TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thành tựu về đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào). Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác ĐTBD nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch ở nước CHDCND Lào trong giai đoạn tới.
Từ khóa: nhân tố con người, đào tạo, bồi dưỡng, du lịch, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
1. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch ở CHDCND Lào
Những năm qua, công tác ĐTBD nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch ở nước CHDCND Lào đã đạt được một số kết quả quan trọng.
1.1. Về công tác đào tạo
- Đào tạo nghề du lịch: xuất phát từ sự phát triển của ngành Kinh tế du lịch, nước CHDCND Lào đã quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch. Trong Chiến lược du lịch Lào giai đoạn 2006 - 2020, đã khuyến khích các học sinh hết cấp 3 và thanh niên tham gia vào các trường dạy nghề ở trung ương và địa phương. Nhờ đó, trung bình hàng năm, nước CHDCND Lào có gần 20.000 nguồn nhân lực tốt nghiệp các chương trình dạy nghề mà chủ yếu là từ các chương trình đào tạo nghề nghiệp trong 3 lĩnh vực: du lịch, dịch vụ khách sạn và nấu ăn. Các chương trình đào tạo này sẽ cung cấp cho các sinh viên kiến thức, kỹ năng và thực hành thực tế nhằm nâng cao khả năng khi tham gia vào nền kinh tế du lịch.
- Đào tạo hướng dẫn viên du lịch: những năm qua, Chính phủ nước CHDCND Lào đã tạo mọi điều kiện để Viện Truyền thông, Văn hóa và Du lịch, Đại học Quốc gia Lào, các Bộ, cùng với sự phối hợp với các nước để thực hiện Chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch quốc gia. Nhờ đó, đã có 1.366 người đã hoàn thành chương trình chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khung ASEAN đề ra. Nội dung chương trình được xây dựng phù hợp với bối cảnh của du lịch tại các tỉnh cũng như Chiến lược 3 xây (samxang), đồng thời, tập trung vào việc làm rõ đạo đức nghề nghiệp, khơi dậy đam mê, tình yêu với công việc trong ngành Kinh tế du lịch.
- Đào tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp: xuất phát từ sự gia tăng số lượng du khách quốc tế đến thăm Lào, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch phối hợp với Viện Truyền thông đại chúng, Văn hóa và Du lịch đã phát động chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch nhằm mục đích bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, khả năng cho nguồn nhân lực chất lượng của các doanh nghiệp, qua đó giúp các doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch tiếp cận thị trường du lịch quốc tế tốt hơn và cách điều chỉnh các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch quốc tế.
- Đào tạo cán bộ cán bộ trong lĩnh vực du lịch: để giúp ngành Kinh tế du lịch của đất nước ngày càng phát triển, đòi hỏi các cán bộ quản lý cũng cần phải có trình độ, năng lực phù hợp với thực tế. Hàng năm, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch đều cử cán bộ đi đào tạo ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức về ngành Kinh tế du lịch. Từ năm 2016 đến nay, đã có 327 cán bộ được cử đi đào tạo, trong đó có 213 người được đào tạo trong nước, 114 người được đào tạo tại nước ngoài ở tất cả các bậc học từ cao đẳng đến tiến sĩ, trong số đó, đã cử đi đào tạo tiến sĩ có 33 người, thạc sĩ: 129 người, đại học: 155 người và cao đẳng: 10 người.
1.2. Về công tác bồi dưỡng
- Bồi dưỡng người lao động trong các lĩnh vực: ngành Du lịch là ngành mang đặc điểm tổng hợp, liên ngành, cũng như có sự tác động gián tiếp đối với các ngành khác. Để thúc đẩy kinh tế du lịch, đòi hỏi cần phải coi trọng công tác bồi dưỡng người lao động trong ngành Du lịch - Dịch vụ nói riêng cũng như các ngành khác nói chung. Từ năm 2013, số lượng người lao động được bồi dưỡng của ngành Du lịch - Dịch vụ luôn nhiều nhất cả nước và đạt tổng số 198.458 lao động với 108.779 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 43,65%. Bên cạnh đó, ngành Công nghiệp cũng có 123.506 lao động với 52.918 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 27,2% và ngành nông nghiệp có 132.624 lao động với 60.622 lao động nữ.
- Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên du lịch: đội ngũ giảng viên du lịch có vai trò quan trọng trong việc ĐTBD cũng như phát huy nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch thông qua hoạt động giảng dạy, hướng dẫn thực tiễn đối với các sinh viên. Hàng năm, Chương trình bồi dưỡng 4 tuần thực tế tại Học viện Du lịch và Khách sạn Quốc gia Lào (LANITH) đã cung cấp khóa bồi dưỡng cho 32 giáo viên du lịch và khách sạn từ 17 trường dạy nghề và cao đẳng đào tạo phát triển kỹ năng chuyên sâu về du lịch. Thông qua chương trình, các giáo viên được trang bị các kỹ năng cần thiết về lý luận và thực tiễn để nâng cao chất lượng giảng dạy về các chương trình du lịch và khách sạn, giúp thu hẹp khoảng cách giữa thực tiễn giảng dạy hiện tại và tiêu chuẩn năng lực chung của ASEAN cho các giảng viên du lịch.
Mặt khác, với nỗ lực nhằm thúc đẩy kinh tế du lịch theo định hướng của Chính phủ nước CHDCND Lào, những năm qua, Viện Truyền thông, Văn hóa và Du lịch Lào đã đẩy mạnh bồi dưỡng giảng viên du lịch để thúc đẩy và phát triển tính chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp khách sạn và du lịch thông qua Chương trình bồi dưỡng hướng dẫn viên viên du lịch quốc gia ASEAN cho dịch vụ khách sạn và du lịch. Chương trình bồi dưỡng được thực hiện từ năm 2012 kéo dài 10 ngày với 80 giảng viên tham dự hàng năm - đại diện cho các trường dạy nghề, Trung tâm phát triển kỹ năng và Viện phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Lào. Qua chương trình, sẽ giúp chuẩn hóa các năng lực chuyên nghiệp cho những giảng viên trong ngành Du lịch, nâng cấp các kỹ năng chuyên môn của các giảng viên và chuyên gia đánh giá du lịch ASEAN, trang bị cho họ các kỹ năng và kiến thức để chuẩn hóa các dịch vụ theo tiêu chuẩn toàn cầu. Đây sẽ là một cột mốc quan trọng để CHDCND Lào hội nhập vào ASEAN và sẽ tiếp tục là nhân tố chính giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch trong nước.
Bên cạnh đó, để có được nguồn nhân lực mạnh, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ Giáo dục, đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng quản lý du lịch, khách sạn cho giảng viên trên cả nước, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của lực lượng lao động nhờ việc tiếp tục triển khai đào tạo nối tiếp từ các giảng viên với tỷ lệ 1:3 - tức 1 giảng viên được bồi dưỡng sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho 3 giảng viên khác thông qua một loạt Hội thảo chia sẻ sau đó. Trong đó, các giảng viên sẽ được bồi dưỡng kiến thức lý thuyết tại Lào và thực hành tại Singapore. Nhờ đó, đã bồi dưỡng kỹ năng thành công cho 120 giảng viên chính và 300 giảng viên khác đã được bồi dưỡng gián tiếp thông qua các Hội thảo chia sẻ.
Về bồi dưỡng nguồn lực cho các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch tỉnh: những năm qua, nước CHDCND Lào đã triển khai Dự án Kỹ năng cho du lịch, đây là một trong những hoạt động bồi dưỡng hàng năm quy mô lớn nhất hiện nay của CHDCND Lào giành cho nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp hoạt động kinh tế du lịch. Dự án có mục tiêu thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững và toàn diện của ngành Du lịch và Khách sạn, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, cung cấp giáo dục và phát triển kỹ năng nghề du lịch và khách sạn được cải thiện và mở rộng, bao gồm cả những người có hoàn cảnh khó khăn, để họ có thể tìm được việc làm thành công hoặc theo đuổi các nghiên cứu sâu hơn về du lịch và khách sạn. Ngoài ra, dự án cũng tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và các chương trình phát triển kỹ năng trong du lịch và khách sạn bằng cách mở rộng quy mô và sự đa dạng của các chương trình hỗ trợ môi trường quản trị, thể chế và quy định cho phép giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng trong các lĩnh vực du lịch và khách sạn. Qua các dự án này, đã có 1.700 nhân viên từ 700 doanh nghiệp, trong đó 47% là nữ của 8 hiệp hội khách sạn và nhà hàng của tỉnh đã được cải thiện kỹ năng.
- Bồi dưỡng nhân sự ngành Du lịch: Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cũng đã coi trọng công tác bồi dưỡng kiến thức cho các nhân viên về các lĩnh vực khác nhau như truyền thông du lịch, kinh tế du lịch, đào tạo nhân sự, tiếng Anh, tiếp thị du lịch, dịch vụ và an toàn thực phẩm, nhân cách và kỹ năng giao tiếp, nghi thức và trang trí, cũng như bồi dưỡng qua các hội thảo trong và ngoài nước với 210 lần cùng với 7.950 nhân viên được tham gia trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, nhiều nhất là hoạt động bồi dưỡng nhân sự với 85 lần với 4.250 nhân viên tham gia; hoạt động dịch vụ an toàn thực phẩm với 50 lần và 1.000 nhân viên tham gia; các lĩnh vực khác có trung bình 10 lần với 300 nhân viên tham gia.
- Bồi dưỡng cán bộ quản lý du lịch: song hành với đào tạo cán bộ, những năm qua, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ, nhờ đó đã có 105 khóa bồi dưỡng với 4.725 cán bộ của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào ở trung ương và địa phương được tham gia bồi dưỡng về các chuyên môn như chính trị - hành chính, báo chí, truyền thông, quản lý văn hóa và quản lý du lịch, qua đó giúp cho các cán bộ có được kiến thức, kỹ năng, cũng như đóng góp nhiều hơn đến quá trình phát triển kinh tế du lịch trong nước CHDCND Lào.
2. Một số hạn chế
- Phương pháp đào tạo, giảng dạy trong những cơ sở đào tạo còn chưa bắt kịp với thế giới, sinh viên khi tốt nghiệp trình độ ngoại ngữ còn kém, thiếu nhiều kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng giao tiếp vẫn còn chưa đạt chuẩn theo quy định của các nước cũng như các tổ chức du lịch quốc tế đòi hỏi. Ngoài ra, việc đào tạo hướng dẫn viên du lịch quốc gia đã được thực hiện với nhiều khóa, tuy nhiên với thời gian cũng như nội dung còn chưa được chú trọng để giúp cho các hướng dẫn viên có được kiến thức chuyên sâu, bài bản hơn về văn hóa, lịch sử cũng như con người Lào, do vậy việc hướng dẫn, giải thích đối với du khách còn chưa hiệu quả. Đồng thời, sự phân bố lao động giữa các lĩnh vực, vùng miền cũng chưa phù hợp; số lao động tại các doanh nghiệp cần có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu, vừa yếu. Công tác đào tạo cán bộ cán bộ trong lĩnh vực du lịch tại các địa phương cũng chưa thật sự được coi trọng cho phù hợp với nhu cầu của công tác quản lý, với sự phát triển của xã hội, nhất là thời đại của nền công nghệ 4.0.
- Công tác bồi dưỡng người lao động trong các lĩnh vực, bồi dưỡng nguồn lực cho các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch tỉnh chưa thực sự đạt được hiệu quả. Nội dung chương trình, thời gian cũng như các đối tượng tham gia bồi dưỡng còn chưa thực sự chủ động, tích cực trong quá trình bồi dưỡng. Mặt khác, công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên du lịch cũng chưa giúp cho các giảng viên có sự thay đổi lớn về kiến thức, phương pháp cũng như kinh nghiệm thực tiễn để giúp nâng cao khả năng truyền thụ kiến thức cho người học tại các trường đại học, các trường nghề.
Ngoài ra, việc bồi dưỡng nhân sự ngành Du lịch cũng như bồi dưỡng cán bộ quản lý du lịch tuy đã được thực hiện nhưng chủ yếu tập trung vào cấp trung ương, các địa phương nổi tiếng về du lịch, chưa chú trọng đến các địa phương có tiềm năng chưa được khai thác. Do đó, chưa tác động nhiều để giúp công tác quản lý phát triển nguồn nhân lực nói riêng, cũng như phát triển kinh tế du lịch tại các địa phương đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do:
Một là, xuất phát từ nhận thức, hành động của các cấp, đơn vị lao động. Mặc dù các cấp, các ngành đã nhận thức được công tác ĐTBD có vai trò quan trọng nhằm phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch, tuy nhiên, vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng về việc tổ chức thực hiện ĐTBD đội ngũ lao động trong ngành Du lịch - Dịch vụ.
Hai là, xuất phát từ hệ thống giáo dục - đào tạo còn chưa bắt kịp với yêu cầu thực tiễn. Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế du lịch còn chưa gắn chặt với thực tế cũng như phần nào còn chưa đáp ứng, bám sát theo nhu cầu của thị trường. Nội dung đào tạo chủ yếu tập trung vào lý thuyết, tỷ lệ thực hành tuy đã được chú trọng nhưng vẫn còn chưa đáp ứng đúng với yêu cầu để nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực. Cơ sở vật chất của các hệ thống giáo dục chưa đồng bộ, trường học và các trang thiết bị giáo dục phục vụ cho quá trình dạy - học còn thiếu, hoặc có nhưng rất cũ, do vậy không đáp ứng được chương trình dạy - học theo hệ thống giáo dục hiện đại để đào tạo nhân tố con người.
Ba là, huy động đầu tư phát triển cơ sở ĐTBD nghề. Trong giai đoạn hiện nay, điều cần thiết đối với ngành Kinh tế du lịch của Lào đó là phát triển các kỹ năng của những người trẻ tuổi và tạo việc làm với thu nhập ổn định cho mỗi người. Để làm được điều này, đòi hỏi hệ thống ĐTBD cần được quy hoạch, xây dựng và hoạt động một cách đồng bộ, có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, thời gian qua, việc huy động nguồn lực công và tư để phát triển số lượng và chất lượng của nhân tố con người còn hạn chế. Việc huy động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên, chuyên gia còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Chính quyền các cấp, ban, ngành chưa có chủ trương, chính sách phù hợp để sử dụng lao động tốt nghiệp ra trường.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ĐTBD nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch ở CHDCND Lào
Công tác ĐTBD nhân tố con người là một trong những yếu tố tác động rất lớn đến phát triển kinh tế du lịch. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác ĐTBD nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch ở CHDCND Lào, đòi hỏi cần coi trọng các giải pháp sau đây:
Một là, xây dựng được nền tảng vững chắc cho ngành Kinh tế du lịch đòi hỏi nước CHDCND Lào cần phải thực hiện tốt hơn việc truyền thông, định hướng, cũng như tổ chức các hoạt động dạy học kết hợp với dạy nghề về du lịch tại các trường trung học để giúp cho các học sinh cuối cấp có thể nhận thức cũng như định hướng được con đường mà mình sẽ lựa chọn. Ngoài ra, đối với các học viện, các trường dạy nghề cần cung cấp nội dung thiết thực, đa dạng hơn, chất lượng hơn cho người học, nhất là đối tượng thành niên. Bên cạnh đó, những khóa đào tạo nghề này cần có sự định hướng rõ ràng để có thể tập trung đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực phục vụ cho các loại hình phát triển kinh tế du lịch khác nhau để qua đó tăng cường hợp tác với các đơn vị phát triển kinh tế du lịch nhằm chấp nhận cho người học có thời gian thực tập dài hạn theo nhiều đợt nhằm gắn các kiến thức đã học vào thực tiễn làm việc. Có như vậy, hiệu quả đào tạo nghề về kinh tế du lịch mới có thể đạt được cũng như giúp cho người học thấy được những yêu cầu, khả năng, đòi hỏi, xu hướng, cơ hội để không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, kỹ năng của bản thân.
Mặt khác, nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch có được phát huy hết khả năng hay không phụ thuộc vào nội dung chương trình giảng dạy. Do vậy, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục điều chỉnh chương trình giảng dạy theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như theo các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, nội dung đào tạo cũng cần hướng đến đào tạo thể lực, trí lực, tâm lực một cách đầy đủ và gắn chặt với nhau để xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế du lịch.
Đặc biệt, để phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch, cần coi trọng cũng như thúc đẩy việc liên kết tiến hành đào tạo nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, giúp khắc phục được tính tự phát trong đào tạo nguồn lực con người bắt nguồn từ nhu cầu riêng của từng doanh nghiệp phát triển du lịch mà hướng đến quá trình liên kết trong quá trình đào tạo nguồn lực con người phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch giữa Nhà nước với hệ thống đào tạo, cũng như nhà sử dụng lao động.
Hai là, để ngành Kinh tế du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, điều kiện, đòi hỏi cần phải coi trọng công tác bồi dưỡng để qua đó trang bị kiến thức, kỹ năng cho nguồn nhân lực để tăng khả năng cạnh tranh trong môi trường du lịch đầy biến động hiện tại. Trong đó, những kiến thức bồi dưỡng cần hướng đến đối với nguồn nhân lực phục vụ du lịch bao gồm nội dung về quản lý nhà trước, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp thuyết minh, ngoại ngữ cũng như đạo đức trong nghề du lịch nói riêng cũng như theo các kỹ năng chung của tiêu chuẩn nghề nghiệp và yêu cầu của từng khu vực du lịch. Mặt khác, công tác bồi dưỡng cần tổ chức nhiều hơn các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, để qua đó nâng cao chất lượng hiệu quả của mục tiêu phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch. Trong đó, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch cần khuyến khích các tổ chức kinh doanh du lịch coi trọng việc tự tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ nguồn nhân lực của mình, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp du lịch có các chương trình đào tạo cho đội ngũ nhân lực, để qua đó tham gia vào công tác xã hội hóa bồi dưỡng với những cơ chế hỗ trợ đủ để các chủ thể có thể yên tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.
Đồng thời, với thế mạnh về địa hình, sự mến khách, phong cảnh gắn với thiên nhiên còn chưa bị tác động nhiều bởi con người, trong thời gian tới, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với thiên nhiên ở nước CHDCND Lào được cho là sẽ có bước phát triển nhanh chóng. Nguồn nhân lực tham gia vào phát triển kinh tế du lịch sẽ không chỉ là những người được đào tạo bài bản mà có thể chính là những người dân trong các khu du lịch. Do vậy, công tác bồi dưỡng cũng cần coi trọng việc bồi dưỡng về du lịch, loại hình du lịch lưu trú, an ninh an toàn du lịch, vấn đề phục vụ ẩm thực truyền thống, quảng bá tiếp thị văn hóa truyền thống và quản lý tài chính trong hoạt động du lịch. Qua các hoạt động bồi dưỡng này giúp cho những người tham gia có thể có kiến thức để đánh giá được thế mạnh cũng như triển khai các hoạt động kinh tế du lịch hiệu quả.
Ba là, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong ĐTBD về du lịch với các nước thành viên ASEAN. Bắt nguồn từ mối quan hệ cộng sinh trong quá trình phát triển du lịch giữa nước CHDCND Lào với các nước láng giềng cũng như các nước trong khu vực đã đặt ra những đòi hỏi trong việc phối hợp với các quốc gia thành viên của ASEAN trong ĐTBD về du lịch, để qua đó đổi mới hệ thống ĐTBD và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong khu vực ASEAN. Qua đó, hướng đến mục tiêu nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch ở nước CHDCND Lào, ngoài số lượng đảm bảo còn khẳng định được chất lượng, tính chuyên nghiệp, để đủ sức cạnh tranh cũng như thúc đẩy vào quá trình hội nhập du lịch trong khu vực.
Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế trong ĐTBD về du lịch với các nước thành viên ASEAN cũng đòi hỏi cần tiến hành việc đánh giá các vấn đề phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch được thực hiện tốt hơn, nhằm giúp nước CHDCND Lào hội nhập cũng như thu được những lợi ích từ Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đồng thời qua đó cũng giúp tiếp cận tốt hơn với các nghiên cứu, thực trạng và nhu cầu, xu hướng phát triển kinh tế du lịch, qua đó để nước CHDCND Lào có thể xây dựng được những dự thảo chính sách về phát triển kinh tế du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo những đặc điểm riêng biệt mà các doanh nghiệp hướng đến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Feature Desk (2020). Ministry to advance human resources for national development. Vientiane Times, 59, 12.
- Times Reporters (2019). 66 more tour guides join ranks of professionals. Vientiane Times, 2
- Times Reporters (2020). Tourism businesses get lessons on ways to attract Chinese visitors. Vientiane Times, 02, 2.
- Times Reporters (2019). Tourism, hospitality teachers get lessons in restaurant operations. Vientiane Times.
- Phetphoxay Sengpaseuth (2019). Trainers get lessons in tourism management, hospitality. Vientiane Times, 6.
- Viengdavanh Banphahaksa (2019). 1,025 people undergo training in hospitality, tourism. Vientiane Times, 276,
- Lao’s Ministry of Planning and Investment (2016). 8th five-year national socioeconomic development plan (2016-2020) (Officially approved at the VIIIth National Assembly’s Inaugural Session, 20-23 April 2016. Vientiane, 31.
TRAINING AND FOSTERING HUMAN RESOURCES IN THE TOURISM ECONOMIC DEVELOPMENT OF LAO PDR
Ph.D’s student Khampheth Sengsoulattana
Ho Chi Minh National Academy of Politics
ABSTRACT:
This paper analyzes achievements of Lao People's Democratic Republic (Lao PDR) in training and fostering human resources in the tourism economic development. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the effectiveness of human resources training in the tourism economic development of Lao PDR in the coming time.
Keywords: human factors, training, fostering, tourism, Lao People's Democratic Republic.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 16, tháng 6 năm 2021]