sửa chữa, thay mới tương xứng với hạng sao được cấp. Ở những nơi tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài như trung tâm phố cổ Hà Nội, do hạn chế về không gian nên chủ yếu là các khách sạn, nhà nghỉ quy mô nhỏ nhưng giá cao. Điều này gây ảnh hưởng xấu về du lịch Hà Nội với du khách nước ngoài, giảm sự lưu trú và việc quay trở lại của khách.

- Về sản phẩm du lịch, Hà Nội còn thiếu đặc sắc, trùng lặp, thiếu quy chuẩn, chất lượng chưa cao, thiếu những sản phẩm chủ lực, mang bản sắc của Hà Nội. Các sản phẩm du lịch vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của du lịch thủ đô, đặc biệt là du lịch văn hóa, làng nghề, làng cổ. Hà Nội còn thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch. Dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu về số lượng, đơn điệu về thể loại và chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu của khách; các dịch vụ hỗ trợ du lịch chưa đa dạng, chưa hấp dẫn khách; còn thiếu các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại mang tầm cỡ quốc gia và có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Về nguồn nhân lực, là yếu tố chính để tăng chất lượng dịch vụ du lịch nhưng chỉ khoảng 70% lực lượng lao động được đào tạo chuyên môn, trong đó chỉ khoảng 15% số lao động có trình độ đại học và trên đại học (theo Báo cáo số 52/BC-SDL của Sở Du lịch - UBND Thành phố Hà Nội). Nhìn chung, nguồn nhân lực trong các cơ sở lưu trú du lịch Hà Nội thời gian qua cần có những bước thích ứng với hội nhập. Tại các khách sạn vừa và nhỏ, tiêu chuẩn dịch vụ vẫn chưa đáp ứng với thực tế, nhất là ngoại ngữ chưa theo kịp với các hoạt động du lịch ngày một đa dạng.

Sự phát triển du lịch kéo theo phương tiện giao thông vận tải chuyên chở khách gia tăng. Trên địa bàn thành phố đã có hơn 100 công ty taxi với hơn 17.000 đầu xe thường xuyên hoạt động, 76 doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải khách du lịch, trong đó: 70 DN vận chuyển khách bằng ô tô, 4 DN vận chuyển xích lô và 02 DN vận chuyển khách bằng xe điện. Như vậy, lượng khí thải ra môi trường của những phương tiện giao thông này khiến cho mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng lên, gây ra tình trạng ô nhiễm khí thải, ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sống. Cùng với ô nhiễm khí thải từ phương tiện giao thông, số lượng khách du lịch tăng lên cũng kéo theo sự gia tăng rác thải ở Hà Nội.

Một thách thức nữa với du lịch là sự nâng giá vô lý với khách du lịch nước ngoài của một bộ phận bán hàng, tình trạng lừa đảo, móc túi, chèo kéo khách mua hàng, cướp giật làm xấu đi bộ mặt của du lịch Hà Nội, khiến du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trở nên kém hấp dẫn hơn, gây ác cảm với khách du lịch và giảm tỷ lệ khách quay lại Hà Nội.

4. Một số khuyến nghị để phát triển du lịch bền vững tại Hà Nội

Để phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn trong cả nước, cũng như phát huy hết tiềm lực du lịch của Hà Nội, các cơ quan quản lý cần giải quyết những vấn đề sau:

* Để giải quyết vấn đề về cơ sở lưu trú, Hà Nội cần có sự quản lý về cơ sở lưu trú, kiểm tra chặt chẽ những cở sở kinh doanh lưu trú xem có đạt điều kiện tiêu chuẩn. Với những khách sạn không đạt tiêu chuẩn như đã đăng ký số sao, cần có biện pháp mạnh như thu hồi sao.

* Về các sản phẩm du lịch, Hà Nội cần đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng cho địa phương và quốc gia, sản phẩm truyền thống của các làng nghề và quy hoạch nhiều cơ sở kinh doanh những sản phẩm du lịch một cách chuyên nghiệp, đầy đủ để kích thích khách du lịch mua sắm sản phẩm. Các nhà quản lý cũng tiếp tục khuyến khích nhà đầu tư xây dựng phát triển khu du lịch, các dịch vụ giải trí du lịch, kết hợp tuyên truyền về phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, để các nhà đầu tư ý thức trong việc xây dựng khu du lịch mà bảo tồn hệ sinh thái cũng như môi trường, di tích văn hóa, lịch sử.

* Hà Nội cần nâng cao chất lượng nhân lực du lịch trong bối cảnh Việt Nam và Hà Nội hội nhập sâu rộng khi tham gia AEC, TPP, tiến tới là các hiệp định thương mại khác (với Hàn Quốc, EU, liên minh thuế quan Nga -Belarus -Kazakstan...). Các cơ sở đào tạo du lịch cần chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang hoạt động trong ngành Du lịch là vô cùng cấp thiết. Đối với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng và các điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ và sản phẩm du lịch, cần nâng cao chuyên môn, thái độ phục vụ, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cũng cần đào tạo khả năng quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý cao cấp.

* Để tạo ra một môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho khách du lịch trong nước và quốc tế, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm những hành vi bán hàng rong, chèo kéo, chặt chém khách du lịch, cướp giật, đặc biệt ở những nơi tập trung nhiều khách du lịch.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, du lịch Hà Nội còn bộc lộ nhiều hạn chế trước những tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, không thể phủ nhận Hà Nội là một điểm đến tiềm năng với nhiều lợi thế về tự nhiên, văn hóa, lịch sử được coi là một đầu tàu để phát triển du lịch phía Bắc cũng như trong cả nước. Nếu giải quyết dứt điểm những tồn tại tiêu cực hiện nay, du lịch thủ đô hoàn toàn phát triển xứng đáng với tiềm năng vốn có, mang lại lợi ích kinh tế lớn không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Môi trường và phát triển bền vững (2009), Nguyễn Đình Hòe, Nhà xuất bản Giáo dục.

2. Các khái niệm về du lịch bền vững, National Marine Sanctuaries.

3. Cục Thống kê Hà Nội, Niên giám thống kê các năm từ 2011-2015. Hà Nội.

4. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, Các báo cáo về phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015.

5. http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/huong-dan-vien-du-lich-kem-ca-chat-lan-luong/1098669/

6. Nghị quyết số 06 - NQ/TU “Về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”.

7. International Ecotourism Society, 2004.

ANALYZING THE DEVELOPMENT OF SUSTAINABLE TOURISM
OF HANOI IN THE CONTEXT OF INTEGRATION

Master. PHAM THI THANH HUYEN

Ph.D. NGO TUAN ANH

National Economics University

ABSTRACT:

Hanoi plays an important part in Vietnams tourism development when tourism is considered one of key economic sectors of Vietnam. This study identifies potential for development of Hanois tourism. The study also points out challenges that Hanois tourism has to face.

Keywords: Tourism, Hanoi, tourism development, sustainable tourism, integration.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây