Là tỉnh miền núi đầu tiên trong 26 tỉnh miền Bắc hoàn thành sớm chương trình "xoá trắng điện" cho 100% xã phường, đến nay, ĐLTQ có quyền tự hào vì đã mang dòng điện thắp sáng ngọn lửa tri thức đến từng thôn bản, mở mang dân trí, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Thành công đó bắt nguồn từ sự giúp đỡ, ủng hộ của Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực 1, UBND Tỉnh, cộng với sự đoàn kết, nhất trí cao giữa ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân ĐLTQ, mà trong đó không thể không nhắc đến vai trò của người "điều binh khiển tướng": Kỹ sư - Giám đốc Tống Đại Hồng.
Với đặc thù là một tỉnh miền núi, kinh tế nghèo nàn, dân cư thưa thớt, các huyện của Tuyên Quang trước 1998 hầu hết đều chưa có điện lưới quốc gia, lưới điện xây dựng tự phát với quy mô nhỏ, không đảm bảo an toàn, các xã vùng sâu, vùng xa không có hy vọng được dùng điện…, nhưng chỉ sau 5 năm, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Hồng cùng tập thể ban lãnh đạo, từ khâu huy động vốn đến các biện pháp tổ chức thực hiện: khảo sát thiết kế, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công, giám sát kỹ thuật, thí nghiệm hiệu chỉnh và nghiệm thu công trình… đều được vận dụng sáng tạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, cũng như sự tham gia nhân lực, vật lực của nhân dân, điện lưới quốc gia đã đến với 145/145 xã phường, nâng số hộ sử dụng điện từ 43,1% lên gần 80%. Nếu như năm 1998, mới chỉ có 486 km đường dây 35-10 kV, 1.564 km đường dây 0,4 kV, 6 trạm trung gian và 210 trạm phân phối thì đến 2002, lưới điện Tuyên Quang đã tăng hơn gấp đôi với 1.243 km đường dây 35-10 kV, 3.616 km đường dây 0,4 kV, 9 trạm trung gian và 476 trạm phân phối. Đây là thành tích đặc biệt nổi bật và cũng là thành công lớn nhất của ĐLTQ những năm qua. Cùng với sự gia tăng của hệ thống lưới điện, công tác kinh doanh điện năng cũng ngày càng phát triển, đến nay sản lượng điện thương phẩm so với năm 1998 tăng gần gấp đôi, từ 55,4 triệu kWh lên 104 triệu kWh (tăng bình quân 16,3%/năm), tương đương, doanh thu cũng tăng từ 33,8 tỷ đồng lên 66,8 tỷ đồng (tăng bình quân 17%/năm). Riêng 6 tháng đầu năm 2003, sản lượng điện đạt trên 56,5 triệu kWh, doanh thu lên tới gần 50 tỷ đồng (102,42% so với kế hoạch); đặc biệt, tỷ lệ tổn thất giảm từ 9,29% xuống còn 7,09%, bình quân giảm 0,23%/năm, giá trị làm lợi tăng doanh thu khoảng 470 triệu đồng. Nếu so với các tỉnh đồng bằng thì những con số trên quả vẫn còn khiêm tốn, song, với một tỉnh miền núi có nhiều xã đặc biệt khó khăn, giao thông hiểm trở, hệ thống điện dàn trải hàng ngàn km, điện năng chủ yếu phục vụ ánh sáng sinh hoạt nông thôn, các đường trục hạ thế và các nhánh rẽ đến nhà dân quá dài, các máy biến áp nhiều thời điểm vận hành non tải gây tổn thất lớn,… mà vẫn đạt được các chỉ tiêu kinh doanh như trên là cả một sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ công nhân viên ĐLTQ.
Không một lời tự bạch về bản thân, cuộc nói chuyện ngắn ngủi non nửa giờ đồng hồ với Giám đốc Hồng chỉ xoay quanh vấn đề quản lý và kinh doanh điện năng, song vẫn khá ấn tượng. Có lẽ chúng tôi bị cuốn hút bởi sự thẳng thắn, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm trong công việc mà không thiếu tính hài hước trong phong cách của ông. Để tìm hiểu thêm về Kỹ sư Tống Đại Hồng, trong thời gian công tác tại Tuyên Quang, chúng tôi đã dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện với nhiều anh em trong đơn vị và được biết, với hai bảy năm kinh nghiệm, đã từng kinh qua các công tác: thiết kế điện, thanh tra kỹ thuật an toàn, Trưởng phòng Kế hoạch, Trưởng phòng Kỹ thuật kiêm Chủ tịch Công đoàn, rồi Phó giám đốc kỹ thuật, và từ năm 1999 là Giám đốc kiêm Bí thư Đảng uỷ ĐLTQ, kỹ sư Tống Đại Hồng thấu hiểu những khó khăn, thuận lợi cũng như trách nhiệm của mỗi vị trí công việc, chính vì vậy, ông cũng là một trong những người đi đầu trong việc triển khai công tác luân chuyển cán bộ của cơ quan đóng trên địa bàn tỉnh. Ông cho rằng, cán bộ đóng vai trò quan trọng nhất trong công tác quản lý, không chỉ bởi nó mang yếu tố quyết định, mà còn vì con người. Đầu năm 2002, hai mươi hai vị trí đã được luân chuyển làm “kinh thiên động địa” trong tỉnh vì chưa có cơ quan nào dám “mạnh tay” như thế. Sau khi thực hiện, hầu hết mọi người đều "tâm phục khẩu phục" vì mỗi vị trí họ được phân công đều dựa trên năng lực, sở trường của bản thân. Không ít người trong số đó đã trưởng thành từ chính những quyết định táo bạo của Giám đốc Hồng, nhiều cán bộ của ĐLTQ đã được Tỉnh uỷ tín nhiệm giao các trọng trách như Giám đốc Sở Công nghiệp, Phó Bí thư Huyện uỷ, Phó chủ tịch UBND huyện... Sau khi hoàn thiện bộ máy, trách nhiệm mỗi phòng ban cũng được phân công rõ ràng, cải tiến lề lối làm việc, giảm bớt các thủ tục hành chính, hạn chế những cuộc hội họp không cần thiết. Việc liên quan đến phòng ban nào mời phòng ban đó lên giải quyết, 1 tháng họp giao ban 1 lần, trao quyền chủ động cho các trưởng, phó phòng... vì vậy, mọi công việc được giải quyết nhanh gọn, nhịp nhàng hơn, tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian. Bên cạnh đó, kỹ sư Hồng cũng hết sức chú trọng công tác đào tạo cán bộ. Từ năm 1998 đến nay đã cử hơn 20 người đi học đại học tại chức; trên 50 người được tập huấn nghiệp vụ; tổ chức bồi huấn, nâng bậc cho 300 lượt công nhân; bổ sung cho các phòng nghiệp vụ và các đơn vị sản xuất trên 30 kỹ sư điện và 60 công nhân kỹ thuật là các đối tượng chính sách và sinh viên đã tốt nghiệp đại học chính quy.
Giám đốc Hồng cũng luôn tìm cách đổi mới công tác chỉ đạo sản xuất, nhằm quản lý các trạm, đường dây một cách an toàn, hiệu quả nhất, hạn chế tối đa những tai nạn, sự cố không đáng có. Ông đã mạnh dạn vận dụng hình thức khoán - một hình thức mà theo ông “cổ lỗ nhưng rất hiệu quả”. Đó là khoán khối lượng công việc quản lý, vận hành và kinh doanh điện năng đến từng người lao động, theo đó “khoán trắng” cho mỗi công nhân phụ trách một đoạn đường dây, trạm biến áp, hoặc quản lý công tơ và thu tiền điện của các hộ, nếu sự cố xảy ra ở đoạn nào, của ai thì người đó hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cách làm này sau một thời gian thực hiện đã thực sự có hiệu quả, các vụ tai nạn và sự cố giảm đáng kể, chấm dứt tình trạng “cha chung không ai khóc” cũng như “gò” lực lượng trước đây làm việc theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” vào khuôn khổ.
Trong hai năm (2000-2001), lưới điện trung áp nông thôn của 51/51 xã (100%) đã được tiếp nhận, hoàn thành trước một năm so với kế hoạch được giao, trong đó có 105,82 km đường dây trung áp và 86 trạm biến áp (chiếm trên 10% khối lượng đường dây và hơn 20% khối lượng trạm biến áp đang quản lý). Đến quý I/2002 đã hoàn trả 4 tỷ 840 triệu đồng vốn lưới điện trung áp. Để làm tốt công tác quản lý điện nông thôn, Giám đốc Hồng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn mở các lớp đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho thợ điện nông thôn. Từ 1998 đến nay đã đào tạo tổng số hơn 600 thợ điện, giúp các ban quản lý điện xã trong toàn tỉnh nâng cao năng lực quản lý điện phục vụ cho các hộ nông dân tại các địa phương. ĐLTQ còn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng địa phương để đẩy mạnh công tác quản lý điện nông thôn, kiểm tra, áp dụng mọi biện pháp để giảm giá bán điện xuống mức quy định của Chính phủ, giúp các xã có giá bán điện cao kiểm định tổng cộng 3.235 công tơ với số tiền hỗ trợ kiểm định gần 26 triệu đồng. Với cách làm tích cực trên, đến nay 100% số xã có giá bán điện đến hộ nông dân dưới 700 đ/kWh. Thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn, Giám đốc Hồng đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh nội dung, phương án và Tỉnh đã đi đến quyết định phê duyệt một mô hình duy nhất là chuyển từ Ban quản lý điện xã sang Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp kinh doanh điện năng (theo luật HTX). Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do 30% số xã chưa có HTX, nhiều xã chỉ có 1 - 2 trạm biến áp, các thành viên trong ban quản lý HTX hầu hết chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật và chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý điện nông thôn, song nhờ sự ủng hộ kiên quyết của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của Sở Công nghiệp và các ban ngành, đến nay ĐLTQ đã chuyển giao và cấp phép đăng ký kinh doanh điện năng cho 54 xã trong tổng số 108 xã phải chuyển giao. Sau mấy tháng triển khai, hoạt động của các HTX đã đi vào nền nếp, thực hiện tốt công tác thu nộp tiền điện, giữ ổn định được giá điện theo quy định. Phấn đấu đến hết tháng 9/2003, Điện lực sẽ hoàn thành chuyển đổi 54 xã còn lại.
Ngoài công tác quản lý, công tác chuyên môn kỹ thuật được Kỹ sư Hồng đặc biệt quan tâm, xây dựng phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật sôi nổi trong toàn đơn vị, trong 5 năm đã có 80 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng. Riêng ông cũng dành khá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và đã có không ít công trình cải tiến kỹ thuật làm tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí. Điển hình là các đề tài nghiên cứu cải tiến: “chế tạo và lắp đặt thành công 11 máy biến áp một pha 35/0,22 kV ở lưới điện 35 kV trung tính cách đất”, tiết kiệm mỗi trạm 50 triệu đồng so với trạm biến áp 3 pha cùng công suất; “vận chuyển máy biến áp và cột điện bê tông cốt thép lên núi cao bằng hệ thống cáp treo, pa lăng, ròng dọc” để thao tác vận chuyển nhẹ nhàng, nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho biết bị, giảm được hàng trăm công lao động; “thay thế loại cột điện bê tông cốt thép 12m bằng loại cột 6m nối mặt bích” để vận chuyển lên vùng cao, giảm được hàng trăm triệu đồng chi phí sửa chữa, mở rộng đường vận chuyển... Trong đó, chuyên đề Máy biến áp 1 pha của ông đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng “Bằng Lao động sáng tạo” năm 2001. Cùng với nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Công nghiệp, EVN, Công ty Điện lực 1 tặng cho cá nhân mình, kỹ sư – Giám đốc Tống Đại Hồng đã làm phong phú và tăng sức thuyết phục cho “bộ sưu tập” khen thưởng của ĐLTQ những năm qua.
Chia tay Tuyên Quang, chia tay những đồi chè bạt ngàn cùng dòng sông Lô đã đi vào lịch sử, chúng tôi thực sự đồng cảm và muốn chia sẻ với Giám đốc Hồng cũng như cán bộ công nhân ĐLTQ những khó khăn vất vả trong mỗi mùa mưa lũ. Phía sau, len lỏi giữa những hàng cột điện nối nhau chạy dài trên sườn núi, lẩn trong lớp bụi mờ, từng đám lá cọ mở tán, xoè rộng, tròn xoay như những chiếc ô của các cô gái H’Mông. Dưới ánh mặt trời, màu xanh của cọ như càng biếc hơn, tươi hơn, tạo một nét rất riêng của vùng rừng núi Tuyên Quang