Ngoài những vướng mắc về giải tỏa đền bù thì có rất nhiều khâu chậm trễ do cách làm ăn tắc trách, thiếu trách nhiệm của các sở ngành có liên quan. Một trong những nguyên nhân chính đưa đến việc chậm trễ nữa là chuyện chủ đầu tư không có năng lực.

Ngay việc lập dự án, các doanh nghiệp (DN) có rất nhiều sai sót do điều tra khảo sát không đầy đủ, nhiều dự án phải điều chỉnh tới lui hết năm này qua năm nọ. Các DN đăng ký dự án thì nhiều, nhưng khi kiểm tra lại mới biết không có khả năng thực hiện...

Tìm một nơi chốn an cư: Giấc mơ của người dân… khu quy hoạch!

Thị trường nhà đất đóng băng vì dòng chuyển động cung cầu nhà đất chựng hẳn lại. Không phải do lệch cán cân cung – cầu, trái lại, trong nhiều lý do thì nguyên nhân chính lại thuộc về… ngành quản lý.

Trong buổi làm việc mới đây giữa HĐND TP.HCM và một số ban ngành, chung cư cù lao Chà được xem như một “nỗi hổ thẹn” của TP.HCM. “Dù bất cứ nguyên nhân gì mà thu hồi đất, đẩy dân sang nhà tạm cư tồi tàn đều không thể chấp nhận được. Chung cư còn chậm ngày nào, chúng ta còn có tội với dân ngày đó” - bà Phạm Phương Thảo, chủ tịch HĐND TP.HCM, nói.

Bà Thảo có căn cứ: Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay đã có khoảng 65 dự án xây dựng nhà tái định cư với tổng số 28.907 căn. Thế nhưng, phần lớn đều đang xây dựng hoặc mới nằm trên... giấy. Thậm chí ngay cả thông tin cho biết trong năm 2006 sẽ có 20 dự án với trên 5.500 căn được cho là sẽ hoàn thành, thì qua đợt khảo sát vừa qua của HĐND cho thấy khả năng có... chỉ một dự án hoàn thành!.

Một người dân ở một quận ven TP.HCM kể: “Bỗng dưng cả khu vực được qui hoạch thành khu công nghiệp, mọi chuyển nhượng đất bị ngưng, rồi thì giải tỏa, đền bù “theo thỏa thuận”. Song thỏa thuận gì nữa khi mà khu vực đó đã bị qui hoạch thành khu công nghiệp, bán cho ai được nữa, ngoại trừ cho chủ dự án? Tất cả như đàn cá vào rọ. Sau giải tỏa, dự án khu công nghiệp đó biến thành khu nhà ở, khu biệt thự... Giá trị đất khi giải tỏa tính bằng đơn vị trăm ngàn đồng/m2, thậm chí chục ngàn đồng, vài năm sau khi dự án biến dạng phải tính bằng đơn vị chục triệu đồng/m2".

Trong những trường hợp đó ai hưởng lợi?

Không chỉ vậy. Một trong số hàng trăm hộ dân đang sống mòn mỏi trong các dãy nhà tạm cư của các hộ dân bị giải tỏa để xây dựng đại lộ Đông - Tây ở phường An Phú, Quận 2, bức xúc: “Hồi đó, hộ dân nào mà không chịu giải tỏa đều bị chính quyền cưỡng chế. Lúc mua nền nhà, nếu chúng tôi chậm thanh toán thì cũng bị phạt lãi suất đến 1,5%/tháng. Vậy mà mấy năm nay, trong khi vật giá và giá vàng tăng vèo vèo mà họ vẫn chưa chịu giao nền nhà như hợp đồng”.

Theo số liệu do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 2 đưa ra, hiện tổng nhu cầu tái định cư trên địa bàn Quận là 14.061 căn hộ chung cư và 3.303 nền đất. Cho đến thời điểm hiện tại, Quận cũng mới chỉ bố trí 70 nền đất (đạt tỉ lệ... 2,2%) và 473 căn hộ (đạt 3,4%)!. Việc tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa đối với các dự án thuộc vốn ngân sách nhà nước phần lớn vẫn là... trên giấy. Trong thời gian chờ bố trí tái định cư, UBND Quận bố trí nhà tạm cư hoặc chi tiền tạm cư cho các hộ theo định kỳ sáu tháng/lần...

Ông bà dạy: “An cư – Lạc nghiệp”. Quả là giấc mộng dài của những cư dân thuộc diện… nhà đất bị quy hoạch.

Chưa thuận mua nên không thể vừa bán…

Ghi nhận từ tiếng nói của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea), thì trong chuyện xây dựng nhà tái định cư, không hẳn phần lỗi ở phía DN địa ốc..

“Khó khăn chính vẫn là ở cơ chế xác định giá mua và giá bán căn hộ của TP.HCM chưa hỗ trợ và khuyến khích nhà đầu tư. Nhiều DN ngày càng ngại làm dự án bán nhà tái định cư cho Nhà nước, mà những căn hộ ở chung cư Bàu Cát 2 đã xây xong nhưng vẫn còn để cho muỗi ở là một ví dụ!”. Đại diện Horea nhận xét.

“Chỉ thị 24/2004 xác định việc cần thiết phải tiến hành đầu tư và xây dựng 30.000 căn hộ tái định cư có nói đến việc tạo cơ chế và hỗ trợ, khuyến khích các DN tham gia làm dự án. Nhưng sau đó UBND TP.HCM lại ban hành Quyết định 248/2005 qui định phương thức xác định giá mua giá bán căn hộ chung cư và chuyển nhượng đất ở theo Chỉ thị 24. Theo đó, cách tính giá mua được các tổ công tác chuyên ngành thẩm định và xác định giá trị mua lại chỉ bằng 90% dự toán do chủ đầu tư phê duyệt.

Nhiều DN la làng vì từ lúc phê duyệt cho đến khi hoàn thành dự án bị ảnh hưởng nặng nề bởi trượt giá và lãi vay biến động. Họ cho rằng, nếu Nhà nước mua lại với giá đó họ chỉ có nước... chết. Mặt khác, về tiền sử dụng đất, những DN nhà nước cũng kiến nghị được ghi thu - ghi chi sau khi ký hợp đồng mua bán quĩ nhà với Quĩ phát triển nhà ở TP. Hiện Sở Tài chính đã kiến nghị UBND TP.HCM mua lại nhà chung cư bằng 95% giá dự toán đầu tư ban đầu của nhà đầu tư, bù lãi suất cho DN 28%...

Chỉ hy vọng khi được cởi trói, các DN mới mặn mà đầu tư vào chương trình tái định cư”. Ông Mộng Thế Thuận, chuyên viên Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM cho biết.

Cũng chuyện thuận mua vừa bán, ở đây còn có vấn đề nổi cộm khác mà ai cũng biết, nhưng chưa có cách giải quyết khả thi: Hầu hết các căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp (TNT) lại lọt vào tay người thu nhập cao. 

Đơn cử chuyện hai dãy nhà của người dân ở khu tạm cư cù lao Chà (phường 17, quận Bình Thạnh) được xây lên từ năm 1997. Đầu năm 1998, 27 hộ dân nằm trong diện tái định cư tại chỗ của dự án chung cư cù lao Chà đã chuyển về đó và ăn cái Tết đầu tiên trong chuỗi ngày tháng long đong của mình. 

Ai cũng nghĩ qua đây ở tạm 2-3 năm là được vô ở chung cư mới. Giờ đã gần 9 năm mà chung cư chỉ có mấy cái cọc sắt. Khi phải đối mặt dãy nhà tạm cư thấp lè tè, giữa trưa hè hơi nóng hầm hập từ mái tôn tỏa xuống muốn nghẹt thở và chỉ cần một cơn mưa nhỏ là cả khu lập tức chìm trong nước, nhiều hộ không chịu nổi đã chuyển đi chỗ khác tạm cư, thậm chí bán luôn suất tái định cư của mình để tự tái định cư!.

Thị trường bất động sản “ngủ đông”, còn người dân vẫn đỏ mắt tìm một chốn an cư…?