Phát triển nhiều ngành công nghiệp mới
Dầu khí là tiền đề và là nguồn năng lượng, nguyên liệu chủ yếu và quan trọng để nước ta phát triển thêm nhiều ngành công nghiệp mới với công nghệ tiên tiến, hiện đại để đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp trong những năm 20 của thế kỷ này.
Cùng với việc tăng tốc độ khai thác dầu thô, ngành công nghiệp khí đã hình thành từ năm 1995 và hiện đang phát triển mạnh, đồng thời triển khai xây dựng các công trình chế biến khí, năm 2002 vừa qua đã cung ứng kịp thời cho sản xuất công nghiệp và tiêu dùng của xã hội 147.000 tấn condensate và 349.000 tấn khí hoá lỏng LPG thay hàng nhập khẩu. Đường ống dẫn khí Nam Công Sơn, trong đó có 362 km 2 pha đặt ngầm dưới đáy biển - dài nhất thế giới với công suất 7 tỷ m3/năm vừa hoàn thành cuối năm 2002 là đỉnh cao mới của ngành Công nghiệp Khí Việt Nam. Đây là công trình quan trọng hàng đầu đảm bảo cung ứng an toàn, ổn định lâu dài nguồn nhiên liệu, nguyên liệu cho các nhà máy điện, đạm và hoá dầu ở Phú Mỹ có công suất lớn nhất hiện nay ở Việt Nam.
ở miền Tây Nam bộ, dự án Tổ hợp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đang được khẩn trương thực hiện có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế- xã hội ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hoà nhập trong tương lai vào hệ thống đường ống dẫn khí xuyên các nước Đông Nam á.
 Khí thiên nhiên là nguồn nhiên liệu sạch cho ngành Công nghiệp điện nước nhà, đem lại sản lượng điện chiếm trên 40% tổng sản lượng điện của cả nước với giá thành rẻ thứ 2 sau thuỷ điện. Riêng Trung tâm Điện lực Phú Mỹ có tổng công suất 3.859 MW với công nghệ tiên tiến, hiện đại vào bậc nhất của thế giới sẽ được hoàn thành đồng bộ vào năm 2005. Sau Trung tâm Điện lực Phú Mỹ, các nhà máy điện chạy khí ở Cà Mau, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Nai… đang được triển khai xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2005 đến năm 2010, từng bước tăng thêm đáng kể nguồn điện cho đất nước.
Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã và đang cùng với các đối tác trong và ngoài nước triển khai một loạt dự án xây dựng các nhà máy lọc, hoá dầu để đem lại cho đất nước ngày càng nhiều các loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao, không những đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá nước nhà, mà còn xuất khẩu. Đi đôi với khẩn trương xây dựng để đưa Nhà máy lọc dầu số I ở Dung Quất đi vào hoạt động cuối năm 2005, PetroVietnam đang khẩn trương chuẩn bị dự án lọc hoá dầu số 2 tại Nghi Sơn - Thanh Hoá với công suất giai đoạn đầu 7 triệu tấn/năm gồm hàng chục loại sản phẩm chất lượng cao phù hợp nhu cầu trong nước.
PetroVietnam cũng đang lập các dự án khả thi để triển khai xây dựng 2-3 trung tâm hoá dầu gắn với nguyên liệu từ các nhà máy lọc dầu số 1, số 2 và một trung tâm hóa dầu mới gắn với nguồn nguyên liệu từ khí thiên nhiên ở khu vực Đông Nam bộ. Tổng công ty Hoá chất Việt Nam cũng đang triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than đen (Carbon black) công suất giai đoạn đầu 50.000 tấn/năm đi từ nguồn dầu cặn sau khi lọc, thay hàng  nhập khẩu, với tổng số vốn đầu tư 45 triệu USD.
Tại khu công nghiệp Phú Mỹ, một loạt các dự án nhà máy hoá dầu đầu tiên ở Việt Nam với quy mô tương đối lớn đã và đang được khẩn trương thực hiện. Dự án nhựa PVC Phú Mỹ- liên doanh giữa PetroVietnam và Petronas công suất giai đoạn đầu 100.000 tấn sản phẩm/năm đã chính thức đi vào sản xuất đầu năm nay. Dự án Nhà máy đạm Phú Mỹ công suất giai đoạn đầu 800.000 tấn/năm là dự án hoá dầu lớn nhất Việt Nam tại thời điểm này, dự định đi vào hoạt động trong năm 2004.
Tiềm năng tài nguyên quý hiếm
Dầu khí là nguồn khoáng sản quý hiếm, nhưng không tái tạo. Qua tìm kiếm thăm dò cho đến nay, các tính toán dự báo đã khẳng định tiềm năng dầu khí Việt Nam tập trung chủ yếu ở thềm lục địa, trữ lượng khí thiên nhiên có khả năng nhiều hơn dầu. Với trữ lượng đã được thẩm định, nước ta có khả năng tự đáp ứng được nhu cầu về sản lượng dầu khí trong những thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3.
Tổng tiềm năng dầu khí tại các bể trầm tích: Sông Hồng, Phú Khánh, Nam Côn Sơn, Cửu Long, Malay - Thổ Chu, Vùng Tư Chính - Vũng Mây... đã được xác định tiềm năng và trữ lượng đến thời điểm này là từ 0,9 đến 1,2 tỷ m3 dầu và từ 2.100 đến 2.800 tỷ m3 khí. Trữ lượng đã được xác minh là gần 550 triệu tấn dầu và trên 610 tỷ m3 khí. Trữ lượng khí đã được thẩm  lượng, đang được khai thác và sẵn sàng để phát triển trong thời gian tới vào khoảng 400 tỷ m3. Với các biện pháp đồng bộ, đẩy mạnh công tác tìm kiếm - thăm dò, hy vọng từ 40 đến 60% trữ lượng nguồn khí thiên nhiên của nước ta sẽ được phát hiện đến năm 2010.
Hiện nay, ngành Dầu khí nước ta đang khai thác dầu khí chủ yếu tại 6 khu mỏ bao gồm: Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Hồng Ngọc, Rạng Đông,  Bunga Kekwa - Cái Nước và chuẩn bị chính thức đưa vào khai thác mỏ khí Lan Tây - lô 06.1. Công tác phát triển các mỏ Rạng Đông, Ruby và Emeral, Lan Tây - Lan Đỏ, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Hải Thạch, Rồng Đôi, Kim Long, ác Quỷ, Cá Voi... đang được triển khai tích cực theo chương trình đã đề ra, đảm bảo duy trì và tăng sản lượng khai thác dầu khí cho những năm tới. Dự kiến, mỏ Sư Tử Đen (lô 15-1) sẽ được đưa vào khai thác trong quý 4 năm  nay.
Những phát hiện về dầu khí mới đây ở thềm lục địa miền Nam nước ta rất đáng phấn khởi, tăng thêm niềm tin và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư là: lô 09-2, giếng Cá Ngừ Vàng - 1X, kết quả thử vỉa thu được 330 tấn dầu và 170.000m3 khí/ngày. Lô 16-1, giếng Voi Trắng-1X cho kết quả 420 tấn dầu và 22.000m3 khí/ngày. Lô 15.1, giếng Sư Tử Vàng - 2X cho kết quả 820 tấn dầu và giếng Sư tử Đen - 4X cho kết quả 980 tấn dầu/ngày. Triển khai tìm kiếm thăm dò mở rộng các khu mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng với các giếng R-10, 05-DH-10 cho kết quả 650.000m3 khí/ngày đêm và dòng dầu 180 tấn/ngày đêm; Giếng R-10 khoan tầng móng đã cho kết quả 500.000m3 khí/ngày đêm và 160 tấn Condensate/ngày đêm.
Tính chung, 2 năm đầu thế kỷ mới, ngành Dầu khí nước ta đã thăm dò phát hiện gia tăng thêm trữ lượng trên 70 triệu tấn dầu thô và hàng chục tỷ m3 khí để tăng sản lượng khai thác trong những năm tiếp theo. Năm nay, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam bố trí kế hoạch khai thác 20,86 triệu tấn dầu thô quy đổi (tăng 1,5 triệu tấn so với mức đã thực hiện trong năm 2002). Đây là năm đầu tiên nước ta khai thác trên 20 triệu tấn dầu thô quy đổi. Trong đó có 17,6 triệu tấn dầu thô và 3,7 tỷ m3 khí thiên nhiên. Dự kiến đến năm 2010, ngành Dầu khí nước ta sẽ khai thác từ trên 30 đến 32 triệu tấn dầu thô quy đổi, nhằm đáp ứng các ngành năng lượng và sản xuất công nghiệp của cả nước.